Cuộc tranh luận về vấn đề hợp pháp hóa việc hút cần sa để giải trí đang nóng dần lên. Bài khảo cứu sau đây của ký giả báo The Globe and Mail, điểm qua các nghiên cứu khoa học từ nhiều năm qua về các ảnh hưởng của cần sa đối với não đang phát triển của thanh thiếu niên, những người hút cần sa nhiều nhất ở Canada, và phát hiện rằng không có cái gọi là thói quen hút cần sa vô hại.
Tác hại của cần sa đối với thanh thiếu niên
Adriana Barton
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Dù bạn có muốn hay không, con cái của bạn có lẽ sẽ thử cần sa. Bạn bè của chúng cũng vậy. Thanh thiếu niên tuổi teen (từ 13 tới 19 tuổi) ở Canada có xác suất hút cần sa cao gấp đôi so với người thành niên – và có tỉ lệ dùng cần sa cao nhất trong nhóm các nước đã phát triển. Cần sa đã trở thành một phần trong văn hóa tuổi trẻ Canada, giống như hockey hay nữ danh ca Katy Perry.
Theo một nghiên cứu năm 2013 của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, 28 phần trăm thiếu niên Canada từ 11 tới 15 tuổi thừa nhận dùng cần sa ít nhất một lần trong năm qua (so với 23 phần trăm ở Mỹ, nơi cần sa được hợp pháp tại các tiểu bang Colorado và Washington, và 17 phần trăm ở Hà Lan vốn là quốc gia dễ dãi với cần sa). Theo Trung tâm Canada về Lạm dụng Ma túy, có tới 5 phần trăm thanh thiếu niên tuổi teen – và tới 10 phần trăm học sinh lớp 12 – hút cần sa hàng ngày.
Thanh thiếu niên Canada không chỉ là giới tiêu dùng hàng đầu loại ma túy được sử dụng nhiều nhất thế giới – mà còn là vật thí nghiệm cho loại thuốc mạnh nhất mà thế giới từng biết tới. Loại cần sa được hút ở đại hội nhạc rock Woodstock hồi năm 1969 chỉ chứa khoảng 1 phần trăm của thành phần hoạt chất tâm lý tetrahydrocannabinol (THC). Loại đó chẳng thấm vào đâu so với loại cần sa bán lậu trên đường phố hiện nay, thường có mức độ THC ít nhất 10 phần trăm, nhưng có thể chứa tới 30 phần trăm, theo Bộ Y tế Canada.
Trong khi giới trẻ Canada dễ dàng tìm được loại ma túy trên thị trường chợ đen, bất chấp các nỗ lực thực thi pháp luật của chính quyền, danh tiếng của cần sa là “dược phẩm của thiên nhiên” tiếp tục tăng lên, khơi dậy cuộc tranh luận về việc giảm hình sự hóa hoặc hợp pháp hóa việc hút cần sa vì mục đích giải trí. Chuyện hợp pháp hóa sẽ trở thành một vấn đề chủ chốt trong kỳ bầu cử liên bang năm 2015. Hồi đầu tháng 10, Trung tâm về Nghiện ngập và Sức khỏe Tâm thần ở Toronto tuyên bố rằng việc hình sự hóa cần sa đã không ngăn chặn hay giảm được các mối nguy hại liên quan tới việc sử dụng cần sa – dẫn tới sự ủng hộ của ông Bill Blair, cảnh sát trưởng của thành phố lớn nhất Canada.
Giới chính khách đang bày tỏ quan điểm về cần sa: Đảng Tự Do cổ xúy hợp pháp hóa và quản lý, Đảng Tân Dân Chủ (NDP) ủng hộ giảm bớt hình sự hóa, và Đảng Bảo Thủ giữ nguyên quan điểm cấm cần sa. Nhưng liệu người dân Canada có thực sự hiểu cần sa có ảnh hưởng ra sao tới giới sử dụng cần sa nhiều nhất trên đất nước này? Đối với thanh niên trong độ tuổi hai mươi và thiếu niên độ tuổi teen, với trí não đang ở trong giai đoạn phát triển quan trọng, liệu có cái gọi là thói quen hút cần sa vô hại hay không?
Để xác định xem khoa học nói gì về các ảnh hưởng của cần sa đối với trí não đang phát triển, báo The Globe and Mail đã phỏng vấn các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này và rà soát hàng chục cuộc nghiên cứu được giới chuyên môn đánh giá lẫn nhau, có cân nhắc tới các ý kiến phê bình có căn cứ. Sau đây là một số cách chủ yếu mà việc hút cần sa có thể ảnh hưởng tới thanh thiếu niên.
Các vấn đề về học tập, trí não phải làm việc quá sức
Tuy cần sa không phải là loại ma túy nguy hiểm nhất, cũng như rượu, “nó có nhiều tác hại”, theo Tiến sĩ Harold Kalant, giáo sư dược học tại Đại học Toronto, người đã nghiên cứu về rượu và cần sa kể từ năm 1959.
Cần sa làm mất khả năng hoạt động bình thường của trí não ở các em tuổi teen, và nhiều nhà khoa học tin rằng cần sa có ảnh hưởng lâu dài đối với sự phát triển trí não.
Tiến sĩ Andra Smith, phó giáo sư tâm lý tại Đại học Ottawa, đã dùng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để so sánh hoạt động của não ở những thanh niên từ 19 tới 21 tuổi không hút cần sa thường xuyên, với những người hút ít nhất một điếu cần sa mỗi tuần trong ít nhất ba năm. Các mẫu nước tiểu khẳng định việc hút cần sa của họ.
Trong một loạt các nghiên cứu đã công bố, bà Smith đã đánh giá chức năng điều hành – thuật ngữ chung chỉ các quá trình tâm thần liên quan trong việc sắp xếp tổ chức, ra quyết định, hoạch định và đạt được các mục tiêu dài hạn – của các thanh niên này.
Bà Smith và các đồng nghiệp đã phát hiện mức độ hoạt động trí não gia tăng ở những người hút cần sa thường xuyên khi họ hoàn tất những công việc được thiết kế để đo lường tính bốc đồng, trí nhớ dùng để làm việc, xử lý hình ảnh-không gian và tập trung chú ý lâu.
Tuy mức độ hoạt động trí não gia tăng có thể nghe như là điều hay, bà Smith nói “thực ra nó được diễn dịch là phải làm việc cật lực hơn, phải dùng nhiều nguồn lực trí não để có phản ứng chính xác”.
Các thanh niên lấy từ mẫu của Cuộc Nghiên cứu Tương lai Tiền sản Ottawa; công trình nghiên cứu này đã theo dõi họ từ trước lúc ra đời tới độ tuổi 25 tới 30. Các nhà nghiên cứu đã thu thập khoảng 4.000 biến số về lối sống, trong đó có địa vị kinh tế xã hội và việc tiếp xúc với cần sa và rượu trước khi ra đời, cũng như việc dùng cần sa trong độ tuổi teen.
Bà Smith nói cần sa là thủ phạm khả dĩ nhất gây ra mức độ hoạt động trí não gia tăng.
Những nghiên cứu trước đây trên chuột, do giáo sư Kalant thực hiện trong những năm 1980, cho thấy các thiếu hụt về năng lực nhận thức có liên quan tới việc dùng cần sa có thể là lâu dài. Ngay cả sau khi không tiếp xúc với cần sa trong thời gian tương đương với chín tuổi ở người, những con chuột được tiêm chất chiết từ cần sa trong độ tuổi thiếu niên bộc lộ các thiếu hụt năng lực tâm thần trong việc học và trí nhớ, và các thiếu hụt này tiếp diễn cho tới khi chúng trưởng thành. Nhưng những con chuột được tiêm chất chiết từ cần sa trong độ tuổi thanh niên không có những khiếm khuyết lâu dài. Giáo sư Kalant cho biết thêm rằng các bộ tiếp nhận cần sa trong não người và não chuột hoạt động “theo cách rất giống nhau”.
Một cuộc nghiên cứu gần đây, đăng trong Tập san Khoa học Thần kinh hồi tháng Tư, phát hiện các thay đổi cấu trúc trong não của các thanh niên từ 18 tới 25 tuổi hút cần sa ít nhất một lần mỗi tuần, so với những thanh niên ít hoặc không hút cần sa.
Dùng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI), các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Northwestern University đã phát hiện các biến đổi về các vùng não liên quan tới cảm xúc và việc xử lý sự khen tặng. Họ khám phá rằng hút cần sa càng nhiều thì càng có nhiều những bất bình thường trong cả hai vùng não này.
Các nhà nghiên cứu viết: “Cuộc nghiên cứu này đưa ra phản bác mạnh mẽ cho quan niệm cho rằng việc đôi khi hút cần sa không liên quan tới các hậu quả xấu.”
Tổn thất trí tuệ
Thanh thiếu niên có thói quen “ngủ dậy là hút cần sa ngay” có nguy cơ tổn thất vĩnh viễn về chỉ số thông minh IQ. Tuy những người vận động cho cần sa có thể nêu ra những ví dụ những người hút xách hồi tuổi teen lớn lên thành các luật sư thành công, thật khó tranh cãi với các phát hiện của một công trình nghiên cứu lâu dài được thực hiện ở thành phố Dunedin, New Zealand.
Cuộc nghiên cứu này đã theo dõi 1.037 người sinh ra ở Dunedin trong năm 1972-73, từ lúc ra đời cho tới đầu độ tuổi 40.
Trong một báo cáo năm 2012, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Duke phân tích dữ liệu từ Dunedin và phát hiện rằng một người hút cần sa càng sớm và càng thường xuyên thì tới tuổi 38 mức tổn thất trí tuệ càng lớn. So với chỉ số IQ của họ đo lường ở tuổi 13, những người đã bắt đầu dùng cần sa ở tuổi teen và duy trì thói quen hút cần sa hàng ngày cho tới tuổi trưởng thành thì trung bình có IQ bị giảm 6 điểm. Mức giảm này không phải là ít ỏi: Tới tuổi 38, IQ trung bình của họ thấp hơn so với 70 phần trăm những người cùng trang lứa, theo báo cáo nghiên cứu đăng trên tập san PNAS.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những người bắt đầu dùng nhiều cần sa ở tuổi trưởng thành không bị tổn thất IQ tương tự, nhưng bỏ hút cần sa dường như không phục hồi được hoạt động chức năng trí tuệ ở những người đã thường xuyên hút cần sa ở tuổi teen.
Giới phê bình nghiên cứu này cho rằng các khác biệt về tính cách có thể giải thích mối liên hệ giữa cần sa và IQ, vì những người ít ngay thẳng hơn có thể dễ sa vào cần sa hơn – và có thể dễ bị điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra trí tuệ. Có người lập luận rằng điểm IQ bị giảm chủ yếu là do các yếu tố kinh tế xã hội.
Nhưng các nhà nghiên cứu phản bác từng luận điểm, lưu ý rằng họ đã đo lường mức độ tự chủ thời thơ ấu – một dấu hiệu báo trước về tính ngay thẳng – và đã loại trừ một loạt các yếu tố khác ngoài việc sử dụng cần sa, bao gồm việc hút thuốc và uống rượu, chứng tâm thần phân liệt và trình độ học vấn. Để xét đến các yếu tố kinh tế xã hội, họ đã tiến hành một phân tích riêng biệt loại trừ những người tham gia xuất thân từ các gia đình có lợi tức thấp và các gia đình có lợi tức cao.
Ngay cả sau khi phân tích số liệu nhiều lần, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng sự liên hệ giữa việc dùng cần sa lâu dài và mức giảm IQ “vẫn không thay đổi”.
Nguy cơ bị loạn tâm thần
Những em tuổi teen hút cần sa vì nó có các hiệu ứng gây ảo giác nhẹ, nhưng trong một số trường hợp, cần sa có thể dẫn tới tâm trạng xa rời thực tế rất nghiêm trọng.
Mối liên hệ cần sa-loạn tâm thần từ xưa nay vẫn là câu hỏi con gà và cái trứng cái nào có trước, vì những người bị tâm thần phân liệt được biết đã tự chữa bằng cách hút cần sa. Theo một bài tóm tắt nghiên cứu năm 2010, một phần tư số bệnh nhân tâm thần phân liệt được chẩn đoán mắc chứng rối loạn dùng cần sa.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây ngày càng có nhiều lập luận vững chắc cho thấy cần sa có thể gây ra chứng loạn tâm thần ở các thanh thiếu niên có những đặc điểm di truyền dễ bị tổn thương.
Năm 2002, các nhà nghiên cứu dùng dữ liệu của cuộc nghiên cứu Dunedin đã phát hiện rằng việc dùng cần sa ở tuổi thanh thiếu niên đã tăng đáng kể xác suất tâm thần phân liệt ở tuổi trưởng thành, đặc biệt ở những người đã dùng ma túy này trước tuổi 15. Trong cuộc nghiên cứu này, được công bố trên BMJ, mối liên hệ này vẫn còn ngay cả sau khi các nhà nghiên cứu xem xét liệu những người tham gia đã có các triệu chứng loạn tâm thần ở tuổi 11 – trước khi họ bắt đầu dùng ma túy – hay không.
Cuộc nghiên cứu này khẳng định các kết quả của một cuộc nghiên cứu trước đây ở Thụy Điển cho thấy rằng việc dùng nhiều cần sa ở tuổi 18 đã tăng gấp sáu lần nguy cơ bị loạn tinh thần về sau. Các nghiên cứu ở Hà Lan và Đức cũng có những phát hiện tương tự.
Giới khoa học cho biết vẫn chưa rõ liệu việc dùng cần sa có dẫn tới những biến đổi về các vùng não liên quan tới chứng ảo giác, hay liệu cần sa có đẩy nhanh việc mắc chứng loạn tâm thần ở những người có các dị biệt về di truyền hay không. Một lý thuyết khác là mối liên hệ cần sa-loạn tâm thần là do một sự trùng lắp của các yếu tố di truyền và môi trường, chẳng hạn như nạn bạo hành đối với trẻ em và việc dễ tiếp cận với ma túy.
Nhưng quan niệm cho rằng vai trò của cần sa trong chứng tâm thần phân liệt chủ yếu là một hiện tượng tự chữa bệnh “nhìn chung đã bị loại bỏ”, theo một bài tóm tắt nghiên cứu năm 2014 đăng trên tập san Addiction (Nghiện).
Một bài tóm tắt nghiên cứu quan trọng khác, đăng trên cùng tập san đó hồi tháng 10, đã ước tính rằng nguy cơ mắc chứng loạn tâm thần tăng gấp đôi từ mức 7 trên 1.000 cho những người không hút cần sa lên tới 14 trên 1.000 cho những người hút thường xuyên.
Một tương lai mờ mịt?
Những em tuổi teen hút cần sa hàng ngày có xác suất học hết trung học hay có bằng đại học thấp hơn 60 phần trăm so với các bạn đồng trang lứa không hút cần sa, theo một công trình nghiên cứu quan trọng công bố trên tập san Lancet hồi tháng 9.
Các nhà nghiên cứu, chủ yếu từ Úc, đã xem xét các kết quả từ ba cuộc nghiên cứu dài hạn được thực hiện ở Úc và New Zealand. Họ so sánh địa vị trong đời của những người tham gia ở tuổi 30 với các mẫu hình hút cần sa trước tuổi 17 (không bao giờ, ít hơn hàng tháng, hàng tháng hoặc nhiều hơn, hàng tuần hoặc nhiều hơn, hoặc hàng ngày).
So với những người không bao giờ hút cần sa, những người hút hàng ngày trước tuổi 17 có xác suất phụ thuộc vào cần sa cao gấp 18 lần. Họ có xác suất cao gấp 8 lần về việc dùng các loại ma túy khác lúc trưởng thành, và cao gấp 7 lần về việc muốn tự tử.
Nhưng giới phê bình cho rằng các yếu tố khác, ví dụ giáo viên phản đối các học sinh hút cần sa, có thể đã ảnh hưởng tới trình độ học vấn. Có người cho rằng những người hút cần sa có thể có những cáo buộc về ma túy làm ảnh hưởng tới việc vào đại học.
Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu Lancet đã được nhiều giới ca ngợi vì đã loại trừ hơn 50 yếu tố khác ngoài việc dùng cần sa mà có thể giải thích các kết quả, và vì đã chứng minh được phản ứng với liều dùng, nghĩa là các kết quả tiêu cực càng tệ hại hơn nếu hút cần sa nhiều hơn. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các cuộc nghiên cứu trước đó đã công bố vào năm 1998 và 2000 đã có những phát hiện tương tự.
Họ kết luận: “Ngăn chặn hay trì hoãn việc dùng cần sa ở tuổi thanh thiếu niên có thể có những lợi ích lớn về sức khỏe và xã hội.”
Bà Smith tán thành quan điểm này: “Tôi chẳng quan tâm nếu bạn hút ở tuổi 35, nhưng đừng hút khi mới 13 tuổi vì bạn chỉ dọn đường cho mình tiến tới thất bại.”
Nguồn: Your kid’s brain on pot: The real effects of marijuana on teens, The Globe and Mail, 16/10/2014.
(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 17/12/2014)
Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ
Bài liên quan: Hợp pháp hóa cần sa: những thách thức về quản lý nhà nước
1 thought on “Tác hại của cần sa đối với thanh thiếu niên”