Thời bịt miệng

Tháng 7 năm 2012, một người tự xưng là Sam Bacile đăng một video ngắn trên YouTube. Video này có cảnh Nhà tiên tri Muhammad ăn nằm với nhiều phụ nữ, tham gia những trận chiến đẫm máu và tuyên bố: “Tất cả những người không theo Hồi giáo là kẻ tà đạo. Đất đai của chúng, đàn bà của chúng, và con cái của chúng là chiến lợi phẩm của chúng ta.”

Phim này, như nhận xét của nhà văn Anh Salman Rushdie, là “thứ rác rưởi”. Phim “Sự trong trắng của người Hồi giáo” hẳn vẫn mãi mãi chẳng mấy ai biết tới nếu đã không có người lồng tiếng Ả Rập và đăng lại vào tháng 9 năm đó. Một người dẫn chương trình đàm đạo trên truyền hình Ai Cập đã lên án nó và chẳng bao lâu sau, phim ngắn rác rưởi này làm bùng nổ bạo động trong thế giới Hồi giáo – và không chỉ dừng lại ở đó. Một nhóm có liên hệ với al-Qaeda sát hại đại sứ Mỹ ở Libya. Biểu tình nổ ra ở Afghanistan, Úc, Vương quốc Anh, Pháp và Ấn Độ. Bộ trưởng hỏa xa Pakistan treo giải $100.000 tặng cho bất cứ ai giết được người làm phim đó – và không bị sa thải. Tới cuối tháng đó, ít nhất 50 người đã chết.

Barack Obama và Hillary Clinton lên án cả video lẫn phản ứng về phim. Đại tướng Martin Dempsey, lúc đó là chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã liên hệ với Terry Jones, một mục sư ở Florida trước đó đã từng công khai đốt kinh Koran, và yêu cầu ông đừng quảng bá video đó.

“Thử ngẫm mà xem: sĩ quan cao cấp nhất của lực lượng vũ trang hùng mạnh nhất mà thế giới từng có lại thấy cần phải liên hệ với mục sư tại một chốn hẻo lánh nào đó ở Florida để van nài ông ta đừng quảng bá một đoạn video hạng bét dài 13 phút đăng trên YouTube. Cán cân quyền lực lệch đến vậy đó trong thế giới kết nối này.” Timothy Garton Ash viết như vậy trong “Free Speech” (Tự do ngôn luận), một cuốn sách mới hay về chủ đề này. Trường hợp “Sự trong trắng của người Hồi giáo” minh họa nhiều điểm về sự tiến hóa của tự do ngôn luận trong những năm gần đây.

Thứ nhất, nhờ mạng xã hội ai cũng có thể dễ dàng đăng bất cứ điều gì cho khán/thính/độc giả có thể toàn cầu. Đây là một cú hích lớn cho tự do ngôn luận, và đã giúp tăng mạnh lượng nội dung được đăng tải. Nhưng khi ngôn từ và hình ảnh lan truyền quá nhanh giữa các biên giới quốc gia, chúng thường dẫn tới xung đột. Các quốc gia khác nhau có những quan niệm khác nhau về điều được phép và không được phép nói. Nếu như người có bút danh Bacile đã làm video của mình vào đầu thập niên 1990, tín đồ Hồi giáo ở những xứ xa xôi có lẽ đã chẳng bao giờ nghe tới phim đó, và hẳn đã chẳng có ai chết.

Thứ hai, các hãng công nghệ đang phải chật vật với những quyết định hết sức phức tạp về kiểm duyệt. Những công ty toàn cầu lớn như Facebook và Twitter muốn trung lập về chính trị, nhưng không cho phép “ngôn luận thù hận” (“hate speech”) hay ngôn ngữ tục tĩu dâm dục trên mạng của mình. Ở Mỹ, Tòa Bạch Ốc đã yêu cầu Google, chủ sở hữu YouTube, “duyệt” xem liệu phim “Sự trong trắng của người Hồi giáo” có vi phạm các quy định hướng dẫn của YouTube chống ngôn luận thù hận. Google đã xác định rằng phim này không vi phạm, vì nó công kích một tôn giáo (tức là một tập hợp các tư tưởng) chứ không phải những người có các đức tin đó. Tòa Bạch Ốc đã không buộc Google kiểm duyệt video đó; thực ra, do tự do ngôn luận được hiến pháp Mỹ bảo đảm, Tòa Bạch Ốc không có quyền hạn pháp lý để bắt buộc làm như vậy.

Tuy nhiên, ở các nước khác chính phủ có quyền hạn nhiều hơn để dập tắt ngôn luận. Ít nhất 21 nước đã yêu cầu Google chặn hoặc cân nhắc chặn video đó. Ở những nước mà YouTube có sự hiện diện hợp pháp và có phiên bản sở tại, ví dụ như Ấn Độ, Malaysia và Saudi Arabia, Google đã chấp hành. Ở những nước mà YouTube không có sự hiện diện hợp pháp, Google đã từ chối. Một số chính phủ, chẳng hạn ở Pakistan và Bangladesh, đã phản ứng bằng cách chặn hoàn toàn YouTube.

Câm miệng kẻo không thì mất mạng

Thay đổi thứ ba gần đây là, trong khi trước đây những mối đe dọa đối với tự do ngôn luận thường xuất phát gần như hoàn toàn từ các chính phủ, hiện nay các phần tử không phải nhà nước cũng đáng sợ không kém. Ví dụ, ở bang Veracruz của Mexico, ít nhất 17 ký giả đã biến mất hoặc bị sát hại kể từ năm 2010, được cho là do bọn buôn lậu ma túy thực hiện. Các băng đảng đã lùng thì khó thoát: một ký giả trốn tới Mexico City, nơi anh bị tìm ra và bị hạ sát. Và phương pháp của chúng rất dã man: hồi tháng 2, thi thể của một ký giả bị phát hiện bị vứt bên đường, tay bị còng, mình trần và đầu cô bọc bao nylon.

Trên toàn cầu, việc một số tín đồ Hồi giáo sẵn sàng giết những người mà họ nghĩ là đã xúc phạm Đấng Tiên tri đã làm dội gáo nước lạnh vào cuộc thảo luận về một trong những tôn giáo vĩ đại của thế giới – thậm chí ở những nơi tín đồ Hồi giáo chiếm thiểu số, chẳng hạn như Châu Âu. Những tín đồ Hồi giáo cực đoan đang cố gắng thực thi một bộ quy tắc ứng xử ngôn luận toàn cầu, trong đó việc thảo luận thẳng thắn về các đức tin của họ có thể bị trừng phạt bằng cái chết.

Điều này bắt đầu vào năm 1989 với một lời đe dọa từ một nhà nước: Ayatollah Khomeini, lãnh tụ của Iran, ban một fatwa (sắc lệnh tôn giáo) kết án tử hình nhà văn Rushdie vì một tiểu thuyết bị ông cho là đã xúc phạm Hồi giáo. Ông kêu gọi tín đồ Hồi giáo sùng đạo ở khắp nơi thực hiện bản án này. Gần như chắc chắn là một trong số đó đã sát hại người dịch tiếng Nhật của ông Rushdie vào năm 1991, dù thủ phạm không bao giờ bị bắt.

Từ đó, quan niệm cho rằng tín đồ Hồi giáo cá thể có bổn phận bảo vệ tín ngưỡng của mình bằng cách ám sát những kẻ chỉ trích đã lan rộng. Phần lớn tín đồ Hồi giáo chuộng hòa bình, nhưng chỉ cần vài người để thực thi điều mà ông Garton Ash gọi là “sự phủ quyết của sát thủ”. Tên Hồi giáo cực đoan đã giết chết nhà làm phim người Hà Lan Theo Van Gogh vì làm một phim về nạn bạo hành phụ nữ Hồi giáo nói rằng hắn không thể sống “ở bất cứ nước nào cho phép tự do ngôn luận”. Năm 2015, hai tay súng đã xông vào tòa soạn Charlie Hebdo, một tạp chí Pháp đã đăng nhiều tranh biếm họa về Muhammad, giết chết 12 người. Nhiều diễn giả và tác giả trên khắp thế giới sợ xúc phạm những người Hồi giáo cực đoan. Một vở nhạc kịch trào phúng tên “Kinh Mormon” thành công khắp thế giới; không một nhà hát nào dám đưa lên sân khấu một vở tương tự về kinh Koran.

Sự uy hiếp của Hồi giáo cực đoan là ví dụ cực đoan nhất của một xu hướng tổng quát hơn và đáng lo ngại. Từ những nhà thờ Hồi giáo ở Cairo tới các phòng học tại Đại học Yale, đủ kiểu người và hội nhóm đang đòi quyền không bị xúc phạm. Điều này khác hẳn với chuyện tin rằng con người nói chung nên lịch sự. Quyền không bị xúc phạm hàm ý một quyền hạn kiểm soát ngôn luận của người khác. Flemming Rose, một biên tập viên tại tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten, nhận xét, “Cảm thấy bị xúc phạm chưa bao giờ dễ hơn như hiện nay, hay thực ra là chưa bao giờ phổ biến hơn.” Ông thì hiểu rõ chuyện này. Sau khi tờ báo của ông đăng những tranh biếm họa Muhammad vào năm 2005, ít nhất 200 người đã chết.

Những kẻ cuồng tín chém những người vô thần tới chết ở Bangladesh đáng sợ hơn nhiều các sinh viên Mỹ hò hét lấn át những diễn giả mà họ bất đồng. Nhưng họ đều cùng một giuộc, chỉ khác nhau mức độ: cả hai đều dùng một định nghĩa chủ quan về “có tính xúc phạm” để bóp nghẹt tranh luận. Họ có thể làm vậy bằng cách gây gián đoạn những phát biểu mà họ phản đối; ông Garton Ash gọi điều này là “sự phủ quyết của kẻ phá rối”. Hoặc họ có thể nhờ tới quyền lực của nhà nước để bịt miệng những diễn giả xúc phạm họ. Giới chính khách đã hân hoan hùa theo, và ngày càng dùng nhiều luật chống “ngôn luận thù hận” để trừng phạt những người bất đồng.

Bài báo này sẽ nhận định rằng tự do ngôn luận đang thoái trào. Đúng là công nghệ đã trao cho hàng triệu người cái loa để nói, và hiện nay phát biểu dễ hơn nhiều trong thời chiến tranh lạnh, khi phần lớn thiên hạ sống ở dưới các chế độ nhà nước chuyên quyền. Nhưng trong vài năm qua, những hạn chế về những gì người ta được phép nói và viết đã trở nên nghiêm ngặt hơn.

free-speech

Freedom House, một tổ chức nghiên cứu độc lập ở Mỹ, hàng năm lập chỉ số về quyền tự do biểu đạt. Chỉ số này “đã giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm vào năm 2015, do các thế lực chính trị, tội phạm và khủng bố tìm cách chiêu dụ hoặc bịt miệng báo chí trong cuộc tranh giành quyền lực của họ”. Tỷ lệ dân chúng thế giới sống ở các nước có báo chí tự do đã giảm từ mức 38% vào năm 2005 xuống còn 31% vào năm 2015; tỷ lệ những người phải tạm chấp nhận với báo chí chỉ “tự do một phần” đã tăng từ 28% lên 36%. Các tổ chức quan sát khác cũng bi quan không kém. Chỉ số toàn cầu về báo chí tự do của tổ chức Ký giả Không Biên giới đã giảm 14% kể từ năm 2013.

Bác Tập đang theo dõi bạn

Trong các nước lớn, Trung Quốc có kết quả tệ nhất. Ngôn luận ở đó chưa bao giờ tự do. Dưới thời Mao Trạch Đông, chỉ cần rỉ tai một lời bất đồng nhỏ nhất cũng bị trừng phạt dã man. Sau khi ông chết vào năm 1976, người dân dần dần được tự do hơn để phê bình chính phủ, miễn là họ không thách thức độc quyền cầm quyền của đảng. Công nghệ kỹ thuật số đã đẩy nhanh tiến trình này. Lúc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, hàng trăm triệu người Trung Quốc đang hồ hởi chia sẻ quan điểm của mình trang mạng xã hội.

Tập Cận Bình thấy đó là điều đáng ngại, nên ông trấn áp. Hàng ngàn kiểm duyệt viên riêng của Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn những thông điệp trên mạng có tính chống đối. Hàng trăm luật sư và nhà hoạt động đã bị sách nhiễu hoặc bỏ tù. Tranh luận có tính tự do ở đại học đã bị bóp nghẹt (sinh viên và giảng viên đang được yêu cầu chú ý nhiều hơn tới chủ nghĩa Mác-Lê). Theo Ủy ban Bảo vệ Ký giả, một tổ chức ở New York, có ít nhất 49 ký giả ở tù ở Trung Quốc trong tháng 12- 2015. Tháng 4-2015, Cao Du (Gao Yu), một ký giả lão thành, bị kết án nặng vì tội “tiết lộ các bí mật nhà nước” – tức là, một văn kiện của đảng [Thông tư số 9] cảnh báo về các tư tưởng “phương Tây” chẳng hạn như tự do báo chí.

Nhiều người Trung Quốc hiện nay đi trước một bước so với giới kiểm duyệt, bằng cách dùng phần mềm để vượt qua tường lửa và truy cập các trang mạng nước ngoài. Tuy vậy, việc trấn áp của Tập Cận Bình chắc chắn sẽ làm suy yếu đất nước của ông. Nếu thông tin không lưu chuyển một cách tự do, khó mà đổi mới sáng tạo hoặc đưa ra những quyết định đúng đắn. Trong những tháng gần đây, khi thị trường chứng khoán chao đảo, đảng đã gây áp lực buộc giới phân tích kinh tế giữ thái độ phấn khởi. Những nhà phân tích nào tiên đoán thị trường sẽ náo động thì bị khuyến cáo là im miệng hoặc rút lại ý kiến. Chẳng ai biết làm sao giới hoạch định chính sách hiểu được nền kinh tế khi chẳng ai được phép bàn luận về nó một cách trung thực.

Ở Trung Quốc nhà nước là nguồn gốc của gần như tất cả mọi kiểm duyệt. Các tổ chức tư nhân cũng có vai trò, Nhưng chủ yếu theo chỉ thị của đảng hoặc để tránh khiến đảng phật ý. Baidu, mạng tìm kiếm tương đương với Google ở Trung Quốc, chặn những kết quả tìm kiếm có thể có tính chống đối. Google không chịu làm như vậy, nên không được phép hoạt động ở Trung Quốc. Wikipedia, YouTube, Facebook và Twitter, cũng bị chặn.

Ngược lại, ở thế giới Hồi giáo, ngôn luận bị tấn công từ cả nhà nước lẫn các phần tử không phải nhà nước với mức độ gần bằng nhau. Sự phủ quyết của sát thủ được thực hiện một cách hăng hái ở Bangladesh, Iraq, Nigeria, Somalia và Syria. Ở nhiều nước Ả Rập, sau một thời gian ngắn nở rộ tranh luận tự do trong Mùa xuân Ả Rập, các chế độ thậm chí còn áp bức hơn các chế độ cũ đã lên nắm quyền.

Thử lấy ví dụ Ai Cập, nước đông dân nhất thế giới Hồi giáo. Năm 2011 các cuộc biểu tình đại chúng dẫn tới việc lật đổ nhà độc tài Hosni Mubarak. Trong một thời gian, người Ai Cập được tự do muốn nói gì thì nói. Nhưng một chính phủ Ái hữu Hồi giáo được bầu lên vào năm 2012 đã ngăn chặn ngôn luận thế tục, và cuộc đảo chính lật độ chính phủ đó vào năm 2013 càng khiến tình hình tồi tệ hơn, theo nhận xét của Muhammad Abdel-Salam thuộc Hiệp hội về Quyền tự do Tư tưởng và Biểu đạt, một tổ chức đấu tranh vận động ở Ai Cập.

Các cơ quan báo chí ủng hộ Ái hữu Hồi giáo, mà tổng thống hiện nay của Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi gọi là một tổ chức khủng bố, đã bị đóng cửa. Một luật mới đã cấm giới ký giả đăng “tin tức hoặc số liệu không đúng” (tức là bất cứ điều gì mâu thuẫn với quan điểm chính thức của nhà nước). Hồi tháng 2, tổng thống Sisi khuyến cảnh cáo, “Đừng nghe ai hết ngoài tôi. Tôi nói hoàn toàn nghiêm túc.”

Các ký giả nước ngoài đã bị chụp mũ là gián điệp và bị tống khỏi Ai Cập. Giới ký giả trong nước còn bị nặng hơn. Mahmoud Abou Zeid, một phóng viên ảnh, đã bị bắt trong khi chụp hình chính quyền bắn hạ những người Hồi giáo cực đoan biểu tình vào năm 2013. Ông đã ở tù kể từ đó tới nay, do bị buộc tội “gây nguy hại cho tính đoàn kết quốc gia”. Ông đã bị đánh đập, tra tấn và không được chăm sóc y tế.

Hôm 7-5, một tòa án Ai Cập đề nghị án tử hình cho 3 ký giả bị buộc tội làm gián điệp. Họ bác bỏ những lời buộc tội này những người; một người nói rằng ông bị trừng phạt vì đã đăng một tài liệu bị rò rỉ khiến nhà nước mất mặt. Chế độ vừa kém cỏi vừa áp bức: hồi tháng 5 một văn bản nội bộ về cách đàn áp báo chí vô tình bị gởi cho báo chí.

Tự xưng là đóng vai trò người cha của Ai Cập, tổng thống Sisi mong con cái của mình không tiếp xúc với nội dung người lớn. Những tác giả xấc xược bị tống giam. Các tổ chức nhân quyền nói rằng số vụ truy tố liên quan tới các tội “xúc phạm tôn giáo” và “trụy lạc” (thường dùng để truy tố những người đồng tính) hiện đang ở mức cao nhất trong lịch sử.

Chính quyền lùng sục rà soát Facebook và Twitter để tìm thông tin về các cuộc biểu tình trong tương lai (biểu tình bị cấm), và tìm bằng chứng chống lại những người bất đồng. Amr Nohan, một sinh viên, đã bị kết án 3 năm tù vì đang một hình tổng thống Sisi với đôi tai Chuột Mickey. Nhiều người khác bị tù vì quản lý trang mạng không có giấy phép. Khi được hỏi tại sao cần phải có giấy phép, một thứ trưởng trả lời: “Anh không được lái xe nếu không có bằng lái. Anh không được quản lý trang mạng nếu không có giấy phép. Giống nhau thôi.”

Trên toàn thế giới, việc lan truyền bạo lực có tổ chức đã khiến chính phủ các nước ngăn cản ngôn luận mà họ nghĩ rằng có thể dung dưỡng khủng bố. Thậm chí ở các nền dân chủ tự do họ đang bắt đầu trừng phạt không chỉ những người cố tình xúi giục bạo lực, mà cả những người phát biểu chỉ là quá trớn hoặc gây sốc.

Ví dụ, hồi tháng 2, hai nghệ sĩ múa rối bị bắt ở Madrid. Sô diễn của họ, “Phù thủy và Don Cristóbal”, có tính khiêu khích: một bà sơ bị đâm bằng cây thập tự; một quan tòa bị treo cổ bằng thòng lọng. Tuy nhiên, điều khiến cảnh sát bất bình là một cảnh trong đó một con rối cảnh sát cáo buộc một phù thủy ủng hộ khủng bố và ấn một tấm biển ghi “Alk-ETA Muôn Năm” (ám chỉ al-Qaeda và ETA, một nhóm ở xứ Basque đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha) vào tay bà ta. Các nghệ sĩ múa rối này đang đợi ra tòa và có thể bị án tới ba năm tù vì tội “ca tụng khủng bố”. Họ được cho rằng bị bất ngờ.

Tại nhiều nơi ở Châu Âu các luật chống khủng bố hiện đang được sử dụng một cách sốt sắng hơn trước đây. Sở dĩ như vậy một phần là do chính phủ các nước hiện đang sợ khủng bố hơn, mà cũng vì họ bắt đầu kiểm soát mạng xã hội, nơi có thể dễ dàng tìm kiếm những từ ngữ có thể bộc lộ quan điểm cực đoan. ETA đã hạ vũ khí vào năm 2011; nhưng số người Tây Ban Nha bị buộc tội ca tụng khủng bố đã tăng năm lần kể từ đó.

Pháp đã có luật quy định “ủng hộ khủng bố” là tội hình sự vào năm 2014 và đã thực thi luật này một cách quyết liệt hơn kể từ sau các vụ khủng bố ở Paris năm ngoái. Trong những ngày sau vụ thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo, cơ quan công tố đã mở 69 vụ truy tố tội “ủng hộ khủng bố”. Một người đã bị kết án một năm tù vì đã ra đường hét lên: “Tôi tự hào là người Hồi giáo. Tôi không thích Charlie. Họ làm vậy là đúng.”

Nhiều nước đã ban hành hoặc phục hồi các luật chống “ngôn luận thù hận” mà thường rất chung chung và mơ hồ. Ở Pháp, nữ minh tinh Brigitte Bardot đã 5 lần bị kết tội xúi giục thù hận chủng tộc vì, vốn là người yêu động vật, bà than phiền về các phương pháp mổ thịt halal. Ở Ấn Độ, phần 153A của bộ luật hình sự, được ban hành thời Anh thuộc, có án phạt tới ba năm tù đối với những ai gây mất hòa hợp “với những lý do tôn giáo, chủng tộc, nơi sinh, nơi cư ngụ, ngôn ngữ, đẳng cấp hoặc cộng cộng hoặc vì bất cứ lý do nào khác”.

Những luật như vậy là các công cụ tiện lợi cho giới cầm quyền sách nhiễu những kẻ thù của họ. Và thay vì cổ xúy hòa hợp giữa những nhóm khác nhau, họ khuyến khích những nhóm này cáo buộc lẫn nhau. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi các chính khách ích kỷ và thâm hiểm can dự. Những người cần phiếu của một nhóm nào đó thường thấy hữu ích khi đòi trừng phạt một người bị cho là đã xúc phạm những người thuộc nhóm đó, nhất là ngay trước bầu cử. Ví dụ, khi một trí thức Ấn Độ tên là Ashis Nandy nêu một điểm khá tinh tế về các đẳng cấp thấp và tham nhũng tại một liên hoan văn học năm 2013, giới chính khách địa phương tỏ vẻ phẫn nộ, và ông ta bị buộc tội theo “Đạo luật Chống Bạo tàn” của Ấn Độ.

Nhiều nước vẫn còn luật chống báng bổ, trong đó có 14 nước Châu Âu. Hồi tháng 3, Rita Maestre, một chính khách cánh tả ở Tây Ban Nha, đã bị kết tội xúc phạm cảm xúc tôn giáo trong một cuộc phản kháng ở một nhà thờ Công giáo, trong đó phụ nữ để ngực trần, hôn nhau và bị cho là đã hét lên “Hãy đưa chuỗi tràng hạt của người ra khỏi buồng trứng của ta!” Bà bị phạt 4.320 euro (4.812 đôla).

Các chính phủ Hồi giáo như ở Pakistan và Saudi Arabia, vốn trừng phạt nặng nề tội báng bổ Hồi giáo, rất muốn lệnh cấm xúc phạm tôn giáo được ghi vào luật quốc tế. Họ cho rằng đây là một sự mở rộng tự nhiên của khái niệm phương Tây về “ngôn luận thù hận”. Một số chính quyền phương Tây đồng ý: hồi tháng 2 cảnh sát Đan Mạch đã đưa cáo buộc sơ bộ đối với một người đàn ông vì tội đốt kinh Koran, và như vậy coi như phục hồi một luật chống báng bổ mà đã không được dùng để kết tội bất cứ ai kể từ năm 1946.

Châu Âu còn nhiều luật cổ quy định một số loại ngôn luận chính trị là tội hình sự. Xúc phạm “danh dự” của nhà nước là tội ở chín nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU); xúc phạm các biểu tượng nhà nước chẳng hạn như quốc kỳ là tội ở 16 nước; và phát biểu những điều xúc phạm về các cơ quan chính phủ là tội ở 13 nước. Phỉ báng có thể là tội hình sự ở 23 nước EU. Bulgaria, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan và Bồ Đào Nha đều có hình phạt nặng hơn cho tội này nếu phỉ báng nhắm vào quan chức nhà nước. Một số luật này ít khi được viện dẫn, và vào năm 2013 Pháp đã bỏ luật cấm xúc phạm nguyên thủ quốc gia, năm năm sau khi một người phản kháng bị bắt vì vẫy một biểu ngữ ghi “Cút đi, đồ khốn” với tổng thống Nicolas Sarkozy. (Biểu ngữ này chỉ trích dẫn y nguyên lời của tổng thống Sarkozy đã từng nói với một người phản kháng khác.)

Tuy nhiên, ở Đức, nghệ sĩ hài Jan Böhmermann, đang chờ đợi những lời cáo buộc về tội xúc phạm một nguyên thủ quốc gia nước ngoài, sau khi ông đọc một bài thơ xúc xiểm về tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và một số con vật thích đùa. Thủ tướng Đức Angela Merkel đang cân nhắc bỏ luật này. Ba Lan và Bồ Đào Nha, cũng như các nước khác, có những luật tương tự cấm xúc phạm các nguyên thủ quốc gia nước ngoài. Người Iceland trên lý thuyết có thể bị 6 năm tù vì tội này.

Scott Griffen thuộc Viện Báo chí Quốc tế nói, “Đây là những loại quy định mà hiện nay chúng tôi thường xuyên đấu tranh ở các nước có mức độ tự do ngôn luận kém hơn.” Các chế độ chuyên quyền nhanh nhảu vay mượn những cái cớ từ phương Tây để trấn áp tự do ngôn luận. Trung Quốc và Nga cáo buộc những người bất đồng vì tội “cổ xúy khủng bố”, “đe dọa an ninh quốc gia” hoặc “xúi giục thù hận dân tộc”. Tội này có thể chỉ đơn giản là bày tỏ cảm tình với người Tây Tạng trên mạng xã hội—vì tội này mà luật sư người Trung Quốc Phố Chí Cường (Pu Zhiqiang) bị tù 19 tháng. Chính phủ Rwanda, mượn từ các luật Châu Âu cấm phủ nhận nạn diệt chủng thời Đệ nhị Thế chiến (Holocaust), chụp mũ giới chống đối là kẻ biện hộ cho nạn diệt chủng năm 1994 và bịt miệng họ. Châu Âu có thể chế nhạo các luật phạm thượng (lèse-majesté) của Thái Lan—gần đây một người Thái đã bị truy tố vì châm biếm con chó của quốc vương. Nhưng khi 13 nền dân chủ châu Âu cũng có luật cấm xúc phạm nguyên thủ quốc gia, khó mà tránh bị lên án là đạo đức giả.

Một khi đã quyết tâm, một chế độ thường có thể nghĩ ra nhiều cách dập tắt một tiếng nói nghịch nhĩ. Khadija Ismayilova, một ký giả ở Azerbaijan đã tiết lộ những chi tiết động trời về tài sản của gia đình cầm quyền, đã nhận được qua đường bưu điện vào năm 2012 những tấm ảnh chụp cô đang quan hệ tình dục với bạn trai. Một camera bí mật đã được gắn trong căn hộ của cô. Cô nhận được thư đe dọa đăng video đó lên mạng nếu cô không chấm dứt điều tra tham nhũng. Cô từ chối, và nó đã được đăng trên một trang mạng được cho là thuộc một đảng đối lập. Khi chuyện này không thể bịt miệng cô Ismayilova, cô bị buộc tội trốn thuế và khiến một đồng nghiệp tìm cách tự sát. Không có bằng chứng nào chứng minh cho những lời buộc tội này, nhưng cô bị kết án bảy năm tù.

Tuy nhiên, sau một thỉnh cầu áp dụng luật quốc tế và một chiến dịch thuyết phục các nước tài trợ, chẳng hạn Mỹ, lưu ý, cô Ismayilova đã được trả tự do vào ngày 25-5. Thậm chí các chính quyền áp bức đôi khi cũng có thể bị buộc phải hổ thẹn tới nỗi có cách hành xử tốt hơn.

Nguồn: The Economist, 4-6-2016

(Bản lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 8/6/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *