

Hai tuần trước, anh Hai (9 tuổi, lớp 4) đi học về liền xin: “Tối nay ba má cho con coi tranh luận của các ứng cử viên trên TV.” Hai phụ huynh tròn mắt. Anh Hai giải thích: “Lớp con đang chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu phỏng theo cuộc bầu cử tỉnh bang sắp tới.” Phụ huynh ù tai, nhưng cũng phải giúp con vậy.
Số là ngày Thứ Năm này (6/10/2011), người dân tỉnh bang Ontario đi bầu nghị sĩ cho cơ quan lập pháp cấp tỉnh; đảng nào thắng nhiều ghế nhất sẽ lập chính quyền với thủ hiến mới. Chuyện sinh viên đi bầu không có gì mới. Còn những cô cậu chưa tới tuổi đi bầu (18 tuổi) sao lại bày trò bầu cử mô phỏng (mock election) làm chi?
Tuần rồi, đi dự Curriculum Night ở trường mới được cô giáo nói thêm về vụ bầu cử của học trò này. (Bên này không có lễ khai giảng rình rang như bên ta, nên Curriculum Night là buổi gặp gỡ đầu tiên để giáo viên giới thiệu với phụ huynh về chương trình dạy và học trong năm, trao đổi thảo luận về nhu cầu nguyện vọng của mỗi gia đình.) Các trường tiểu học và trung học có thể đăng ký tham gia bầu cử mô phỏng để giúp tăng ý thức của học sinh về quy trình dân chủ. Ở trường này, học sinh từ lớp 4 trở lên được khuyến khích nghiên cứu cương lĩnh của các đảng, thuyết trình trước lớp, và tranh luận xem nên bỏ phiếu cho ứng viên nào …, coi như bài tập của môn social studies. Môn học này (bắt đầu từ lớp 1) tạm dịch là xã hội học, nhưng gần giống với môn giáo dục công dân, trong đó các em học về lối sống, cách ứng xử, và những vấn đề thời sự trong cuộc sống. Cô giáo cho hay tuy không được yêu cầu bỏ phiếu, nhưng các cô cậu trong lớp này rất hăng hái, nhất quyết tổ chức bầu cử vào cùng ngày với người lớn, rồi so sánh kết quả.
Phong trào Student Vote được khởi xướng năm 2003, có hẳn một trang mạng bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp với khẩu hiệu “Tương lai của Nền Dân chủ Canada”. Mục đích là “giải mã” tiến trình bầu cử, và giúp học sinh sinh viên hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ công dân, với hy vọng lớn lên các em sẽ trở thành cử tri tích cực. Taylor Gunn, người tổ chức phong trào này, cho rằng các trường nên sử dụng chương trình giống như của ông để dạy học sinh cách đi bầu, cũng như học toán, học văn, học các kỹ năng khác để chuẩn bị bước vào đời. (Trang mạng của Quốc hội Canada có phần dành riêng cho tư liệu, giáo án để giảng dạy về quy trình dân chủ cho các lớp từ 1 tới 12.) Trong cuộc bầu cử liên bang ngày 2/5/2011, có 3.797 trường tiểu học và trung học (trong số khoảng 5.000 trường toàn quốc) tham gia phong trào này.
Giới trẻ thường là nhóm tuổi ít đi bầu nhất. Trong cuộc bầu cử liên bang hồi năm 2008, chỉ có 37,4% cử tri độ tuổi 18 tới 24 bỏ phiếu, thấp hơn 20 điểm phần trăm so với tỉ lệ chung. Ông Marc Mayrand, giám đốc Elections Canada (cơ quan tổ chức và quản lý bầu cử, độc lập với chính phủ), nói rằng nếu tất cả các công dân trong độ tuổi đó đi bầu thì đã có thêm 800.000 lá phiếu, tương đương với số cử tri trong khoảng 10 khu vực bầu cử liên bang (toàn quốc có tổng cộng 308). Theo ông, giới trẻ ít đi bầu vì ít được thông tin về các vấn đề và tiến trình bầu cử, và cho rằng các chính đảng không cổ xúy cho những giá trị của giới trẻ. Tuy nhiên, trong thời buổi mạng xã hội lên ngôi, các ứng viên không thể bỏ qua lớp cử tri trẻ tuổi này. Trong cuộc bầu cử thị trưởng Calgary hồi tháng 10/2010, Naheed Nenshi, con gia đình nhập cư và mới 38 tuổi đã thắng các bậc trưởng thượng trong chính trường, một phần cũng nhờ biết khai thác triệt để các kênh Twitter, Facebook, LinkedIn, và YouTube. Cuộc bầu cử liên bang hồi tháng 5 là lần thứ tư Elections Canada hợp tác với chương trình Student Vote. Mỗi lần như thế, kết quả của các cuộc bỏ phiếu của học sinh đều tiên đoán chính xác đảng thắng lợi trong cuộc bầu cử chính thức. Hồi tháng 5, học sinh chỉ sai một tí xíu: các em tiên đoán Đảng Bảo thủ của Stephen Harper chỉ thắng đủ ghế để lập chính phủ thiểu số, nhưng đảng này giành dư ghế để lập chính phủ đa số.
Mấy tuần nay anh Hai chịu khó thu thập tờ rơi của các ứng viên bỏ trong hộp thư nhà, nhờ ba má in thêm tài liệu tóm tắt về các đảng, ra đường luôn để ý đọc tên các ứng viên trên các biển ủng hộ cắm trong sân nhà cử tri. Người lớn quan tâm đủ chuyện từ thuế má và cơm áo gạo tiền cho tới giao thông, môi trường …; con trẻ chỉ xoay quanh chuyện xây trường lớp và thư viện, trợ cấp giữ trẻ, và kinh phí cho hội hè. Phụ huynh và anh Hai đều giữ kín về ứng viên và đảng mình thích. Hẹn tối Thứ Năm, cả nhà so kết quả, xem ai trúng nhất.
Đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, 6/10/2011 (bản PDF)
Bài liên quan: Bầu cử và con trẻ (2)