Thuan Pham: từ thuyền nhân tới giám đốc công nghệ của Uber

Ngày 17-4-1979, Thuan Pham cùng gia đình di tản khỏi Việt Nam. Cậu bé Thuan 10 tuổi cùng với mẹ và em trai vượt biên trên chiếc tàu dài 60 mét chở hơn 370 người và không có phao cứu sinh.

Khi cập bến ở Malaysia, Thuan và gia đình xin tị nạn nhưng không được nhận. Không muốn quay lại quê hương đã bị chiến tranh tàn phá và đang nằm dưới ách cai trị của cộng sản Bắc Việt, mẹ của Thuan quyết định đưa hai con mình lên một chiếc tàu khác đi tới đảo Letung ở Indonesia, và họ ở đó 10 tháng.

Cậu bé Thuan thường bơi vào thị trấn kế cận để mua kẹo. Rồi mẹ cậu bán kẹo trong trại tị nạn để có tiền mua đồ ăn cho hai con. Ông Thuan nhớ lại: “Nhà tôi thường lời được 10 xu mỗi ngày, như vậy cũng là khá lắm. Chúng tôi có tiền mua được cá tươi.”

Kể về hành trình đào thoát khỏi Việt Nam, ông Thuan nói rằng chỉ có cơ hội 50/50 sống sót trong những chuyến vượt biên lên đênh trên biển cả như vậy. Trong những chuyến đi này, Thuan và gia đình gặp cướp biển hai lần.

Thuan Pham (Ảnh: theinformation.com)
Thuan Pham (Ảnh: theinformation.com)

Thuan Pham hiện nay là giám đốc công nghệ (CTO) của công ty Uber về dịch vụ gọi taxi. Tại một hội nghị về khởi nghiệp (startup) UberExchange, ông Thuan nói: “Chúng tôi không hoảng sợ, mà thực ra rất bình tĩnh và không chống cự. Đó chính là kiểu hành trình khởi nghiệp. Cho dù một ngày nào đó ta có thể mất tất cả, ta có thể xây dựng lại hoàn toàn nếu ta giữ được bình tĩnh.”

Thuan kể rằng thời thiếu nhi sống ở Sài Gòn khiến ông không còn sợ chết, và ông coi tất cả mọi chuyện, trong đó có việc xây dựng Uber, là một kinh nghiệm học hỏi. “Chúng tôi thường đóng cửa sổ và nấp dưới bàn vào ban đêm, mỗi khi có không kích.” Vào những buổi sáng đẹp trời, Thuan và những đứa trẻ khác thường ra ngoài chơi với hàng trăm vỏ đạn rớt lại sau cuộc đụng độ của hai bên đêm hôm trước.

Ông nói: “Từ chuyện đó tôi nghiệm ra rằng đời là phù du. Tôi khuyên các doanh nhân trẻ nên xem các hãng khởi nghiệp như một kinh nghiệm học hỏi. Cho dù thất bại hoàn toàn, bạn có thể xây dựng lại. bạn đang ở trong một thế giới tự do”

Ông Thuan mô tả chiếc tàu vượt biên tị nạn giống như “hộp cá mòi”. Ông thấy có nhiều điều tương tự với những chiếc tàu chở đầy người tị nạn từ Syria tới Châu Âu trong thời gian gần đây.

Chiếc tàu vượt biên MT-2377 mà gia đình ông đi được chia thành ba tầng. Ông kể rằng mỗi người khách được đưa xuống một tầng và phải ngồi ở đó cho tới cuối chặng đường, không được đi chỗ khác. Cậu bé Thuan bị dồn ép ở một tầng trong khoảng ba ngày trên chiếc tàu đó. Mỗi tầng có một lỗ thông hơi nhỏ để thở.

Vậy nếu cần đi tiểu đi tiêu thì sao? Ông kể: “Thì phải làm ngay tại chỗ và để nó thoát xuống. Má tôi ở một trong những tầng đó.”

Sau khi cập bến Indonesia, Mẹ của Thuan xin tị nạn ở Mỹ. Đơn của gia đình ông được chấp thuận và họ tới Maryland. Ở đó, mẹ ông làm người giữ sổ sách kế toán tại một trạm xăng vào ban ngày. Ban đêm, bà làm nhân viên khuân vác và sắp xếp hàng hóa tại một chợ thực phẩm.

Ngoài giờ học ngày thường, vào cuối tuần Thuan Làm việc ở một tiệm rửa xe. Thuan thường mặc áo quần và mang giày dép cũ được cho từ thiện. Ông kể: “Tôi nhớ mình mang vớ nữ gần hai năm mà chẳng biết, cho tới khi có người chỉ ra.”

Thuan được nhận vào chương trình cử nhân khoa học máy tính tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) danh tiếng vào năm 1986, và tốt nghiệp năm 1991, ngay khi Internet vừa trỗi dậy.

Ông nói: “Tôi hết sức khuyến khích những doanh nhân nhiều ước vọng nên học hành, cho dù họ không muốn tốt nghiệp. Học vấn đại học mở ra nhiều cánh cửa cho bạn.”

Từ MIT, cậu bé tị nạn từ Việt Nam đã bắt đầu sự nghiệp trải qua các hãng công nghệ HP Labs, Silicon Graphics, DoubleClick, và VMWare. Ông gia nhập Uber vào năm 2013, khi hãng này có mặt ở 60 thành phố và có khoảng 200 nhân viên. hiện nay hãng đã có mặt ở khoảng 400 thành phố.

Ông nói: “Tôi phản đối chuyện dành những năm quý giá của cuộc đời để làm tiến sĩ, trừ phi điều đó có đóng góp cho cuộc sống con người. Thay vì vậy, khởi nghiệp có thể tạo ra giá trị.”

Cha của Thuan, một cựu binh về sau chuyển sang nghề giáo ở Sài Gòn, không di tản cùng gia đình. Hơn một chục năm sau Thuan mới gặp lại cha sau khi anh học hành xong và được nhập tịch. Ông nhớ lại: “Lúc đó cả hai cha con chúng tôi đều đã thay đổi.”

“Hạnh ngộ” với thuyền trưởng sau 37 năm

Một tuần sau khi đăng bài về Thuan Pham vào ngày 12-3-2016, trang mạng Tech in Asia nhận được phản hồi của một độc giả đặc biệt: người thuyền trưởng đã lèo lái chiếc tàu tị nạn đã chở gia đình Thuan Pham cách đây 27 năm.

Thuan Pham xác nhận vị thuyền trưởng này đã có công cứu mạng ông trên biển cả giông tố. Cả hai đều rớt nước mắt khi kể lại chuyến đi đã suýt cướp mất mạng sống của họ và gia đình. Một hành khách đã chết trên đường đi, và được mai táng giữa biển khơi.

Lúc đó Thuan khoảng 10 tuổi, còn thuyền trưởng 29 tuổi. Hai người kể lại chuyện đã xảy ra trong những đêm bão bùng đó trên chiếc tàu tị nạn bị hai quốc gia từ chối tiếp nhận và bị kéo ngược ra biển.

David Nien Duy Nguyen, cựu thuyền trưởng tàu MT-2377 và cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa: “Tôi là thuyền trưởng, hoa tiêu kiêm đại diện lúc đó. Con trai tôi, lúc đi vượt biên mới 4 tuổi, email cho tôi đường dẫn tới bài báo trên Tech in Asia. Bài báo gợi nhớ tất cả những ký ức của tôi, cứ như mới ngày hôm qua. Nên tôi xin cung cấp thêm cho quý báo nhiều chi tiết.

Tàu MT-2377 rời Cửa Tiểu, Mỹ Tho ngày 17-4-1979 với hai chiếc tàu khác mà đã chìm ngay sau khi rời Vũng Tàu. Tàu MT2377 bị quá tải vì bọn công an cộng sản nhồi nhét thêm nhiều người trên tàu để chúng ăn tiền hối lộ được nhiều hơn.

Tôi vô cùng ngạc nhiên là vào thời điểm đó trong năm – ‘tháng ba, bà già đi biển’ – tàu chúng tôi lại dính một trận bão mạnh.

Lúc đó tôi cứ nghĩ tàu MT2377 sẽ bị đắm. Một trong những chủ nhân của tàu – ông Xập Dzách – bảo tôi nên cho tàu quay về … nhưng tôi nhìn xuống thì thấy nước có màu như cà phê sữa, có nghĩa là tàu ở gần cửa sông. Trời mưa tầm tã và gần như không thể thấy cửa sông, và tàu có thể bị mắc cạn và bị lật.

Nên tôi quyết định không quay lại mà cho tàu tiến thẳng ra biển khơi theo hướng 120 độ. Quyết định vậy mà đúng. Tàu dập dềnh trên mặt biển, nhưng không bị lật. Sau khoảng một giờ, nước chuyển sang màu xanh sẫm, nghĩa là chúng tôi đã ở vùng nước sâu và an toàn hơn.

Thanh niên trên tàu đóng đinh bịt kín những cửa sổ nhỏ hai bên mạn tàu dành để thông gió, vì không may là lúc có bão, những khe lỗ đó làm nước biển lọt vào tàu. [Thuan ngồi ở một trong những chỗ thông gió đó.]

May mắn là, máy tàu và máy bơm nước hoạt động tốt – đa tạ và biết ơn cha con ông Tai Cai và gia đình đông người của ông, nhờ kinh nghiệm nên đã chọn một máy tàu Yanmar tốt đủ sức chạy suôn sẻ tới cuối chuyến đi! Nếu như động cơ và máy bơm nước ngừng chạy lúc đó, toàn thể chúng tôi đã chết đuối, và làm mồi cho cá mập.

Chúng tôi rời Cửa Tiểu, Mỹ Tho với 472 người. Khi tàu qua khỏi Côn Sơn, một ông cụ 70 tuổi đã chết vì kiệt sức.

Tôi đề nghị gia đình ông đừng khóc to tiếng, kính cẩn chào từ biệt ông lần cuối, rồi lấy vải quấn quanh người ông và lặng lẽ thả xác ông xuống biển. Làm vậy để tránh khiến những người khác trên tàu hoảng loạn và bị nhiễm trùng.”

Sau khi qua Côn Sơn, tàu chúng tôi lại bị tàu công an tuần tra chặn đòi tiền. Lúc đó, một người phải đu qua dây thừng lắc lư nguy hiểm nối hai tàu để đóng tiền đút lót rồi mới được đi tiếp.

Ngày hôm say, tàu chúng tôi bị tàu cướp biển Thái Lan chặn lại. May thay, nhóm cướp biển này thuộc loại nhân đạo vì chúng chỉ đòi đô-la hoặc vàng. Chúng không hãm hiếp hay giết người. Chúng thậm chí còn bảo những tàu cướp biển Thái Lan – lúc đó đang vây quanh chúng tôi – bỏ đi vì chúng đã cướp những thứ quý giá của chúng tôi.

Thuan Pham xác nhận: “Tôi có nhớ tên của thuyền trưởng – ông Nien Nguyen. Cùng đi với ông trong chuyến đó có vợ, đứa con trai nhỏ, và hai người em trai thiếu niên. Lúc đó thuyền trưởng trạc tuổi ba mươi.

Một đêm biển động dữ dội, và tàu cứ dập dềnh lên xuống. Chúng tôi cứ nghĩ vậy là tới số rồi. Về sau, tôi nhận thấy thuyền trưởng rất điêu luyện – ông lèo lái chiếc tàu đi thẳng vào những ngọn sóng. Nếu lái tàu song song với những ngọn sóng cao thì có lẽ tàu đã lật.

Trận bão diễn ra đúng y như thuyền trưởng đã mô tả. Tôi nằm ói mửa kế bên phòng máy tàu ở bên phía cửa tàu và nhớ là thấy một bức tường nước cao cỡ vài tầng nhà vây quanh chúng tôi. Chẳng biết bằng cách nào mà thuyền trưởng giúp tất cả chúng tôi không bị chết đuối. Thuyền trưởng mô tả trận bão chi tiết hơn (xem phần trên), vì ông là người đã đưa chúng tôi vượt qua trận bão đó.

Khi ta đối mặt với tử thần như vậy, bất kể là biến cố đó xảy ra cách đây 37 năm, ta không thể nào quên nó.

Sau hành trình sóng gió đó, tàu chúng tôi đâm vào bờ Malaysia một đêm tháng 5-1979. Sau khi tàu cập bờ, tôi ói mửa ra nhiều nước biển, và nằm trên bờ biển do bị say sóng. Một lát sau tôi mới gặp được mẹ mình.

Tất cả chúng tôi được đưa tới một trại tị nạn trong đất liền Malaysia. Chúng tôi xin tị nạn và bị Malaysia từ chối, nhưng chúng tôi chẳng có lựa chọn nào khác hơn là đi “một chiếc tàu khác”.

Chúng tôi bị buộc rời khỏi / bị tống khỏi Malaysia trên chiếc tàu của chính chúng tôi. Và chuyện xảy ra như sau.

Một tuần sau, toàn bộ những người trên tàu MT-2377 bị đưa ngược lên tàu chúng tôi và bị đuổi khỏi Malaysia. Một tàu hải quân Malaysia kéo tàu chúng tôi ra biển khơi trong vài ngày, và cuối cùng chúng tôi tới Singapore.

Singapore không cho chúng tôi lên bờ, vì vậy sau khi bị kẹt ở cảng Singapore trong mấy ngày [được chính quyền Singapore cung cấp đồ ăn và nước uống], chúng tôi lại bị kéo ngược ra biển khơi.

Cuối cùng chúng tôi tới quần đảo Anambas ở Indonesia,tại thị trấn Letung. Sau đó chúng tôi được tái định cư vào trại tị nạn Kuku; chúng tôi ở đó 10 tháng tới khi chúng tôi được di cư sang Mỹ.

Tôi chính là cậu bé ở ngay kế bên gia đình của thuyền trưởng trong cùng khu trại trên Đảo Kuku! Khi ông dạy tiếng Anh [vì ông sử dụng lưu loát và là đại diện của tàu] cho các học sinh trên đảo, tôi thường ngay chỗ đó nghe ông giảng.

Sau khi giúp thuyền trưởng và Thuan Pham kết nối, trang Tech in Asia cho biết đang cố gắng sắp xếp để hai người gặp nhau bằng xương bằng thịt sau gần bốn thập niên.

Khương An tổng hợp từ Tech in Asia 12-3-201619-3-2016.

(Bài đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 13/4/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan:

3 thoughts on “Thuan Pham: từ thuyền nhân tới giám đốc công nghệ của Uber

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *