Trong cuộc biểu tình tối 18/3 bên ngoài trụ sở chính phủ ở Đài Bắc, tâm lý bất bình của công chúng về việc đảng cầm quyền Quốc Dân Đảng (QDĐ) coi thường dân chủ đã biến thành hành động khi hàng trăm người biểu tình xông vào chiếm đóng và cố thủ trong Viện Lập pháp, tức nghị viện Đài Loan. Sự kiện này khơi mào cuộc biểu tình ngồi để phản đối chính phủ ký hiệp định thương mại với Trung Quốc đại lục. Đợt phản kháng này đã bước sang tuần thứ hai, và chưa có dấu hiệu lắng xuống.
Tuy các cuộc biểu tình chính trị và chống tham nhũng là chuyện phổ biến ở Đài Loan, chiếm đóng nghị viện là chuyện vô tiền khoáng hậu. Vô số video trên YouTube và tường thuật trực tiếp trên mạng cho thấy sinh viên dùng ghế chắn lối vào và giương biểu ngữ kêu gọi “không để cho hiệp định thương mại được thông qua tại nghị viện”.
Trước khi xảy ra cuộc chiếm đóng này, ba nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Tiến bộ (DCTB), đảng đối lập chính, đã bắt đầu các cuộc tuyệt thực kéo dài 70 giờ. Khi cuộc biểu tình ngồi này bắt đầu, họ thay nhau tuyệt thực theo từng ca 8 giờ tại nghị viện để góp phần bảo vệ người biểu tình. Bên ngoài, hằng trăm người đội mưa phùn để nghe các bài diễn văn và bài hát, vẫy những bông hoa hướng dương giả, lớn tiếng lên án chính phủ và tổng thống Mã Anh Cửu.
Cuộc chiếm đóng ban đầu dự định kéo dài 120 giờ, nhằm ngăn cản một phiên họp toàn thể của nghị viện vào ngày 21/3, và ra hạn chót để chính phủ đáp ứng các yêu sách của người biểu tình. Yêu sách gồm ba phần: Mã Anh Cửu phải đích thân đến phòng họp nghị viện xin lỗi về cách đảng của ông trở mặt đòi phê chuẩn hiệp định thương mại; Vương Kim Bình (chủ tịch Viện Lập pháp và đối thủ của ông Mã trong QDĐ) đến gặp gỡ người biểu tình; và thông qua luật để thể chế hóa quyền của nghị viện được xét duyệt từng điều khoản những hiệp định như vậy.
Vì đâu nên nỗi?
Đảng cầm quyền QDĐ tự chuốc vạ vào thân. Hôm thứ Hai 17/3, QDĐ rút lui khỏi một thỏa thuận với Đảng DCTB để tự thông qua hiệp định thương mại dịch vụ với đại lục. Trước đó, hai đảng đã đồng ý rà soát lại từng điều khoản của hiệp định này. QDĐ quyết định không tuân thủ thỏa thuận này với lý do muốn đẩy nhanh quy trình phê chuẩn hiệp định trong khi Đảng DCTB quyết liệt cản trở “hoạt động chính thức” giữa Đài Loan và Bắc Kinh. Động thái này của QDĐ có thể gây tác động bất lợi cho chính trị quốc nội và mối bang giao giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.
Nếu được phê chuẩn, hiệp định thương mại này sẽ bổ sung Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế 2010 bằng cách gỡ bỏ thêm các rào cản đối với thương mại dịch vụ từ ngân hàng đến xuất bản, bệnh viện và thẩm mỹ viện – tổng cộng 64 ngành ở Đài Loan, và 80 tại đại lục, đồng thời cho phép Trung Quốc đưa công nhân sang Đài Loan với thị thực có thể gia hạn. Hiện nay kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm đạt gần 200 tỉ Mỹ kim (tăng gần 100% so với năm 2008).
Các đảng đối lập và nhóm xã hội dân sự – trong đó có Đảng DCTB và Liên minh Đoàn kết Đài Loan – cho rằng hiệp định thương mại này không những giúp Trung Quốc có ảnh hưởng đối với chế độ cai trị của Đài Loan, mà các quy định kinh tế còn có lợi cho các tập đoàn lớn trong khi gây tổn hại cho các doanh nghiệp nội địa của Đài Loan. Việc QDĐ quyết định xé bỏ đồng thuận liên đảng có thể là một nước cờ tai hại; những hành động như vậy không chỉ phá hoại nền dân chủ của Đài Loan mà còn cho thấy tâm lý phản kháng căn bản từ xưa đến nay của người Đài Loan không muốn đoàn tụ với đại lục.
Phong trào phản kháng hiện nay ở Đài Bắc phản ánh bối cảnh chính trị ở hòn đảo này. Kể từ năm 2008, Bắc Kinh hy vọng rằng việc giảm bớt các đe dọa có hành động quân sự và củng cố giao thương sẽ khuyến khích người Đài Loan ủng hộ việc “thống nhất với mẫu quốc”, nhưng các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy ngược lại. Tuy chỉ có khoảng 20% muốn tiến tới độc lập, tỉ lệ muốn thống nhất còn thấp hơn, và phần lớn muốn giữ nguyên hiện trạng đã tồn tại mấy chục năm nay mà Bắc Kinh tiếp tục bác bỏ.
Một phần là do người Đài Loan thấy ví dụ nhãn tiền về chuyện Bắc Kinh đàn áp người dân tại đại lục, thất hứa về quyền tự trị của người Hong Kong, và hành động xâm lấn ngày càng leo thang đối với các nước láng giềng. Trong một bài tiểu luận được phổ biến rộng rãi, bày tỏ ủng hộ đối với đợt biểu tình hiện nay, luật sư Đài Loan Lã Thu Viễn (Richard Chiou-yuan Lu) viết rằng hiệp định thương mại sẽ có thể chấp nhận được “với bất cứ nước nào khác”, chứ còn với Trung Quốc thì “chúng tôi xin kiếu … vì chúng tôi sợ các người, Trung Quốc ạ. Nói thiệt tình đó. Chúng tôi rất sợ”.
Đảng DCTB yêu cầu xét duyệt lại toàn bộ hiệp định và đàm phán lại với Trung Quốc. Đảng này lập luận rằng hiệp định này sẽ gây tổn hại cho các doanh nghiệp nhỏ ở Đài Loan và có chênh lệch quá lớn về một số biện pháp mở cửa thị trường. Nhưng sâu xa hơn, do ủng hộ chủ trương Đài Loan tuyên bố độc lập chính thức với Trung Quốc, đảng này lo ngại về việc Đài Loan quá lệ thuộc đại lục về kinh tế. Tiêu Mỹ Cầm, một trong ba đảng viên DCTB tuyệt thực, nghĩ rằng phần lớn người dân ở Đài Loan ủng hộ đảng của bà về vấn đề này vì họ vẫn chưa thấy những lợi ích được hứa hẹn từ Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế. Kinh tế nội địa vẫn trì trệ.
Hôm thứ Bảy 30/3, tổng thống Mã Anh Cửu đã phần nào nhượng bộ trước các yêu sách sau khi giới phản kháng dự định tổ chức một cuộc biểu tình lớn, với hy vọng hơn 100.000 người tham dự, bên ngoài Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc. Tại một cuộc họp báo bị hoãn hai lần, ông Mã nói: “Chúng tôi không đồng ý là Viện Lập pháp nên rút lại hiệp định thương mại dịch vụ. Như vậy sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho Đài Loan”. Nhưng ông chấp nhận rằng các hiệp định tương lai nên được giám sát trong một khuôn khổ pháp luật. Ông kêu gọi các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền và các đảng đối lập thông qua luật cần thiết trong kỳ họp nghị viện hiện tại.
Hơn một ngàn người mít tinh ủng hộ hiệp định với đại lục. Họ gọi mình là “phong trào hoa cẩm chướng” và kêu gọi sinh viên rời Viện Lập pháp để nghị viện có thể hoạt động trở lại. Hoa cẩm chướng biểu trưng cho tình mẫu tử ở Đài Loan, và phong trào này cho biết nhiều bậc cha mẹ đang lo ngại về con cái của mình đang tham gia biểu tình chống chính phủ.
Ý nghĩa đối với nền dân chủ Đài Loan
Thứ nhất, nhiều người Đài Loan rõ ràng muốn buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm giải trình. Hôm 17/3, khi QDĐ không chịu thực hiện việc xét duyệt liên đảng đối với hiệp định nói trên, các quy trình dân chủ bị né tránh, nếu không nói là phớt lờ hoàn toàn. Sinh viên biểu tình trong Viện Lập pháp đang thực hiện quyền dân chủ của mình bằng cách yêu cầu đảng cầm quyền phải giữ lời hứa trong thỏa thuận liên đảng. Với 66% dân Đài Loan muốn ủng hộ hiện trạng của mối quan hệ với đại lục, còn nhiều quan ngại về việc Đài Loan dễ dàng bị Bắc Kinh thao túng. Do đó, phong trào “chiếm đóng” này là một cơ hội để người dân Đài Loan nêu ra những quan ngại đó và giảm tốc độ phát triển bang giao giữa Đài Loan và Bắc Kinh, và cho phe đối lập có thời gian đề xuất một “hiệp định tốt hơn” hiệp định hiện nay.
Thứ hai, có thể công chúng sẽ tiếp tục chống đối tổng thống Mã Anh Cửu sau khi ông có nước cờ ám muội này. Quyết định của QDĐ đơn phương thông qua hiệp định này đã làm sứt mẻ quan hệ với Đảng DCTB. Việc không cho phép xét duyệt toàn diện hiệp định này đã khiến công chúng cảm nhận rằng các lãnh đạo hàng đầu của QDĐ đang hy sinh các lợi ích của Đài Loan để củng cố quan hệ với đại lục. Những cuộc biểu tình phản đối hiệp định này do đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho Đảng DCTB trong cả kỳ bầu cử địa phương vào mùa thu năm nay và kỳ bầu cử tổng thống năm 2016.
Đảng DCTB cho rằng chính sự thất hứa của QDĐ đã châm ngòi cho cuộc biểu tình ngồi tại nghị viện này. Tại cuộc họp báo ngày 20/3, Tô Trinh Xương, chủ tịch Đảng DCTB, gọi đây là “giây phút hệ trọng” cho nền dân chủ đã tồn tại một phần tư thế kỷ của Đài Loan, mà đảng của ông sẽ làm mọi cách để bảo vệ. Rõ ràng Đảng DCTB xem đây là cơ hội để đánh bật QDĐ.
Thứ ba, không nên đánh giá thấp các tác động của những cuộc biểu tình này đối với quan hệ Đài-Trung. Không những người Đài Loan sẽ nghi ngờ giới lãnh đạo Đài Loan khi họ đàm phán với Bắc Kinh, mà Đài Loan này cũng sẽ không vội vàng ký kết các hiệp định về sau với đại lục. Phong trào chiếm đóng hiện nay là bằng chứng cho thấy một bộ phận công chúng Đài Loan cảm thấy bị chính quyền tước quyền công dân. Muốn đẩy nhanh quy trình phê chuẩn ở nghị viện là một chuyện; nhưng khi hiệp định không được xét duyệt trọn vẹn, khiến Đài Loan có nguy cơ sẽ rơi vào tầm ảnh hưởng chính trị hoặc kinh tế của Bắc Kinh, cũng chẳng đáng ngạc nhiên khi các cuộc biểu tình bùng nổ. Hiếm ai muốn Đài Loan trở thành Hong Kong kế tiếp.
Người Đài Loan hiểu rõ những thách thức của việc xây dựng dân chủ. Những cuộc biểu tình này sẽ là một bài học cho Đài Loan, tuy có thể mang lại những hậu quả không tránh khỏi đối với quan hệ với đại lục. Khi tổng thống Mã Anh Cửu quyết định cách phản ứng tốt nhất đối với đợt biểu tình hiện nay, chắc chắn ông biết Bắc Kinh sẽ quan sát. Nếu hiệp định thương mại được tái cân nhắc, điều này sẽ khiến người ta nghĩ lại về cả khả năng của Đài Loan trong việc thực hiện các hiệp định Đài-Trung, và việc Bắc Kinh dùng các chiến lược hợp tác đối với Đài Bắc.
Thế lưỡng nan của vị tổng thống tham vọng
Tôn Dật Tiên, người sáng lập QDĐ và thành lập Trung Hoa Dân Quốc mà về sau thành tên chính thức của Đài Loan, không chỉ được QDĐ vinh danh là anh hùng dân tộc, mà còn được chính Trung Cộng kính nể ở bên kia eo biển Đài Loan. Hiện nay, Mã Anh Cửu cũng có thể hy vọng được cả hai bên tôn vinh là lãnh tụ có công lao lịch sử là hàn gắn quan hệ đôi bên. Tuy nhiên, hiện thời triển vọng hòa giải Đài-Trung vẫn còn xa vời. Còn ông Mã, từng là chính khách được dân chúng ủng hộ nhất của QDĐ, bị các phe đối lập châm chọc là “tổng thống 9%”, chỉ tỉ lệ ủng hộ ông trong các cuộc thăm dò dư luận hồi mùa thu năm rồi.
Cải thiện quan hệ với Trung Quốc là mục tiêu chính của chính quyền Mã Anh Cửu, sau tám năm quan hệ căng thẳng dưới thời cầm quyền của Đảng DCTB với chủ trương tuyên bố chính thức độc lập với đại lục. Ông Mã có thể tự hào với 21 hiệp định ký kết với Trung Quốc. Ông khoe khoang các số liệu của hai nền kinh tế nhanh chóng hội nhập với nhau: mức tăng sáu lần số du khách đại lục đến Đài Loan trong sáu năm (lên đến 2,85 triệu trong năm 2013); số lượng chuyến bay giữa hai bờ eo biển tăng từ con số không tròn trĩnh lên đến 118 mỗi ngày; thương mại hai chiều, bao gồm với Hong Kong, tăng lên đến 160 tỉ Mỹ kim mỗi năm.
Chiến lược của Trung Quốc để tái thu phục Đài Loan rất đơn giản. Khi nền kinh tế Đài Loan ngày càng hòa quyện với nền kinh tế của đại lục khổng lồ, Trung Quốc nghĩ rằng tâm lý phản đối thống nhất sẽ lắng xuống. Khi đó Đài Loan sẽ là một phần “tự trị” của Trung Quốc – giống như Hong Kong, dù được phép có quân đội riêng của mình. Đài Loan sẽ trở về với mẫu quốc mà Trung Quốc cần không dùng đến tên lửa và các lực lượng vũ trang ngày càng hùng mạnh. Nhưng theo quan điểm của ông Mã, sự hàn gắn quan hệ hữu hảo đôi bờ là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc, vì một “nước cờ đơn phương của đại lục nhằm thay đổi hiện trạng bằng các biện pháp không hòa bình sẽ có giá đắt”. Chính trị ở Đài Loan được xem là một cuộc tranh luận về việc độc lập hay thống nhất, nhưng thực ra là về việc giữ nguyên hiện trạng.
Bước tiếp theo trong quá trình hàn gắn quan hệ với Trung Quốc sẽ là một cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo chính trị. Hồi tháng Hai tại Nam Kinh, từng là thủ đô của chính quyền QDĐ cho toàn Trung Hoa, các bộ trưởng Trung Quốc và Đài Loan tổ chức cuộc họp chính thức đầu tiên kể từ năm 1949 (năm Trung Cộng thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa). Ông Mã đã hy vọng gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh vào tháng 11 năm nay, tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Để dung nạp Hong Kong và Đài Loan, APEC có thành viên là các “nền kinh tế”, chứ không phải “quốc gia”. Nhờ đó ông Tập và ông Mã có thể gặp nhau với tư cách là “nhà lãnh đạo kinh tế”, bỏ qua nghi thức khó xử thường cản trở quan hệ, với Trung Quốc xem Đài Loan chỉ là một tỉnh. Phía Trung Quốc có vẻ lưỡng lự. Nhưng ông Mã nghĩ một cuộc gặp như vậy “không phải không có khả năng diễn ra”.
Bối cảnh này giải thích tại sao phong trào phản kháng hiện nay không đơn thuần chỉ là một trở ngại nhỏ tại quốc nội địa đối với ông Mã. Các sinh viên chiếm đóng nghị viện đã dùng tới các biện pháp bị chính quyền lên án là phi dân chủ và phi pháp, và nhiều lập luận mà họ và Đảng DCTB đưa ra về hiệp định thương mại có vẻ hời hợt. Nhưng họ đã khai thác tâm lý nghi ngờ của dân chúng với ông Mã và với chủ trương hội nhập kinh tế với đại lục. Vẫn còn sự phân hóa giữa dân Đài Loan bản xứ đã có nhiều đời sinh sống trên hòn đảo này và những người gốc gác đại lục, như ông Mã, có gia đình tị nạn sang Đài Loan khi QDĐ thua trong cuộc nội chiến hồi thập niên 1940. Giới biểu tình khắc họa ông Mã là bù nhìn của đại lục hoặc là người không hiểu biết thời cuộc và xa rời thực tiễn.
Tổng thống Mã Anh Cửu cho rằng dư luận ủng hộ một hội nghị thượng đỉnh “Mã-Tập”. Tuy nhiên, ông Ngô Chiêu Tiếp thuộc Đảng DCTB nhận định rằng một cuộc gặp như vậy thực ra sẽ có tác hại cho QDĐ trong kỳ bầu cử tổng thống sắp tới vào năm 2016. Ông Ngô cho rằng ông Mã đang cố gắng để lại di sản cá nhân. Việc Đảng DCTB dẫn điểm trong các cuộc thăm dò dư luận không chỉ khiến chính quyền Trung Quốc mà cả Mỹ lo lắng, bởi Mỹ đâu muốn thấy thêm một điểm nóng nữa bùng nổ tại một khu vực nguy hiểm. Trung Quốc càng mạnh thì an ninh của Đài Loan càng phụ thuộc vào các cam kết hỗ trợ của Mỹ. Mỹ chuyển sang công nhận ngoại giao đối với Bắc Kinh năm 1979, nhưng Quốc hội Mỹ sau đó thông qua luật quy định Mỹ có nghĩa vụ giúp Đài Loan tự vệ.
Ông Mã nói rằng quan hệ với Mỹ hiện nay hữu hảo nhất kể từ ít nhất là năm 1979 và có lẽ trước đó nữa. Người khác thì lại ngờ vực. Trong tất cả những phát biểu về việc Mỹ “chuyển trục” sang Châu Á, hiếm khi nghe nhắc tới những hứa hẹn của Mỹ với Đài Loan. Nhiều người ở Đài Loan chú ý khi học giả Mỹ John Mearsheimer nhận xét trên National Interest, tạp chí chuyên về chính sách, rằng “có khả năng hợp lý là giới hoạch định chính sách Mỹ rốt cuộc sẽ kết luận rằng nước cờ chiến lược phù hợp là từ bỏ Đài Loan và cho phép Trung Quốc ép buộc Đài Loan chấp nhận thống nhất”. Với một số người, từ bỏ là thực tế và thống nhất chỉ là vấn đề thời gian. Một học giả ở Đài Bắc nhận định “không ai đứng về phía chúng tôi về mặt chiến lược, ngoại giao và chính trị; chúng tôi phải trông cậy vào thiện chí của Trung Quốc”.
Ông Mã lâu nay đã cố gắng lèo lái đi theo con đường trung dung giữa suy nghĩ buông xuôi, chấp nhận thua thiệt như vậy và chủ trương mạo hiểm của những người trong Đảng DCTB muốn đối đầu và thách thức Trung Quốc. Nhưng ông có vẻ chán nản với nỗ lực này, và người dân Đài Loan có vẻ chán nản với ông. Nếu ông Mã hy vọng rời nhiệm sở với thành tích giúp ổn định quan hệ Đài-Trung, và với vai trò của chính ông được cả hai bên và toàn thế giới công nhận là người kiến tạo hòa bình có tính lịch sử, có thể ông sẽ bị thất vọng.
Tổng hợp từ The Economist, Asia Unbound, Wall Street Journal, và South China Morning Post, 20-30/3/2014
© 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bài viết, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 2/4/2014.)