Khủng hoảng Syria (2): Syria vượt lằn ranh đỏ – Phép thử cho chiến binh bất đắc dĩ Obama

Michael Crowley

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Chính sách đối ngoại ban cho các vị tổng thống Mỹ quyền lực gần như siêu nhiên. Từ khoảng cách hàng ngàn cây số, họ có thể nổi hứng huy động các hạm đội và phi đội, có khi sát hại kẻ thù mà không tốn một mạng lính. Nhưng chính sách đối ngoại cũng có thể hóa thành tai ương, với một khả năng bí hiểm không kém hủy hoại một đời tổng thống. Barack Obama rút ra bài học này khi theo dõi vị tổng thống tiền nhiệm phát động cái mà Obama gọi bằng cụm từ nổi tiếng “cuộc chiến tranh ngu xuẩn” ở Iraq. Thái độ phản đối của ông đối với cuộc xâm lấn đó đã khởi xướng chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên của thượng nghị sĩ chỉ mới một nhiệm kỳ, và ông bước vào Nhà Trắng với một tầm nhìn rõ ràng về một nước Mỹ nhún nhường hơn, chỉ tập trung vào các lợi ích cốt lõi, ví như giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội. Obama sẽ truy lùng bọn khủng bố lẩn trốn trong hang động và sa mạc, và mạnh tay hơn với quân Taliban ở Afghanistan. Nhưng ông cũng thể hiện mình là một người hòa giải, một người kiến tạo hòa bình giành được Giải Nobel Hòa bình cả trước khi ông trang hoàng lại Phòng Bầu dục.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, trong các bài diễn văn từ Washington đến Prague cho chí Cairo, Obama kêu gọi một trật tự thế giới biến đổi – “một thế giới cách mạng” trong đó ‘chúng ta có thể làm những điều khó có khả năng xảy ra, đôi khi bất khả thi”. Những người đa nghi cho rằng Obama chỉ tô hồng để quên đi thực tiễn kinh tế khó khăn: nợ nần ngập đầu và do ngành tài chính đang đảo điên, Mỹ không kham nổi chính sách đối ngoại mang tính can thiệp [quốc tế]. Nhưng Obama có vẻ thành thực khi ông nói đến chuyện bắt đầu một cuộc đối thoại “tôn trọng lẫn nhau” với Iran, và với các đối thủ khác, ông hứa “chúng tôi sẽ đưa tay ra nếu anh sẵn sàng xòe tay ra bắt”. Lý trí sẽ thay thế sức mạnh cơ bắp, và tầm nhìn tân bảo thủ sẽ bị xếp xó. Đó là hy vọng và thay đổi trên quy mô toàn cầu.

Nhưng lịch sử hóa ra chẳng thèm quan tâm.

Tay vẫn nắm chặt, chẳng chịu xòe ra, giọng điệu đối với Mỹ vẫn thiếu tôn trọng, và dù cách mạng diễn ra khắp nơi từ Cairo đến Tripoli cho chí Damascus, cách mạng thường làm bùng nổ những cơn phẫn nộ tôn giáo và sắc tộc nguy hiểm trên toàn khu vực Trung Đông. Hy vọng đã hóa thành nỗi sợ, còn thay đổi biến thành hiểm họa. Giờ đây, trong một khu vực đã khiến nhiều tổng thống [Mỹ] bẽ bàng trong mấy thập niên và là nơi cuộc cờ có phần được mất cao nhất về an ninh, Obama đối mặt với phép thử mang tính quyết định ở Syria.

Đó không phải là nơi Obama muốn có mặt. Hôm 22/8/2013, một ngày sau khi một đám mây của cái bị nghi là khí độc bao phủ một khu ngoại ô Damascus, giết chết hàng trăm người, Tổng thống rời Nhà Trắng, mặt rạng mày rỡ thực hiện chuyến vi hành bằng xe buýt lên mạn bắc tiểu bang New York, tập trung vào vấn đề khả năng trang trải phí tổn học đại học. Nhưng sáng hôm đó trong Phòng Xử lý Tình huống (Situation Room), nhóm an ninh quốc gia của Obama lượng định mức độ kinh hoàng của vụ tấn công [ở Syria] và thách thức tiềm ẩn của nó đối với sức mạnh và uy quyền của Mỹ.

Oái ăm thay, vụ tấn công này xảy ra đúng hôm kỷ niệm một năm ngày Obama cảnh cáo rằng việc chế độ Syria dùng vũ khí hóa học tạo nên một “lằn ranh đỏ” (red line) mà nếu bị vượt qua sẽ gây nên “các hậu quả to lớn”. Những đoạn phim quay được chiếu các hình ảnh ghê rợn của người chết, có cả phụ nữ và trẻ sơ sinh, có vẻ như người chết cũng còn may hơn so với kẻ sống co giật, sùi bọt mép. Khi Obama được báo cáo tình hình trên chiếc xe buýt dành riêng cho tổng thống, rõ ràng là ông cũng đang đối mặt với viễn cảnh can thiệp quân sự ở Trung Đông vì lý do vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Thế giới theo dõi để xem liệu Obama có nao núng trước vai trò cảnh sát toàn cầu. Ông đã nhiều lần để những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học trôi qua mà chẳng chịu một hậu quả rõ ràng nào ngoài việc Mỹ ủng hộ khiêm tốn cho một phong trào phiến loạn hỗn độn.

Và cuộc khủng hoảng Syria không phải là khủng hoảng duy nhất thử thách các hạn chế của đường lối chính sách đối ngoại của Obama hay sức mạnh của đất nước ông. Iran đang xúc tiến chương trình hạt nhân của mình bất chấp những lời cảnh cáo tương tự của Obama về việc trừng phạt quân sự. Ở Ai Cập, chế độ quân sự được hậu thuẫn bằng tiền thuế của dân Mỹ tiếp tục phớt lờ những lời kêu gọi hòa bình của ông sau khi chế độ đó sát hại hơn 600 người biểu tình. Chính phủ bấp bênh của Afghanistan lo âu chuẩn bị cho viễn cảnh nội chiến khi Mỹ rốt cuộc rút quân vào năm tới, trong khi những quả bom khủng bố tiếp tục hành hạ các thành phố bất ổn của Iraq. Trong khi đó, Al-Qaeda vẫn sống khỏe ở những nơi như Yemen và Bắc Phi, dù Osama bin Laden đã đi tong. Tại quốc nội, cảm nhận của người dân về hiệu quả chính sách đối ngoại của ông đã giảm đều đặn: hiện nay chỉ còn khoảng 40% người Mỹ tán thành.

Nhà Trắng kết luận rằng thái độ thách đố của Syria, nếu không bị trừng phạt, có nguy cơ gây ra hiệu ứng domino dẫn đến những hành động thách đố khác trên toàn cầu. Brent Scowcroft, nguyên Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống George H.W. Bush và Tổng thống Gerald Ford và từng cố vấn không chính thức cho Obama, lý giải: “Uy tín của chúng ta có nguy cơ bị ảnh hưởng”.

Đó chính là nơi Obama mong né tránh trong những bài diễn văn lạc quan khắp thế giới trong thời gian đầu: mắc kẹt ở Trung Đông điên loạn, bị nhà độc tài của Syria (một cựu bác sĩ nhãn khoa mà đa số người Mỹ có vắt óc cũng chẳng nêu tên được) buộc phải có hành động quân sự.

Đường đến Damascus

Sao lại đến nông nỗi này? Cũng có phần do xui xẻo – dù vận rủi thường đồng hành với chức tổng thống: Bush có vụ 11/9, Clinton có vụ Balkan, Carter có vụ con tin Iran. Nhưng Obama cũng phạm sai lầm. Nghệ thuật chính sách đối ngoại là ngăn ngừa không để những quyết định bất lợi xuất hiện. Mà nhìn lại, sự cẩn trọng của Obama có thể đã phản tác dụng với ông.

Ngay từ đầu, ông thận trọng giữ khoảng cách với Mùa xuân Ả Rập. Biểu hiện đầu tiên, dù lúc đó chưa hiển nhiên, là phong trào cải cách biểu tình tràn ngập đường phố Tehran hồi tháng 6/ 2009. Nếu [Obama] kêu gọi thay đổi chế độ thì có thể nghe hệt giọng điệu của Bush, và Nhà Trắng ngại đưa ra những phát biểu có thể giúp chính phủ Iran khiến những cuộc biểu tình đó trông giống như một âm mưu của nước ngoài. Rốt cuộc Obama chỉ nói rằng Mỹ “chứng kiến những sự kiện khác thường” đang diễn ra ở đó, mà chẳng tỏ vẻ ủng hộ các cuộc biểu tình. Nay nghĩ lại, cấp dưới của ông thấy dè dặt là sai lầm. Dennis Ross, người đảm trách chính sách Iran trong nhiệm kỳ thứ nhất của Obama, nói: “Tôi nghĩ chúng tôi đã quá cẩn thận. Tôi hối tiếc”. Có lẽ đó là điềm báo cho những điều sẽ xảy ra.

Khi các cuộc biểu tình nổ ra khắp Trung Đông hai năm sau, Obama tiếp tục dè dặt – chọn ổn định chứ không dám chấp nhận rủi ro của điều bất định và không chịu vạch ra một chủ thuyết thống nhất về phản ứng của Mỹ. Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Obama, nói: “Vấn đề chính sách đối ngoại trọng tâm của nhiệm kỳ tổng thống này là cố gắng ước lượng chúng ta cần Mỹ can dự như thế nào mà không ôm đồm quá mức”.

Obama phải mất mấy tuần mới ủng hộ các cuộc biểu tình ở Cairo năm 2011 lật đổ Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak. Khi vương quốc Bahrain, đồng minh chiến lược ở Vùng Vịnh và là nơi đóng Hạm đội thứ 5 của Mỹ, mạnh tay đàn áp một cuộc biểu tình của dân chúng, Obama chẳng có hành động gì. Ngay cả ở Libya, thoạt tiên ông chỉ đứng ngoài lề khi phiến quân chống lại các lực lượng của Muammar Gaddafi thua và tháo chạy.

Obama cuối cùng can thiệp chỉ khi quân của Gaddafi tập trung bên ngoài thành phố Benghazi, đe dọa sát hại thường dân vô tội trong khi áp lực tăng lên từ Pháp và Anh. Đảng Cộng hòa gọi thái độ này là “lãnh đạo từ phía sau”, cụm từ do một phụ tá của Obama dùng để tương phản với đường lối ngoại giao cao bồi đánh phủ đầu của George Bush, nhưng bị giới chỉ trích gọi là từ bỏ vai trò lãnh đạo thật sự.

Sự sụp đổ tương đối nhanh của Gaddafi ban đầu khiến việc can thiệp vào Libya có vẻ là thành công. Obama nói: “[Chúng ta] đã chứng tỏ hành động tập thể có thể đạt được thành tựu gì trong thế kỷ 21”. Nhưng mọi chuyện đâm ra xấu đi. Thận trọng về việc cố gắng tái thiết một quốc gia Ả Rập khác, Obama đầu tư ít ỏi vào Libya hậu Gaddafi, nơi các nhóm du kích bất hảo và chủ nghĩa cực đoan nở rộ – trong đó có đám du kích tấn công một căn cứ Mỹ không đủ lực lượng bảo vệ ở Benghazi, chính thành phố mà Obama đã cứu, giết chết Đại sứ Chris Stevens và ba người Mỹ khác.

Cuộc nổi dậy ở Syria khởi đầu quyết liệt gần cùng lúc với chiến dịch Libya của Obama. Ông theo dõi chế độ của Tổng thống Syria Bashar Assad đàn áp tàn bạo thêm sáu tháng nữa mà không có hành động gì. Khi số tử vong tăng lên, giới quan sát từng thấy “chủ thuyết Obama” trong đợt can thiệp vào Libya nay thắc mắc “Sao không can thiệp vào Syria?” Các phụ tá của Obama cho rằng so sánh như vậy là vô ích. Ông Rhodes nói: “Khái niệm về một chủ thuyết chỉ hữu ích để có một nguyên tắc tổ chức để người ta nghĩ về chính sách đối ngoại. Nhưng trong thuật trị quốc, điều đó bất khả thi trên thực tế”.

Syria rõ ràng là vấn đề nan giải hơn. Libya có hệ thống phòng không yếu kém và có chiến trường sa mạc dễ không kích. Syria có những thành phố với mật độ dân số dày đặc, và Assad có hỏa lực đáng nể. Khác với Gaddafi (không có đồng minh quốc tế thân cận nào), Syria có mấy chục năm quan hệ hợp tác quân sự và tình báo với cả Iran và Nga. Obama đợi đến tháng 8/2011 mới tuyên bố rằng “đã đến lúc Tổng thống Assad phải rút lui”. Nay nghĩ lại, đây có lẽ là sai lầm đầu tiên của ông ở Syria. Khi Assad phớt lờ lời nhắn nhủ này, nhà độc tài không gánh chịu hậu quả nào cả. Một năm sau, Obama nói với báo giới: “Ông ta chưa hiểu ra thông điệp đó”. Rất có thể, Assad thấy chẳng việc gì phải nghe theo.

Không phải là Obama đã có những lựa chọn hay. Có người cho rằng lẽ ra ông đã có thể tăng cường ủng hộ cho các phe phiến loạn ôn hòa của Syria cách đây ít nhất một năm, trước khi phe Hồi giáo cực đoan tiếm đoạt [vai trò thống lĩnh] cuộc nổi dậy. Ngay cả vào cuối năm 2012, các quan chức cấp cao của Obama, trong đó có [ngoại trưởng] Hillary Clinton và [giám đốc CIA] David Petraeus, vẫn thiên về chiều hướng này. Nhưng Obama bác bỏ các đề xuất của họ, vì e rằng Mỹ chẳng thể làm được gì để tác động đến một tình huống phức tạp như vậy. Ông cũng lo ngại về việc trao quyền cho phiến quân có liên hệ với al-Qaeda, những kẻ có thể đe dọa các lợi ích của Mỹ nhiều hơn Assad từng làm. Giờ đây, ngay cả những người từng ủng hộ các chính sách như vậy cũng cho rằng cơ hội có thể đã trôi qua. Gần đây Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey viết: “Syria ngày nay không phải là chuyện chọn lựa giữa hai bên, mà là chọn một bên trong nhiều bên”, mà không có bên nào có cùng lợi ích với Mỹ.

Thế rồi xuất hiện phát biểu “lằn ranh đỏ”. Trả lời một câu hỏi tại một buổi họp báo ở Nhà Trắng hồi tháng 8/2012, Obama nói việc sử dụng hay di chuyển các vũ khí hóa học sẽ có “những hậu quả to lớn”. Obama có thể đã hối tiếc về phát biểu đó. Assad dường như chọc tức ông bằng các vụ tấn công hóa học quy mô nhỏ – chỉ đủ để giết hàng chục người nhưng chưa đủ để thành một cuộc khủng hoảng quốc tế. Có lẽ để đáp lại, Obama hiệu chỉnh định nghĩa lằn ranh đỏ của mình hồi tháng Tư vừa rồi, nói rằng ông sẽ không dung thứ việc sử dụng “có hệ thống” các vũ khí hóa học. Đến tháng 6/2013, khi Assad đã giành thế thượng phong, chính quyền Obama cho biết rốt cuộc họ sẽ trang bị vũ khí cho phiến quân Syria. Nhưng các bản tin đáng tin cậy cho biết các đợt giao vũ khí, nếu có, hiếm khi được thực sự thực hiện; điều đó làm dấy lên nỗi nghi ngờ về quyết tâm của Obama.

Việc Syria dường như tấn công bằng khí độc ở ngoại ô Damascus hôm 21/8/2013 là giọt nước tràn ly. Đây là cực điểm của nhiều yếu tố: bằng chứng về một mẫu hình các vụ tấn công và đoạn phim quay cảnh ghê rợn các nạn nhân bị co giật. Chính “hành động xấu xa cùng cực về đạo đức” (moral obscenity) đó, theo lời của Ngoại trưởng John Kerry, đã nghiêm trọng đến mức Obam không thể phớt lờ, giải thích lấp liếm cho xong hay giao cho một ủy ban nghiên cứu.

Thời điểm [xảy ra biến cố đó] quả là hết sức bất tiện, vào lúc Obama đã có ý định chuộng sự ổn định hơn các giá trị Mỹ. Mười bảy cuộc điện đàm từ Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel gọi cho tướng Ai Cập Abdul Fattah al-Sisi đã không ngăn chặn được vụ đảo chính và cảnh đổ máu ở đó. Giờ đây, Washington chẳng còn mấy đồng minh nhiệt thành ở đất nước đông dân nhất thế giới Ả Rập. Eliot Cohen, cựu cố vấn cao cấp cho Ngoại trưởng Condoleezza Rice, nói: “Đáng nói là chúng ta đã khiến mọi người ở Ai Cập tin rằng chúng ta đã phản bội họ”.

Những giới hạn của quyền lực

Một số vấn đề của Obama nghe khá quen thuộc. Đầu nhiệm kỳ thứ nhất của mình, Bill Clinton – giống như Obama, tập trung vào các vấn đề quốc nội – cũng bị cáo buộc là dè dặt và yếu đuối. “Chúng ta chẳng có thế, chúng ta có tầm ảnh hưởng [hay] thiên hướng sử dụng vũ lực quân sự”, một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao đã than như vậy vào năm 1993. Và cũng như Obama đang chịu áp lực trong và ngoài nước về vấn đề Syria, Clinton bị chỉ trích vì không can thiệp vào các cuộc chiến vùng Balkan. “Vị trí lãnh đạo của thế giới tự do hiện đang bỏ trống”, Tổng thống Pháp Jacques Chirac ta thán vào năm 1995.

Tương tự, Obama cũng bị đủ mọi giới phê phán: những người hoạt động nhân đạo muốn chấm dứt chiến tranh ở Syria; phe diều hâu muốn Mỹ có chính sách đối ngoại táo bạo hơn; những người cổ xúy dân chủ và nhân quyền sửng sốt vì Obama không cứng rắn hơn đối với các tướng lĩnh Ai Cập. Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ ở Châu Âu than phiền rằng Mỹ không thể hiện vai trò lãnh đạo, và một quan chức cao cấp chính phủ Ả Rập nói với tạp chí TIME rằng các nhà nước thân thiện với Mỹ trong khu vực không cảm thấy họ có thể trông cậy vào Mỹ. Christopher Hill, một nhà ngoại giao kỳ cựu từng là đại sứ của Obama ở Iraq, nói: “Người ta không cảm thấy chúng ta can dự vào các vấn đề ở Trung Đông ngay lúc này”.

Những người ủng hộ Obama cho rằng ông đã làm hết sức mình khi thừa hưởng một gia tài độc hại – từ tâm lý bài Mỹ ở nước ngoài đến ngân sách eo hẹp và tình trạng cô lập ngày càng tăng trong nước. Và các vị tiền nhiệm của ông ở Nhà Trắng thường nghe những lời kêu ca từ nước ngoài rằng ý chí muốn thể hiện quyền lực của Mỹ đang nao núng. Nhưng quả là dân Mỹ đã ngán ngẩm chuyện trả bằng máu và của cải để giải quyết những vấn đề ở tận đâu đâu mà thường có vẻ không thể giải quyết được. Adam Smith, Hạ nghị sĩ Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Lực lượng Vũ trang của Hạ viện, nói: “Suy cho cùng, Mỹ không thể áp đặt ý chí của mình lên mọi vấn đề trên thế giới”.

Công cụ cùn của sức mạnh quân sự có thể hết sức vô dụng trong chuyện giải quyết những biến động xã hội của Mùa xuân Ả Rập. Mieke Eoyang, một nhà phân tích an ninh quốc gia thuộc tổ chức nghiên cứu Third Way ở Washington, nói: “Thẳng thắn mà nói, Mỹ không giỏi giải quyết chính biến của một nước khác. Có thể Mỹ chẳng có công cụ”.

Syria hẳn nhiên cần có thiết bị với độ chính xác cao. Đất nước 22 triệu dân này, tiếp giáp với Địa Trung Hải về phía tây và Iraq về phía đông, đã có chế độ độc tài từ năm 1949. Đất nước này cũng là cái gai thường trực trong mắt Mỹ, liên kết với giới giáo sĩ cầm quyền của Iran và tài trợ cho nhóm khủng bố Hizballah ở Lebanon. Trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng Iraq, Assad mở cửa biên giới của mình để du kích Hồi giáo vượt biên vào Iraq để giết lính Mỹ. Dù vậy, năm 2009 Assad nói ông “muốn đối thoại” với Mỹ, và các nhà ngoại giao Mỹ, trong đó có Kerry (lúc đó là chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Thượng viện), đã nhiều lần đến thăm Damascus trước khi cuộc nổi dậy bắt đầu ở đó. Nhưng Mỹ chưa bao giờ hoàn toàn thuyết phục được Assad thực sự hợp tác.

Dòng họ Assad xuất thân từ giáo phái Alawite của Syria, một nhánh của Hồi giáo Shi’ite. Họ cai trị một đất nước có gần ba phần tư là người Sunni, nên luôn luôn phải đàn áp ở mức độ gợi nhớ đến nước Iraq thời Saddam Hussein. Nhưng hồi tháng 3/2011, xã hội Syria rạn nứt và ách cai trị của Assad lần đầu tiên bị công khai thách thức bằng những cuộc biểu tình về sau trở thành phong trào phiến loạn do người Sunni thống lĩnh.

Syria có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước láng giềng. Cuộc nội chiến đã tạo ra gần 2 triệu người tị nạn. Tình trạng bỏ xứ ra đi này có nguy cơ gây bất ổn cho Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, và làm tăng thêm những căng thẳng Shi’ite-Sunni ở Lebanon và Iraq, châm ngòi một cuộc xung đột giáo phái có thể trải dài từ Vịnh Ba Tư đến Địa Trung Hải. Trong nhiều tháng, các đồng minh của Assad ở Iran và Lebanon liên tục gởi quân đến ủng hộ chế độ của ông. Đó là lý do tại sao chuyện được mất ở ván cờ Syria quá cao: nó đã trở thành một cuộc chiến tranh đại diện (proxy war), được kích thích bằng tiền và vũ khí, giữa Iran và giáo phái Sunni đối thủ của họ giống như Saudi Arabia. Với một cuộc xung đột trong đó hơn 100.000 người đã bị giết, hẳn nhiên có động cơ đạo đức buộc ta phải hành động. Rồi còn chuyện an ninh của Israel khi một nhà nước có vũ khí hóa học đang sụp đổ.

Obama không phủ nhận bất cứ điều gì trong những vấn đề dó. Hồi tháng 6, ông nói với Charlie Rose của đài PBS: “Chúng ta có những lợi ích nghiêm túc ở đó. Mà không chỉ là các lợi ích về nhân đạo. Chúng ta không thể để diễn ra tình hình hỗn loạn liên tục ở một nước lớn có biên giới với Jordan, và Jordan lại có biên giới với Israel. Và chúng ta có nhu cầu chính đáng cần tham gia và cần can dự”. Điều ông tranh cãi là ông có thể định hình kết cuộc ở Syria bằng can thiệp quân sự, với hành động trực tiếp hoặc bằng cách vũ trang cho phiến quân mà có thể có quan hệ với phe Hồi giáo cực đoan.

Vì vậy khi hoạch định phản ứng của Mỹ đối với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8, các phụ tá của Obama tập trung lượng định một phản ứng sẽ phát đi một thông điệp mà không gây hỗn loạn hơn nữa. Dùng quá nhiều vũ lực thì sẽ thay đổi cán cân chiến lược của cuộc xung đột, có thể trao quyền cho phiến quân Hồi giáo – một số trong đó có liên minh với al-Qaeda – những kẻ mà Nhà Trắng xem là còn nguy hiểm hơn cả Assad. Tuy nhiên, nếu dùng quá ít vũ lực thì trông [Mỹ] quá yếu ớt. Scowcroft cảnh báo: “Không có gì tệ hơn là có cử chỉ chẳng thay đổi được gì mà lại khiến chúng ta trông càng bất lực”.

Thông điệp cho Tehran

Ngày 10/12/2009, Obama bay đến Na Uy để nhận Giải Nobel Hòa bình, một danh dự hơi sớm mà Nhà Trắng không hoàn toàn hoan nghênh. Lúc đó Obama đã đưa thêm quân sang Afghanistan, leo thang các vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào bọn khủng bố al-Qaeda, và bị Tehran từ chối bàn tay hữu nghị của ông. Càng lúc càng thấy rõ là thế giới có thể vẫn chưa biến đổi gì cả. Vì vậy ngay cả khi Obama tán dương chính nghĩa hòa bình thế giới vào ngày hôm đó, ông công nhận rằng một thế giới nguy hiểm đôi khi đòi hỏi phải có chiến tranh, thường do vũ khí Mỹ dẫn đầu. Ông nói: “Bất luận chúng tôi đã phạm những sai lầm gì, thực tế đã rõ là Mỹ giúp bảo đảm an ninh toàn cầu trong hơn sáu thập niên bằng máu của công dân chúng tôi và sức mạnh của vũ khí của chúng tôi”.

Obama nay đang áp dụng nguyên tắc đó ở Syria. Bất luận cuộc đối đầu của Obama với Assad có kết cuộc ra sao, một cuộc đối đầu còn nguy hiểm hơn đang chờ đợi – đó là đối đầu với Iran. Nếu một vòng đàm phán nữa với Tehran thất bại, Obama có thể sớm buộc phải giữ lời hứa ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. “Tôi sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực khi cần thiết để bảo vệ Mỹ và các lợi ích của Mỹ”, Obama phát biểu như vậy với Ủy ban Các vấn đề công cộng Israel Mỹ vào tháng 3/2012.

Nhưng theo những người phê phán ông, Obama quả thực có ngần ngại, và thế là nảy sinh rắc rối. Nhiệm kỳ tổng thống của ông còn hơn ba năm nữa, ông có cơ hội thay đổi ấn tượng đó. Thành công ở Syria rồi Iran có thể chứng tỏ giá trị của ông, còn thất bại thì có thể thân bại danh liệt. Brian Katulis, cựu cố vấn chiến dịch tranh cử của Obama và nay thuộc Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nhận xét: “Rủi ro là nếu tình hình ở Trung Đông tiếp tục xuống dốc, điều đó sẽ trở thành di sản của ông”.

Một số tổng thống thuộc Đảng Dân chủ đã từng bị chính sách đối ngoại hủy hoại sự nghiệp: Carter bị vụ Iran, Lyndon Johnson bị vụ Việt Nam. Nhưng có một mô hình khác. Clinton dập tắt lửa chiến cuộc ở vùng Balkan và chứng tỏ tính cao quý của hành động can thiệp của Mỹ. Obama còn thời gian để tìm được con đường vượt qua tình trạng hỗn loạn hiện nay để có một di sản thành công ở nước ngoài.

Khi vạch ra đường đi của mình, ông có thể cân nhắc một tư tưởng từ một nguồn khó ngờ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Anh vào năm 2009 với giọng điệu ôn hòa, Assad nói ông hy vọng Obama sẽ đóng vai trò tích cực trong tiến trình hòa bình Trung Đông bởi vì chỉ có Washington có làm trung gian để đạt được một giải pháp lâu dài. Ông nói: “Không có gì thay thế được Mỹ”.

Nguồn: Michael Crowley, Across the Red Line, TIME, 9/9/2013.

Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan:

3 thoughts on “Khủng hoảng Syria (2): Syria vượt lằn ranh đỏ – Phép thử cho chiến binh bất đắc dĩ Obama

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *