Thương mại tự do: lành nhiều dữ ít

Sự thật và ngộ nhận về các ảnh hưởng của thương mại tự do

Vào tháng 3 năm 2000, hai tháng trước một cuộc bỏ phiếu quan trọng ở Hạ viện Mỹ về việc có nên cho Trung Quốc hưởng quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, Bill Clinton tổ chức một cuộc họp báo. Trong năm đầu tiên làm tổng thống, 1993, ông đã đã đưa ra lập luận táo bạo ủng hộ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico, cho rằng nó sẽ tạo ra 200.000 việc làm ở Mỹ. Bấy giờ [năm 2000], vào năm cuối của nhiệm kỳ thứ hai, ông thậm chí còn lạc quan hơn về một hiệp định thương mại với Trung Quốc mà sẽ giúp nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiệp định đó sẽ buộc Trung Quốc nhanh chóng giảm thuế suất nhập khẩu trung bình của mình từ 24% xuống còn 9%, bỏ các hạn ngạch và giấy phép nhập khẩu và mở cửa một số ngành đón nhận đầu tư của Mỹ. Về phần mình, nước Mỹ sẽ chẳng cần phải làm gì cả. Tổng thống Clinton nói: “Đây là một thỏa thuận chắc chắn lợi cả trăm mà chẳng tốn đồng nào cho nước Mỹ xét về hệ quả kinh tế.”

us-trade-balanceMười sáu năm sau, tâm lý đã khác. Nạn thất nghiệp ở các bang sản xuất công nghiệp nhẹ như Michigan, Ohio và Pennsylvania đã khiến thương mại trở thành một vấn đề chính trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Donald Trump đã vươn lên một phần là nhờ hứa đánh thuế nặng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico, với lập luận rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với cả hai nước này cho thấy Mỹ “đang thua”. Hillary Clinton không còn ủng hộ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) như trước đây khi còn là Ngoại trưởng. Cái chết của những hãng sản xuất đồ nội thất và hãng dệt may, do không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ, mâu thuẫn với các tiên đoán do chồng bà đưa ra. Bernie Sanders, đối thủ của bà Clinton trong các vòng bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ, nói rằng các hiệp định thương mại đã là “thảm họa cho người lao động Mỹ”. Một đoạn video trên YouTube hồi đầu năm nay cho thấy vẻ trơ tráo của các sếp hãng sản xuất máy lạnh Carrier khi thông báo với công nhân là hãng sẽ chuyển nhà máy sang Mexico; đoạn video này dường như khẳng định mọi nỗi lo sợ về chuyện việc làm sẽ chuyển ra nước ngoài và sự nhẫn tâm của chủ nghĩa tư bản.

Điều gì dẫn tới sự thay đổi tâm lý này? Những năm sau khi hiệp định NAFTA có hiệu lực, vào năm 1994, thực ra là giai đoạn khá tốt đẹp cho kinh tế Mỹ, trong đó có ngành sản xuất công nghiệp nhẹ. Nhưng việc Trung Quốc gia nhập WTO gây cú sốc lớn. Trung Quốc vô đối về quy mô và tốc độ chinh phục thị trường của các nước giàu bằng sản xuất công nghiệp nhẹ giá rẻ. Tới năm 2013, Trung Quốc đã chiếm một phần trong tổng lượng xuất khẩu công nghiệp trên toàn cầu, so với tỷ lệ chỉ có 2% vào năm 1991.

Điều này diễn ra cùng lúc việc làm hãng xưởng ở Mỹ lại giảm. Từ năm 1999 tới năm 2011 Mỹ mất gần 6 triệu việc làm công nghiệp tính theo giá trị ròng. Mất chừng đó việc làm nghe có vẻ không có gì ghê gớm, vì Mỹ là một nền kinh tế lớn và năng động với khoảng 5 triệu việc làm tăng giảm mỗi tháng. Tuy nhiên, David Autor thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), David Dorn thuộc Đại học Zurich và Gordon Hanson thuộc Đại học California, San Diego, có một phát hiện đáng lo ngại khi nghiên cứu những tình trạng mất việc làm này. Ít nhất một phần năm mức sút giảm việc làm hãng xưởng trong thời kỳ đó là kết quả trực tiếp của cạnh tranh từ Trung Quốc.

Hơn nữa, những người lao động Mỹ đã mất những việc làm đó không tìm được việc làm mới ở gần nơi cư ngụ hoặc không đi tìm việc làm ở nơi xa hơn. Họ làm tăng số người thất nghiệp, hoặc, thường xảy ra hơn, rời khỏi lực lượng lao động. Điều này mâu thuẫn với quan niệm phổ biến cho rằng thị trường lao động của Mỹ có tính lưu động và linh hoạt. Khi người lao động mất việc làm hãng xưởng, họ thường ở nguyên một chỗ. Những người gắng tìm được việc làm mới thì hưởng lương thấp hơn trước và làm việc trong những ngành dễ bị tổn hại do sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Trong nghiên cứu về sau, ba nhà nghiên cứu này phát hiện rằng những việc làm hãng xưởng đã bị mất cũng làm giảm tổng cầu (và do đó giảm số việc làm ngoài những ngành sản xuất công nghiệp nhẹ) ở những vùng bị ảnh hưởng. Tính tổng cộng, có thể đã có tới 2,4 triệu việc làm đã bị mất, trực tiếp và gián tiếp, do hậu quả của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ở các nước giàu khác, những vùng hay ngành đối mặt với số lượng lớn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng bị tổn thất nặng nề về việc làm hãng xưởng. Một nghiên cứu về thị trường việc làm của Tây Ban Nha do Vicente Donoso, thuộc Đại học Complutense ở Madrid, và những người khác thực hiện đã phát hiện rằng những tỉnh có mức nhập khẩu hàng Trung Quốc nhiều nhất bị giảm nhiều nhất về tỷ lệ việc làm sản xuất công nghiệp nhẹ từ năm 1999 tới năm 2007, nhưng điều này được bù đắp bằng sự gia tăng về việc làm không phải hãng xưởng. Tuy nhiên, nghiên cứu ở Na Uy phát hiện rằng tác động chủ yếu là tăng thất nghiệp. João Paulo Pessoa thuộc Trường Kinh tế London phát hiện rằng người lao động Anh trong những ngành có mức cạnh tranh cao từ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có nhiều thời gian thất nghiệp hơn những người trong cách ngành khác. Một cuộc nghiên cứu diện rộng về tác động đối với nước Đức của hoạt động thương mại nhiều hơn với Trung Quốc và Đông Âu trong hai thập niên sau năm 1988 đã kết luận rằng những ngành cạnh tranh với hàng nhập khẩu bị mất việc làm, nhưng số việc làm bị mất này được bù đắp nhiều hơn bằng số việc làm gia tăng ở những vùng tập trung vào các ngành xuất khẩu. Số việc làm gia tăng gần như toàn bộ là do buôn bán với Đông Âu, chứ không phải Trung Quốc.

Việc Trung Quốc gia nhập WTO lẽ ra là một món lợi lớn cho Mỹ. Vậy thì tại sao tác động của điều đó đối với thương mại và việc làm lại lớn tới bất ngờ? Một lý do là Trung Quốc có được một lợi thế rất đáng kể từ thỏa thuận này. Một công trình nghiên cứu của Justin Pierce, thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, và Peter Schott, thuộc Trường Quản trị Kinh doanh của Đại học Yale, cho rằng nhờ gia nhập WTO, Trung Quốc loại bỏ được rủi ro bị Mỹ tăng mạnh thuế suất nhập khẩu, giúp các công ty Trung Quốc ít gặp rủi ro hơn khi đầu tư vào nhà máy mới. Các tác giả này phát hiện rằng những ngành mà trong đó nguy cơ tăng thuế nhập khẩu được giảm nhiều nhất bị mất việc làm nhiều nhất ở Mỹ. Nhưng tính chất chênh lệch của thương mại giữa Trung Quốc và các nước giàu cũng là một nguyên nhân. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này đã tăng từ khoảng 2% GDP trong thập niên 1990 lên tới khoảng 5% trong thập niên kế tiếp. Nói cách khác, Trung Quốc tiết kiệm nhiều hơn. Điều đó góp phần giải thích những gia tăng bù đắp ít ỏi về hàng xuất khẩu ở những vùng bị ảnh hưởng của hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Dậm chân tại chỗ

Cần lưu ý rằng việc Mỹ ngày càng thiếu khả năng hồi phục từ tình trạng mất việc làm sản xuất công nghiệp nhẹ xảy ra trước khi Trung Quốc vươn lên thành một cường quốc xuất khẩu. Một báo cáo do Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) [của tổng thống Mỹ] công bố hồi tháng 6 thể hiện đà sút giảm dài hạn về số người đàn ông ở độ tuổi sung sức trong lực lượng lao động của Mỹ. Báo cáo này cho thấy rằng vào giữa thập niên 1960 gần như tất cả những người đàn ông từ 25 tới 54 tuổi có việc làm hoặc đang tìm việc, nhưng trong nửa thế kỷ qua tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nhóm này đã giảm xuống dưới 90%. Trong mỗi cuộc suy thoái, tỷ lệ này giảm mạnh hơn, và khi nền kinh tế hồi phục tỷ lệ này không lấy lại được toàn bộ những gì đã mất.

us-labour-participationNhưng có những khác biệt lớn giữa các tỷ lệ tham gia của các nhóm đàn ông khác nhau. Năm 1964, những người đàn ông tốt nghiệp trung học có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động gần như bằng với những người đàn ông có trình độ đại học, nhưng hiện nay chỉ có 83% người có bằng trung học hoặc thấp hơn tham gia lực lượng lao động, so với 94% người tốt nghiệp đại học. Điều này phản ánh sự chênh lệch ngày càng tăng về lương. Vào giữa thập niên 1960, lương của những người đàn ông có trình độ thấp hơn có mức trung bình bằng khoảng 80% lương của người có trình độ đại học, nhưng tới năm 2014 tỷ lệ đó giảm xuống còn 60%.

Khó có chuyện những người đàn ông đó tự nguyện ăn không ngồi rồi. Hơn một phần ba những người đàn ông không làm việc sống trong cảnh nghèo đói; chưa tới một phần tư có vợ đi làm. Vì vậy cách giải thích hiển nhiên nhất là nền kinh tế ít cần những người đàn ông có kỹ năng thấp. Điều này lại có phần liên quan tới sự sút giảm dài hạn về sản xuất công nghiệp nhẹ, mà tỷ phần trong thị trường lao động lên tới đỉnh điểm trong thời kỳ gần như toàn bộ những người đàn ông trong độ tuổi sung sức đều đi làm. Nghiên cứu của CEA phát hiện rằng những bang có tỷ lệ việc làm cao hơn trung bình trong các ngành xây dựng, khai khoáng và (ở mức độ thấp hơn) sản xuất công nghiệp nhẹ thường có nhiều người đàn ông trong độ tuổi sung sức tham gia lực lượng lao động hơn. Cũng bất lợi là những người đàn ông mất việc ngày càng ăn sâu bén rễ tại những vùng tối thất nghiệp. Khuynh hướng dời qua nơi khác để tìm việc làm đã giảm đáng kể từ đầu thập niên 1990, vì những lý do chưa hiểu rõ.

Sự sút giảm đều đặn về tỷ lệ đàn ông trong độ tuổi sung sức tham gia lực lượng lao động có từ nửa thế kỷ trước không thể nào đổ thừa là do Mỹ ký các hiệp định thương mại tự do hay vì Trung Quốc vươn lên thành một nước xuất khẩu hàng công nghiệp nhẹ; cả hai điều đó mới diễn ra gần đây.

Việc làm hãng xưởng đã tăng lên tới mức cao nhất trong thập niên 1970, nhưng sản lượng sản xuất công nghiệp nhẹ đã và đang tiếp tục tăng lên. Thực vậy, tỷ phần của Mỹ trong sản lượng sản xuất công nghiệp nhẹ thế giới, tính trên cơ sở trị giá gia tăng, đã ở mức tương đối ổn định gần 1/5 trong bốn thập niên qua. Nhờ những tiến bộ về công nghệ, cần ít người lao động hơn để sản xuất ra lượng hàng hóa như cũ. Nhưng vì giao thương với các nước có chi phí thấp hơn và thay đổi công nghệ có tác động tương tự đối với hoạt động sản xuất thâm dụng lao động ở các nước giàu, khó mà phân tách các tác động của chúng.

Tuy vậy, một số nước giàu, như Đức, Vương quốc Anh và Canada, đã làm tương đối tốt hơn Mỹ về việc giữ đàn ông trong độ tuổi sung sức tham gia lực lượng lao động, dù những nước khác, như Pháp, Ý và Tây Ban Nha, làm kém hơn. Điều này một phần là do chính sách. Các nước thành viên OECD, câu lạc bộ của chủ yếu các nước giàu, dành trung bình 0,6% GDP mỗi năm cho “các chính sách thị trường lao động tích cực” — các trung tâm việc làm, chương trình tái huấn luyện và trợ cấp lao động — để tạo điều kiện thuận lợi chuyển sang các loại công việc mới. Mỹ chỉ chi tiêu 0,1% GDP cho hoạt động này. Do bỏ bê những người có việc làm bị công nghệ hay hàng nhập khẩu nuốt chửng, giới hoạch định chính sách Mỹ đã châm ngòi cho phần nào trong tâm lý phẫn nộ đối với thương mại tự do hơn.

Các hiệp định thương mại có thực sự là thảm họa cho người lao động Mỹ? Thương mại với Trung quốc dường như đã có tác động lớn khác thường. Kể từ năm 1985, Mỹ đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 20 nước. Xuất khẩu sang các nước này chiếm gần một nửa trong tổng lượng hàng hóa Mỹ bán ra nước ngoài, dù các nước FTA chỉ chiếm 1/10 GDP bên ngoài nước Mỹ. Trong 5 năm sau khi một hiệp định thương mại mới có hiệu lực, xuất khẩu của Mỹ sang các nước đối tác FTA mới tăng với tỷ lệ gấp khoảng 3 lần so với tổng lượng xuất khẩu, ít nhất là theo kịp nhập khẩu. Năm 2012, xuất khẩu sang 20 nước thuộc phạm vi của các FTA tăng nhanh gấp đối so với trung bình. Ở Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu trả lương cao hơn từ 13% tới 18% so với các doanh nghiệp không xuất khẩu. Vậy đâu phải là thảm họa.

Mỹ đã có thâm hụt thương mại mỗi năm kể từ năm 1976. Ở bên kia của cán cân toàn cầu là các nước thường xuyên có thặng dư thương mại lớn. Hiện nay kỷ lục không do thuộc về Trung Quốc, mà là Đức với thặng dư tài khoản vãng lai 8% GDP năm ngoái. Nhưng điều này không có nghĩa là nước Mỹ “đang thua” về thương mại, như Donald Trump la lối, và Trung Quốc và Đức đang thắng. Mục đích của xuất khẩu là để trang trải cho nhập khẩu, hoặc bây giờ hoặc về sau. Thặng dư thương mại không mại là biểu tượng của sự hùng cường. Trong một số trường hợp, đó là dấu hiệu cho thấy một quốc gia rất thích tiết kiệm (dù các nước khác có thể mô tả đó là triệu chứng của cầu nội địa yếu). Các nước ít khi có cán cân thương mại cân bằng, khi giá trị của xuất khẩu và nhập khẩu bằng nhau. Có thể nghe có lý khi nghĩ rằng việc hạn chế thương mại để xóa thâm hụt sẽ tạo ra việc làm, định hướng cầu hiện có sang dùng hàng hóa sản xuất tại nội địa. Nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều. Ở hầu hết các nước giàu, nhất là Mỹ, thâm hụt thương mại tăng lên khi GDP có tỷ lệ tăng trưởng mạnh, và giảm trong các thời kỳ suy thoái, Những yếu tố thúc đẩy cầu đối với hàng nhập khẩu cũng giống như những yếu tố thúc đẩy cầu nói chung, và cũng vậy với việc làm. Để cân bằng thương mại, người Mỹ sẽ phải đầu tư ít hơn hoặc tiết kiệm nhiều hơn. Cả hai điều đó đều không tạo ra việc làm.

Sẽ có lợi cho một nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm chạp nếu các nước có thặng dư, như Trung Quốc hay Đức, chi tiêu nhiều hơn cho nhập khẩu. Nhưng với nước Mỹ mục tiêu cân bằng thương mại với bất cứ nước nào sẽ là vô ích. Dù gì đi nữa, một thành phẩm được xuất từ Trung Quốc sang Mỹ chẳng hạn sẽ bao gồm các linh kiện sản xuất ở các nước thứ ba, và có thể chỉ một tỷ lệ nhỏ trong giá trị sẽ được được tăng thêm ở chính Trung Quốc. Bốn phần năm hoạt động thương mại diễn ra trong những chuỗi cung ứng bên trong, hoặc được tổ chức bởi, các công ty đa quốc gia. Đánh thuế nhập khẩu lên hàng hóa trung gian ví dụ từ Mexico sẽ làm tăng giá hàng xuất khẩu từ Mỹ, mà có lẽ sẽ có hại cho cán cân thương mại. Ví dụ, khoảng 40% giá trị của thành phẩm xuất khẩu của Mexico sang Mỹ được tăng thêm ở chính nước Mỹ.

Những người tỉnh táo ủng hộ thương mại tự do hiểu rằng dần dà theo thời gian các lợi ích của nó là nhờ có hiệu suất cao hơn, chứ không phải có nhiều việc làm hơn, mà số lượng việc làm chủ yếu được xác định bởi đặc điểm dân số và mức độ tổng cầu. Phát hiện mối liên hệ giữa thương mại tự do hơn với các vụ đóng cửa nhà máy thì dễ hơn là nhận ra các lợi ích phân tán mà thương mại mang lại cho người lao động trong các ngành khác. Các doanh nghiệp xuất khẩu ở tất cả các nước và trong nhiều ngành khác nhau có năng suất cao hơn, tăng trưởng nhanh hơn và trả lương cao hơn các doanh nghiệp không xuất khẩu. Nhưng nhiều lợi ích từ thương mại xuất phát từ lợi ích trực tiếp của hàng nhập khẩu rẻ hơn và tác động gián tiếp của chúng đối với năng suất.

Tác hại của chính sách bảo hộ

Một nghiên cứu của Pablo Fajgelbaum thuộc Đại học California, Los Angeles, và Amit Khandelwal thuộc Đại học Columbia cho thấy rằng ở một nước trung bình, người có thu nhập cao sẽ mất khoảng 28% sức mua nếu biên giới bị đóng cửa cản trở thương mại. Nhưng nhóm 10% người tiêu dùng nghèo nhất sẽ mất 60% sức mua, vì họ mua hàng nhập khẩu tương đối nhiều hơn. Các tác giả phát hiện thương mại có lợi cho người nghèo ở tất cả 40 nước trong nghiên cứu của mình, trong đó có 13 nước đang phát triển. Một nghiên cứu chi tiết về công nghiệp Châu Âu của Nicholas Bloom thuộc Đại học Stanford, Mirko Draca thuộc Đại học Warwick, và John Van Reenen thuộc Trường Kinh tế London phát hiện rằng sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã dẫn tới sự sút giảm về việc làm và gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp công nghệ thấp ở các ngành bị ảnh hưởng. Nhưng nó cũng buộc các doanh nghiệp còn sống được có tính sáng tạo hơn: chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo bằng sáng chế và việc sử dụng công nghệ thông tin đều tăng lên, và năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) cũng tăng.

Gộp chung lại, đây là những lợi ích lớn và lâu dài. Từ các nghiên cứu của ông Autor và các tác giả khác có thể thấy rõ rằng sự hội nhập diễn ra chỉ một lần của Trung Quốc đã có những tác động lớn hơn và kéo dài hơn dự kiến. Ở Mỹ người ta đã không mấy để ý tới những người bị mất việc do công nghệ mới và hàng nhập khẩu. Điều đó đã tạo cơ hội cho giới chủ trương bảo hộ mà giải pháp họ đang rao giảng sẽ khiến người nghèo thiệt hại nhiều nhất. Một kiểu dân túy tương tự đang trỗi dậy ở Châu Âu để phản ứng về vấn đề di cư.

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch từ The Economist 1-10-2016.

(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 5/10/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

 

2 thoughts on “Thương mại tự do: lành nhiều dữ ít

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *