Tiệc tàn cho London hậu Brexit?

Phạm Vũ Lửa Hạ

(Ảnh: Getty Images)
(Ảnh: Getty Images)

Ở vị thế trung tâm tài chính quan trọng bậc nhất của thế giới, xếp trên New York, Hong Kong và Singapore, London là cái nam châm thu hút tiền, cả sạch lẫn bẩn, từ khắp nơi trên thế giới. Thành phố này đã đặt cược vào toàn cầu hóa và thắng lớn, thu hút hoạt động kinh doanh cả hợp pháp lẫn mờ ám bằng các luật lệ lỏng lẻo của mình. Kết quả trưng cầu ý dân ủng hộ Brexit — Vương quốc Liên hiệp Anh rời khỏi Liên hiệp Châu Âu (EU) — có thể gây nguy hại cho vị thế đó.

Thủ phủ tài chính thế giới

Xét về quy mô kinh tế, London lớn bằng Thụy Điển. London chiếm một phần năm trong tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Vương quốc Anh, và là nơi xuất khẩu dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới. Gần 730.000 người làm việc trong ngành này ở thành phố này. Khoảng 40% giao dịch tiền tệ toàn cầu được thực hiện qua London, với khối lượng 2 ngàn tỷ đôla mỗi ngày.

Khoảng 250 ngân hàng nước ngoài có công ty con ở London ngoài hàng trăm hãng luật. Theo báo cáo mới nhất về của cải của hãng tư vấn địa ốc dân cư và thương mại Knight Frank, London là thành phố quan trọng nhất của giới siêu giàu. Không có thành phố lớn nào khác trên thế giới có mức độ tập trung triệu phú như ở London.

Và nay người ta đang lo ngại về những hậu quả của kết quả bỏ phiếu Brexit hôm 23-6 đối với London, một thành phố nằm trong số những nơi hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa nhưng nay có nguy cơ bị khủng hoảng bản sắc.

London đã vượt qua nhiều cuộc chiến và nhiều vụ tấn công khủng bố, cú sụp đổ thị trường chứng khoán năm 2001 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. London đã tự giải thoát khỏi Mỹ và tránh xa hệ thống tiền tệ Châu Âu. London đã thích nghi với mọi hình thái thay đổi chính trị, kinh tế và công nghệ trong những thập niên qua.

Nhưng một thứ tiếp tục tăng lên ngay cả sau những biến cố đó: lượng tiền đổ tới thành phố này – lượng tiền đó sau đó được bơm ngược lại vào thế giới thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán London (LSE) hoặc các kênh mờ ảo hơn của các ngân hàng và công ty quản lý đầu tư và được đầu tư vào bất cứ thứ gì có thể sinh lãi cao nhất vào lúc đó.

Chris Skinner, blogger và đồng chủ nhiệm Câu lạc bộ Dịch vụ Tài chính, một mạng lưới ngành tài chính Châu Âu, nói, “London đối với thế giới tài chính cũng như Madonna đối với nhạc pop. Thành phố này luôn làm mới chính mình.” Skinner lý giải những ưu điểm của đại đô thị này: tiếng Anh được sử dụng ở gần như trên khắp thế giới, luật Anh được công nhận và áp dụng tại nhiều nơi ở các nước công nghiệp và London thu hút những người có tài và nhiều hoài bão. Thành phố này vừa có tính quốc tế vừa có tính thực dụng.

Giống như London, LSE đã xem quốc tế hóa là nguyên tắc hoạt động. Các công ty từ hơn 80 quốc gia niêm yết cổ phiếu ở London. Không có thị trường chứng khoán nào thu hút nhiều công ty ngoại quốc hơn London, một phần là vì những công ty đó muốn tiếp cận được giới đầu tư quốc tế cũng có mặt ở đây. Lượng tài sản gần 7 ngàn tỷ bảng Anh được quản lý từ London.

