Thương mại tự do và dân chủ: trường hợp CETA

Phạm Vũ Lửa Hạ

Thủ tướng Canada Justin Trudeau, ở giữa hàng trước, ký hiệp định CETA với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, trái, và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, phải, hôm 30-10 tại Brussels. (Ảnh: Thierry Monasse/Associated Press)
Thủ tướng Canada Justin Trudeau, ở giữa hàng trước, ký hiệp định CETA với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, trái, và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, phải, hôm 30-10 tại Brussels. (Ảnh: Thierry Monasse/Associated Press)

Sau bảy năm đàm phán, và một trở ngại phút chót suýt gây đổ vỡ, hôm Chủ nhật 30-10 tại Brussels, Bỉ, Liên hiệp Châu Âu (EU) và Canada đã ký Hiệp định Kinh tế và Thương mại Toàn diện (CETA).

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên lịch bay tới Brussels để ký hiệp định vào ngày 27-10, nhưng phải hoãn khi CETA một lần nữa bị bế tắc vì Wallonia, vùng nói tiếng Pháp ở miền nam nước Bỉ, phản đối. Tới tận ngày 28-10, nghị viện vùng này mới chấp thuận sau khi có những điều chỉnh để giải quyết các quan ngại về cạnh tranh với Canada.

Giới ủng hộ nói rằng CETA sẽ tăng 20% thương mại song phương các mức giảm thuế nhập khẩu trong nhiều ngành, trong đó có nông nghiệp, dược phẩm và xe hơi. Theo các ước tính chính thức, CETA sẽ tăng GDP hàng năm của mỗi bên: 12 tỷ euro cho EU, và 12 tỷ đô-la Canada cho Canada.

Giữa lúc thương mại tự do đang tứ bề thọ địch do sự trỗi dậy của các phong trào dân túy và các chính khách vận động tranh cử bằng chiêu bài chống toàn cầu hóa, CETA là tin vui cho cả hai bên. Canada bớt phải lệ thuộc vào thị trường Mỹ và bớt băn khoăn khi Donald Trump luôn miệng đòi xé bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). EU có được hiệp định thương mại đầu tiên với một nền kinh tế G7 khi uy tín của khối này phần nào sút giảm sau khi Vương quốc Anh bỏ phiếu rời bỏ EU. Ý nghĩa không chỉ dừng lại ở một hiệp định với Canada, đối tác thương mại lớn thứ 12 của EU. Nếu CETA bất thành, EU coi như tiêu tan hy vọng ký được các hiệp định tương tự với Mỹ hay Nhật.

Canada sẽ phải thông qua luật thực hiện hiệp định này, mà dự kiến sẽ dễ dàng được Hạ viện phê chuẩn vì Đảng Tự do nắm đa số ghế. Nghị viện Châu Âu cũng sẽ cần phê chuẩn CETA, và giới quan sát EU cho rằng sẽ không có khó khăn gì vì đã có đủ số phiếu ủng hộ hiệp định này.

Khoảng 95% hiệp định, trong đó có giảm các thuế nhập khẩu và hạ thấp các rào cản thương mại khác, có thể có hiệu lực sau khi EU và Canada phê chuẩn. Trừ phi có những sự cố không lường trước được, dự kiến CETA sẽ có hiệu lực vào đầu tới giữa năm 2017.

Một ngoại lệ đáng chú ý là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS). Cơ chế này quy định những phương cách chính thức để các công ty có thể kiện các chính phủ khi quyết định của nhà nước ảnh hưởng tới khoản đầu tư của họ. Nhưng cơ chế này không có hiệu lực ngay lập tức, và có thể không bao giờ có hiệu lực.

Gay cấn phút chót

Biểu tình chống CETA bên ngoài nghị viện vùng Wallonia hôm 18-10-2016. (Ảnh: Nicolas Lambert)
Biểu tình chống CETA bên ngoài nghị viện vùng Wallonia hôm 18-10-2016. (Ảnh: Nicolas Lambert)

CETA phải có được tất cả 28 nước thành viên EU ủng hộ, và Bỉ chỉ có thể ủng hộ nếu tất cả các vùng tại nước này ủng hộ. Hôm 14-10, chỉ vài ngày trước hạn chót đầu tiên 18-10, nghị viện vùng Wallonia, một trong ba vùng của Bỉ, bỏ phiếu cản trở CETA. Giới chức EU và Bỉ đành soạn một văn bản diễn giải đi kèm để được vùng này ủng hộ và cứu vãn hiệp định giữa 500 triệu dân EU và 35 triệu dân Canada.

EU lo ngại sẽ mất uy tín nếu một hiệp định tầm cỡ như vậy có thể bị nhấn chìm chỉ bởi một vùng của một nước thành viên. Bộ trưởng ngoại thương Slovakia Peter Ziga, chủ trì hội nghị thượng đỉnh EU-Canada để ký hiệp định, nói: “Nếu không thỏa thuận với Canada, thì chúng ta sẽ thỏa thuận với ai nữa? Tôi không hiểu. Bỉ là quốc gia đã dựng nên EU ngay từ đầu”, khi thương mại là lý do chính để thành lập EU.

Vùng Wallonia lo ngại rằng nông dân của vùng này sẽ bị đánh bật khỏi thị trường do không thể cạnh tranh nổi về giá với nông sản rẻ nhập từ Canada và nhiều tiêu chuẩn lao động mà họ đã đấu tranh để có sẽ bị xóa sổ. Nhiều người dân Wallonia cũng nói hiệp định này sẽ là tiền đề cho một hiệp định tương tự với Mỹ (TTIP), mà họ lo ngại sẽ càng ảnh hưởng tới kế sinh nhai, và các tiêu chuẩn tiêu dùng và môi trường của họ.

Các hiệp định thương mại trong thế kỷ 20 chủ yếu cắt giảm thuế nhập khẩu. Những hiệp định gần đây giữa các nước giàu, như CETA, tập trung bãi bỏ các rào cản thương mại khác. Sau 7 năm thương lượng, những nhà đàm phán Châu Âu mơ tới cảnh đồ chơi và sản phẩm điện Châu Âu được bán thẳng cho Canada mà không phải trải qua một vòng kiểm định y tế và an toàn thứ nhì.

Phối hợp các tiêu chuẩn với một nước khác tất nhiên nghĩa là phải từ bỏ đôi chút chủ quyền. Điều này khiến nhiều người Châu Âu bực mình vì e ngại rằng CETA sẽ làm giảm bớt các tiêu chuẩn môi trường và luật lao động; họ nghi ngờ rằng các tòa án ISDS do hiệp định mới lập ra sẽ thiên vị các công ty hơn các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo thỏa thuận với Bỉ tuần rồi để được Bỉ chấp thuận CETA, trách nhiệm phê chuẩn điều khoản ISDS sẽ thuộc về các nghị viện các cấp của 28 nước EU (tổng cộng 38 nghị viện quốc gia và vùng). Trên thực tế tòa án ISDS sẽ chỉ hình thành nếu không có nghị viện nào trong EU bác bỏ nó, và quá trình phê chuẩn có thể kéo dài nhiều năm. Chính phủ Canada nói rằng nhiều quyết định vẫn phải được đưa ra về cấu trúc của tòa án ISDS, và hy vọng rằng những điều chỉnh về vấn đề đó có thể thỏa mãn tất cả các cơ quan lập pháp ở 28 nước EU.

Chọn hai trong ba

Bất cứ hiệp định thương mại nào cũng có người lợi kẻ thiệt. Người được lợi thì đông hơn, nhưng kẻ thiệt thòi thì quyết liệt hơn. CETA có những người phản đối truyền thống hơn; họ không vui khi 99% thuế nhập khẩu giữa Canada và EU sẽ bị bỏ. Ở Wallonia cứ ba người có một con bò, và nông dân được nhà nước trợ cấp hào phóng của vùng này lo ngại về nông sản rẻ nhập từ Canada.

Vùng Wallonia có 3,5 triệu dân, chỉ bằng 0,7% dân số EU. Một vùng nhỏ như vậy nhưng lại là kỳ đà cản mũi phút chót cho một hiệp định mất nhiều năm chuẩn bị và liên quan tới hơn nửa tỷ dân của các bên đối tác.

Dani Rodrik, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, nhận xét rằng lá phiếu phản đối của vùng Wallonia một phần là cách bày tỏ bất bình đối với giới thượng lưu và giới kỹ trị thương mại vốn coi thường những nỗi lo của thường dân về các hiệp định thương mại trước đây. Chẳng hạn, họ lo rằng lợi ích sẽ ít hơn hứa hẹn, chủ quyền sẽ bị phương hại, và có thể có bất bình đẳng trầm trọng trong phân phối lợi ích.

Giáo sư Rodrik chính là người đã đưa ra khái niệm “tam nan đề toàn cầu hóa” (globalization trilemma), tức là thế giới chỉ có thể đạt tối đa hai trong ba điều sau: hội nhập kinh tế, chủ quyền quốc gia, và dân chủ. Giống như nhiều chuyển biến kinh tế, tiến trình tự do hóa sẽ có người thắng kẻ thua. Nhiều cấu trúc chính trị hiện nay tạo lợi thế cho lá phiếu của những người thua thiệt, mà trong nhiều trường hợp khiến họ có thể cản trở những thay đổi lợi nhiều hơn hại (dù các lợi ích ròng này được phân phối không đồng đều). Để tiến tới tự do hóa cao hơn (hội nhập kinh tế nhiều hơn), thì ta đành phải phớt lờ ý kiến dân chúng ở những nơi đó (tức là chấp nhận bỏ nhánh dân chủ), hoặc đổi nơi ra quyết định chính trị (từ bỏ nhánh chủ quyền quốc gia). Giáo sư Rodrik từng nhận định rằng toàn cầu hóa hàm ý một sự thay đổi dài hạn chuyển sang các luật lệ và nền dân chủ trên tầm quốc gia (supra-national).

Song, đôi khi người ta dường như nhầm lẫn giữa việc từ bỏ một trật tự cụ thể của chủ quyền với từ bỏ dân chủ. Chuyển quyền lực chính trị từ vùng Wallonia lên chính phủ liên bang của Bỉ, hoặc nghị viện Châu Âu, trong một số vấn đề, không nhất thiết là giảm dân chủ. Nhưng dù sao đó cũng là sự dịch chuyển quyền lực. Nên một câu hỏi quan trọng đặt ra khi nghĩ về tương lai của toàn cầu hóa: quyền lực chính trị nào có thể dung hòa tốt nhất sự mở cửa ra toàn cầu với sự thịnh vượng chung cho xã hội (điều thứ hai tương đối quan trọng để duy trì tính chính danh của điều thứ nhất)?

Các chính thể rộng hơn (như liên bang) nên ủng hộ mở rộng cửa hội nhập nhiều hơn các chính thể hẹp (như tỉnh, vùng) vì cán cân người lợi kẻ thiệt trong đó gần với cán cân toàn cầu hơn, thường là lợi nhiều hơn thiệt. Tuy nhiên, nếu các nhóm bị thiệt trong các chính thể rộng đó không thể lập được các liên minh hữu hiệu để mặc cả mức đền bù cho những thiệt hại do toàn cầu hóa, thì chắc chắn sẽ dẫn tới nhiều phiền toái. Rất có thể lá phiếu phản đối ban đầu của vùng Wallonia, không hẳn là phản đối tính chính danh của những chính sách cụ thể, như tăng thương mại tự do, mà về tính chính danh của các chính thể cụ thể.

ceta-numbers

© 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan: Thương mại tự do: lành nhiều dữ ít

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *