David Cole
Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch
Những cuốn sách được điểm trong bài này:
The Gunning of America: Business and the Making of American Gun Culture, Pamela Haag, Basic Books, 496 pp.
Guns Across America: Reconciling Gun Rules and Rights, Robert J. Spitzer, Oxford University Press, 277 pp.
Do Guns Make Us Free? Democracy and the Armed Society, Firmin DeBrabander, Yale University Press, 274 pp.
“Có một điều tất yếu bi thảm là viết sách về súng lúc nào cũng hợp thời.” Pamela Haag nhận định như vậy trong một cuốn sách mới có nhiều thông tin lý thú về nguồn gốc của ngành súng ở Mỹ, The Gunning of America (Nạn súng của nước Mỹ). Haag bắt đầu viết cuốn sách của mình ít lâu sau vụ nổ súng hàng loạt kinh hoàng tại Trường Tiểu học Sandy Hook ở Newtown, bang Connecticut, với 26 người bị bắn chết hồi tháng 12 năm 2012, và viết xong bản thảo ban đầu sau khi vụ nổ súng tháng 9 năm 2013 tại căn cứ hải quân Navy Yard ở Washington, D.C., làm 12 người thiệt mạng và 3 người bị thương. Cuốn sách được xuất bản ít lâu sau khi xảy ra vụ tấn công bị ISIS xúi giục ở San Bernardino vào tháng 12 năm ngoái, trong đó 14 người thiệt mạng và 22 người bị thương. Hôm 12-6-2016, một tay súng mang súng trường tới một hộp đêm đồng tính ở Orlando, Florida, và, tuyên bố trung thành với ISIS trong một cuộc gọi 911, khai hỏa vào sàn nhảy đông người, giết chết 49 người và làm bị thương 53 người trong vụ nổ súng hàng loạt kinh khủng nhất trong lịch sử Mỹ.
Tổng thống Obama đã có ít nhất 14 lần phát biểu phản ứng trước các vụ nổ súng hàng loạt trong nhiệm kỳ của ông. Tới nay, phản ứng của công chúng theo một kiểu mẫu quen thuộc đến bi thảm. Truyền hình cáp đưa tin về những hành động tàn nhẫn này suốt ngày suốt đêm. Thân nhân của các nạn nhân và giới lãnh đạo chính trị bày tỏ nỗi kinh hoàng, sự phẫn nộ, và lòng quyết tâm. Báo chí đăng xã luận kêu gọi có những luật mới hạn chế việc tiếp cận các công cụ giết người hàng loạt. Giới cổ xúy quyền sở hữu súng phản hồi rằng câu trả lời nằm ở chỗ bảo đảm có thêm nhiều súng được đúng người sở hữu, chứ không phải các lệnh cấm súng mà sẽ tỏ ra vô ích ở một quốc gia hiện đã có xấp xỉ 300 triệu khẩu súng, tức 88 súng trên 100 người. (Quốc gia có nhiều súng kế tiếp là Yemen, cứ 100 người có 55 súng.)
Một vài bang riêng lẻ có thể củng cố luật súng của họ, nhưng ít nhất cũng có số bang tương tự sẽ làm ngược lại. Trong năm sau vụ nổ súng Sandy Hook, 11 bang đã siết chặt luật kiểm soát súng của họ, nhưng ít nhất hơn hai chục bang đã nới lỏng. Và trên bình diện quốc gia, sẽ chẳng có gì được làm. Như chúng ta đã thấy sau vụ Sandy Hook, ngay cả khi công chúng mạnh mẽ ủng hộ một dự luật khiêm tốn để mở rộng việc kiểm tra lý lịch sang các trường hợp bán súng tư nhân, dự luật này chẳng được Thượng viện thông qua.
Các vụ nổ súng hàng loạt ở Orlando và San Bernardino, nhất là khi được đối chiếu với vụ tàn sát ở Paris, cho thấy rõ rằng những người bị các nhóm khủng bố xúi giục đã hăm hở dùng súng trường bán tự động kiểu quân sự, có thể bắn nhiều phát đạn nhanh và chính xác, làm công cụ gây ra số tử vong tối đa, cảnh náo loạn và nỗi khiếp sợ. Gần như chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều vụ tấn công như vậy, và như biến cố Orlando minh họa, rất khó ngăn chặn được chúng, ngay cả khi một người đã bị nghi ngờ, một phần là do những vụ tấn công đó có thể được thực hiện mà không cần phối hợp hoặc hoạch định nhiều trước. (Omar Mateen, sát thủ trong vụ Orlando, đã bị điều tra vì có thể có các mối liên hệ khủng bố, nhưng FBI không tìm thấy bằng chứng cụ thể nào để biện minh cho việc xử lý hắn.)
Liệu chúng ta có thể giảm khả năng xảy ra những cuộc tấn công như vậy bằng cách hạn chế việc tiếp cận với các công cụ của hoạt động khủng bố? Có người đã lại kêu gọi cấm “súng trường tấn công” (“assault weapons”), một tập hợp nhỏ của các loại vũ khí đã bị cấm theo luật liên bang từ năm 1994 tới năm 2004, khi luật này hết hạn. Nhưng như tôi giải thích dưới đây, luật đó gần như chẳng có ảnh hưởng gì tới nạn bạo lực súng. Có người đã đề nghị đưa thêm “các nghi can khủng bố” vào danh sách những người không đủ tiêu chuẩn được mua súng ở các tiệm bán súng có giấy phép, một đề nghị hợp lý miễn là quốc hội áp dụng các quy trình công bằng và các tiêu chuẩn rõ ràng để xác định người nào thuộc diện đó. (Hiện tại, các danh sách theo dõi khủng bố bao gồm quá nhiều đối tượng, được áp dụng một cách bí mật, và gần như không thể thoát ra khỏi danh sách đó, nên cần có cải tổ lớn.) Nhưng việc tăng số người không đủ tiêu chuẩn mua súng sẽ chẳng có mấy ảnh hưởng trừ phi việc kiểm tra lý lịch được mở rộng sang cho “các cuộc triển lãm súng” tư nhân, như thượng nghị sĩ Charles Schumer đã đề nghị. Vấn đề này chắc chắn là một chủ đề quan trọng của chiến dịch tranh cử tổng thống. Vẫn chưa rõ liệu bóng ma của nạn khủng bố bằng súng trường tấn công có sẽ phá vỡ thế bế tắc chính trị về luật lệ quản lý súng hay không, nhưng triển vọng có cải tổ lớn không sáng sủa.
Trong khi đó, nạn bạo lực súng vẫn còn ở mức không thể chấp nhận được tại Mỹ, dù tội ác và các vụ sát nhân đã giảm từ các mức cao kỷ lục trong thập niên 1980 và 1990. Tuy các vụ nổ súng hàng loạt thu hút sự chú ý của công chúng, chúng chỉ là một phần nhỏ của vấn đề. Theo FBI, hơn 325.000 người chết trong các vụ sát nhân liên quan tới súng từ năm 1983 tới năm 2012. Tuy nhiên chỉ có 547 người trong số đó chết trong các vụ nổ súng hàng loạt liên quan tới từ bốn người chết trở lên. Những vụ nổ súng bình thường, không phải hàng loạt đã trở nên quá phổ biến. Chỉ riêng ở Chicago, hơn 1.650 người đã bị bắn từ đầu năm tới nay, và chỉ mới có nửa năm trôi qua. Hơn nữa, phần lớn những cái chết vì súng là do tự sát. Năm 2013, số vụ tự sát chiếm gần hai phần ba trong số 36.636 người chết vì súng.
Giống như rất nhiều vấn đề khác trong xã hội Mỹ, nạn bạo lực súng và sát nhân không được phân bố công bằng. Người Mỹ gốc Phi có xác suất bị giết cao hơn sáu lần so với người da trắng, và có xác suất là thủ phạm giết người cao hơn bảy hoặc tám lần. (Đại đa số các vụ sát nhân được thực hiện bằng súng, và cùng chủng tộc.) Nam giới có xác suất bị giết cao hơn 3,6 lần so với phụ nữ. Đối với nam giới da đen tuổi từ 15 tới 34, sát nhân là nguyên nhân tử vong chính. Phần lớn các vụ sát nhân bằng súng xảy ra ở các thành phố, và đặc biệt ở các vùng nhiều tội ác với người Mỹ gốc Phi chiếm tỷ lệ rất cao. Như vậy, thanh niên da đen ở các vùng nội đô chính là giới gánh chịu phần lớn tác hại chết người của quyền được mang vũ khí. Cho nên chẳng đáng ngạc nhiên khi người da đen ít đồng tình về quyền có súng hơn nhiều so với người da trắng. Chỉ có 24 phần trăm người Mỹ gốc Phi ủng hộ quyền sở hữu súng, so với 57 phần trăm người da trắng. Tỷ lệ ủng hộ quyền có súng cũng cao nhất ở các vùng nông thôn, nơi cũng dễ hiểu là người dân có xác suất cao hơn về việc cảm thấy cần tự vệ, do tương đối thiếu sự bảo vệ của cảnh sát.
Mỹ khác hẳn nhiều nước về vấn đề súng và quyền có súng. Hầu hết các nước khác mà Mỹ kết thân, như Vương quốc Liên hiệp Anh, Canada, Úc, và các nước lớn ở Châu Âu, đều có luật súng nghiêm ngặt hơn, số lượng súng ít hơn nhiều, và mức độ bạo lực súng thấp hơn đáng kể.
Ở Mỹ người ta chưa làm gì để xử lý nạn bạo lực súng. Quốc hội đã không thông qua một luật kiểm soát súng nào kể từ khi muốn cấm súng trường tấn công vào năm 1994, và luật đó đã hầu như vô dụng. Rất khó định nghĩa một “súng trường tấn công” (“assault weapon”). Chúng là vũ khí bán tự động, nghĩa là mỗi lần kéo cò là bắn một phát đạn mới, trong khi tự động nạp đạn lại. Nhưng phần lớn các loại súng được sản xuất hiện nay là bán tự động, nên luật cấm súng trường tấn công tập trung vào mẫu mã bề ngoài mang diện mạo quân sự của một số loại súng, và có thể dễ dàng tránh né bằng cách thay đổi thiết kế mẫu mã. Hơn nữa, tuy giới ủng hộ quyền có súng khó nêu ra được lý do chính đáng để thường dân sở hữu súng trường tấn công, các loại súng này được dùng trong tỷ lệ rất ít các tội ác dùng súng. Phần lớn các tội ác liên quan tới súng ngắn thông thường. Vì vậy lệnh cấm súng trường tấn công chẳng giúp ích để tăng sự an toàn về súng và Quốc hội đã để luật này hết hiệu lực vào năm 2004.
Ảnh hưởng rõ rệt nhất của lệnh cấm súng trường tấn công là khiến cử tri Mỹ phản đối việc kiểm soát súng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 1994, trong đó Đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện lần đầu tiên trong bốn mươi năm. Sau khi thấm thía bài học của mình, hầu hết các nghị sĩ đã tránh né vấn đề kiểm soát súng kể từ đó. Trong khi đó, những bang ít ỏi đã ban hành luật kiểm soát súng tương đối nghiêm ngặt, như New York và California, chẳng gặt hái được lợi ích gì chừng nào các bang lân cận còn luật lỏng lẻo. Ví dụ, trong 8.793 khẩu súng thu được từ các tội ác ở New York năm 2011, 82 phần trăm xuất phát từ bang khác.
Những tác hại của quyền được mang súng không chỉ giới hạn ở những nạn nhân của nạn bạo lực súng. Việc các luật về súng không thể ngăn cản súng tràn vào các đường phố nội đô đã dẫn tới một trong những chính sách giữ gìn trị an gây tranh cãi nhất của thành phố New York — chính sách chặn thanh niên da đen và gốc Mỹ Latin để khám người tìm vũ khí tại các khu vực có tỷ lệ tội ác cao. Cảnh sát nói chính sách này xuất phát từ ý muốn ngăn cản thanh niên mang súng, như một cách để giảm bạo lực súng. Một số người cho rằng chính sách đó có thể đã có tác dụng, nhắc tới thực tế là tội ác bạo lực ở thành phố New York đã giảm mạnh trong khi chính sách này được áp dụng, ngay cả khi tỷ lệ đó vẫn giữ nguyên ở những nơi khác trong bang New York.[1] Tôi từng bày tỏ nghi vấn về đánh giá đó trên cùng tạp chí này, nhận xét rằng từ năm 2004 tới năm 2012, cảnh sát tìm thấy súng trong chưa tới một phần trăm trong tất cả các vụ chặn khám xét; rằng tội ác bắt đầu giảm từ lâu trước khi chính sách chặn khám xét được áp dụng; và rằng các mức tội ác tổng quát đã không tăng kể từ khi chính sách đó chấm dứt.[2]
Dù sao đi nữa, năm 2013, Thẩm phán liên bang của vùng này Shira Scheindlin tuyên bố rằng chính sách chặn khám xét là vi hiến cả vì nó đối xử kỳ thị đối với người da đen và người gốc Mỹ Latin, lẫn vì nó cho phép chặn người mà không có sự nghi ngờ khách quan theo quy định của hiến pháp về hành vi sai trái. Thị trưởng Bill de Blasio bỏ chính sách này ít lâu sau khi nhậm chức, nhưng không kịp trước khi nó đã gây ra nhiều năm tủi nhục và tổn thương cho hàng trăm ngàn cư dân da đen và gốc Mỹ Latin vô tội.[3]
Thế lực chính chống kiểm soát súng thì ai cũng biết — Hiệp hội Súng Quốc gia (NRA). NRA là tổ chức quyền tự do dân sự hùng mạnh nhất ở Mỹ. Tổ chức này có khoảng năm triệu hội viên đóng hội phí, và hàng triệu người nữa trung thành sẵn sàng làm theo những lời hiệu triệu hành động của tổ chức. NRA có ngân sách hàng năm hơn 300 triệu đôla, dù chỉ chi tiêu khoảng 10 phần trăm trong đó cho vận động hành lang và hoạt động chính trị. Có lẽ quan trọng nhất là NRA từ lâu đã hiểu rằng việc tham gia dân chủ là điều hệ trọng để bảo vệ quyền. NRA không để việc bảo vệ Tu chính án Thứ hai cho tòa án lo liệu, mà tự ra tay giải quyết.
NRA chấm điểm mỗi ứng cử viên tranh cử vào các chức vụ dân cử ở bang ở liên bang dựa trên cam kết của họ về quyền có súng, và ủng hộ những người có điểm cao hơn, bất kể họ thuộc đảng nào. Sau đó NRA theo dõi cách hành xử của họ khi nắm giữ các chức vụ đó để bảo đảm họ giữ đúng các cam kết với NRA, và trừng phạt những người không còn giữ đúng như vậy bằng cách tích cực vận động chống lại họ. NRA tập trung vào các cơ quan lập pháp cấp bang, nơi phần lớn các luật súng được thông qua. Với các chi nhánh trực thuộc hoạt động ở tất cả các bang và trung bình 100.000 hội viên mỗi bang, NRA có ưu thế đáng kể ở cấp địa phương so với các tổ chức ủng hộ kiểm soát súng, vốn nhỏ hơn và thường tập trung vào Washington, nơi chẳng có gì được thực hiện. (Điều này đang bắt đầu thay đổi, vì tổ chức mới của Michael Bloomberg, Everytown for Gun Safety [Mỗi thị trấn vì an toàn súng], đang tổ chức ở cấp địa phương. Nhưng NRA đã xuất phát sớm và bứt xa.)
Ba cuốn sách được điểm ở đây đều muốn đả phá một khía cạnh nào đó trong những quan niệm hoang đường xung quanh quyền có súng ở Mỹ. Pamela Haag cho rằng ngành sản xuất súng tạo ra, chứ không phải có phản ứng trước, “văn hóa súng” của nước Mỹ. Trong cuốn Guns Across America (Súng trên khắp nước Mỹ), Robert Spitzer cho thấy rằng luật lệ quản lý súng đã lâu đời như chính quốc gia. Và trong cuốn Do Guns Make Us Free? (Súng có khiến chúng ta tự do?), Firmin DeBrabander tranh luận về nhận định chính của NRA, tức là quyền mang vũ khí là thiết yếu cho tự do. Ông cho rằng súng thực ra phá hoại cả tự do lẫn dân chủ.
Để viết cuốn The Gunning of America, Haag nghiên cứu văn thư lưu trữ của Công ty Súng tiểu liên Winchester ở New Haven, bang Connecticut, để khôi phục câu chuyện về nguồn gốc của ngành sản xuất súng. Trong câu chuyện chi tiết viết rất hay của bà, ngành súng bắt đầu đúng hệt bản chất một ngành kinh doanh. Oliver Winchester sở hữu một xưởng may áo trước khi chuyển sang sản xuất và bán súng vào năm 1857. Với Winchester, súng cũng chỉ là một sản phẩm như bao sản phẩm khác. Và đó là cách ông tiếp thị súng. Trong “những quảng cáo ban đầu”, tác giả Haag viết, “súng được thể hiện giống như một cái cày hơn là một vật mang ý nghĩa văn hóa”. Khách hàng ban đầu chủ yếu của Winchester là chính phủ Mỹ; chính phủ cần súng bất cứ khi nào tham chiến. Tới thời bình, Winchester và các hãng sản xuất khác bán súng cho các chính phủ nước ngoài chuẩn bị hoặc đang tham chiến — trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Pháp, Thái Lan, và Phổ. Vũ khí là một trong những hàng xuất khẩu sớm nhất của Mỹ.
Tuy nhiên, rốt cuộc các hãng sản xuất súng phải trông cậy vào người dân trong nước, những khách hàng mà họ hy vọng sẽ là nguồn cầu ít bấp bênh theo chu kỳ hơn. Nhưng các hãng sản xuất trước tiên phải tạo ra cầu đó. Khi nền kinh tế của Mỹ chuyển từ một nền tảng nông nghiệp hoang sơ sang một nền tảng thành thị và công nghiệp, súng được tái định vị là một hàng xa xỉ. Súng “trở thành một vật phục vụ các nhu cầu tâm lý hơn là các nhu cầu thực dụng của chiến tranh, hoạt động trang trại, cuộc chinh phục thổ dân, hoặc nền kinh tế nông thôn…. Vật xưa kia cần có nay phải được yêu mến.”
Những truyền thuyết của Miền Tây hoang dã (Wild West) đặc biệt hữu ích cho sự chuyển biến này — bất kể chúng có đúng hay không. Như các sử gia khác đã nhận xét, Miền Tây ít hoang dã hơn nhiều so với những gì thường được mô tả trong tác phẩm hư cấu. Haag truy nguyên nguồn gốc của các truyền thuyết của Miền Tây hoang tới các tiểu thuyết ba xu. Rất được ưa chuộng trong nửa sau của thế kỷ 19, những tiểu thuyết kiểu này được viết với văn phong rập khuôn công thức và bán với số lượng lớn. Chỉ riêng về nhân vật Buffalo Bill Cody đã có nơn năm trăm cuốn. Trong ví dụ có lẽ là sớm nhất về kiểu quảng bá sản phẩm, những nhân vật chính can đảm trong các tiểu thuyết này thực hiện công lý đối với kẻ ác thường bằng một khẩu súng trường Winchester. Thực vậy, Haag viết,
“Nếu súng trường Winchester 73 đã là một cuốn sách, nó hẳn đã là một tiểu thuyết ba xu: sản xuất hàng loạt với những cốt chuyện có thể thay đổi cho nhau; máy móc, dễ đoán, không cần người sử dụng nhọc công; và kết thúc một cách hữu hiệu và chính xác.”
Theo nhận định của Haag, người Mỹ thích súng, không phải vì họ bày tỏ chân lý thiết yếu nào đó về tính cá nhân của người Mỹ, cao bồi, hay vùng đất mới hoang sơ, mà vì “chúng ta được mời gọi yêu thích súng bởi những người sản xuất và bán súng vào lúc sản phẩm của họ đã đánh mất phần lớn giá trị thực tiễn, công lợi hơn của chúng.”
Câu chuyện của Haag dội gáo nước lạnh vào phần lớn sự quảng bá thổi phồng về văn hóa súng, và vạch trần ngành súng xưa nay cũng là ngành kinh doanh như bất cứ ngành nào khác — xây dựng và tái xây dựng thương hiệu để kích cầu. Nhưng việc các hãng sản xuất súng đã khai thác thành công các khái niệm về tính cá nhân thời hồng hoang, trách nhiệm, và nam tính không tước mất những đặc tính này của sức hấp dẫn của súng ngày nay. Các quảng cáo súng đánh đúng tâm lý, và đó cũng chính là tâm lý mà NRA đánh đúng trong vận động chính trị của mình. Nói rằng các doanh nghiệp súng cổ xúy những lý tưởng phổ biến để bán sản phẩm không phân biệt họ với những người bán giày, xe, thiết bị thể thao, hay kem bôi sau khi cạo râu. Rốt cuộc, câu hỏi vẫn chưa được cuốn sách của Haag giải đáp là tại sao súng có sức hấp dẫn mạnh như vậy ở Mỹ so với các quốc gia khác.
Cuốn Guns Across America của Robert Spitzer cung cấp thêm bằng chứng cho một luận điểm mà học giả hiến pháp Adam Winkler đã nêu mấy năm trước trong Gunfight (2011), đó là việc ra luật lệ quản lý súng cũng lâu đời như chính súng.[4] Dựa trên một nghiên cứu sâu rộng của Mark Anthony Frassetto về luật tiểu bang, Spitzer nhận xét rằng kể từ khi lập quốc và qua 150 năm đầu tiên của nước Mỹ, các luật quản lý việc sử dụng súng ở Mỹ có ở khắp nơi:[5]
“Chúng bao trùm tất cả mọi hình thức quản lý có thể nghĩ ra, từ mua, bán, sở hữu, vận chuyển, và sử dụng súng, trong đó có cả…tịch thu hoàn toàn, tới các luật lệ về săn bắn và giải trí, tới việc đăng ký và các luật cấm súng nòng lớn bắn nhanh.”
Ví dụ, trong thời kỳ sau Nội chiến, sáu bang cấm hẳn súng ngắn. Wyoming cấm tất cả mọi vũ khí ở “bất cứ thành phố, thị trấn, hay làng nào”. Theo Spitzer, lịch sử lâu dài này cho thấy việc quản lý phù hợp với quyền mang vũ khí như nó thường được hiểu xưa nay.
Tuy nhiên, chỉ sự tồn tại của các luật này không khẳng định rằng chúng hợp hiến, vì mãi tới năm 2008 Tối cao Pháp viện Mỹ mới công nhận quyền của cá nhân được sở hữu vũ khí, trong án lệ District of Columbia kiện Heller, và mãi tới hai năm sau đó mới áp dụng quyền này với các bang, trong án lệ McDonald kiện City of Chicago. Song, lai lịch lâu đời của luật lệ quản lý súng cho thấy nó không hề là một khái niệm xa lạ hay mới mẻ trong lịch sử nước Mỹ. Tối cao Pháp viện thừa nhận như vậy khi, trong án lệ Heller, nhấn mạnh rằng quyền mang vũ khí không tuyệt đối, và không nghi ngờ một loạt các hạn chế pháp lý lâu đời khác, trong đó có cấm người bệnh tâm thần hoặc người phạm tội sở hữu súng; các luật “cấm mang súng ở những nơi nhạy cảm như trường học và tòa nhà chính phủ”; việc cấp giấy phép bán súng; các quy định về cất giữ an toàn; và các luật cấm về “các vũ khí nguy hiểm và bất thường”.
Như Spitzer chỉ ra, kể từ sau án lệ Heller đã có hơn bảy trăm vụ kiện viện dẫn Tu chính án Thứ hai chống lại các luật quản lý súng, trong đó có những vụ kiện phản đối các luật cấm người vị thành niên sở hữu súng, cấm mang súng ở trường đại học, và cấm sở hữu súng máy tự chế ở nhà. Tuy nhiên các tòa án đã bác bỏ gần như tất cả các vụ kiện đó. Giới ủng hộ quyền về súng đã đề nghị Tối cao Pháp viện xem lại các phán quyết đó, hơn sáu mươi lần, nhưng Tối cao Pháp viện đã thường xuyên khước từ lời mời đó. Do đó, tuy sẵn sàng công nhận quyền cá nhân được mang vũ khí và làm mất hiệu lực các lệnh cấm toàn diện về sở hữu súng tại gia, Tối cao Pháp viện chẳng có thiên hướng nghi ngờ phần lớn các luật súng hiện tại.
Xét theo kết quả này, người bảo vệ chủ yếu của quyền về súng không phải là Tối cao Pháp viện hay cách diễn giải của tòa này về Tu chính án Thứ hai, mà là NRA. Tổ chức này đã thành công trong việc ngăn cản thông qua các luật như kiểm tra lý lịch phổ quát mà sẽ đơn giản là phù hợp với nguyên lý pháp luật Tu chính án Thứ hai của Tối cao Pháp viện. Và NRA đã cổ xúy thành công các luật mà không được đòi hỏi bởi một quyền hiến định về mang vũ khí, chẳng hạn như các luật “stand your ground” (“không cần phải rút lui”) mở rộng định nghĩa về tự vệ, hoặc các luật miễn trừ trách nhiệm của các hãng sản xuất súng đối với các chấn thương gây ra do việc sử dụng phi pháp những khẩu súng do họ sản xuất.
Spitzer không đưa ra được mấy giải pháp có thể thay đổi thực tế chính trị này. Ông ủng hộ các luật cấm súng trường tấn công, mặc dù, như đã nêu trên, chúng chủ yếu có tính biểu tượng. Ông lên án các luật “stand your ground”, dù không có bằng chứng cho thấy chúng đã dẫn tới tình trạng người dân tự thực hiện công lý.[6] Và ông ca ngợi New York vì đã có một số luật kiểm soát súng thuộc hàng nghiêm ngặt nhất nước Mỹ, nhưng đồng thời thừa nhận rằng chừng nào các bang khác không noi gương, súng sẽ tiếp tục tràn ngập đường phố New York. Những lập luận như vậy vẫn chủ yếu có tính học thuật mà không có một phản ứng đúng mức nào đối với NRA và sức mạnh chính trị ghê gớm của nó, xuất phát từ hàng triệu hội viên và người ủng hộ tận tụy của tổ chức này.
Trong cuốn Do Guns Make Us Free?, Firmin DeBrabander công kích trực tiếp vào tiền đề thứ nhất của NRA. Lưu ý rằng tạp chí của hội viên NRA có tên là America’s 1st Freedom (Quyền tự do thứ nhất của nước Mỹ), và rằng tổ chức này xem quyền mang súng là nền tảng của tự do, ông lập luận rằng thực ra súng khiến ta ít tự do hơn. Ông cho rằng súng khiến cho chủ nhân của chúng, và những người còn lại trong chúng ta, sợ hãi, bất an, và không thể tham gia vào tranh luận công cộng hoặc hành động tập thể vì lợi ích chung: “Súng không giải phóng chúng ta khỏi nỗi sợ. Chúng là một triệu chứng của sự thống lĩnh của nỗi sợ đối với xã hội.” Vì mối đe dọa của một khẩu súng bóp nghẹt tranh luận, một xã hội có vũ trang không chỉ ít tự do hơn, mà trực tiếp “đe dọa dân chủ”.
Đó là những nhận định mạnh bạo, và nếu ông có thể biến chúng thành những luận cứ có tính thuyết phục, chúng rất có thể làm xói mòn văn hóa súng và quyền về súng. Nhưng các lập luận của ông không thuyết phục. Nếu sự tồn tại của quyền về súng hàm ý đặc quyền tự nắm pháp luật trong tay mình và tấn công đồng bào của mình một cách vô cớ, chúng sẽ về cơ bản không phù hợp với khế ước xã hội, theo đó chúng ta nhường lại việc sử dụng vũ lực chính đáng cho nhà nước để đổi lại được nhà nước bảo vệ. Nhưng người ta có thể chỉ đơn giản vừa tin vào quyền về súng vừa tin vào chính phủ có tổ chức; không ai trong số năm thẩm phán Tối cao Pháp viện đã công nhận quyền mang súng trong án lệ Heller có thể bị lên án là kẻ chủ trương vô chính phủ. Hiến pháp của gần như tất cả năm mươi bang công nhận quyền cá nhân được mang súng, nhưng chính phủ có tổ chức vẫn tồn tại. Hơn nữa, lập luận chủ yếu để diễn giải Tu chính án Thứ hai là bảo vệ quyền cá nhân được mang súng, ngược lại với việc chỉ có nhà nước có quyền duy trì dân quân, là nó bao gồm khái niệm tự vệ, một quan niệm pháp lý cổ xưa mà đã cùng tồn tại với chính phủ có tổ chức trong nhiều thế kỷ.
DeBrabander cũng cho rằng do mải mê tập trung vào súng, giới cổ xúy quyền về súng đã không còn nhận ra những mối đe dọa lớn hơn đối với tự do, chẳng hạn như việc theo dõi đại trà, Nhưng chẳng có lý do gì mà người ta không thể lo ngại về cả súng và quyền riêng tư. Thực vậy, năm 2015, NRA đệ trình lên tòa án một luận cứ giải trình của bên không liên quan (amicus brief) ủng hộ Liên hiệp Quyền tự do Dân sự Mỹ (ACLU) trong vụ ACLU kiện chương trình siêu dữ liệu nghe lén điện thoại nội địa của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).
Có phải súng không tương thích với dân chủ? DeBrabander cho rằng “chúng cản trở tự do ngôn luận” và do đó “mâu thuẫn với quan niệm thảo luận chính trị”. Ông viết, “Súng về cơ bản chia cắt người mang súng với cộng đồng những người cùng địa vị.” Ông cáo buộc rằng phong trào đấu tranh vì quyền về súng
“khiến cá nhân đối đầu với xã hội. Các tập thể đáng ngờ, các nhóm yếu đuối, thành viên của các tập thể và các nhóm nhút nhát, ngoan ngoãn, dễ uốn nắn, và cuối cùng là khúm núm quỵ lụy. Các tập thể dẫn tới hành vi tập thể, mà đó là điều đáng kinh tởm đối với những người ủng hộ táo bạo, quyết đoán, can đảm, và chắc chắn về đạo đức của phong trào này.”
Những khẳng định này, tuy buộc phải nhắc tới [các triết gia] John Locke, Machiavelli, Hannah Arendt, và Michel Foucault, quả thực khó phù hợp với thực tiễn chính trị. NRA có thể cổ xúy cho một quyền cá nhân, nhưng ảnh hưởng của nó chính là có được từ hành động dân chủ tập thể. Hoàn toàn không đe dọa dân chủ, NRA vận dụng thuần thục các kỹ thuật của nền chính trị chủ trương đa số quyết định. NRA đã giành được các chiến thắng của mình không phải bằng những lời đe dọa dấy loạn, mà bằng các phương pháp kinh điển của dân chủ: tranh luận, đối thoại, vận động hành lang, và vận động bầu cử. Nguồn sức mạnh của NRA không nằm ở các vũ khí mà hội viên sở hữu hay mang, mà ở những lá phiếu của họ và những lập luận của họ.
Giới cổ xúy kiểm soát súng sẽ không đạt được tiến bộ gì chừng nào họ chưa công nhận rằng sức mạnh của NRA nằm ở sức hấp dẫn của các ý tưởng của nó, sự can dự chính trị và sự nhạy bén chính trị của nó, và những cam kết mãnh liệt của các hội viên. Chừng nào giới cổ xúy kiểm soát súng còn chưa sánh nổi những đặc điểm đó, họ khó có khả năng đạt được nhiều tiến bộ. Việc ngành súng có thể đã góp phần tạo nên văn hóa súng hiện đại không phủ nhận sức mạnh rất thật mà văn hóa đó có được hiện nay. Người Mỹ dường như muốn súng vì nhiều lý do, nhưng tự vệ trước những nguy hiểm, thực hay tưởng tượng, là một lý do hàng đầu, và Tối cao Pháp viện đã rõ ràng hợp pháp hóa ước muốn đó. Hẳn nhiên người ta có thể đưa ra những lập luận rằng các nguy hiểm đó bị phóng đại, nhưng tới nay các lập luận đó không thuyết phục được mấy ai.
Truyền thống lâu đời của luật lệ quản lý súng gần như chắc chắn có nghĩa là Tối cao Pháp viện sẽ không hiểu Tu chính án Thứ hai theo cách làm mất hiệu lực phần lớn các luật súng hiện có, nhưng điều đó chỉ khiến vấn đề này tùy thuộc vào quy trình chính trị, mà rõ ràng là NRA đang giành thắng lợi trong quy trình này. Nếu có thể căn cứ vào lịch sử, NRA sẽ thành công trong việc cản trở bất cứ sáng kiến kiểm soát súng mới nào được đưa ra vì vụ thảm sát ở Orlando. Cả ba cuốn sách này đều không đề cập tới thực tế là yếu tố quan trọng nhất trong hiện trạng các luật súng ở Mỹ không phải là Tối cao Pháp viện, Tu chính án Thứ hai, hay ngành súng, mà là NRA. Nếu không có sự can dự đối trọng hữu hiệu của những người ủng hộ kiểm soát súng, súng sẽ tiếp tục là một đặc điểm trọng tâm của đời sống chính trị Mỹ, và những cuốn sách như thế này sẽ tiếp tục vừa hợp thời vừa vô dụng tới mức bi thảm.
Chú thích:
- Xem Jeffrey Bellin, “The Inverse Relationship Between the Constitutionality and Effectiveness of New York City’s ‘Stop and Frisk,’” Boston College Law Review, Vol. 94 (2014).
- Theo thống kê của Sở Cảnh sát New York, tội phạm nói chung tiếp tục giảm trong năm 2015, dù có mức tăng chút ít về số vụ sát nhân (tăng 5,1%), hãm hiếp (tăng 6,3%), và cướp (tăng 2,1%).
- Xem bài của tôi “Our Romance With Guns,” The New York Review, September 27, 2012, và “How to Uphold Racial Injustice,” The New York Review, December 5, 2013.
- Xem Adam Winkler, Gunfight: The Battle Over the Right to Bear Arms in America (Norton, 2011).
- Xem Mark Anthony Frassetto, “Firearms and Weapons Legislation Up to the Early Twentieth Century,” Georgetown University Law Center, January 15, 2013. Nghiên cứu này tập hợp các luật về súng tới năm 1935, nhưng nhiều luật trong những luật này hiện vẫn còn hiệu lực
- Cả Spitzer và DeBrabander bàn về vụ George Zimmerman bắn chết Trayvon Martin, một thanh niên da đen không có vũ khí, vào năm 2012 có liên hệ tới các luật “stand your ground” (“không cần phải rút lui”). Nhưng họ thừa nhận rằng Zimmerman, người được xử trắng án với lý do tự vệ, đã không thực sự viện dẫn luật đó. Các luật “stand your ground” mở rộng áp dụng cho những nơi công cộng theo “luật thành trì” (“castle doctrine”, [luật bảo vệ nơi cư ngụ, xem nhà riêng của một người là thành trì của họ), mà cho phép dùng vũ lực chết người để tự vệ trong nhà mà trước tiên không bắt buộc chủ nhà phải rút lui. Tuy nhiên, những luật như vậy vẫn bắt buộc những người viện dẫn lý do tự vệ phải chứng minh rằng họ tin một cách hợp lý rằng vũ lực chết người là cần thiết để tránh bị thương tật thể xác nghiêm trọng hoặc chết.
Nguồn: David Cole, The Terror of Our Guns, The New York Review of Books, 14-7-2016.
(Bản lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 3/8/2016)
Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