Khủng hoảng Syria (4): Các hệ quả pháp lý của những cuộc chiến phi pháp

David Kaye

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Tổng thống Obama tại một buổi họp báo ở Nhà Trắng (Reuters)
Tổng thống Obama tại một buổi họp báo ở Nhà Trắng (Reuters)

Mọi dấu hiệu đều cho thấy Mỹ chẳng mấy chốc sẽ là một nước tham chiến trong cuộc nội chiến Syria. Chính phủ Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học giết chết hàng trăm người; điều đó đã vượt qua lằn ranh đỏ mà cách đây một năm Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố là sẽ là nước đi làm thay đổi cuộc cờ, và cuộc cờ của Washington, London, và Paris rõ ràng đã thay đổi. Song có một điều vẫn chưa thay đổi: luật quốc tế quy định khi nào các quốc gia có thể sử dụng vũ lực.

Nói như vậy không có nghĩa là các luật sư của chính phủ rốt cuộc sẽ chẳng ra tay ban phát đôi chút ơn huệ pháp lý. Theo báo chí đưa tin thì các quan chức trong chính quyền đang thúc bách các luật sư tư vấn pháp lý. Và các luật sư sẽ tỏ ra hữu ích, đặc biệt là nếu chủ trương dùng vũ lực được ủng hộ mạnh mẽ và bằng chứng cho thấy chế độ [Assad] chịu trách nhiệm về các vụ tấn công đó là không thể chối cãi.

Nhưng họ cũng nên rõ ràng: Bổn phận của luật sư là tư vấn pháp lý, chứ không phải tư vấn đạo đức, cho các thân chủ của mình – tức các quan chức cấp cao Mỹ. Nhiệm vụ của luật sư không phải là nhận xét có nên tấn công Syria hay không, mà là nói rõ luật nào áp dụng, giải thích những quan điểm Mỹ đã đưa ra trong những hoàn cảnh tương tự trước đây, và tiên đoán xem nếu phạm luật thì sẽ có những hệ quả pháp lý và thể chế gì.

Vậy luật nào đây? Luật căn bản về việc sử dụng vũ lực khá đơn giản: Theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, hiệp ước chính của kỷ nguyên hiện đại và chủ yếu là tác phẩm của Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong Thế chiến II, các quốc gia nhìn chung bị cấm sử dụng vũ lực đối với các quốc gia khác trừ phi họ hành động để tự vệ đơn lẻ hay tự vệ tập thể, hoặc làm theo một lệnh ủy quyền của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Trong lịch sử hậu chiến của hiến chương này, những tuyên bố tự vệ còn nhiều chỗ đáng bàn. Các quốc gia – đặc biệt là Mỹ – từng tìm cách mở rộng những tình huống nằm trong định nghĩa về tự vệ.

Nhưng nếu [Mỹ] đưa ra luận điểm cho rằng ra tay hành động ở Syria là để tự vệ, thì luận điểm đó sẽ phá vỡ khái niệm tự vệ khiến chẳng ai nhận ra nó nữa. Điều khiến chính quyền [Mỹ] quan ngại, theo những lời phát biểu chính thức, là “hành động xấu xa cùng cực về đạo đức” (moral obscenity)[1] của một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nhắm vào chính công dân của quốc gia đó. Dù hành động đó quả là kinh khủng, chưa có cuộc tấn công nào (hay đe dọa tấn công) nhắm vào Mỹ để biện minh cho tự vệ đơn lẻ, hay nhắm vào các đồng minh để biện minh cho tự vệ tập thể xét về mặt luật pháp.

Vì dường như khó có khả năng đạt được một nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Mỹ không còn lập luận pháp lý thuyết phục nào để dùng vũ lực. Một số nhà nước, tổ chức phi chính phủ, và học giả đã tìm cách sáng chế ra những trường hợp ngoại lệ về yêu cầu bắt buộc phải được Hội đồng Bảo an ủy quyền, thường dưới danh nghĩa can thiệp nhân đạo, hay hình thức đương đại của nó là Trách nhiệm Bảo vệ (Responsibility to Protect – R2P). Cả hai ngoại lệ này xuất phát từ một quan điểm đạo đức cho rằng các quốc gia có bổn phận chăm sóc công dân của mình, và khi họ vi phạm bổn phận đó bằng cách phạm các tội ác nghiêm trọng, vũ lực nên là một cơ chế có thể dùng để ngừng hoặc ngăn chặn họ. Nhưng cả hai ngoại lệ này đều không có hiệu lực pháp lý. Bản thân Mỹ đã không chấp nhận sự can thiệp nhân đạo là cơ sở pháp lý biện minh cho cuộc chiến Kosovo năm 1999 cho dù Vương quốc Anh đã tán thành (và vẫn tán thành), nhưng Vương quốc Anh chẳng có đồng minh về vấn đề này. R2P được Liên Hiệp Quốc chấp thuận vào năm 2005, nhưng ngay cả trong vấn đề đó Liên Hiệp Quốc đã quyết định rằng bất cứ hành động can thiệp nào cũng cần có sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an thì mới được xem là hợp pháp.

Obama cũng đã viện dẫn các chuẩn mực chống lại việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, chẳng hạn Nghị định thư Geneva năm 1925 cấm sử dụng vũ khí chất độc (mà Syria có tham gia ký kết). Sự cấm đoán này có thể được thể hiện bằng lời lẽ mạnh mẽ, nhưng bản thân hiệp ước đó không tạo ra căn cứ để dùng vũ lực. Nhưng nhiều công cụ của thời đó, hiệp ước đó không đề cập đến các hậu quả của việc vi phạm.

Vì vậy, trừ phi Hội đồng Bảo an ủy quyền hành động, Mỹ và các nước đồng minh có tham gia của Mỹ sẽ vi phạm luật quốc tế khi sử dụng vũ lực quân sự chống lại Syria. Muốn gọi thế nào thì tùy: “phi pháp” nếu ta thẳng thắn, “không phù hợp với luật quốc tế” nếu ta là luật sư, “khó biện hộ” nếu ta là nhà ngoại giao. Tất thảy đều có chung kết luận: Không có luật quốc tế nào ủng hộ một cuộc tấn công của Mỹ nhắm vào Syria, ngay cả khi có cảnh giết người hàng loạt bằng những vũ khí bị quốc tế cấm.

Rất có thể Mỹ sẽ tìm một số cách khác để biện minh cho những hành động của mình. Ta có thể rút ra nhiều điều từ cách hành xử của Mỹ trong những tình huống tương tự, khi các quan chức Mỹ muốn dùng vũ lực nhưng không có căn cứ pháp lý hiển nhiên nào để hành động như vậy. Nhiều bình luận viên kể ra cũng có lý khi xem cuộc chiến Kosovo là tiền lệ pháp lý và chính trị trong những cân nhắc của các luật sư chính phủ. Năm 1999, khi cuộc chiến ở Bosnia vẫn còn là ký ức chưa xa, Mỹ và các đồng minh NATO của mình cảm thấy có một thảm họa nhân đạo ở vùng Balkan, với việc người Serb bị cáo buộc thanh lọc sắc tộc đối với người Albania ở Kosovo. Nhưng lúc đó, cũng như bây giờ, Liên bang Nga không chịu tán thành bất cứ sự ủy quyền nào của Hội đồng Bảo an cho phép dùng vũ lực, nên NATO buộc phải cân nhắc một căn cứ pháp lý quốc tế khác.

Các luật sư của Bộ Ngoại giao Mỹ e ngại về việc tạo ra một tiền lệ pháp lý mà các quốc gia khác có thể lợi dụng trong các cuộc xung đột trong tương lai, nên đã không đưa ra ý kiến tán thành pháp lý. Thay vì thế, họ phối hợp với những người làm chính sách để tạo ra một số yếu tố, trong bối cảnh cụ thể của Kosovo, giúp đưa ra lý lẽ biện minh (nếu không phải là căn cứ pháp lý) cho việc dùng vũ lực. Những yếu tố đó bao gồm mối nguy xảy ra thảm họa nhân đạo, sự xáo trộn an ninh khu vực, và tình trạng tê liệt của Hội đồng Bảo an. Nhưng họ cũng dựa vào việc Nam Tư cũ không đáp ứng các yêu sách trước đó của Hội đồng Bảo an.

Trong trường hợp Syria, Hội đồng Bảo an không có yêu sách nào trước đây. Nhưng có vẻ như Mỹ có thể đang có chiều hướng sử dụng lại cách tiếp cận tổng quát đó. Trong một cuộc phỏng vấn với đài PBS, Obama đã liệt kê một số yếu tố liên quan cụ thể đến Syria, đặc biệt là nhu cầu theo cảm nhận là cần phải duy trì chuẩn mực quốc tế chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học.

Nhìn từ góc độ chính sách, cái gọi là cách tiếp cận bằng những yếu tố đã áp dụng ở Kosovo nghe thật hấp dẫn; nó giúp cho việc dùng vũ lực dường như chính đáng dù không hợp pháp, và nhiều nhà làm chính sách quan tâm nhiều đến tính chính đáng hơn là tính hợp pháp, đặc biệt là nếu hành động không chịu một hệ quả pháp lý cụ thể nào. Nhưng do cho rằng luật pháp và tính chính đáng là hai mặt đối lập nhau – hay cụ thể hơn, cho rằng khuôn khổ của Hiến chương Liên Hiệp Quốc là không chính đáng do nó cho phép một số quốc gia che chở và cho phép hành vi tàn bạo do chính họ hay đồng minh của họ thực hiện – cái trò ảo thuật pháp lý này gây tổn hại đến tính chính trực của luật quốc tế và các thiết chế của nó, trong đó có Hội đồng Bảo an. Khi một số cường quốc mạnh lên, chẳng hạn như Trung Quốc, Mỹ có thể hối tiếc đã góp phần gây phương hại quyền kiểm soát pháp lý của Hội đồng Bảo an đối với việc sử dụng bạo lực.

Cuối cùng là vấn đề các hệ quả của kiểu phạm luật này. Gần như không thể có chuyện truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy Tòa án Hình sự Quốc tế có thể có thẩm quyền tài phán đối với những trường hợp sử dụng vũ lực phi pháp trong tương lai, hiện nay việc sử dụng vũ lực trái luật không dẫn đến cùng kiểu trách nhiệm hình sự theo luật quốc tế giống như quy định về các tội ác chống lại nhân loại, tội ác chiến tranh, và tội diệt chủng. Các quốc gia thường không (may ra cũng chỉ họa hoằn) điều tra và truy tố những trường hợp các lãnh tụ nước ngoài sử dụng vũ lực theo các luật về thẩm quyền tài phán chung (universal jurisdiction).[2] Khác với những khiếu nại về các chương trình tra tấn của chính quyền Bush, hiếm có quốc gia nào có thể xử lý các trường hợp sử dụng vũ lực tại tòa án quốc gia của họ.

Nói cách khác, các quan chức chính quyền Obama vẫn có thể đi nghỉ ở Châu Âu (dù có lẽ không phải ở Belarus).[3] Nhưng những nhà làm chính sách vẫn nên suy nghĩ về các hệ quả pháp lý đối với hệ thống Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Liệu việc sử dụng vũ lực trái phép chống lại Syria có khiến Mỹ khó khiếu nại về những nước khác sử dụng vũ lực [với những cái cớ khác] ngoài chủ thuyết tự vệ hay sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an? Liệu nó có góp phần hình thành một chuẩn mực không được thể chế hóa của việc can thiệp nhân đạo, mà theo đó bất cứ quốc gia nào cũng có thể dùng vũ lực theo ý của mình? Hay kiểu phạm luật này sẽ giúp củng cố những chuẩn mực khác của luật quốc tế, chẳng hạn như chuẩn mực chống lại việc dùng vũ khí hóa học hay tấn công nhắm vào thường dân? Vì các luật sư của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng làm việc rất nhiều với các tổ chức quốc tế, họ nên cân nhắc liệu việc sử dụng vũ lực ở Syria có làm phức tạp các nỗ lực và các mối quan hệ khác với cả hệ thống Liên Hiệp Quốc.

Tóm lại, Mỹ đang hướng đến một cuộc can thiệp vào Syria mà các quan chức chính quyền rõ ràng tin là hành động đúng đắn, cần thiết, và nhân đạo. Hành động của họ có thể là chính nghĩa. Nhưng sẽ không hợp pháp, và dù họ có vận dụng luật sáng tạo đến mấy cũng không thể biến nó thành chuyện hợp pháp.

David Kaye là giáo sư tại Trường Luật, Đại học California, Irvine.

Nguồn: David Kaye, The Legal Consequences of Illegal Wars, Foreign Affairs, 29/8/2013.

Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan:


[1] Trích phát biểu về Syria của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 26/8/2013.

[2] Thẩm quyền tài phán chung (universal jurisdiction) cho phép mọi quốc gia có thẩm quyền tài phán đối với một số ít tội thường được công nhận là mối quan tâm chung (của mọi quốc gia), bất luận việc phạm tội diễn ra ở đâu, quốc tịch của người phạm tội hay quốc tịch của nạn nhân. (Nguồn: Michael P. Scharf, Universal Jurisdiction and the Crime of Aggression, Harvard International Law Journal / Vol. 53, Number 2, Summer 2012, p. 366.)

[3] Năm nước (Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, Cộng hòa Séc, và Estonia) đã ban hành luật cho phép tòa án của họ có thẩm quyền tài phán chung đối với tội xâm lược. (Nguồn: Michael P. Scharf, Universal Jurisdiction and the Crime of Aggression, Harvard International Law Journal / Vol. 53, Number 2, Summer 2012, p. 359.)

1 thought on “Khủng hoảng Syria (4): Các hệ quả pháp lý của những cuộc chiến phi pháp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *