Fiona Hill
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Hôm thứ Hai, 9/9/2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đi một nước cờ ngoại giao dường như khiến toàn thể cộng đồng quốc tế, chứ không riêng gì Tổng thống Mỹ Barack Obama và ê-kíp của ông, bất ngờ. Putin đã tận dụng thời điểm gay cấn nhất – trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu hệ trọng ở Quốc hội Mỹ về quyết định của Obama muốn tiến hành một cuộc tấn công có mục tiêu nhắm vào lãnh tụ Syria Bashar al-Assad – để đề nghị Syria giao nộp vũ khí hóa học cho một ủy ban quốc tế do Liên Hiệp Quốc đứng đầu. Assad nhanh chóng đồng ý với đề xuất này, ít nhất là về nguyên tắc.
Đến tối 10/9, sau trọn một ngày nhận được lời kêu gọi từ khắp nơi yêu cầu áp dụng kế hoạch của Putin, có vẻ như Obama đã rút lại những lời đe dọa sớm có hành động quân sự. Trong bài phát biểu truyền trực tiếp đến cả nước Mỹ, ông yêu cầu quốc hội hoãn bỏ phiếu, thông báo là Ngoại trưởng John Kerry sẽ gặp phía Nga để bàn bạc cụ thể, kêu gọi Liên Hiệp Quốc duy trì áp lực ngoại giao đối với Assad, và gióng chuông mở màn thêm một hiệp nữa của trận đấu Syria. Sau đó Putin lại dùng ưu thế của mình tăng thêm sức ép với yêu sách đòi Washington hứa không được tấn công Assad nếu lãnh tụ Syria giao nộp vũ khí hóa học của mình.
Dù kế hoạch của Nga có thành công hay không, chắc chắn ê-kíp Putin sẽ tán tụng đây là một đòn ngoại giao ngoạn mục, một màn phô diễn kỹ thuật điêu luyện hơn những đòn thế mà ê-kíp Obama có thể tung ra. Ví dụ, Putin đã lợi dụng được câu nói có vẻ hớ của Ngoại trưởng John Kerry tại một cuộc họp báo ở Anh hôm thứ Hai 9/9. Khi trả lời câu hỏi của một nhà báo, Kerry khẳng định rằng cách duy nhất để Assad tránh bị tấn công là giao nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học của mình. Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó rút lại phát biểu của Kerry, nhưng ngay lúc đó Putin chộp lấy cơ hội bằng cách tán thành kế hoạch giải trừ quân bị này. Trong các cuộc phỏng vấn, Obama cho biết trước đó ông đã bàn bạc tổng quan về đề xuất này với Putin khi tổng thống kéo ông ra họp riêng tại Hội nghị thượng đỉnh G-20. Nhiều nhân vật quốc tế có can dự khác đã tuyên bố ý tưởng tổng quát là của họ. Song nhiều người khác cho rằng khái niệm cốt lõi [của kế hoạch này] đã được giới ngoại giao cân nhắc lâu nay.
Bất luận sự thực thế nào, chính Putin là người đầu tiên nhận mình là tác giả [của ý tưởng này]. Do vậy ông có thể tranh công về phần mình trong khi Mỹ và các nước khác nháo nhào diễn giải tình hình sao cho có lợi cho mình. Tuy Putin giúp Obama và Mỹ thoát ra được thế lưỡng nan ngay tại Mỹ, đa số các nhà quan sát đồng ý rằng, Putin ăn điểm và thắng đẹp hiệp đấu này của cuộc xung đột Syria. Quả thật khi giúp Obama tránh khả năng bị quốc hội bác bỏ kế hoạch tấn công, Putin càng khiến tổng thống Mỹ có phần chịu ơn ông khi hiệp đấu tiếp theo của trận đấu Syria diễn ra. Vốn là cựu sĩ quan KGB thành đạt thường nhờ biết dựa vào trò đổi chác ơn huệ ở hậu trường, đây là một tình huống mà Putin ưa thích. Câu hỏi hiện nay là liệu Mỹ và các đồng minh có cao tay ấn hơn Putin để giành lại ưu thế ngoại giao hay không. Nếu lấy lịch sử của cuộc xung đột Syria để tham chiếu, thì điều đó sẽ không dễ. Bất luận cuộc xung đột này cuối cùng được giải quyết ra sao, giờ đây có vẻ như tình hình rất có thể sẽ tùy thuộc vào các điều kiện do Moscow, chứ không phải Washington, đặt ra. (Cập nhật ngày 11/9/2013)
BÀI GỐC: ngày 6/9/2013
Sau nhiều tháng đứng vững (và gần như một mình) với lập trường phản đối quốc tế can thiệp vào Syria, đến cuối tháng 8, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đành chấp nhận khả năng Mỹ có thể tấn công chế độ Bashar al-Assad. Hẳn nhiên ông không hài lòng về chuyện này, nhưng việc sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân ở một ngoại ô Damascus dường như đã đẩy giai đoạn hiện nay của cuộc khủng hoảng Syria đến hồi cao trào tất yếu của nó. Do Mỹ và quốc tế liên tục cảnh báo rằng dùng vũ khí hóa học là vượt lằn ranh đỏ và sẽ bị trừng phạt, có vẻ như chẳng chóng thì chầy sẽ diễn ra các cuộc không kích đánh vào Syria.
Tuy nhiên những diễn biến sau vụ tấn công [bằng vũ khí hóa học] bất ngờ có lợi cho Putin. Trước hết là nghị viện Anh bỏ phiếu không chấp nhận kế hoạch của Thủ tướng David Cameron về việc tham gia cuộc tấn công quân sự của Mỹ. Kế đến là Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định đệ trình vấn đề này để một quốc hội miễn cưỡng bỏ phiếu. Chính phủ Pháp tuyên bố rằng – khác với ở Mali – họ sẽ không hành động một mình ở Syria. Còn Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon phát biểu rằng nhóm thanh tra vũ khí hóa học mà ông đã cử sang Syria cần thêm thời gian để hoàn tất công việc trước khi xác định xem có đủ bằng chứng cho Liên Hiệp Quốc chấp thuận việc sử dụng vũ lực.
Giờ đây, khi Putin chủ trì hội nghị thượng đỉnh G-20 ở St. Petersburg, ông thấy một cơ hội mới cho Nga. Do tất cả các bên rõ ràng không muốn hành động dứt khoát, Putin tin là có thể tránh được một cuộc tấn công, hay ít nhất là chỉ có Mỹ đơn phương hành động. Ngoài chút ít ủng hộ từ Pháp, và đôi chút hô hào cổ vũ bên lề của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên đoàn Ả Rập, Obama – chứ không phải Putin – sẽ đơn thương độc mã. Còn Nga sẽ không còn bị cô lập về vấn đề Syria.
Trong tuần qua, Putin đã dùng một loạt các cuộc phỏng vấn và những lần xuất hiện trước công chúng được dàn xếp kỹ lưỡng để khơi dậy mối hoài nghi về việc sử dụng vũ lực. Ông tung ra ý kiến cho rằng chính phiến quân Syria đã thực hiện vụ tấn công bằng khí độc để kéo Mỹ vào cuộc và giành lại thế trận trong cuộc nội chiến mà lâu nay họ đang thua. Ông tham gia những màn kịch chính trị được dàn dựng khôn khéo, trong đó có khuyến khích các đại biểu Viện Duma Nga liên lạc với các nghị sĩ Mỹ trước khi họ bỏ phiếu. Putin đã khôn ngoan khi kêu gọi xem xét lại dữ kiện, và nêu rõ tầm quan trọng của việc đừng hành động nóng vội. Ông để ngỏ khả năng Nga có thể có vai trò nếu Liên Hiệp Quốc có biện pháp chống lại chế độ Syria – nếu tổng thư ký thu thập được bằng chứng không thể chối cãi là Assad ra lệnh dùng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân của mình. Putin đã nhấn mạnh cần có các tiêu chuẩn cao về bằng chứng để tránh lặp lại các sai lầm trước đây, ví dụ cho phép Mỹ can thiệp vào Iraq dựa trên thông tin tình báo không chính xác về vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Bất kể những nước cờ đó có thành thật hay không (rất có thể là không), chúng rất hợp ý của các giới ở Nga, và một số giới bên ngoài nước Nga lâu nay phản đối những hành động quân sự của Mỹ. Putin đã tiếp thu tất cả những lập luận phổ biến phản đối việc can thiệp, và bằng cách lặp lại các luận điểm này, ông tạo dựng cho mình hình ảnh người bảo vệ luật lệ quốc tế. Ông thể hiện mình là một lãnh tụ khôn ngoan, biết nhận ra một hành động khiêu khích và không để bị mắc mồi. Ông đang ở tư thế sẵn sàng tuyên bố một thắng lợi tinh thần cho nước Nga và hưởng công trạng nếu Obama rút lại ý định can thiệp.
Hơn nữa, trong những phát biểu về Obama, Putin không xúc xiểm cá nhân tổng thống Mỹ, mà cũng không trực tiếp bày tỏ nghi vấn về tính chính trực của Obama. Ông đã khéo léo xuất đòn công kích quan điểm của Mỹ. Ngay cả khi người ta quả thực không tin các động cơ của ông, rõ ràng là Putin ít nhất cũng đã đẩy Obama vào tình thế khó xử khi phải biện minh tại sao Obama đã cho rằng Syria vượt lằn ranh đỏ về sử dụng vũ khí hóa học và tại sao ông không thể đợi quyết định của Liên Hiệp Quốc – mà tất cả những đòn đó diễn ra trong khi Obama đang ở Nga, trước cử tọa G-20 nhìn chung là hoài nghi.
Putin đặc biệt điêu luyện trong việc khiến các đối thủ mất thăng bằng. Và đương nhiên Obama là đối thủ của Putin trong vấn đề Syria. Xưa nay, mục tiêu của Putin là ngăn cản không để Mỹ tấn công chế độ Syria – không phải để bảo vệ Assad, mà để bảo vệ Nga. Putin muốn có một lãnh tụ vững mạnh ở Syria có khả năng kiểm soát tình hình. Ông muốn bảo đảm rằng các nhóm khủng bố có quan hệ với phe cực đoan ở vùng Bắc Caucasus đầy biến động của Nga không chuyển từ các chiến dịch ở Syria sang những đợt tấn công vào các mục tiêu ở Nga. Putin cũng học hỏi từ kinh nghiệm bản thân để đạt được mục đích của mình.
Ông mong bị đánh giá thấp và bị coi thường – bị chê là “cậu học trò chán chường ngồi thượt ở cuối lớp” (như Obama mô tả ông ở một cuộc họp báo hôm 9/8/2013). Đó là hình ảnh mà Putin đã gầy dựng từ rất lâu. Là một cậu học trò chán chường ở Leningrad trong những năm 1960 và 1970, Putin lẩn lút ở cuối lớp, nhưng lúc rảnh thì rất hăng hái học judo. Với judo, ông đạt đến mức võ nghệ cao cường – đoạt giải ở các cuộc tranh tài cấp vùng và cấp quốc gia. Putin thường nhấn mạnh rằng các phẩm chất của judo đã mang lại nhiều lợi ích cho ông. Vốn tính nóng nảy và thích ẩu đả, chàng trai Putin học được tính kỷ luật khi tập judo; môn võ này giúp anh biết tự kiềm chế. Cách tập luyện judo của anh tập trung vào cách khai thác các sở trường của đối thủ để chống lại họ, và cách đợi đúng thời điểm để lợi dụng các sai lầm của đối thủ. Kỹ năng thực sự trong judo là khiến đối thủ luôn mất thăng bằng, chứ không phải quật mạnh đối thủ xuống sàn. Sự khéo léo, chứ không phải sức lực, ăn được điểm của giám khảo. Khả năng này một tài sản quý giá khi Putin gia nhập KGB và cần đứng yên trong bóng tối, quả thật như vậy, đợi có người phạm sai lầm.
Putin biết mình đang làm gì. Ông lùi lại trong khi người khác phạm sai lầm và có hành động vào lúc cao trào. Ông đâm thọt và chọc tức đối thủ của mình để họ vấp ngã và làm giùm công việc của ông. Putin có ý định thắng bằng điểm trong hiệp đấu cụ thể này của trận thư hùng Syria. Một quyết định cấm dùng vũ lực ở Syria, một tổng thống Obama bẽ mặt, triển vọng một chiến dịch can thiệp đơn phương của Mỹ được tiến hành dù không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn – tất thảy những điều đó đều có thể được diễn dịch là một thắng lợi của Nga nếu Putin giữ bình tĩnh. Dựa vào bối cảnh của hội nghị thượng đỉnh G-20, cộng đồng quốc tế sẽ là giám khảo quyết định xem Putin hay Obama đã có những đòn thế khéo léo nhất.
Fiona Hill là Nghiên cứu viên cao cấp ở Viện Brookings, và đồng tác giả (với Clifford Gaddy) của cuốn Mr. Putin: Operative in the Kremlin (Putin: Đặc vụ trong Điện Kremlin).
Nguồn: Fiona Hill, Putin Scores on Syria, Foreign Affairs, 6 & 11/9/2013
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ
Bài liên quan:
- Khủng hoảng Syria (1): Syria và tiền lệ Kosovo
- Khủng hoảng Syria (2): Syria vượt lằn ranh đỏ – Phép thử cho chiến binh bất đắc dĩ Obama
- Khủng hoảng Syria (3): Thế lưỡng nan của hành động can thiệp nhân đạo
- Khủng hoảng Syria (4): Các hệ quả pháp lý của những cuộc chiến phi pháp
- Khủng hoảng Syria (6): Lược sử vấn đề cấm sử dụng vũ khí hóa học
- Khủng hoảng Syria (7): Bằng chứng mới chống lại chế độ Assad?
1 thought on “Khủng hoảng Syria (5): Putin thắng điểm trong hiệp đầu”