Kiểu kết nối quan hệ toàn cầu đó là một trong những lý do khiến Deutsche Börse, sở giao dịch chứng khoán Đức, đang sáp nhập với LSE – trong một thương vụ được công bố hồi tháng 2 – và dự định đặt trụ sở chính của công ty mẹ sở hữu hai sở giao dịch này tại London. Nếu vụ sáp nhập này không thất bại vì lá phiếu ủng hộ Brexit, nhiều người cũng hy vọng nó sẽ càng giúp London củng cố vị thế thủ phủ tài chính thế giới.

financial-centresViệc London trở thành một trung tâm tài chính thành công có căn nguyên từ thời Cách mạng Công nghiệp, cuộc cách mạng khởi xướng ở Anh. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho sự dân chủ hóa ban đầu và một mức độ cởi mở xã hội mà chưa được hình thành ở các nước Châu Âu khác. Với vị trí địa lý thuận lợi giữa đông và tây và nhờ được cung cấp bởi một đế chế thực dân được xây dựng trên nền tảng nô lệ, London trở thành một trung tâm khổng lồ về hàng hóa ngay từ rất sớm. Ngành tài chính chỉ việc tự hình thành trên các nền móng đó. Nhưng với sự suy tàn của công nghiệp Anh trong thập niên 1970, sự hưng thịnh của trung tâm tài chính London dường như cũng chấm dứt.

Thủ tướng Margaret Thatcher đã hồi sinh ngành tài chính. Với các chính sách theo trường phái tân tự do, bà có thể đã chẳng bao giờ khôi phục vinh quang cũ của công nghiệp Anh, nhưng bà đã góp phần tạo nên cách mạng tài chính ở Anh với một loạt những cải cách “Big Bang” (Vụ nổ Lớn) bất ngờ giúp tự do hóa ngành tài chính. Thủ tướng Thatcher cho phép các công ty tài chính ngoại quốc tiếp cận sở giao dịch chứng khoán London, nới lỏng luật lệ giao dịch và chấp nhận thị trường tự do. Một số người trong giới chóp bu tài chính London bảo thủ thậm chí nghĩ rằng các cải cách đó đi quá xa. Họ lo ngại về tình trạng Mỹ hóa của nước Anh.

Đúng là người Mỹ đã tới, người Đức và những người Châu Âu lục địa khác cũng tới. Cùng xuất hiện với họ là cuộc diễu hành chiến thắng của chủ thuyết giá trị cổ đông – dường như tất cả mọi hoạt động kinh doanh đều phải gắn liền với lợi ích của cổ đông. London đón nhận văn hóa này với mức độ lớn hơn bất cứ nơi nào khác, và do vậy trở thành thị trường vốn thống lĩnh ở Châu Âu.

Nhưng cải cách “Big Bang” cũng mang tới cho London điều mà người ở thành phố này gọi là “hiệu ứng Wimbledon” — tức là người ở đó đứng ra tổ chức cuộc tranh tài lớn nhất và hay nhất, nhưng bản thân họ ít khi chiếm vị trí hàng đầu. Sau “Big Bang”, các tổ chức tài chính từ Mỹ, Đức, và Thụy Sỹ mua lại nhiều ngân hàng thương mại Anh.

London chưa bao giờ ngồi yên đợi tiền tự đổ tới. Thành phố này xem chuyên môn tài chính của mình là một sản phẩm có thể xuất khẩu. Song, London xếp thứ hai sau New York, tụt hậu khá xa cho tới cuối thế kỷ 20. Nhưng những phản ứng trước các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 đã giúp London lần đầu tiên vượt qua New York. Mỹ siết chặt luật lệ di trú của mình và tăng rào cản đối với người ngoại quốc muốn làm ăn ở Mỹ. Trong khi đó, London làm ngược lại, mở cửa và chấp nhận văn hóa tự do kinh doanh (laissez-faire).

Tuy nhiên, sau đó cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã làm lung lay dữ dội niềm tin về luật lệ lỏng lẻo. Những ngân hàng như Northern Rock và Royal Bank of Scotland sụp đổ và phải được nhà nước giải cứu. Vụ xì căng đan về thao túng lãi suất liên ngân hàng Libor cũng đã tiết lộ những mối quan hệ quá gần gũi giữa giới quản lý nhà nước và các ngân hàng, và cũng trở thành một biểu tượng toàn cầu của lòng tham và sự vô lương tâm trong ngành này. London cũng có phản ứng thực dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính, cải tổ hệ thống giám sát và cổ xúy cạnh tranh mới để phá vỡ thế độc quyền nhóm của một số ít ngân hàng đã thống lĩnh thị trường.

Nguy cơ mất quyền tiếp cận thị trường chung của EU

Sáng 24-6, ngay sau khi có kết quả Brexit, giá cổ phiếu của các ngân hàng rớt thảm hại, trong đó các ngân hàng Anh dính đòn nặng nhất. Nỗi lo Brexit có thể dẫn tới suy thoái kinh tế đã khiến cổ phiếu của Barclays và Lloyds giảm gần 30% khi thị trường mở cửa. Các ngân hàng Châu Âu cũng không thoát: Deutsche Bank giảm 21%, Credit Suisse và UBS mỗi ngân hàng giảm 13%. Cổ phiếu các ngân hàng Mỹ có hoạt động ở London giảm vào đầu phiên giao dịch ở New York.

Tuy vậy, không có gì đáng nghi ngờ về tính ổn định của các ngân hàng. Từ nhiều tháng qua họ đã biết là sẽ có cuộc trưng cầu ý dân này, và đã chuẩn bị cho kịch bản có kết quả “rời EU”. Việc tăng cường giám sát từ sau khủng hoảng tài chính cũng hữu ích. Nhiều tháng trước, Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh đã hứa có thêm các cuộc đấu giá mua lại (repo) trong thời gian gần cuộc trưng cầu ý dân — cho vay đối với bất cứ ngân hàng có thể dùng chứng khoán để thế chấp. Các ngân hàng lớn của Anh được tiếp cận ngoại tệ thông qua các ngân hàng trung ương khác, Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh có nghiệp vụ hoán đổi (swap) tiền tệ với các ngân hàng trung ương khác.

Do vậy, tình trạng biến động mạnh hiện nay của thị trường là có thể chịu được. Tuy nhiên, về dài hạn, ngành tài chính của Vương quốc Anh có thể gặp nhiều khó khăn trầm trọng. Ngành này hiện đang phát đạt nhờ các quy định “passport” (sổ thông hành) của EU. Theo đó, các ngân hàng, công ty quản lý đầu tư và những công ty tài chính khác ở một nước thành viên có thể phục vụ khách hàng ở 27 nước thành viên khác mà không cần lập cơ sở hoạt động ở nước sở tại. Nhờ đó các công ty con ở Vương quốc Anh của các ngân hàng ngoài EU (ví dụ Mỹ, Nhật và Thụy Sỹ) có thể làm ăn trên khắp Châu Âu từ London, và là một lý do chủ yếu khiến London trở thành thủ phủ tài chính của EU. Trong thời gian dẫn tới cuộc trưng cầu ý dân, TheCityUK, một tổ chức ngành dịch vụ tài chính có quan điểm phản đối Brexit, đã khẳng định rằng London chiếm khoảng 70% thị trường hợp đồng phái sinh lãi suất bằng đồng euro, 90% hoạt động môi giới hỗ trợ giao dịch chứng khoán cho các quỹ đầu tư hedge fund, và chiếm lĩnh nhiều hoạt động khác.

Mối nguy cho ngành dịch vụ tài chính của Vương quốc Anh được bộc lộ trong phát biểu hôm 25-6 của François Villeroy de Galhau, thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp và ủy viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Ông cảnh báo rằng các ngân hàng sẽ mất quyền “passport” để hoạt động ở EU nếu Vương quốc Anh rời khỏi thị trường chung. Ông nói sẽ là nghịch lý nếu cho phép trung tâm tài chính London hoạt động theo luật lệ của EU và không phải là một thành viên của Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEC) như Na Uy. Những ý kiến đầu tiên của một quan chức ECB cho thấy rõ là EU sẽ không để cho ngành tài chính London có được tiến trình chuyển đổi dễ dàng.

Các luật sư cố vấn cho các ngân hàng đầu tư Mỹ đã cảnh báo rằng các quyền “passport” mà họ dựa vào để bán sản phẩm và dịch vụ từ Vương quốc Anh cho các khách hàng EU có thể bị bãi bỏ một phần hoặc toàn phần tùy thuộc vào kết quả đàm phán về việc Vương quốc Anh rời khỏi EU.

Trừ phi “passport” được gia hạn hoặc thay thế, chúng sẽ hết hiệu lực khi Vương quốc Anh rời khỏi EU. Vương quốc Anh có thể mong EU đánh giá rằng luật lệ của Vương quốc Anh “tương đương” với luật lệ của EU, nhưng không dễ đạt được thỏa thuận. Giới chính khách Pháp và Đức muốn củng cố các trung tâm tài chính của nước họ và sắp tranh cử năm tới, nên có thể gây khó dễ. Không có quốc gia ngoài EU nào khác có các quyền “passport” trọn vẹn.

Các mô hình khác không tiện cho lắm. Chẳng hạn mô hình Thụy Sỹ: đàm phán để có quyền tiếp cận thị trường chung theo từng ngành, nhưng điều này loại trừ dịch vụ tài chính. Thụy Sỹ là thành viên của Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu, và có hơn 120 hiệp định song phương với EU. Nhưng giới chuyên gia khó có khả năng Vương quốc Anh được phương án này. Vương quốc Anh có thể chọn cái gọi là “phương án Na Uy”, nghĩa là trở thành thành viên của EEC và được quyền tiếp cận thị trường chung mà không cần là thành viên trọn vẹn của EU. Phương án này bất lợi ở chỗ Vương quốc Anh sẽ phải áp dụng các luật lệ liên quan của EU mà không có quyền tham gia lập pháp. Hoặc Vương quốc Anh có thể thương lượng hiệp định thương mại kiểu Canada với EU. Hiệp định thương mại tự do giữa Canada và EU (CETA) loại trừ hầu hết các dịch vụ tài chính, và một hiệp định sâu rộng giữa Vương quốc Anh và EU sẽ mất nhiều thời gian lâu để đàm phán. Cuối cùng, Vương quốc Anh có thể dựa vào Tổ chức Thương mại Thế giới để giảm bớt các rào cản về hàng hóa, nhưng vẫn có thể còn những rào cản lớn về dịch vụ tài chính.

Các phương án đó đều có vẻ không lý tưởng, phải chăng trung tâm tài chính London sẽ lụi tàn? Có thể không. Theo một số luật sư, trung tâm tài chính London có thể được cứu vãn nhờ luật EU sắp ban hành gọi là Chỉ thị Các thị trường Công cụ Tài chính (MiFID 2). Theo chỉ thị này, nhiều quyền “passport” của các công ty tài chính có thể được mở rộng cho các tập đoàn từ các nước không thuộc EU.

Tất nhiên có nhiều hạn chế. Thứ nhất, MiFID 2 chỉ cấp quyền “passport” cho một số sản phẩm và dịch vụ. Nhiều mảng quan trọng không được quyền này, chẳng hạn quản lý đầu tư, bảo hiểm, cho vay doanh nghiệp và nhận tiền gởi, lưu ký toàn cầu và quản lý tài sản cá nhân, toàn những sở trường của trung tâm tài chính London.

Thứ hai là vấn đề thời gian. MiFID 2 sẽ có hiệu lực vào năm 2018, có thể là thời điểm đẹp, khớp với lúc kết thúc hạn chót 2 năm để đàm phán việc Vương quốc Anh rời khỏi EU. Tuy nhiên, để đủ tiêu chuẩn hưởng quyền này, một quốc gia phải được đánh giá là có chế độ quản lý nhà nước tương đương, và Brussels có thể chỉ mới bắt đầu đánh giá từ năm 2018 — tạo ra một khoảng thời gian trống khá dài giữa thời điểm Brexit và lúc có thể bắt đầu khung thời gian đó.

Cuối cùng, có thể có sự phản đối chính trị mạnh mẽ ở các nước Châu Âu khác về việc cho phép các ngân hàng Vương quốc Anh có quyền tiếp cận không hạn chế đối với thị trường chung. Ủy hội Châu Âu có thể quyết định đánh giá rằng Vương quốc Anh không đáp ứng các tiêu chuẩn về tương đương, nhất là nếu Vương quốc Anh quyết định bỏ một số luật EU, ví dụ giới hạn về mức bổng lộc của giới ngân hàng.

Tạm thời sẽ chưa có gì thay đổi. Vương quốc Anh sẽ còn ở trong EU ít nhất hai năm nữa trong khi thương lượng các điều khoản rời khỏi khối liên hiệp này. Các ngân hàng vẫn chưa dành nhiều thời gian lập kế hoạch dự phòng: cho tới khi Brexit là chuyện chắc chắn, chẳng có lý do gì phải làm vậy. Nhưng nay họ sẽ phải bắt đầu hành động. Một số ngân hàng đã hẹn gặp luật sư của họ từ lâu, để phòng hờ.

Giã từ London?

Trước khi diễn ra bỏ phiếu Brexit, các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase và HSBC cảnh báo rằng hàng ngàn việc làm sẽ được chuyển ra khỏi Vương quốc Anh. Jamie Dimon, tổng giám đốc JPMorgan Chase, hồi tháng 6 nói rằng có thể mất bớt việc làm. Hôm 24-6, HSBC, JPMorgan Chase và Goldman Sachs (hiện đang xây dựng một trụ sở khu vực mới ở London) đều không nhấn mạnh các ảnh hưởng khả dĩ của Brexit. Jamie Dimon nhắn nhủ với nhân viên rằng bất chấp kết quả bỏ phiếu Brexit, JPMorgan Chase sẽ duy trì mức độ hoạt động ở London, Bournemouth và Scotland. Một phát ngôn viên của Morgan Stanley bác bỏ một tin cho rằng ngân hàng này đã bắt đầu quá trình chuyển 2.000 nhân viên ngân hàng đầu tư ra khỏi London.

Theo tờ Financial Times, sau khi có kết quả bỏ phiếu, một số ngân hàng, nhất là các ngân hàng lớn của Mỹ, đã khởi động các kế hoạch dự phòng và liên hệ các cơ quan quản lý nhà nước để tìm hiểu về giấy phép cần để hoạt động ở nước khác ngoài Vương quốc Anh. Giới quản lý các ngân hàng đang chuẩn bị để rốt cuộc chuyển sang các nước khác.

Các ngân hàng lớn của Mỹ — JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Bank of America, Citigroup và Morgan Stanley — có hàng chục ngàn nhân viên ở Vương quốc Anh. Nay họ đang chuẩn bị chuyển một số mảng hoạt động sang các thành phố như Paris, Frankfurt và Dublin. Nhưng phần lớn vẫn thiếu giấy phép để thực hiện nhiều hoạt động mà hiện nay đang làm tại London.

Hồi tháng 2, Stuart Gulliver, tổng giám đốc HSBC, nói ngân hàng này sẽ chuyển 1.000 trong số 5.000 nhân viên trong mảng ngân hàng đầu tư ở Vương quốc Anh sang Paris nếu Brexit xảy ra. Các ngân hàng Vương quốc Anh khác, như Barclays, Royal Bank of Scotland và Lloyds Banking Group, cũng có thể cần phải tăng cường sự hiện diện ở Châu Âu bên ngoài Vương quốc Anh.

Nhiều công ty quản lý đầu tư lớn cũng đang rốt ráo lên kế hoạch giảm bớt mức độ phụ thuộc vào London. M&G, Columbia Threadneedle, Legg Mason, Fidelity International và T Rowe Price đều có ý định chuyển nhân viên ra khỏi London, tăng nhân sự ở EU hoặc lập quỹ ở các nước EU láng giềng vì lo không được huy động vốn ở Châu Âu.

Chưa có công ty quản lý đầu tư nào tuyên bố sẽ dời trụ sở chính ra khỏi London, nhưng hôm 5-7 Hiệp hội Đầu tư, tổ chức ở London đại diện cho các công ty quản lý đầu tư ở Vương quốc Anh, tổ chức một hội nghị đặc biệt của thành viên để bàn cách ứng phó với hệ lụy của kết quả bỏ phiếu Brexit.

Nỗi quan ngại lớn là Brexit sẽ đe dọa vị thế của Vương quốc Anh là trung tâm quản lý đầu tư lớn thứ nhì thế giới sau Mỹ. Các công ty đầu tư đóng ở Vương quốc Anh quản lý tài sản đầu tư trị giá 5,5 ngàn tỷ bảng Anh và có 35.000 nhân viên. Khoảng 25.000 người làm việc cho các công ty có liên quan.

Dublin và Luxembourg đã bắt đầu cố gắng chiêu dụ các công ty rời khỏi London. Hiệp hội thị trường quỹ đầu tư của Luxembourg đã thành lập một nhóm công tác chuyên trách về Brexit với mục tiêu thu hút các công ty quản lý đầu tư sang nước này. Tổ chức ngành nghề Irish Funds đã giao cho 38 nhóm công tác hiện có của mình nhiệm vụ tìm hiểu cách Ireland có thể hưởng lợi từ việc Vương quốc Anh rời khỏi EU.

Sau cuộc bỏ phiếu Brexit, IDA, tổ chức đảm trách thu hút đầu tư nước ngoài vào Ireland, đã viết thư cho tất cả các công ty quản lý đầu tư quốc tế có hoạt động ở nước này, ngỏ ý sẵn sàng phối hợp với họ để hỗ trợ phát triển kinh doanh.

Fidelity International, công ty đã mở văn phòng đầu tiên ở London của mình vào năm 1973 và quản lý tài sản trị giá 190 tỷ bảng Anh, thông báo sẽ chuyển 100 nhân viên sang Ireland, nhưng cho biết đợt thuyên chuyển này đã được hoạch định trước khi có kết quả Brexit. Công ty hiện có 65 nhân viên ở Dublin.

Columbia Threadneedle, công ty đã hiện diện ở London từ năm 1995, cho biết sẽ lập một trung tâm quản lý đầu tư bên ngoài Vương quốc Anh trước khi nước này chính thức rời EU. Trong đợt chuyển đổi này, công ty này mở rộng hoạt động ở Luxembourg và lần đầu tiên chuyển các giám đốc quản lý danh mục đầu tư ra khỏi London. Tuy nhiên, công ty khẳng định không dời trụ sở chính khỏi London.

M&G Investments, nhánh quản lý đầu tư của công ty bảo hiểm Prudential, cho biết đã bắt đầu lập các quỹ mới ở Ireland để bán cho giới đầu tư Châu Âu để chuẩn bị cho Brexit. Nhân viên sẽ được tăng thêm hoặc thuyên chuyển để giám sát mảng quản lý đầu tư ở Dublin, nhưng M&G nói rằng các hoạt động hiện có sẽ không bị dời khỏi London. Thay vì vậy, các quỹ đầu tư giống hệt sẽ được lập ở Dublin dành cho giới đầu tư ngoại quốc.

Jonathan Lewis, tổng giám đốc Nomura International của Nhật với khoảng 2.600 nhân viên ở London, nói công ty này sẽ đợi xem tình hình ra sao trước khi đưa ra những quyết định lớn về các địa điểm và cơ cấu hoạt động của mình. Nhưng theo ông, kịch bản khả dĩ nhất là Vương quốc Anh sẽ bị thất thế. Ông cho rằng chẳng ai dám nói chắc là quyền “passport” của Vương quốc Anh sẽ được tiếp tục, vì cả Thụy Sỹ và Mỹ đều không có quyền đó.

Tuy nhiên có chuyển thì cũng không vội vàng. Chuyển địa điểm của cơ sở và nhân lực ngân hàng đầu tư là quá trình tốn kém và phức tạp. Trong khi London vẫn có nhiều lợi thế: ngôn ngữ, hệ thống pháp lý, và nguồn nhân tài từ lâu đã là thế mạnh của trung tâm tài chính này, cũng như những sức hút vô hình như nhà ở, trường học, nhà hàng và các nét văn hóa hấp dẫn. Nhiều chuyên viên giao dịch hàng đầu sẽ cân nhắc liệu có muốn sống ở Frankfurt hay Dublin hay không.

London hẳn nhiên quá lớn, và có sức hút quá mạnh nên khó có ngân hàng lớn nào rút hoàn toàn. Ngoài chuyên môn ngân hàng, London có nhiều ngành nghề phụ trợ khác như kế toán, luật và tư vấn. Brexit vẫn có thể khiến ngành tài chính của Châu Âu phân tán. Chuyển một số hoạt động sang nơi khác có thể là chuyện hợp lý. Các cơ quan quản lý của EU có thể bắt buộc các ngân hàng chuyển nhân sự và vốn sang Pháp hoặc Ireland. John Cryan, tổng giám đốc Deutsche Bank, đã nói rằng sẽ “kỳ cục” nếu giao dịch đồng euro và công trái EU được thực hiện ở một chi nhánh bên ngoài EU. Nhiều người nghĩ rằng việc thanh toán bù trừ cho các giao dịch euro ở London sẽ trở nên khó khăn hơn.

Trung tâm tài chính London sẽ không sụp đổ, nhưng có thể mất một số mảng làm ăn về tay các trung tâm tài chính khác nhỏ hơn, như Paris, Frankfurt, Dublin và Luxembourg. Lợi ích kinh tế nhờ quy mô của Vương quốc Anh sẽ bị giảm, trong khi các nơi khác sẽ quá nhỏ nên lợi bất cập hại. Do vẫn đang cố gắng khắc phục tám năm sau khủng hoảng tài chính và đương đầu với các cơ quan quản lý lắm đòi hỏi và các cổ đông thiếu kiên nhẫn, các ngân hàng lớn của thế giới chắc chắn chẳng lấy làm vui trước những phí tổn và sự gián đoạn do Brexit gây ra.

(Tổng hợp từ Der Spiegel, Financial Times, The Economist)

© 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *