Các tổng thống Mỹ có thói quen mô tả các lãnh tụ Trung Quốc bằng những lời nể phục. Richard Nixon nịnh Mao Trạch Đông rằng những tác phẩm của Mao Chủ tịch “đã thay đổi thế giới”. Với Jimmy Carter, Đặng Tiểu Bình là một chuỗi tính từ tâng bốc: “khôn ngoan, cứng cỏi, thông minh, thẳng thắn, dũng cảm, dễ chịu, tự tin, thân thiện”. Bill Clinton mô tả chủ tịch Trung Quốc thời đó, Giang Trạch Dân, là “người có tầm nhìn” và “người có trí tuệ khác thường”. Donald Trump cũng sửng sốt không kém. Tờ Washington Post trích lời ông nói rằng lãnh tụ Trung Quốc hiện tại, Tập Cận Bình, “có lẽ là người có quyền thế nhất” mà Trung Quốc có được trong một thế kỷ.
Tổng thống Trump có lẽ nói đúng. Và nếu như không phải là trò tự sát chính trị khi một tổng thống Mỹ dám cường điệu thêm đôi chút, ông có lẽ đã nói thêm: “Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo có quyền thế nhất thế giới.” Đương nhiên nền kinh tế Trung Quốc về quy mô vẫn xếp thứ nhì thế giới, sau Mỹ, và quân đội Trung Quốc, tuy đang nhanh chóng tăng cường sức mạnh, vẫn lu mờ so với Mỹ. Nhưng uy lực kinh tế và sức mạnh súng ống không phải tất cả. Nhà lãnh đạo của thế giới tự do [Donald Trump] có chính sách đối ngoại thiển cận và đượm màu mua bán đổi chác, và dường như không thể thực hiện nghị trình của mình trong nước. Mỹ vẫn là nước hùng mạnh nhất thế giới, nhưng nhà lãnh đạo của Mỹ trong nước thì đang yếu hơn, và ở nước ngoài thì kém hiệu quả hơn bất cứ vị tiền nhiệm nào gần đây của ông, đặc biệt là do ông khinh miệt các giá trị và các liên minh làm nền tảng cho ảnh hưởng của Mỹ.
Ngược lại, chủ tịch của nhà nước chuyên chế lớn nhất thế giới, đối ngoại rất đường hoàng đĩnh đạc. Ông nắm quyền kiểm soát Trung Quốc chặt hơn bất cứ lãnh tụ nào kể từ Mao Trạch Đông. Và trong khi nước Trung Quốc của Mao hỗn loạn và nghèo xơ xác, nước Trung Quốc của Tập là một cỗ máy chủ đạo của tăng trưởng toàn cầu. Thanh thế của ông sẽ sớm được phô trương trọn vẹn. Vào ngày 18/10, Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung Quốc họp đại hội 5 năm một lần tại Bắc Kinh. Đây sẽ là đại hội đầu tiên do Tập Cận Bình chủ trì. Toàn thể 2.300 đại biểu sẽ tâng bốc ông tận mây xanh. Những nhà quan sát hoài nghi hơn có thể hỏi liệu Tập Cận Bình sẽ dùng quyền lực siêu phàm của mình vì mục đích tốt hay xấu.
“Giấc mơ Trung Quốc”
“Con đường Phục hưng”, cuộc triển lãm thường trực tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, thuật lại câu chuyện “thế kỷ tủi nhục” của Trung Quốc. Bắt đầu với những cuộc chiến tranh Nha phiến, triển lãm này kể lại sự vươn lên của Đảng Cộng sản và sự thành lập nước Cộng hòa Nhân dân vào năm 1949. Các hiện vật trưng bày kết thúc với các vỏ bọc điện thoại di động và thiết bị không gian, những thành quả của chế độ cai trị độc đảng.
Tháng 11/2012, Tập Cận Bình đến xem triển lãm này. Ông vừa trở thành lãnh tụ thứ năm của Trung Quốc kể từ sau Mao Trạch Đông, và đó lần đầu tiên ông xuất hiện trước công chúng với tư cách tổng bí thư. Lúc đó, ông được xem là nhà cải cách kinh tế. Nhưng bài diễn văn của ông tại bảo tàng này không bàn về kinh tế. Trong bài diễn văn đó có phát biểu đầu tiên về một chủ đề sẽ trở thành khẩu hiệu của ông. Với các ủy viên khác của Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan chính trị cao cấp nhất của Trung Quốc, đứng quanh ông, Tập Cận Bình nói về “giấc mơ Trung Quốc lớn nhất [là] phục hưng đất nước Trung Quốc. Bài hát “Giấc mơ Trung Quốc” nhanh chóng đứng đầu các bảng xếp hạng. Những bích chương vẽ một bức tượng gốm mập mạp mặc áo choàng đỏ, nhân vật dường như là hiện thân của giấc mơ đó, được dán khắp nơi toàn quốc.
Tháng 9 năm nay, trước thềm một trong những sự kiện quan trọng nhất trong thời kỳ lãnh đạo của mình, Tập Cận Bình lặp lại tất thảy. Tại một triển lãm khác về các thành tựu của cộng sản, lại có các thuộc cấp Bộ Chính trị đứng quanh, ông nhắc lại rằng việc của đảng là theo đuổi “giấc mơ phục hưng quốc gia”. Thông điệp có ý nghĩa quan trọng. Nó thể hiện các ưu tiên của ông — không phải là ưu tiên về kinh tế, mà ưu tiên về quyền lực của Đảng Cộng sản và vị thế của Trung Quốc trên thế giới.
Năm năm sau lần xem triển lãm đầu tiên đó, Tập Cận Bình phải “kiểm kê tài sản”. Vào ngày 18/10, ông sẽ khai mạc đại hội Đảng Cộng sản, một sự kiện diễn ra 5 năm một lần và là quan trọng nhất trong lịch trình chính trị của Trung Quốc. Khoảng 2.300 đại biểu sẽ có mặt ở Đại Sảnh đường Nhân dân, đối diện Bảo tàng Quốc gia, để hiệu chỉnh điều lệ đảng và chỉ định Trung ương Đảng mới, thành phần chóp bu gồm 205 ủy viên sẽ cai trị đất nước trong 5 năm tới.
Tổng bí thư thường phụng sự 10 năm, nên Tập Cận Bình ở mốc giữa đường. Nếu ông theo tiền lệ gần đây, ông sẽ chỉ định người kế nhiệm tại đại hội này (dù không có gì bảo đảm là ông sẽ làm vậy). Đây là thời điểm thích hợp để hỏi: ông đã cố gắng làm những gì và ông đã thành công tới đâu? Và, bất luận thành công hay thất bại, ông có đang làm đúng?
Tập Cận Bình xem mình là vị chủ tịch tạo chuyển biến thứ ba của Trung Quốc, cùng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Mao thống nhất đất nước và lập nhà nước cộng sản. Đặng hướng Trung Quốc vào con đường tiến tới thịnh vượng và (theo quan điểm chính thức) cứu đảng tránh khỏi sự cám dỗ của dân chủ. Mục tiêu của Tập là khôi phục vị trí của Trung Quốc ở trung tâm thế giới và lại cứu đảng, lần này từ chính bản thân đảng.
Hà Nghị Đình (He Yiting), hiệu phó Trường Đảng Trung ương, học viện chuyên trách đào tạo cán bộ cao cấp, gần đây viết rằng lịch sử hiện đại của Trung Quốc có thể chia thành ba thời kỳ: thời kỳ của Mao; thời kỳ cải cách và mở cửa (tức của Đặng); và thời kỳ kể từ năm 2012 (tức của Tập). Một cuốn sách xuất bản hồi tháng 7 tên là “Tư tưởng Tập Cận Bình” (một tuyển tập tiểu luận) viết trong lời giới thiệu rằng “Trung Quốc cần những anh hùng có thể dẫn dắt vào một thế hệ mới về tư duy và thành tựu, những anh hùng như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình.” Tập Cận Bình tự xem mình là người kế tục đích thực của họ.
Quyền bính trong tay
Những quyền lực cá nhân của ông phản ánh ý thức về sứ mệnh được tán tụng của ông. Ông là chủ tịch, tổng bí thư, và hồi tháng 7 được báo chí nhà nước gọi là “tư lệnh tối cao”, một danh hiệu được dùng lần gần đây nhất là cho Đặng Tiểu Bình. Ông như một người khổng lồ bước ngang hệ thống hành chính, sau khi đã quét sạch và thay thế gần như tất cả các bí thư và chủ tịch ở 31 tỉnh của Trung Quốc, cũng như phần lớn chỉ huy cao cấp nhất của Quân đội Nhân dân Trung Quốc. Đại hội sắp tới sẽ có nhiều ủy viên Trung ương về hưu hơn thường lệ, nên nay ông có cơ hội đưa thêm càng nhiều đồng minh vào các vị trí cao nhất. Đại hội này cũng có thể giúp ông nắm quyền thống lĩnh ý thức hệ bằng cách đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào điều lệ đảng – hai vị tiền nhiệm của ông không được vinh dự này. Làm như vậy sẽ khiến Tập Cận Bình thành người cầm cân nảy mực về tư tưởng của Trung Quốc.
Hai vị tiền nhiệm của ông, Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, được bổ nhiệm chủ yếu để tiếp tục những cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình. Tập Cận Bình được bổ nhiệm để cứu đảng. Chuyện Đảng Cộng sản có thể cần cứu nghe có vẻ kỳ quặc. Dù Trung Quốc có hàng chục ngàn cuộc biểu tình chống nhà nước mỗi năm, đó là những vụ địa phương mà chủ yếu là phản ứng trước các chính quyền địa phương tham lam. Đảng không đối mặt với mối nguy toàn quốc nào và dường như đã bình phục từ những sự kiện đau thương quanh Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Song, đó không phải là cách Tập Cận Bình đánh giá tình hình năm 2012. Với ông, và với giới chóp bu đã chọn ông làm lãnh đạo Trung Quốc, đảng đối mặt với một mối nguy sinh tồn. Tập Cận Bình về sau than phiền rằng “trong các đảng viên … thậm chí cán bộ cao cấp, có những người có niềm tin chưa đủ mạnh và có những người không trung thành với đảng.” Nhiều đảng viên thoái hóa. Họ không đóng đảng phí — 2% lương của những người có thu nhập hơn 10.000 nhân dân tệ ($1.520) mỗi tháng. Họ không còn tin vào chủ nghĩa cộng sản. Một số thậm chí bàn chuyện chuyển sang một hệ thống cai trị dân chủ hơn.
Tránh đi sai đường
Với Tập Cận Bình, đó là đường dẫn tới lụi tàn. Ông viết, “Nếu ý chí thấp, tổ chức lỏng lẻo, kỷ cương và đạo đức không được kiểm soát, [thì] rốt cuộc chúng ta sẽ không chỉ thất bại … mà thảm kịch của vua Sở [Sở Nghĩa Đế, bị sát hại năm 202 trước Công nguyên] có thể tái diễn.”
Tuy nhiên, không phải lịch sử cổ đại khiến Tập Cận Bình sợ. Mà chính là sự tan rã của Liên Xô. Với ông, mọi thứ bắt đầu và kết thúc với đảng (ông viết, “đông, tây, bắc hay nam, đảng dẫn đến mọi thứ”). Nếu đảng sụp đổ, đất nước cũng sẽ sụp. Giới lãnh đạo Trung Quốc quy lỗi sự tan rã của Liên Xô cho thất bại của lòng tự tin của những người cộng sản Nga và quyết tâm không để chuyện như vậy xảy ra ở Trung Quốc. Tập Cận Bình từng nói về những người Nga “không đủ dũng khí” để bảo vệ đảng của họ. Ngay từ đầu, ông quyết là người đủ dũng khí.
Ông được trang bị kỹ càng để vực dậy các niềm tin của đảng. Ông là hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương từ năm 2008 tới năm 2013. Ông cũng là tổ trưởng tiểu tổ lãnh đạo về “xây dựng đảng” (tiểu tổ lãnh đạo là các ủy ban có quyền thế phối hợp công tác của đảng và nhà nước). Ông đã dành nhiều thời gian cho các cơ chế hoạt động nội bộ của thiết chế này hơn bất cứ ai từ thời Đặng Tiểu Bình.
Nổi tiếng nhất trong các chiến dịch của ông là chiến dịch chống tham nhũng. Từ năm 2012, cơ quan chống tham nhũng chính, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, đã xử lý kỷ luật với 1,4 triệu đảng viên. Nhưng đó chỉ là một phần trong nỗ lực lớn hơn để thấm nhuần kỷ cương. Tại một hội nghị ngay trước đại hội đảng, Bộ Chính trị báo cáo rằng “đối với đảng, sự tự quản lý về mọi khía cạnh sẽ không bao giờ chấm dứt.”
Kỷ cương đòi hỏi sự tự chủ. Tập Cận Bình đã thiết lập cái ông gọi là những “cuộc họp sinh hoạt dân chủ” để đảng viên tự phê về hành vi của mình và học cách làm gương. Tức là tham dự các lớp về tư tưởng. Các lãnh tụ đảng xưa nay luôn tiến hành các chiến dịch tư tưởng, nhưng Tập Cận Bình nhiệt thành một cách khác thường với các chiến dịch này. Năm 2016, ông thậm chí khởi xướng một chiến dịch trên mạng khuyến khích đảng viên chép tay điều lệ đảng, hệt như phạt những học sinh hư. Tập Cận Bình đang đưa từ cộng sản trở lại Trung Quốc cộng sản.
Kỷ cương đòi hỏi trung thành. Như một bài báo đăng trên Cầu Thị (Qiushi), tập san lý luận chính của đảng, viết hồi đầu năm nay: “không có lòng trung thành 99,9%. Chỉ có lòng trung thành thuần túy và tuyệt đối 100% và không kém.” Các thiết chế không đạt được mức quỵ lụy bắt buộc đó phải lãnh hậu quả. Tập Cận Bình đã làm suy yếu Đoàn Thanh niên Cộng sản, từng là một tổ chức có quyền thế và là con đường dẫn tới quyền lực của đương kim thủ tướng Lý Khắc Cường, và lãnh đạo Trung Quốc tiền nhiệm của ông, Hồ Cẩm Đào. Cho rằng Đoàn Thanh niên Cộng sản xa rời thực tế, quan liêu và ngạo mạn, Tập Cận Bình giáng chức bí thư đoàn, bỏ tù một trong những quan chức cao cấp nhất của Đoàn và giải thể trường đoàn.
Theo quan điểm của Tập Cận Bình, đảng cần phải được chỉnh đốn, vì ông muốn tăng cường quyền kiểm soát đảng. Đảng viên trong các công ty — kể cả các liên doanh với nước ngoài — đã bắt đầu đòi quyền phê duyệt các quyết định đầu tư. Giới học thuật, từng được trao cho chút quyền tự do hạn chế về nghiên cứu, nay không thể nghiên cứu về những vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như Cách mạng Văn hóa. Những tờ báo quốc doanh được chỉ thị thẳng thừng rằng công việc của họ là phục vụ đảng. Tất nhiên xưa nay vẫn thế, nhưng các chính quyền trước đây cũng đã khuyến khích báo chí tường thuật những sự thật không hay. Tập Cận Bình cũng trấn áp bất cứ điều gì có chút khả năng có thể thách thức sự độc quyền quyền lực của đảng, bắt hàng loạt các luật sư nhân quyền và thông qua luật gây khó khăn hơn cho các tổ chức từ thiện.
Lắm mưu nhiều chước
Ông đã tăng ảnh hưởng của đảng đối với Quân đội Nhân dân Trung Quốc bằng cách mở rộng vai trò của Quân ủy Trung ương, cơ quan mà thông qua đó đảng kiểm soát quân đội. Năm 2015 Quân ủy Trung ương đảm trách nhiều công việc trước đây được thực hiện ở đại bản doanh quân đội, như giám sát hậu cần. Năm nay, trụ sở chính của quân ủy được nâng cấp, chủ nhiệm quân ủy được thăng chức và các chỉ thị từ văn phòng quân ủy được xem ngang hàng với quy định của quân đội.
Trên hết thảy, Tập Cận Bình đã dịch chuyển cán cân quyền lực giữa đảng và nhà nước. Ông đã gạt thủ tướng Lý Khắc Cường, người đứng đầu chính phủ, sang bên lề. Thủ tướng trước đây thường chịu trách nhiệm về nền kinh tế, nhưng thiết chế chính về hoạch định chính sách kinh tế hiện nay dường như là tiểu tổ lãnh đạo về tăng cường cải cách, do Tập Cận Bình làm tổ trưởng. Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, hồi đầu năm nay nói rằng “không hề có sự tách biệt giữa đảng và nhà nước”. Thử đối chiếu điều đó với một phát biểu của Đặng Tiểu Bình vào năm 1980: “Đã tới lúc chúng ta phân biệt giữa các trách nhiệm của đảng và các trách nhiệm của nhà nước, và chấm dứt việc dùng đảng thay thế nhà nước.” Trong nỗ lực cải thiện vận mệnh của đảng, Tập Cận Bình đã quay ngược đồng hồ gần 40 năm.
Theo quan điểm của ông, chiến dịch này thành công. Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, đảng giống như một công ty mà nhân viên không đi làm, không tin vào mô hình kinh doanh và lãng phí vô độ. Nay, đảng viên cúc cung tận tụy. Không còn tranh luận công khai nào về “mô hình Singapore” hay bất cứ điều gì hàm ý một tương lai cho Trung Quốc mà không có đảng.
Uy quyền cá nhân của Tập Cận Bình đã được tăng lên, tới nay không gặp sự chống đối công khai quyết liệt nào. Đây là một trong những mối nguy hiểm của cương lĩnh của ông. Quá nhiều điều phụ thuộc vào cá nhân ông đến nỗi có nguy cơ mọi thứ sẽ sụp đổ khi ông ra đi. Hoặc có nguy cơ ông sẽ muốn nắm quyền mãi. Như một nhà bình luận có tư tưởng tự do nói, Tập Cận Bình đã xúc phạm quá nhiều người nên không thể ra đi một cách lặng lẽ. Bất luận là tốt hay xấu, ông đã bắt đầu khiến đảng trở thành một công cụ kiểm soát hữu hiệu hơn.
Nhưng như ông biết, đó chỉ mới là khởi đầu. Mọi lãnh tụ kể từ sau Mao đã chật vật với những câu hỏi về tính chính danh của Đảng Cộng sản, và Tập Cận Bình không phải là ngoại lệ. Trong nhiều năm, tăng trưởng kinh tế đã trao “thiên mệnh” cho đảng. Nhưng tăng trưởng đang chậm lại, bất bình đẳng gia tăng, và những nỗi lo của tầng lớp trung lưu về nhà ở, giáo dục và y tế không thể xoa dịu bằng cách đắp thêm một điểm phần trăm cho GDP.
Thâu tóm thiên hạ
Giấc mơ về một Trung Quốc phục hưng, một lần nữa thống lĩnh “mọi thứ trong thiên hạ”, có thể được lòng dân. Và nếu Tập Cận Bình có thể khiến Trung Quốc được nể trọng ở nước ngoài, điều đó có thể biến thành sự kính nể dành cho đảng ở trong nước. Do đó, mối quan tâm thứ nhì của ông — vị thế của Trung Quốc trên thế giới — củng cố mối quan tâm thứ nhất của ông.
Như cuộc tham quan bảo tàng của ông cho thấy, giấc mơ phục hưng có trước khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Nhưng chủ nghĩa dân tộc “Nước Mỹ trên hết” của Trump đã cho Tập Cận Bình cơ hội giành quyền dẫn dắt thế giới. Trong nhiều chuyến công du nước ngoài, Tập Cận Bình tự thể hiện mình là người cổ xúy hòa bình và hữu nghị, một tiếng nói của lý trí trong một thế giới hoang mang và bất trắc. Những nhược điểm của Donald Trump đã khiến việc này càng dễ dàng hơn.
Tháng 1/2017, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Tập Cận Bình hứa với giới chóp bu toàn cầu rằng ông sẽ là người ủng hộ toàn cầu hóa, thương mại tự do và hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. Ông phát biểu rằng Trung Quốc nên “dẫn đường toàn cầu hóa kinh tế”. Các thính giả hôm đó nghe mà mát lòng mát dạ. Họ nghĩ ít ra cũng có một cường quốc sẵn sàng đấu tranh vì chuyện đúng, cho dù Donald Trump (lúc đó là tổng thống mới đắc cử, chưa nhậm chức) không chịu. Một tháng sau, ông nói thêm rằng Trung Quốc nên “dẫn đường xã hội quốc tế [hướng tới] một trật tự thế giới mới công bằng và duy lý hơn”.
Tiền của rủng rỉnh ủng hộ các khẩu hiệu. Thiên hạ lưu tâm tới những lời của Tập Cận Bình một phần bởi vì ông có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới để hậu thuẫn những phát biểu đó. “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, chính sách đối ngoại tham vọng nhất của Tập Cận Bình, có thể được đặt tên hơi lạ lùng khó hiểu, nhưng có thông điệp rõ ràng. Hàng trăm tỷ đô-la vốn của Trung Quốc sẽ được đầu tư ở hơn 60 nước ở Châu Á và Châu Âu để xây dựng đường sắt, cảng, nhà máy điện và các cơ sở hạ tầng khác mà sẽ giúp những vùng rộng lớn trên thế giới thịnh vượng. Nếu thành công, nó có thể khiến giao thương Âu Á, với Trung Quốc là trung tâm, cạnh tranh với giao thương xuyên Đại Tây Dương, tập trung vào Mỹ. Đó là kiểu lãnh đạo mà Mỹ đã không thể hiện từ thời kỳ hậu chiến của Kế hoạch Marshall ở Tây Âu (mà có lẽ có quy mô nhỏ hơn rất nhiều).
Tập Cận Bình cương quyết hơn khi khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Năm ngoái, một tòa án Liên Hợp Quốc bác bỏ những tuyên bố chủ quyền đó. Trung Quốc tức khắc thuyết phục Philippines, nước đâm đơn kiện, phủ nhận thắng lợi pháp lý để đổi lại vốn đầu tư dồi dào. Việc Tập Cận Bình cải cách Quân đội Nhân dân Trung Quốc đã khiến các lực lượng vũ trang có tầm nhìn hướng ngoại hơn. Các lực lượng này trước đây được tổ chức chủ yếu vì mục đích quốc phòng và kiểm soát người dân trong nước.
Tập Cận Bình cũng phô trương điều mà với Trung Quốc là sức mạnh quân sự vô tiền khoáng hậu ở nước ngoài. Tập Cận Bình đã tăng cường hải quân, lập “các bộ tư lệnh chiến trường” mới để phô trương thế lực ở nước ngoài, và năm nay đã mở căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên của Trung Quốc, ở Djibouti. Ông cử hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập ở những nơi ngày càng xa hơn, ví dụ hồi tháng 7 ngay tại cửa ngõ của NATO trên Biển Baltic cùng với hạm đội của Nga. Trung Quốc nói sẽ không bao giờ xâm lược các nước khác để áp đặt ý muốn của mình (ngoài Đài Loan, mà Trung Quốc không xem là một quốc gia). Trung Quốc nói rằng các nỗ lực xây dựng căn cứ của mình là để hỗ trợ các sứ mệnh giữ gìn hòa bình, nhân đạo và chống cướp biển. Về các đảo nhân tạo với những đường băng có chất lượng sử dụng được cho mục đích quân sự mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông, Trung Quốc nói mục tiêu chỉ là phòng thủ.
Và ông cũng đã tăng đáng kể các hoạt động tạo ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài. Trung Quốc từ lâu đã ủng hộ các công cụ của quyền lực mềm như Viện Khổng tử, nơi dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc cho người nước ngoài. Nay, đảng cũng đang bỏ tiền vào các cơ sở truyền thông ở phương Tây và cố gắng dùng Hoa kiều làm những người đại diện cho chính sách nhà nước. Tóm lại, Tập Cận Bình bác bỏ lời khuyên của Đặng Tiểu Bình rằng, trong đối ngoại, Trung Quốc nên “khép mình và không bao giờ giành quyền lãnh đạo”.
Không thể nói liệu ông có đã phủ được hào quang của tính chính danh lên đảng của mình, như ông muốn, hay không. Theo một cuộc thăm dò dư luận năm 2016 do Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Mỹ thực hiện, chỉ có 60% người Trung Quốc nghĩ rằng sự tham gia của họ vào nền kinh tế toàn cầu là điều tốt. Mặt khác, phim ăn khách năm nay là một phim “ái quốc” tên là “Wolf Warriors 2” (Chiến binh Sói 2), kể chuyện một lính Trung Quốc giết những kẻ xấu trên khắp thế giới. Bởi vậy, chuyện dắt mũi người nước ngoài có lẽ hợp lòng dân.
Dù gì đi nữa, nếu các nỗ lực của Tập Cận Bình có thành có bại, như vậy không phải là vì chúng thất bại. Cũng như với những cải cách đảng của ông, ông có thể tự chúc mừng về sự khởi đầu suôn sẻ. Bộ máy hành chính khổng lồ của Trung Quốc đã ì ạch vào guồng đằng sau dự án một vành đai một con đường. Trung Quốc chứng minh cho các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông bằng những dữ kiện mới trên thực địa, hay đúng hơn là trên biển, dưới dạng các công trình xây dựng quân đội trên các đảo nhân tạo. Trung Quốc hiện này được nhiều giới xem là nước đi đầu về thảo luận khí hậu toàn cầu.
Khác với tổng thống Nga Vladimir Putin, Tập Cận Bình không phải là kẻ gây rối toàn cầu muốn phá dân chủ và gây mất ổn định cho phương Tây. Tuy nhiên, ông quá khoan dung về sự gây rối của đồng minh Bắc Triều Tiên thích phô trương vũ khí hạt nhân. Và một số hành vi quân sự của Trung Quốc khiến các nước láng giềng lo ngại, không chỉ các nước Đông Nam Á mà còn Ấn Độ và Nhật.
Có lẽ trở ngại nghiêm trọng duy nhất cho việc Tập Cận Bình giành quyền lãnh đạo [thế giới] là từ Đông Bắc Á. Việc ông không muốn kiềm chế sự mưu cầu vũ khí hạt nhân của Kim Jong Un đang khiến Mỹ can dự ở Châu Á nhiều hơn nếu như khác đi, và tăng nguy cơ Nhật và Hàn Quốc một ngày nào đó có thể triển khai các biện pháp phòng vệ bằng hạt nhân của mình. Nếu như vậy thì chẳng có lợi cho ai, nhất là Trung Quốc.
Tóm lại, Tập Cận Bình có thể nhìn lại với ít nhiều mãn nguyện về hai mục tiêu ông đặt ra cho chính mình. Nhưng còn một câu hỏi sâu sắc hơn: liệu chúng có phải là các mục tiêu đúng cho đất nước ông. Trong thập niên sắp tới, một số vấn đề âm ỉ sẽ bắt đầu cháy bùng. Nạn thiếu nước, xưa nay là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất của Trung Quốc, sẽ trở nên trầm trọng hơn. Không khí và đất nhiễm độc sẽ nhiều hơn. Thế hệ đầu tiên ra đời thời chính sách một con sẽ tới tuổi kết hôn, với tình trạng thừa nam thiếu nữ càng trầm trọng hơn do kiểm soát dân số. Những khoản nợ khổng lồ do các chính quyền địa phương và doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc tích lũy cũng sẽ phải được xử lý.
Giải pháp từ bên ngoài đảng
Điểm tương đồng của những vấn đề khác biệt này là nhiều giải pháp trong số những giải pháp tốt nhất xuất phát từ bên ngoài đảng. Các tổ chức môi trường có thể gây áp lực công khai với những đơn vị gây ô nhiễm. Một nền báo chí tự do hơn có thể vạch trần mọi kiểu vi phạm, từ tham nhũng tới lừa đảo. Cạnh tranh nhiều hơn giữa các doanh nghiệp, cũng như các hạn chế ngân sách nghiêm ngặt hơn, sẽ giảm nợ nần quá nhiều của các doanh nghiệp quốc doanh và chính quyền địa phương.
Nhưng Tập Cận Bình sẽ đi theo hướng ngược lại. Ông sẽ hạn chế báo chí, đóng cửa các tổ chức xã hội dân sự và bóp nghẹt không gian thảo luận công khai. Công bằng mà nói cho ông, ông không làm vậy vì ông quay lưng với các vấn đề của Trung Quốc. Nhưng ông đã nhất quyết rằng chỉ có đảng mới được phép giải quyết chúng. Và nếu đảng thất bại, thì các vấn đề sẽ không được đề cập tới.
Tại nội địa, các thiên hướng hành xử của Tập Cận Bình chí ít cũng kiềm hãm tự do như các thiên hướng của tổng thống Nga. Ông tin rằng thậm chí một chút tự do chính trị cũng có thể không chỉ khiến bản thân ông lụi tàn mà còn làm chế độ của ông sụp đổ. Số phận của Liên Xô ám ảnh ông, và cảm giác bất an đó có những hậu quả. Ông chẳng những không tin những kẻ thù mà các cuộc thanh trừng của ông tạo ra mà cũng không tin tầng lớp trung lưu sung túc, phát triển nhanh của Trung Quốc, và các chồi nụ của xã hội dân sự nở rộ khi ông lên cầm quyền. Ông dường như quyết tâm siết chặt kiểm soát đối với xã hội Trung Quốc, nhất là bằng cách tăng các quyền hạn theo dõi của nhà nước, và đặt những ngành chủ lực của nền kinh tế dưới sự kiểm soát của đảng. Tất cả những điều này sẽ khiến Trung Quốc ít thịnh vượng hơn lẽ ra có thể đạt được, và là nơi sống ngột ngạt hơn. Các vi phạm nhân quyền đã trầm trọng hơn trong thời Tập Cận Bình, mà chẳng nghe các nhà lãnh đạo khác trên thế giới khẽ khàng than phiền lấy một tiếng.
Giới chủ trường tự do từng ta thán về “thập niên mất mát” của giai đoạn cải cách trong thời vị tiền nhiệm của Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào. Mười năm đó đã trở thành 15, và có thể hơn 20 năm. Một số người lạc quan cho rằng chúng ta chưa thấy con người đích thực của Tập Cận Bình — rằng đại hội sắp tới sẽ giúp ông củng cố quyền lực, và sau đó ông sẽ bắt đầu triệt để thực hiện các cải cách xã hội và kinh tế, dựa trên thành công tương đối của ông trong việc phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, nếu ông là một người chủ trương đa nguyên ẩn mình, ông che giấu quá giỏi. Và thật đáng lo ngại cho những người tin rằng tất cả các nhà lãnh đạo đều có lúc hết thời, Tập Cận Bình được cho là không muốn rút lui vào năm 2022, thời điểm mà theo tiền lệ là ông nên rút lui.
Năm 1980, Đặng Tiểu Bình có bài phát biểu trước Bộ Chính trị, trong đó ông kêu gọi có sự tách biệt rạch ròi hơn giữa đảng và nhà nước, cảnh báo về việc tập trung quá nhiều quyền lực vào một người (ông nói điều đó “có thể dẫn tới sự cai trị độc đoán”) và ủng hộ việc kế thừa dễ tiên đoán, có trật tự. Tập Cận Bình đang bác bỏ mọi lời khuyên tốt đẹp của Đặng Tiểu Bình. Bản thân ông có thể có lợi. Nhưng Trung Quốc có thể không.
Tập Cận Bình có thể nghĩ rằng việc tập trung ít nhiều quyền lực không bị kiềm chế đối với 1.4 tỷ dân Trung Quốc vào tay của một người là, tạm mượn một trong những thuật ngữ yêu thích của ông, là “điều bình thường mới” của chính trị Trung Quốc. Nhưng điều đó không bình thường; nó nguy hiểm. Không ai nên có quá nhiều quyền lực như vậy. Chế độ cai trị độc tài suy cho cùng là công thức gây bất ổn ở Trung Quốc, như xưa nay đã từng — thử nghĩ tới Mao và Cách mạng Văn hóa của ông. Nó cũng là công thức dẫn tới cách hành xử độc đoán ở nước ngoài, mà rất đáng lo ngại giữa thời buổi nước Mỹ của Donald Trump đang thu mình lại và tạo khoảng trống quyền lực. Thế giới không muốn một nước Mỹ biệt lập hay một chế độ độc tài ở Trung Quốc. Biết đâu thế giới phải hứng chịu cả hai.
Phạm Vũ Lửa Hạ tổng hợp từ The Economist 14/10/2017. (Bài 1: The world’s most powerful man. Bài 2: Life and soul of the Party)
© 2017 Phạm Vũ Lửa Hạ
1 thought on “Tập Cận Bình – Nhà lãnh đạo uy quyền nhất thế giới”