Trong khi Obama đang vận động lưỡng viện Quốc hội Mỹ phê chuẩn chiến dịch tấn công Syria vì “vượt lằn ranh đỏ” về vũ khí hóa học, Nga đề xuất giải pháp yêu cầu Syria giao lại quyền kiểm soát vũ khí hóa học. Sau đây là cuộc phỏng vấn của Ezra Klein, ký giả của tờ The Washington Post, với Richard Price, chuyên gia hàng đầu về vũ khí hóa học, về lịch sử cấm loại vũ khí này, các nỗ lực trong quá khứ nhằm trừng phạt các nước vi phạm, và liệu chuẩn mực chống vũ khí hóa học có sụp đổ nếu Mỹ không tấn công Syria. Richard Price là giáo sư chính trị học tại Đại học British Columbia, Canada, và là tác giả của cuốn sách Điều cấm kỵ về vũ khí hóa học (The Chemical Weapons Taboo).
Vũ khí hóa học hẳn là rất kinh khủng nếu đến cả Hitler cũng không muốn sử dụng
Ezra Klein
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Ezra Klein: Ta bắt đầu với câu hỏi căn bản nhất. Ta định nghĩa thế nào là “vũ khí hóa học”?
Richard Price: Đó là một câu hỏi rất lý thú gây nhiều tranh cãi. Ban đầu chúng được định nghĩa vào năm 1899 là các loại đạn phát tán khí gây ngạt hay làm suy yếu. Công ước về vũ khí hóa học vừa mở rộng vừa siết chặt định nghĩa đó. Công ước này bao gồm cả các loại hơi cay (tear gas) bị cấm dùng làm phương pháp chiến tranh. Vì vậy đã nổ ra tranh cãi dữ dội sau khi Mỹ dùng hơi cay ở Việt Nam, nơi mà chúng tôi đã nhận định rằng nó không nên bị cấm. Nhưng khổ nỗi nếu đang ở chiến trường, ta đâu có nhẩn nha kiểm tra xem đó là loại khí gì. Nếu người ta hiểu sai về nó, nó có thể gây ra những cuộc tấn công trả đũa tức thời và gây tử vong nhiều hơn. Vì vậy, thực ra có những ràng buộc nghiêm ngặt trong chiến tranh quốc tế hơn trong hoạt động gìn giữ trật tự trị an trong nước, nơi cảnh sát thường dùng hơi cay.
EK: Phải chăng người ta cho rằng vũ khí hóa học gây chết người nhiều hơn vũ khí theo quy ước? Vì lịch sử chiến tranh thiếu gì chuyện con người khá giỏi giết nhau, ví dụ bằng các thiết bị gây cháy.
RP: Quan niệm chính ở đây là vũ khí hóa học không phân biệt đối tượng và luôn là mối đe dọa đối với thường dân. Cốt lõi của vấn đề này thực sự nổi lên sau Thế chiến I. Vũ khí hóa học được dùng trên diện rộng trong cuộc chiến đó. Có một nỗi lo sợ thật sự, đặc biệt bởi vì công nghệ khí đã tân tiến hơn, về việc sẽ có những cuộc tấn công lớn bằng vũ khí hóa học nhắm vào các thành phố. Chúng quả thực là vũ khí hủy diệt hàng loạt đầu tiên nhưng chúng chưa bao giờ xứng với [suy đoán về] khả năng hủy diệt đó. Các vũ khí hạt nhân và sinh học hiện nay có khả năng hủy diệt lớn hơn nhiều.
EK: Nhưng có phải chúng có tính chất không phân biệt đối tượng cao hơn? Các vũ khí gây cháy hình như có thể gây ra hỏa hoạn không kiểm soát được, lan từ thành phố này sang thành phố khác, đặc biệt là vào đầu thế kỷ 20 khi các thành phố có khả năng phòng cháy thấp hơn nhiều so với hiện nay, trong khi với vũ khí hóa học, ta có thể biết khá chắc chắn là chúng sẽ lan ra bao xa.
RP: Tính chất không phân biệt đối tượng đó chỉ là một phần trong chuyện này, nhưng còn nhiều phần quan trọng khác nữa. Ví dụ, vũ khí này đã bị cấm trước khi người ta có nó. Năm 1889, một hội nghị hòa bình ở The Hague đưa ra tuyên bố cấm sử dụng các loại đạn gây ngạt dù lúc đó chưa ai có vũ khí này cả. Vì thế, chưa có ai từ bỏ một vũ khí có giá trị trong kho vũ khí của mình. Lệnh cấm đó hóa ra không phải là một biện pháp hạn chế có tác dụng trong ngắn hạn, vì Thế chiến I đã vô hiệu hóa nó. Nhưng Nghị định thư Geneva được đưa ra năm 1925 vì họ cảm thấy họ chẳng làm gì mới. Họ đã cấm vũ khí hóa học rồi, dù lệnh cấm đó không hữu hiệu cho lắm.
Vấn đề này sau đó trở nên quan trọng hơn nhờ những người mà tôi gọi là người tiên phong về chuẩn mực đạo đức (moral entrepreneur). Tức là những người tin vào một chuẩn mực ở những nơi có quyền ra quyết định thể chế hóa. Ví dụ như tổng thống Mỹ Roosevelt, trong Thế chiến II; bản thân ông chống sử dụng hơi và tuyên bố Mỹ sẽ không là nước đầu tiên dùng vũ khí này. Và quả thực ta không thấy vũ khí hóa học được dùng để tấn công binh lính hay các thành phố trong Thế chiến II. Vì vậy mới có cái truyền thống không sử dụng này, và cũng có bối cảnh chính trị trong đó không ai muốn vượt qua lằn rành giới hạn, ngay cả Hitler cũng không. Hitler quả là có dùng hơi ở các trại tập trung, nhưng không thực sự dùng trên chiến trường. Vì vậy trong chiến tranh đã xuất hiện quan niệm rằng vũ khí hóa học hẳn là rất kinh khủng nếu đến cả Hitler cũng không muốn sử dụng.
EK: Kể từ năm 1925 đã có những lần sử dụng vũ khí hóa học lớn nào?
RP: Một nguyên nhân khiến việc không sử dụng vũ khí hóa học trong Thế chiến II là điều rất đáng ngạc nhiên là trước khi xảy ra cuộc chiến này, Ý đã dùng chúng ở Ethiopia. Vì vậy có vẻ như Thế chiến II sẽ giống như Thế chiến I, sẽ dùng nhiều vũ khí hóa học. Nhưng nhìn chung chúng không được sử dụng trong cuộc chiến thực sự. Ai Cập dùng vũ khí này trong những năm 1960 để đánh Yemen. Lần sử dụng lớn gần đây nhất là do Iraq dùng trong cuộc chiến với Iran, và khi đó Iraq dùng chúng nhắm vào người Kurd của chính Iraq vào năm 1988. Như vậy, Syria là trường hợp sử dụng lớn đầu tiên trong 25 năm. Với một chuẩn mực chiến tranh, giữ được như vậy quả là khá tốt.
EK: Hình như lý do khiến ta quan tâm đến một chuẩn mực chiến tranh như chuẩn mực này là vì ta tin rằng nó sẽ cứu được mạng người. Có lý do đáng thuyết phục nào để tin rằng chuẩn mực chống sử dụng vũ khí hóa học đã cứu được mạng người, hay điều đó chỉ có nghĩa là chỉ nên gây chết người bằng vũ khí theo quy ước?
RP: Những người đa nghi cho rằng các quốc gia sẽ tìm được các cách làm những gì họ muốn. Ví dụ, năm 2013 Mỹ đâu cần đến vũ khí hóa học. Mỹ có những cách khách để đạt được các mục đích quân sự của mình. Có hai cách đáp lại suy nghĩ này. Một là những vũ khí này có những ảnh hưởng không phân biệt đối tượng. Giả sử chế độ Assad đã dùng vũ khí này, lý do là họ không thể đạt được mục đích của mình nếu chỉ dùng vũ khí theo quy ước. Vũ khí theo quy ước phối hợp với các đợt dùng vũ khí hóa học có thể có tác động lớn hơn nếu muốn nhắm đến một vùng rộng lớn. Như vậy, có lẽ nhiều mạng người đã được cứu hơn nếu so với một thế giới không có điều cấm kỵ về vũ khí hóa học trong chiến tranh.
Thứ hai, vũ khí hóa học đã đóng góp, theo một cách khá lý thú, vào nỗ lực lớn hơn nhằm hạn chế chiến tranh. Trong những năm 1980 có một nỗ lực cấm mìn sát thương. Tôi đã dự nhiều hội nghị ngoại giao như vậy. Tôi để ý là nhiều lần các nhà ngoại giao từ nhiều nước đưa ra lập luận rằng ta đã cấm được một loại vũ khí, nên ta có thể cấm được loại này. Tiền lệ đó khiến việc này càng dễ thực hiện. Tôi thực sự tin rằng nếu việc hạn chế vũ khí hóa học đã không đạt được thành công đến vậy, sẽ có thêm nhiều nước trên thế giới nghĩ rằng khó mà cấm được một vũ khí được sử dụng rộng rãi như mìn. Theo tôi, lệnh cấm vũ khí hóa học đã có tác dụng lan tỏa tích cực.
EK: Trước đây có trường hợp vi phạm chuẩn mực này bị người ngoài cuộc trừng phạt? Ông nhắc đến ví dụ Iraq trong chiến tranh Iran-Iraq, nhưng tôi nhớ họ không bị Mỹ tấn công vì đã có hành động đó.
RP: Lịch sử không có nhiều trường hợp thực thi luật pháp như vậy. Sau chiến tranh Iran-Iraq, không có phản ứng gì. Liên Hiệp Quốc chỉ đưa ra được một lời lên án vũ khí hóa học với giọng điệu yếu ớt mà chẳng nêu đích danh ai. Còn Mỹ thì chẳng vội vàng muốn Iraq bị trừng phạt, vì họ không muốn thấy Iran thắng cuộc.
Nhưng có các nghị quyết Liên Hiệp Quốc giải giới Iraq, và Mỹ quả thực đã tấn công Iraq năm 1998 để cố phá hủy một phần năng lực vũ khí hủy diệt hàng loạt vì các thanh tra vũ khí đã bị trục xuất. Người ta có thể lập luận rằng đó là một kiểu thực thi luật pháp. Nhưng không có sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an, và [cuộc tấn công của Mỹ] có những mục tiêu lớn hơn nhiều, do vậy không chỉ là để giải trừ quân bị.
EK: Ông có nghĩ là tấn công Syria là điều cần thiết để bảo vệ chuẩn mực chống vũ khí hóa học?
RP: Tôi hơi nghi ngờ một chút. Tâm lý phẫn nộ và nỗi hoảng sợ xung quanh sự kiện này sẽ không khiến một nước sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai suy nghĩ họ có thể tiến hành hay không. Đó là một hành động có chi phí cao vói rủi ro thực sự. Mà cũng chẳng phải hiện nay có 40 nước đang sẵn sàng dùng các vũ khí này. Chỉ có bảy hay tám nước chưa tham gia công ước [về vũ khí hóa học], trong đó có Syria, Bắc Hàn và Ai Cập.
EK: Như vậy nghĩa là không có lý do gì để tấn công Syria.
RP: Tôi muốn nói thế này: Oanh tạc Syria sẽ là cách khả dĩ mạnh mẽ nhất để bảo vệ và thực thi chuẩn mực này. Liệu chuẩn mực này có sụp đổ nếu chuyện đó không xảy ra? Không, tôi không nghĩ như vậy. Nhưng nếu có một cuộc tấn công để thực thi chuẩn mực này, đó sẽ là một thời điểm bước ngoặt về nhiều phương diện. Các chuẩn mực về chiến tranh thường khá hữu hiệu, ví dụ cách đối xử với tù bình. Đương nhiên đôi khi chúng cũng bị vi phạm, nhưng nhiều chuẩn mực được tôn trọng ở mức tối thiểu. Tuy có những vi phạm, các chuẩn mực này vẫn tồn tại vì người ta tin ở chuyện có qua có lại và đối xử phải phép với nhau. Một trường hợp vi phạm không phá hủy một chuẩn mực. Điều quan trọng là cách người ta phản ứng với nó.
Có thể thấy một điều lạ về sự kiện này. Dường như chẳng phải Syria đang biện hộ cho việc sử dụng vũ khí hóa học của mình. Họ đang bác bỏ chuyện đó. Và điều đó đóng góp vào quan niệm cho rằng việc sử dụng vũ khí hóa học là không thể chấp nhận được. Trong Thế chiến I, người Đức cho rằng dùng hơi có thể nhân đạo hơn là đâm chết bằng lê hay cho nổ tung. Một số người nghĩ rằng quan điểm của chính quyền Bush về các kỹ thuật tra khảo tăng cường đã giáng một đòn nặng vào các chuẩn mực chống tra tấn. Chẳng ai biện minh cho chiến tranh hóa học cả. Tất cả những diễn biến trong sự kiện này đã có tác dụng nhấn mạnh rằng đây là một chuẩn mực nổi bật trong chính trị thế giới hiện nay.
Nguồn: Ezra Klein, ‘They must be really bad if even Hitler wouldn’t use them’, Washington Post, 3/9/2013
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bản dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 11/9/2013.)
Bài liên quan:
- Khủng hoảng Syria (1): Syria và tiền lệ Kosovo
- Khủng hoảng Syria (2): Syria vượt lằn ranh đỏ – Phép thử cho chiến binh bất đắc dĩ Obama
- Khủng hoảng Syria (3): Thế lưỡng nan của hành động can thiệp nhân đạo
- Khủng hoảng Syria (4): Các hệ quả pháp lý của những cuộc chiến phi pháp
- Khủng hoảng Syria (5): Putin thắng điểm trong hiệp đầu
- Khủng hoảng Syria (7): Bằng chứng mới chống lại chế độ Assad?
2 thoughts on “Khủng hoảng Syria (6): Lược sử vấn đề cấm sử dụng vũ khí hóa học”