Tháng 10 năm 1978, 346 thuyền nhân Việt Nam chạy nạn cộng sản trên một tàu đánh cá nhỏ gặp bão giữa Biển Đông, nhưng đã bị nhiều tàu lớn làm ngơ. Họ có lẽ đã không thoát chết nếu không gặp một tàu hàng Scotland và được vị thuyền trưởng bác ái quyết định cứu nạn. Ký giả báo The Guardian, Anh, thuật lại câu chuyện phi thường này và những cuộc đời thành đạt tại Anh và Mỹ của những người tị nạn được cứu sống năm xưa.
Thuyền nhân Việt Nam: sống để kể lại
Chris McGreal
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Nếu không nhờ có cha mình, Craig Holmes có lẽ chẳng bao giờ có dịp trả lại chiếc nhẫn tốt nghiệp được một thiếu nữ tặng cho ông trước đó 30 năm, khi cô được ông cứu trên Biển Đông. Lúc đó Holmes đang thực tập làm hoa tiêu trên một chiếc tàu hàng Anh Quốc chở hạt kê sang Đài Loan vào mùa thu năm 1978. Ngoài khơi bờ biển Việt Nam, chiếc tàu thép khổng lồ tình cờ gặp một tàu đánh cá nhỏ và chật chội; chiếc tàu bằng gỗ bị rò rỉ này lúc đó chở Luisa Van Nu và 345 người khác đào thoát khỏi quê hương đã bị cộng sản cưỡng chiếm.
Những người tị nạn này đã lênh đênh trên biển bốn ngày và niềm hy vọng về một cuộc đời mới đã nhường chỗ cho nỗi tuyệt vọng vì tàu dường như chắc chắn sẽ bị đắm. Những bà mẹ ôm con vào lòng, còn những người cha tỏ vẻ hối hận vì đã đưa gia đình vào chỗ chết. Thế rồi tàu MV Wellpark, do một hãng vận tải hàng hải Scotland quản lý, thình lình xuất hiện sau cơn bão. Nhờ đợt cứu người gian nan và đầy kịch tính này, thuyền trưởng Hector Connell được tặng Huân chương Bảo quốc MBE (Member of the Order of the British Empire). Nhưng sự vinh danh đó chỉ đến sau khi những người tị nạn khốn cùng bị kẹt giữa một cuộc tranh cãi chính trị quốc tế về việc nước nào sẽ tiếp nhận họ. Cuối cùng, chính phủ Anh Quốc khi đó do Công Đảng cầm quyền đã đồng ý đưa họ tới London dù có nhiều lời phản đối lo ngại rằng Anh Quốc “chật kín” và nhiều người cảnh báo rằng điều đó sẽ mở toang cửa khiến những làn sóng người tị nạn tràn ngập Anh Quốc.
Holmes nhường cabin của mình cho gia đình của Van Nu. Khi cô rời tàu để tới London và một đất nước mà cô chẳng biết gì về nó, anh thủy thủ 19 tuổi cho cô một vật lưu niệm. Holmes kể: “Tôi có một dây chuyền mua ở Peru. Dây chuyền bằng bạc, hình một bánh lái có thập tự ở giữa. Tôi đưa nó cho cô và nói: ‘Hãy nhớ chúng tôi trên tàu Wellpark.’ Cô tháo một trong những chiếc nhẫn màu hồng, chiếc nhẫn tốt nghiệp trung học của cô, và tặng tôi.”
Holmes nói anh xem chuyến cứu nạn đó chỉ như là một chuyện mạo hiểm nho nhỏ giữa một chuyến hải hành dài ngày và nó nhanh chóng trôi vào dĩ vãng. Anh thăng tiến dần dần lên thành thuyền trưởng trước khi trở thành hoa tiêu hàng hải ở New Zealand. “Cha tôi đã giữ chiếc nhẫn đó một thời gian, vì có lẽ nhờ lớn tuổi hơn nên ông hiểu rõ hơn tôi về những chuyện chúng tôi đã làm. Ông thường buộc dây và đeo nó trên cổ. Nếu ông đã không giữ chiếc nhẫn đó, có lẽ nó đã bị mất, bởi lúc đó tôi rất vô ý vô tứ. Khi ông mất, tôi lấy lại chiếc nhẫn và khi đó nó có ý nghĩa hơn một chút.”
Holmes bỏ chiếc nhẫn trong hộp nữ trang của vợ ông, và nó nằm ở đó cho tới khi ông nhận được tin là những người Việt được tàu Wellpark cứu sống đang chuẩn bị làm lễ họp mặt kỷ niệm 30 năm tại California, nơi một số người đã định cư.
Ông kể: “Khi đi dự lễ họp mặt, tôi nghĩ mình sẽ mang nhẫn trả lại cho Luisa. Cô rất xúc động khi nhận lại nhẫn sau chừng đó năm trời. Đối với tôi, đợt cứu nạn đó chỉ là một đêm mạo hiểm. Mãi cho tới lúc dự lễ họp mặt tôi mới nghiệm ra hành động cứu nạn của chúng tôi có ý nghĩa dường nào. Thấy một vài cậu bé, độ chừng 4 hoặc 5 tuổi, tôi chợt nghĩ: ‘Trời đất quỷ thần, đây là một thế hệ khác.’ Những đứa trẻ này đã không có mặt ở đây nếu mẹ của chúng đã không được kéo lên tàu Wellpark. Khi đó tôi nhận ra rằng chuyện đối với tôi chỉ là một đêm mạo hiểm lại là chuyện sống còn đối với họ.”
Vào ngày 3-10-1978, 346 người chen chúc trên ba khoang của chiếc tàu đánh cá cỡ 60 feet để gia nhập một trong những đợt di cư bằng đường biển lớn nhất của thời hiện đại. Người ta tin rằng khoảng 800.000 thuyền nhân đã đào thoát khỏi Việt Nam bằng đường biển. Nhiều người khác đã chết đuối hoặc bị cướp biển, nhất là cướp biển Thái Lan, bắt, hãm hiếp và giết.
Khi đi vào vùng đồng bằng sông Cửu Long, tàu bị hư bánh lái và mất phương hướng. Những người tị nạn này hướng ra biển mà chẳng biết họ đi về đâu. Trong số họ có cô bé 9 tuổi Diep Quan mà gia đình cô dính hai “trọng tội” khi Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tay cộng sản Bắc Việt: ba cô là thương gia, và ba má cô là người gốc Hoa. Hôm họ ra đi, má cô nói là cả nhà đi chơi. Cô kể: “Chú tôi mang tới một chiếc xe tải vì ông là tài xế tải hàng. Tôi là dân thành thị và tôi nhớ chỉ có cây cối, rừng rậm và bùn lầy. Vậy là sao? Đi chơi chỗ gì mà kỳ lạ quá.” Rồi cô thấy chiếc tàu đánh cá neo đậu trên sông Cửu Long và hiểu là có thể cô chẳng bao giờ thấy Việt Nam nữa.
Ngồi trong một tiệm cà phê ở London, trong câu chuyện chan hòa nước mắt và tiếng cười về một hành trình và một cuộc đời suýt bị cắt ngắn, Quan kể ngày đầu tiên trên biển cứ như lạc vào “thiên đường” đại dương mênh mông đầy cá bay rào rào. Thế rồi tàu dính hậu quả của Bão Lola và bắt đầu ngập nước. Một nhóm thanh niên dùng xô chuyền tay tát nước ra khỏi thuyền. Nhưng họ chỉ có thể trì hoãn chuyện tất yếu sẽ xảy ra.
Họ phát hiện nhiều tàu lớn và bắn pháo sáng báo hiệu, nhưng các tàu đó không thấy tín hiệu hoặc thủy thủ đoàn làm ngơ. Thuyền trưởng nói với mọi người là tàu không thể chống chọi được lâu hơn nữa. Quan kể: “Tôi nghe có người nói: ‘Giờ thì tới số rồi, nước đang ngập và tàu sẽ đắm.’ Ba tôi đã ở suốt trên boong từ trước, và lúc đó ông quyết định nếu đã tới số rồi thì ông sẽ xuống khoang dưới ngồi chung với gia đình. Toàn bộ cánh đàn ông về ngồi chung với gia đình của họ.”
Vừa gạt nước mắt Quan vừa kể lại rằng nhiều năm sau cô hỏi má có bao giờ ba cô hối hận về quyết định lên tàu vượt biên. “Bà đáp: “Có chứ.’ Khi ai cũng nói: ‘Thôi rồi, chúng ta sẽ bị đắm’, ba tôi và chú tôi nói: ‘Lẽ ra mình không nên đi như vậy. Mình đã đưa mọi người vào chỗ chết.”
Hai anh em Hung Nguyen và Huy Nguyen đi chuyến này với anh chị em và ba má; ba má của họ có một rạp chiếu phim ở Sài Gòn trước khi nó bị tân chính quyền cộng sản tịch thu. Lúc đó Hung 18 tuổi và quyết định ra đi dù đã thi đậu một suất đáng mơ ước ở trường y. Ông kể: “Tôi có nên đi hay không thì chẳng cần bàn gì nữa. Sinh viên y khoa là nhất thiên hạ rồi, nhưng cũng là tài sản của chính quyền. Lớn lên vào thời đó, tôi rất bực mình về chuyện tự do. Họ có thể chặn mình trên đường và cắt tóc của mình nếu dài quá. Nói chuyện thì phải giữ mồm giữ miệng.”
Khi khách trên tàu trở nên lo sợ hơn, má của Hung gọi anh và em trai Huy 15 tuổi tới ngồi chung với bà. Huy kể: “Má kêu hết mấy đứa con tới để có thể thấy bọn tôi. Bọn tôi lúc đó thật sự chẳng hiểu, nhưng bây giờ thì hiểu.”
Một trong những người chú của họ, mà Huy nghĩ có thể bị chứng tự kỷ, nhảy xuống biển và nói là ông sẽ bơi ngược về Việt Nam. Ông coi như chấp nhận chuyện tất yếu, nhưng may sao có người la lên là họ thấy có tàu lớn. Thuyền trưởng bắn pháo sáng. Tín hiệu đó được một thuyền phó trên đài chỉ huy của tàu Wellpark nhận ra.
Huy kể: “Chúng tôi tưởng đó là chiến hạm. Giữa đêm tối, toàn sáng rực với đủ thứ cần cẩu trông giống như súng đại bác.” Thuyền trưởng Connell cử một thuyền cứu đắm sang để hỏi thăm. Trong số những người đang ngồi đợi đầy lo âu trên chiếc tàu đánh cá có Stephen Ngo, lúc đó mới 13 tuổi mà là đứa trẻ duy nhất đi một mình. Ngo ra tàu để đưa tiễn mấy người anh của mình, nhưng ba anh lại cho anh đi thế vào phút chót. “Ba đưa cho tôi một ống kem đánh răng. Bên trong có một tờ 100 đôla. Ba tôi dặn: ‘Con cầm theo và ba sẽ gặp con sau.’’ Ngo không gặp lại ba mình trong nhiều năm.
Nhóm thủy thủ trên thuyền cứu đắm đánh vật mấy tiếng đồng hồ với biển động sóng cồn để đi hai chuyến đón mấy chục người tị nạn sang tàu lớn. Thuyền trưởng Connell quyết định đưa tàu lớn tới sát bên chiếc tàu đánh cá để trực tiếp đưa người tị nạn lên tàu. Đó quả là một kỳ công phi thường mà chỉ có người đi biển dày dạn kinh nghiệm mới làm được.
Holmes kể: “Tôi nghiêng người qua mạn tàu với một dây ném trong tay. Có người lấy nó cột vào giỏ. Tôi la vọng xuống: ‘Không. Không mang hành lý. Chúng ta sẽ lấy hành lý sau.’ Một anh trên tàu mở giỏ ra và trong đó có một đứa trẻ.” Vậy là đành chấm dứt chính sách không mang hành lý. “Tôi nhấc đứa trẻ lên, và hóa ra đó là cách hay để đưa em lên tàu. Đứa trẻ nào cũng ngồi lọt trong chiếc giỏ Adidas màu đỏ đó. Tôi chẳng đếm xuể tôi đã kéo bao nhiêu đứa trẻ lên tàu trong chiếc giỏ đó.”
Lúc đó mới 4 tuổi, Paul Tran còn quá nhỏ nên không leo được. Cậu bé được kéo lên bằng lưới. Anh kể lại: “Đầu tôi va vào tàu khi tôi được kéo lên. Khiến tôi thức giấc.”
Phần lớn những người tị nạn này được rồi lên các boong tàu trong một cái làng dã chiến dưới những tấm vải dầu giăng ngang trên các nắp hầm tàu. Holmes kể: “Họ trông thật giống những kẻ lang thang nghèo khổ. Một số trẻ em chỉ mặc áo lót, mà chẳng có quần.”
Tàu Wellpark đi tiếp tới Đài Loan, ở đó chính quyền cảm thông, gởi đồ ăn và áo quần ra tàu, nhưng nhất quyết không cho người tị nạn rời khỏi tàu cho tới khi Anh Quốc đồng ý tiếp nhận họ. Sau 2 tuần báo chí đăng tải hình ảnh về những người tị nạn khốn cùng, chính phủ Anh Quốc nói sẽ đưa họ tới London. Holmes kể: “Chính khi đó chúng tôi mới nhận ra những người được chúng tôi đón lên tàu là ai. Bác sĩ có, y tá có. Một vài luật sư. Có cả một đội đánh máy. Có những nhân viên đánh máy gõ liên tục, lo chuyện giấy tờ.”
Những người tị nạn này không phải ai cũng hài lòng khi được báo là họ sẽ sang Anh. Một số người thích đi Mỹ hơn, vì đó là nước họ biết rõ hơn. Huy Nguyen nói: “Hồi ở Việt Nam, chúng tôi đã có ấn tượng rất xấu về người Anh. Chúng tôi nghĩ người Anh rất hợm hĩnh. Nghĩ rằng họ đội mũ cao và dùng găng tay để tát vào mặt người ta.”
Toàn bộ 346 người được chở bằng máy bay tới phi trường Stansted, và bằng xe buýt tới doanh trại quân đội Kensington. Huy kể: “Chúng tôi tới giữa đêm khuya. Trời đầy sương mù và lạnh, nên trông rất nản. Nhưng khi chúng tôi tới doanh trại, người ta đang đợi chúng tôi, cho chúng tôi ăn súp. Họ bày hoa trên giường chúng tôi. Hoa hồng hoặc cẩm chướng. Tôi được một bông cẩm chướng. Màu trắng. Tôi rất vui.”
Quà cáp tới tấp gởi tới doanh trại. Một đoàn xiếc ghé thăm, có cả voi cho mọi người cỡi. Hãng Woolworths tổ chức tiệc Giáng sinh cho trẻ em. Báo chí nhìn chung có thái độ hoan nghênh, ngay cả ở những tờ báo lá cải có thái độ hằn thù với di dân hệt như hiện nay, có lẽ vì người Việt chạy trốn cộng sản. Tờ Daily Mail viết: “Bởi vì chúng ta đóng cửa với tình trạng di dân ồ ạt – và làm vậy là đúng – không có nghĩa là chúng ta cần giả điếc không nghe tiếng gõ cửa của một số người mà lời khẩn cầu giúp đỡ của họ không cần sổ thông hành hay giấy khai sinh nào để chứng minh họ quả thật đáng thương.”
Nhưng thái độ hằn thù chính thức đã tăng dần. Trong vòng vài tháng Margaret Thatcher trở thành thủ tướng, đối mặt với tình hình có thêm bốn tàu Anh cứu hàng trăm thuyền nhân. Bà kịch liệt phản đối tiếp nhận họ, bề ngoài với lý do là “lo ngại dư luận Anh”, mặc dù Anh Quốc chỉ mới tiếp nhận một tỷ lệ rất nhỏ so với 250.000 người tị nạn Việt Nam đã được Mỹ tiếp nhận, và 60.000 người được Pháp nhận. Một văn bản của Bộ Nội vụ Anh cảnh báo rằng việc tiếp nhận thêm nữa “sẽ bị xem là dẫn tới một dòng di dân mà chúng ta không thể kiểm soát.” Thatcher cuối cùng mủi lòng về những tàu đã đón thuyền nhân, nhưng đòi hỏi phải có “lập trường chắc chắn về pháp luật và chính trị để Anh Quốc có thể chống lại việc tiếp nhận người tị nạn.” Bà cũng muốn Anh Quốc rút khỏi công ước quốc tế năm 1951 về vấn đề tị nạn.
Nguồn: Chris McGreal, Vietnamese boat people: living to tell the tale, The Guardian, 20-3-2016.
(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 20/4/2016)
Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ
Bài liên quan:
2 thoughts on “Thuyền nhân Việt Nam: sống để kể lại (Kỳ 1)”