Thatcher vs. Keynes

Coi một tấm ảnh, bức hình độc đáo nhiều khi hơn cả đọc hàng ngàn, hàng vạn câu chữ (A picture is worth a thousand words). Hôm 13/4/2013, tờ The Economist giới thiệu lại bức biếm họa KAL ngày 30/11/1999. Biếm họa miêu tả cảnh một buổi tiếp tân tại Hội Nhân vật Lịch sử. Nhân viên lễ tân trịnh trọng tuyên bố nghênh đón Thủ tướng Margaret Thatcher với sự hộ tống của Nhà kinh tế học John Maynard Keynes (“Please welcome to the Historic Figures Society … Prime Minister Margaret Thatcher escorted by Economist John Maynard Keynes“). Trong khi đó, nhiều vị tai to mặt lớn như Reagan, Lincohn, Churchill, Stalin, de Gaulle, Mao Trạch Đông (và Hitler?) đứng hai bên nhìn nữ thủ tướng duy nhất trong lịch sử Vương quốc Anh hùng dũng (hoặc hùng hổ, tùy bạn) vừa tiến vào vừa dùng chân lăn tấm thảm (đỏ?) cuộn tròn ông Keynes ở trong.

Thatcher_Keynes

Biếm họa tuy đơn giản nhưng tóm lược khá đầy đủ di sản của Bà Đầm Sắt (Iron Lady). Trong bài “Freedom Fighter” ngày 13/4/2013 nói về sự nghiệp của bà, The Economist nhận xét Churchill chiến thắng ở Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng không tạo ra được một học thuyết/chủ nghĩa riêng như Thatcher (Winston Churchill won a war, but he never created an “-ism”). Biếm họa này thâm thúy ở chỗ xoáy vào mâu thuẫn giữa học thuyết/chủ nghĩa Thatcher (Thatcherism) và học thuyết của Keynes.

BBC News có bài giải thích khá dễ hiểu về Thatcherism (What is Thatcherism?, 10/4/2013). Chủ trương quan trọng (hoặc đáng ghét, theo quan điểm của công đoàn và giới thiên tả) chú trọng vào thị trường tự do và vai trò rất nhỏ của nhà nước. Bà không chấp nhận việc quốc hữu hóa các doanh nghiệp và kinh tế kế hoạch hóa tập trung kiểu xã hội chủ nghĩa.

Cũng như các chính khách thiên hữu thời đó, bà chịu ảnh hưởng lớn của trường phái kinh tế Áo, mà tiêu biểu là nhà kinh tế học Friedrich Hayek. Được biết, một trong những cuốn sách gối đầu giường của Thatcher (và Đảng Bảo thủ) là “The Road to Serfdom” của Hayek. (Bản tiếng Việt “Đường Về Nô Lệ” do Phạm Nguyên Trường dịch.) Trường phái Áo đối lập với học thuyết Keynes vốn đề cao sự can thiệp của nhà nước. Trong một bài khác (How Mrs Thatcher smashed the Keynesian consensus, 9/4/2013), blog Free Exchange của The Economist phân tích di sản kinh tế vĩ mô của Thatcher, trái ngược với những quan niệm của phe Keynes. Tương truyền, đầu thập niên 1930, Lionel Robbins, trưởng khoa kinh tế ở Trường Kinh tế London và người lúc đó có nhiều tranh luận nảy lửa với John Maynard Keynes, mời Friedrich Hayek về dạy để làm đối trọng với Keynes, khi đó đang dạy ở Cambridge.

4 thoughts on “Thatcher vs. Keynes

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *