Phanh phui bí mật về tài chính hải ngoại

Báo chí trong mạng lưới ICIJ đưa tin về vụ tiết lộ thông tin
Báo chí trong mạng lưới ICIJ đưa tin về vụ tiết lộ thông tin

Nợ công chồng chất đang khiến chính phủ nhiều nước tìm đủ cách tăng nguồn thu. Ví dụ, ngân sách Canada 2013 cho phép cơ quan thuế thưởng tối đa 15% số thuế truy thu cho người nào tố cáo kẻ trốn thuế. Mỹ, Anh, Đức, Pháp, và nhiều nước đã truy lùng các đối tượng trốn thuế, nhất là bằng tài sản ở hải ngoại. Năm ngoái, cơ quan thuế Mỹ (IRS) thưởng cho Bradley Birkenfeld số tiền kỷ lục 104 triệu đô-la nhờ tiết lộ thông tin dẫn tới việc chính phủ phạt ngân hàng UBS 780 triệu đô-la vì giúp nhiều người Mỹ trốn thuế. IRS cũng đã truy thu được thêm hàng tỉ đô-la tiền nợ thuế của hàng ngàn chủ tài khoản cá nhân.

Mạng Công lý Thuế (Tax Justice Network) ước tính toàn thế giới có từ 21 ngàn tỉ tới 32 ngàn tỉ đô-la tài sản tư nhân nằm ở hải ngoại, ngoài tầm với của các cơ quan thuế quốc gia (công ty tư vấn Boston Consulting Group có ước tính dè dặt hơn, chỉ ở mức 8 ngàn tỉ). Tổ chức quốc tế này nói điều đó tương đương với 280 tỉ đô-la tiền thuế bị thất thu – gấp đôi số viện trợ nước ngoài của các nước giàu nhất thế giới. Tỉ phần của Canada trong số đó, giả định bằng với tỉ lệ GDP của Canada so với GDP toàn cầu, sẽ là khoảng 7 tỉ, tức khoảng một phần tư mức thâm hụt ngân sách 2012 dự báo của chính phủ.

Chấn động hơn cả WikiLeaks

Họ đi tìm những chỗ giấu tiền tuyệt mật ở hải ngoại để tránh hoặc trốn thuế. Nhưng nay hồ sơ tài chính bí mật của một số người thuộc giới giàu nhất thế giới đang bị phơi trần. Quả bom thông tin do Liên hiệp Nhà báo Điều tra Quốc tế (International Consortium of Investigative Journalists, ICIJ), một tổ chức phi vụ lợi đóng tại Washington, D.C., mới tung ra hôm 3/4 quả là món quà bất ngờ dành cho cơ quan thuế các nước. ICIJ cho biết đã nhận được các hồ sơ kín trải dài trong gần 30 năm liên quan tới 10 địa điểm ưu đãi thuế trên khắp thế giới.

Qua phân tích dữ liệu này, ICIJ hé lộ bí mật về hơn 120.000 công ty và quỹ tín thác ở hải ngoại, hơn 130.000 cá nhân và người đại diện phơi bày những giao dịch ngầm của đủ tầng lớp từ chính khách, người siêu giàu tới giới lừa đảo ở hơn 170 nước. Những thông tin này gồm các số liệu được nhập vào hệ thống máy tính, thư điện tử và những chi tiết bí mật khác liên quan quan tới các khoản đầu tư và tài khoản tiền gởi được che giấu kỹ càng. Đây được xem là một trong những vụ tiết lộ dữ liệu tài chính lớn nhất từ trước tới nay. Nhóm WikiLeaks gây xôn xao hồi năm 2010 khi công bố gần 2GB dữ liệu về các công điện quân sự và ngoại giao của Mỹ bị rò rỉ. Vụ tiết lộ của ICIJ có dữ liệu tức gấp 130 lần, với tổng cộng 260 GB dữ liệu, gồm 2,5 triệu tập tin.

Michael Hudson, một biên tập viên cao cấp ở ICIJ, đã cùng với một nhóm cộng tác làm việc trong nhiều tháng trời để sàng lọc, sắp xếp thông tin. Ông nói: “Khi bắt đầu nghiên cứu những hồ sơ này, chúng tôi phát hiện đủ kiểu người lắm mưu mẹo để trốn thuế: những tay gian lận ở Wall Street, những kẻ lừa đảo bằng các kiểu đầu tư xảo trá, những nhân vật có liên hệ với đường dây tội ác có tổ chức và với buôn vũ khí, những kẻ rửa tiền”.

ICIJ nói đây có lẽ là chiến dịch hợp tác báo chí lớn nhất trong lịch sử, với sự tham gia của 86 nhà báo điều tra từ 46 nước. Ban thời sự của đài truyền hình quốc Canada (CBC News) đã hợp tác với ICIJ trong bảy tháng qua để được độc quyền tiếp cận các thông tin này.  Ngoài ra có sự góp mặt của các báo đài lớn như tờ The Guardian và đài BBC (Anh), Le Monde (Pháp), tờ Süddeutsche Zeitung và đài phát thanh và truyền hình Bắc Đức (Đức), tờ The Washington Post (Mỹ), và 31 đối tác truyền thông trên toàn cầu.

Phát hiện nhiều hoạt động tài chính ngầm ở hải ngoại

Những địa điểm ưu đãi thuế ở hải ngoại đã tồn tại ít nhất cả trăm năm rồi. Tuy không có định nghĩa rõ ràng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết phần lớn những nơi được tổ chức này chính thức gọi là “các trung tâm tài chính hải ngoại” có những đặc điểm sau: ngành ngân hàng chủ yếu phục vụ khách hàng không phải cư dân thường trú; thuế thấp hoặc không thuế đối với các hãng và người nước ngoài; mức độ bí mật tài chính rất cao. Căn cứ vào những tính chất này, có tới 80 địa điểm ưu đãi thuế trên toàn cầu, trong đó không chỉ có các nước như Panama, Liechtenstein và Thụy Sĩ, mà còn những lãnh thổ đảo nhỏ Jersey, Labuan của Malaysia, đảo Isle of Man, và quần đảo Turks and Caicos.

Có nhiều lý do chính đáng và hợp pháp để lập tài khoản và công ty ở hải ngoại. Những khoản đầu tư ở hải ngoại không phi pháp miễn là chúng không phải để trốn thuế hay rửa tiền. Các nước thường yêu cầu người dân của mình tự giác khai báo những tài sản đó. Ví dụ, hồ sơ khai thuế lợi tức cá nhân của Canada hỏi người khai thuế có tài sản trên 100.000 đô-la Canada ở nước ngoài hay không.

Nhưng do tính chất tuyệt mật về danh tánh khách hàng, những công ty này thường là nơi lý tưởng để rửa tiền, cất giấu tài sản bất minh như tiền biển thủ, và tránh hoặc trốn thuế. Trong số 107 công ty ở British Virgin Islands và những nơi ưu đãi thuế hải ngoại khác thuộc sở hữu của các công dân Hy Lạp, ICIJ phát hiện chỉ có 4 công ty đăng ký với cơ quan thuế Hy Lạp theo luật định, đặc biệt khi các công ty này có nắm giữ tài sản và hoạt động ở Hy Lạp. Nhà chức trách dường như không có một hồ sơ gì về 103 công ty kia, hoặc biết liệu những người đó có khai báo bất cứ tài sản nào của các công ty đó, có đóng thuế hay không. ICIJ cũng nêu ví dụ một âm mưu lừa đảo trị giá nửa tỉ đô-la ở Venezuela. Những kẻ chủ mưu hối lộ cho các quan chức Venezuela để chiếm đoạt một phần nguồn vốn từ quỹ hưu bổng của công ty dầu khí quốc doanh Petroleos de Venezuela (PDVSA), rồi tẩu tán số tiền này qua một mê trận các công ty hải ngoại, quỹ đầu tư rủi ro cao, và tài khoản ngân hàng từ quần đảo Cayman tới Thụy Sĩ và Panama.

Sau 15 tháng làm việc, ICIJ bắt đầu dần dần công khai kết quả điều tra. Những phát hiện chính được ICIJ công bố trong đợt đầu có thể gây rúng động nhiều giới. Quan chức chính phủ cùng với thân nhân và cộng sự ở nhiều nước, trong đó có Azerbaijan, Nga, Canada, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Mông Cổ, thường xuyên dùng các công ty trá hình và tài khoản bí mật ở hải ngoại. Những người siêu giàu dùng các cơ cấu phức tạp ở hải ngoại để sở hữu các dinh thự, du thuyền, kiệt tác nghệ thuật và những tài sản khác, lợi dụng những ưu đãi thuế và tính bảo mật mà người thường không có được. Nhiều ngân hàng hàng đầu thế giới, trong đó có UBS, Clariden và Deutsche Bank, đã tích cực phục vụ khách hàng của mình bằng cách giúp lập hàng ngàn công ty bí mật ở những nơi ưu đãi thuế tại hải ngoại. (Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất Đức, giúp khách hàng duy trì hơn 300 quỹ tín thác và công ty hải ngoại thông qua chi nhánh của mình ở Singapore.) Một đội ngũ chuyên viên kế toán và môi giới được trả thù lao hậu hĩnh để giúp các khách hàng nước ngoài của mình che giấu danh tánh và tài khoản của mình; trong nhiều trường hợp tạo nơi cất giấu tài sản bất minh của những kẻ lừa đảo cầm đầu các quỹ đầu tư gian trá, và rửa tiền cho bọn tội phạm có tổ chức.

Trong nhiều trường hợp, các hồ sơ bị rò rỉ phơi bày những chi tiết chỉ có người trong cuộc mới biết về cách những người đại diện đăng ký thành lập công ty ở những nước nhỏ ở vùng Caribbe và Nam Thái Bình Dương thay mặt cho các khách hàng giàu có, rồi cử những người làm vỏ bọc gọi là “người được bổ nhiệm” để đảm trách, trên giấy tờ, các chức danh thành viên hội đồng quản trị và cổ đông của các công ty này, nhằm che giấu những chủ nhân thực sự.

Thường thì các công ty này được thành lập qua các hãng luật và kế toán trung gian, nhờ đó tạo thêm một lớp nặc danh cho các nhà đầu tư. John Christensen, giám đốc của Mạng Công lý Thuế, một liên minh quốc tế vận động chống hoạt động tài chính hải ngoại ở những nước/lãnh thổ ưu đãi thuế, nói những người đó không hề biết gì về những hoạt động của các công ty mà dường như họ chịu trách nhiệm, nhưng điều hết sức quan trọng của quá trình này là không để lộ danh tánh của những con người thật đằng sau công ty.

Liên quan tới nhiều vị tai to mặt lớn

Những thông tin trong đợt đầu hé lộ tên tuổi của nhiều nhân vật đình đám ở một số nước, cùng với hồ sơ về các công ty hải ngoại của họ. Các nhân vật này đủ mọi thành phần ở 29 nước khác nhau: chính khách, doanh nhân, tướng lĩnh quân đội, nhà tài phiệt, và thân nhân của các nhà độc tài. Trong đó nổi bật nhất là:

  • Augier
    Augier

    Jean-Jacques Augier, đồng trưởng ban tài vụ của chiến dịch tranh cử 2012 và bạn thân của tổng thống Pháp François Hollande, đã có những khoản đầu tư ở quần đảo Caymans. Ông đã bị buộc phải công khai nêu danh tánh của đối tác kinh doanh người Trung Quốc. Có vẻ như tổng thống Hollande đang dính vào vụ bê bối tài chính vì cựu bộ trưởng ngân sách của ông che giấu một tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ trong 20 năm và liên tục nói dối về nó.

  • Sangajav
    Sangajav

    Bayartsogt Sangajav lập công ty Legend Plus Capital với một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ, trong khi ông làm bộ trưởng tài chính của nước Mông Cổ nghèo đói từ năm 2008 tới 2012. Hiện là phó chủ tịch quốc hội, ông nói ông đã “sai lầm” khi không kê khai tài khoản trị giá 1 triệu đô-la này, và cho biết có lẽ nên cân nhắc từ chức sau khi ICIJ công bố điều tra.

  • Aliyev
    Aliyev

    Hassan Gozal, trùm xây dựng ở Azerbaijan, kiểm soát những công ty bí mật thành lập nhân danh hai con gái của tổng thống Ilham Aliyev. Đế chế kinh doanh của Gozal đã giành được những hợp đồng trị giá hàng tỉ đô-la trong giai đoạn tổng thống Ilham Aliyev vung tay chi tiêu cho xây dựng.

  • Merchant
    Merchant

    Luật sư Tony Merchant, chồng của thượng nghị sĩ Canada Pana Merchant, gởi 1,7 triệu đô-la Canada Canada trong một quỹ tín thác hải ngoại, trong khi ông đang kiện tụng với cơ quan thuế Canada về nợ thuế của mình.

  • Imee Marcos
    Imee Marcos

    Maria Imelda Marcos Manotoc, một tỉnh trưởng ở Philippines và con gái đầu của cựu tổng thống Ferdinand Marcos nổi tiếng tham nhũng. Bà là người thụ hưởng một quỹ tín thác bí mật ở British Virgin Islands.

  • Taveesin
    Taveesin

    Nhiều nhân vật có tiếng ở Thái Lan như Potjaman Na Pombejra, vợ cũ của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, một thượng nghị sĩ đang tại vị, một cựu quan chức cao cấp bộ quốc phòng, nhiều nhà tài phiệt trong danh sách Forbes, và Nalinee Taveesin (một cựu bộ trưởng có tài sản ở Mỹ bị phong tỏa vì từng bị Bộ Tài chính gọi là một trong những bốn thân hữu của nhà độc tài Zimbabwe Robert Mugabe).

  • Ivanishvili
    Ivanishvili

    Bidzina Ivanishvili (mới đắc cử thủ tướng Georgia hồi tháng 10/2012) là người giàu nhất nước này với tài sản ròng theo ước tính của tạp chí Forbes là 5 tỉ đô-la. Ông là ủy viên hội đồng quản trị công ty Bosherston Overseas Corp. đăng ký ở British Virgin Islands năm 2006 và hiện nay vẫn tồn tại.

  • Tướng José Eliecer Pinto Gutiérrez, tư lệnh quân đội ở tiểu bang Amazonas, Venezuela, phụ trách an ninh ở biên giới Venezuela-Colombia, là cổ đông, ủy viên hội đồng quản trị của Romana International Holdings, Ltd. (2003-2006) ở British Virgin Islands.
  • Thyssen-Bornemisza
    Thyssen-Bornemisza

    Carmen Thyssen-Bornemisza, cựu hoa hậu và góa phụ của một tỉ phú thép dòng họ Thyssen, nhà sưu tập nghệ thuật giàu nhất Tây Ban Nha dùng các công ty hải ngoại để mua tranh.

  • Rich
    Rich

    Denise Rich, vợ cũ của tay giao dịch dầu hỏa khét tiếng Marc Rich, người đã từng được tổng thống Clinton ân xá về tội trốn thuế trong một quyết định gây tranh cãi, bà đã gởi 144 triệu đô-la trong một quỹ tín thác lập ở Cook Islands.

  • Olga Shuvalova, vợ phó thủ tướng Nga Igor Shuvalov.

Tuy các nước yêu cầu cung cấp toàn bộ dữ liệu, ICIJ từ chối và cho biết trong những tuần sắp tới sẽ dần dần đăng những bài chi tiết về các vụ cụ thể ở www.icij.org và các báo đài hợp tác. Chính phủ các nước liên quan bắt đầu có phản ứng. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble tỏ vẻ hài lòng với những thông tin này vì chúng sẽ có ích trong cuộc chiến chống lại hoạt động tài chính phi pháp. Bộ trưởng Thuế liên bang Canada Gail Shea nói thông tin của ICIJ là tin vui cho Canada và tin xấu cho kẻ trốn thuế. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ P. Chidambaram nói chính phủ đã bắt đầu một cuộc điều tra về những người bị nêu tên. Chính phủ Philippines và Hy Lạp hứa sẽ thu thập thêm bằng chứng. Bộ trưởng Tài chính Luxembourg Luc Frieden ủng hộ tăng mức độ minh bạch của các ngân hàng nước này để hợp tác thêm với các cơ quan thuế nước ngoài.

Canada có hàng trăm người bị nêu tên

Trong danh sách tiết lộ của ICIJ có tên 450 người Canada, trong đó nổi bật nhất là luật sư Tony Merchant. Bản tin thời sự của CBC News hôm 3/4 cho biết ông là một trong những luật sư nổi tiếng nhất nước chuyên về kiện tập thể, đã thành công với nhiều vụ lớn với số tiền thắng kiện kỷ lục. Thành tựu lớn nhất của ông là thắng 1,9 tỉ đô-la Canada cho một vụ kiện của con cháu thổ dân; trong vụ này hãng luật Merchant Law Group có trụ sở ở Regina của ông kiếm được 25 triệu đô-la Canada. Ông cũng đã từng kiện các công ty điện thoại di động về lệ phí nối mạng, các hãng dược liên quan tới loại thuốc chữa viêm khớp Vioxx bị thu hồi, nhiều hãng xe hơi, Hiệp hội Tiêu chuẩn Canada, và các trường đại học về mức phạt do trả tiền trễ hạn.

Vợ chồng Merchant
Vợ chồng Merchant

Hồ sơ cho thấy năm 1998 Tony Merchant lập một quỹ tín thác ở Cook Islands, một lãnh thổ New Zealand tự trị ở Nam Thái Bình Dương. Đây là một địa điểm cất giữ tiền được ưa chuộng vì có luật lệ bảo mật tài chính rất nghiêm ngặt. Ông đã gởi ít nhất 1,7 triệu đô-la Canada vào quỹ tín thác này, và nêu tên vợ ông (thượng nghị sĩ Pana Merchant) và ba con trai của họ là người thụ hưởng. Tony Merchant không phúc đáp sau nhiều lần CBC News mời bàn về vấn đề này.

Sau đó Tony Merchant dùng quỹ tín thác này lập một tài khoản hải ngoại bí mật để thực hiện các khoản đầu tư qua ngả Bermuda, tại một hãng môi giới tên là Lines Overseas Management. Ông dùng tài khoản này mua các quỹ đầu tư hỗ tương (mutual fund), trong đó có một số quỹ ở Luxembourg. Luxembourg cũng là một nơi ưu đãi thuế, và dự kiến giới đầu tư quốc tế sẽ càng đổ vào đây sau khi Cyprus tái cấu trúc ngân hàng. Trang mạng của Lines Overseas Management cho biết họ là một trong những hãng đầu tư hải ngoại lớn nhất thế giới chỉ hoạt động ở những lãnh thổ có ưu đãi lớn về thuế.

Hồ sơ nộp ở tòa thuế do CBC News thu thập được cho thấy trên hồ sơ khai thuế năm 1999, một năm sau khi ông lập quỹ tín thác, Tony Merchant không đánh dấu ô kê khai sở hữu hơn 100.000 đô-la Canada ở “tài sản nước ngoài”. Theo quy định của Thượng nghị viện Canada, thượng nghị sĩ Pana Merchant hàng năm phải kê khai lợi tức và tài sản cá nhân (bao gồm quỹ tín thác nói trên) với ủy viên đạo đức của Thượng nghị viện. Đây là thông tin mật, người dân không được biết đến. Bà cũng không phúc đáp yêu cầu thảo luận của CBC News.

Nhiều hồ sơ bị rò rỉ có những thư điện tử giữa nhân viên và khách hàng của những hãng chuyên về thành lập và quản lý hàng chục ngàn công ty hải ngoại. Một trong những hãng đó là Commonwealth Trust Ltd., có trụ sở ở British Virgin Islands trong vùng Caribbe, do một người gốc Toronto tên là Tom Ward thành lập và, cho đến năm 2009, điều hành. Trong những người đứng đầu hãng này có một số người Canada. Hãng này chủ yếu lập các công ty ở British Virgin Islands cho người giàu, với lệ phí dịch vụ khoảng 2.000 đô-la mỗi năm. Một hãng khác, Portcullis TrustNet, có văn phòng trên các đảo nhiệt đới khắp thế giới, bao gồm Cook Islands gần New Zealand, cũng như British Virgin Islands, Caymans, Mauritius, Samoa, Singapore và Hong Kong. Một cựu giám đốc cao cấp ở hãng này là một luật sư Canada.

Bộ trưởng Thuế liên bang Canada Gail Shea muốn có danh sách của ICIJ để tiếp tục quyết tâm theo đuổi những vụ nghi là trốn thuế; kể từ năm 2006, Canada đã phát giác hơn 4,6 tỉ đô-la Canada nợ thuế từ các tài khoản hải ngoại. Cũng ở Canada, thượng nghị sĩ Percy Downe (đảng Tự do) từ trước tới nay vận động chống lại các hình thức đầu tư hải ngoại để tránh và trốn thuế, và hiện đang kêu gọi thượng nghị sĩ Pana Merchant phát biểu trung thực về các tài khoản bí mật của vợ chồng bà.

(Tổng hợp nguồn tin CBC, Financial Post, The Guardian, và ICIJ, 3/4 tới 8/4/2013)

Bản rút gọn của bài này đã đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, số 15/2013, ngày 11/4/2013.

Bài liên quan:

4 thoughts on “Phanh phui bí mật về tài chính hải ngoại

  1. VietNamNet dẫn phúc trình của Hiệp Hội Bất Ðộng Sản Việt Nam nói rằng dòng đầu tư bất động sản của người dân ở Việt Nam chảy ngược ra ngoại quốc tăng vọt đáng kể trong vòng ba năm trở lại đây. Ðại diện hiệp hội này cho biết, nhiều công dân Việt Nam đã “tranh thủ” bay sang Hoa Kỳ và Úc Châu mua nhà vì giá nhà đất tại đấy tương đối thấp so với khả năng tài chính của họ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *