TPP: Bỏ thì thương, vương có đặng?

Phạm Vũ Lửa Hạ

 

Donald Trump ký‎ sắc lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi TPP hôm 23/1/2017. (Ảnh: Reuters)

Ngày 23/1/2017, một trong những hành động đầu tiên của Donald Trump sau khi nhậm chức tổng thống là quyết định rút Mỹ ra khỏi hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Có vẻ như đó là hồi chuông báo tử cho TPP, như thủ tướng Shinzo Abe từng nhận định “TPP không có Mỹ thì vô nghĩa” hồi tháng 11/2016.

TPP-trừ-một, hay TPP 2.0

Sau vài tháng im ắng, bỗng nhiên TPP (ban đầu gồm 12 nước) được hà hơi; các thành viên còn lại muốn hồi sinh hiệp định tưởng đã chết yểu này. Bộ trưởng thương mại của các nước này đã dự hội nghị ở Viña del Mar, Chile vào trung tuần tháng 3 để bàn về tương lai TPP không có Mỹ, được gọi là TPP-trừ-1 hoặc TPP11, hoặc bằng cái tên lạc quan hơn TPP 2.0. Hội nghị ở Chile đã quyết định mở lại đàm phán giữa các nước còn lại, và Canada đồng ý đăng cai các cuộc họp thăm dò đầu tiên.

Các quan chức thương mại cấp cao của TPP11 đã tham dự các cuộc đàm phán có tính khảo sát ở Toronto vào hai ngày 2/5 và 3/5. Các bên đánh giá những phần nào của TPP12 có thể được chuyển sang hoặc tái đàm phán giữa các nước còn lại. Tuy các bộ trưởng thương mại không tham dự, sự kiện này được xem là bước trù bị cho cuộc họp bên lề của TPP11 tại hội nghị bộ trưởng thương mại của diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra ở Hà Nội vào ngày 20/5 và 21/5.

Tại hội nghị lần thứ hai trong năm 2017 của Hội đồng Cố vấn Kinh doanh APEC (ABAC) cuối tháng 4 ở Seoul, Hàn Quốc, giới lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực nhất trí rằng không nên để TPP chết chỉ vì vắng Mỹ.

Một nhà ngoại giao Singapore cho rằng nỗ lực hồi sinh TPP sẽ chẳng đi tới đâu trừ phi Nhật, nền kinh tế lớn nhất còn lại trong TPP, lĩnh ấn tiên phong. Ngay cả một số chuyên gia và nghị sĩ Mỹ cũng ủng hộ Nhật thay thế Mỹ thúc đẩy thương mại tự do ở Châu Á. Họ lo ngại rằng việc Mỹ rút khỏi TPP, một trọng tâm của chính sách đối ngoại chú trọng tới Châu Á của chính quyền Obama, có thể khiến Trung Quốc kiểm soát khu vực này nhiều hơn.

Thái độ của Nhật về TPP thiếu Mỹ dường như đã thay đổi từ vô vọng sang hồ hởi. Tại một hội nghị ở Nhật hồi đầu tháng 4, Hiroshige Seko, bộ trưởng kinh tế, thương mại và công nghiệp của Nhật, đã đề xuất một phương án thay thế với các vị đồng nhiệm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN): khỏi cần Mỹ, chúng ta có thể có TPP11.

Chính quyền Trump tỏ vẻ không phản đối TPP11. Trong cuộc gặp hồi tháng 2, thủ tướng Abe và tổng thống Trump đã đồng ý tìm hiểu cách tốt nhất thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sau khi Mỹ đã rút khỏi TPP. Theo một tuyên bố chung của hai bên sau cuộc họp đó, như vậy có nghĩa là Nhật tiếp tục thúc đẩy tiến bộ trong khu vực dựa trên các sáng kiến hiện có. Nhật đã khẳng định với Mỹ là việc này bao gồm một TPP gồm 11 thành viên.

TPP11 có thể đẩy Nhật vào thế khó xử với Mỹ về sau khi những yêu cầu của Washington về mở cửa thị trường Nhật có thể đụng chạm với những cam kết của Nhật với các nước TPP. Nhưng Nhật cũng không thể bỏ qua lợi ích khả dĩ của TPP11. Theo giáo sư Kenichi Kawasaki thuộc Viện Cao học Quốc gia về Nghiên cứu Chính sách, TPP11 sẽ tăng GDP thực của Nhật 1,11%, thấp hơn một chút so với mức tăng 1,37% nếu có TPP12. Giữ TPP cũng ngăn chặn làn sóng chống toàn cầu hóa đang làn khắp thế giới với sự vươn lên của Trump và Vương quốc Anh quyết định rời Liên hiệp Châu Âu.

Ngoài giá trị kinh tế cụ thể, các nước TPP còn cân nhắc môi trường thương mại toàn cầu đã thay đổi tận gốc. Chính quyền Trump đã đảo lộn thực tiễn chính trị và các toan tính chiến lược ở vùng Thái Bình Dương.

Chính sách ngoại thương của Mỹ đã chuyển từ cách tiếp cận đôi bên cùng có lợi sang kiểu “nước Mỹ trên hết”. Mỹ toan tính dùng ưu thế kinh tế của mình để được trên cơ trong những đàm phán một đối một. Tổng thống Trump thích hiệp định song phương, chê đa phương (nguyên lý nền tảng của TPP). Ông không nói rõ tại sao, nhưng có lẽ ông tin rằng Mỹ có ưu thế hơn trong đàm phán song phương.

Do hiện chỉ mới có hai nước phê chuẩn TPP, và các nước khác đang ở những thời điểm khác nhau trong quá trình phê chuẩn, việc xúc tiến TPP11, tức là có những thay đổi so với hiệp định ban đầu, có thể gặp nhiều cam go do quy trình phê chuẩn của mỗi nước có những đòi hỏi khác nhau.

Vắng mợ, chợ vẫn đông

Bộ trưởng thương mại các nước TPP sau khi ký‎ hiệp định ở New Zealand năm ngoái . (Ảnh: AP)

Căn cứ theo văn bản hiệp định hiện nay, TPP trên lý thuyết đã chết. Theo quy định trong Chương 30, Điều 30.5, tiểu mục 2, TPP sẽ có hiệu lực nếu ít nhất 6 trong những nước ký kết ban đầu, mà tính chung chiếm ít nhất 85% tổng sản lượng nội địa (GDP) của các nước ký kết ban đầu vào năm 2013, đã phê chuẩn hiệp định.

Với công thức này, khi Mỹ rút lui, TPP theo văn bản đã ký kết không thể có hiệu lực vì Mỹ và Nhật chiếm phần lớn trong 85% GDP vào năm 2013. (Riêng Mỹ đã chiếm 60% GDP của TPP12.)

Tuy nhiên, có những phương án ứng phó khi Mỹ bỏ cuộc. Cách đơn giản nhất là sửa đổi ngôn ngữ của quy định 85% GDP trong Chương 30. Một cách khác là có một thỏa thuận riêng để tạm thời thực hiện các điều khoản TPP hiện có và tạm hoãn các điều khoản liên quan cụ thể tới Mỹ phòng khi Mỹ sẽ đổi ý.

Có người hy vọng rằng Mỹ sẽ thay đổi quan điểm. Dù gì đi nữa, tổng thống Trump đã thất hứa khá nhiều đối với những lời hứa khi tranh cử liên quan tới thương mại, nhất là những lời hăm he chính thức định danh Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.

Bộ trưởng thương mại Úc Steven Ciobo loại trừ khả năng Mỹ thay đổi lập trường về TPP. Trong một chuyến công du tới Châu Á hồi tháng 4, phó tổng thống Mỹ Mike Pence nói chính quyền Mỹ hiện tại xem TPP là “chuyện của quá khứ”. Theo ông, Washington sẽ tập trung đàm phán các hiệp định song phương mới hoặc cải thiện với các đối tác thương mại của mình, phù hợp với cách tiếp cận được tổng thống Trump.

TPP thiếu Mỹ hẳn nhiên không “hoành tráng” như TPP12. Các nước TPP12 chiếm khoảng 38% GDP thế giới và 26% hoạt động thương mại thế giới. Vắng Mỹ, những con số này chỉ còn lần lượt 13% và 15%. Nhiều nước ban đầu hồ hởi ký vì những lợi ích tiềm năng nhờ được tiếp cận nhiều hơn với thị trường Mỹ khổng lồ và giàu có.

Song, TPP vẫn còn ít nhiều sức hút đối với các thành viên còn lại, dù không còn thị trường Mỹ “béo bở”. Đối với nhiều nước ký kết, TPP còn có các lợi ích khác ngoài cơ hội vào thị trường Mỹ. Thứ nhất, trong bối cảnh vòng đàm phán Doha và các nỗ lực của WTO dậm chân tại chỗ, TPP khích lệ nhiều nước trên thế giới thấy rằng vẫn có thể thương lượng các hiệp định thương mại tự do quy mô lớn và nhiều tham vọng.

Thứ hai, những nền kinh tế nhiều khác biệt như Nhật và Việt Nam tìm được mục tiêu chung ở TPP là dùng các cam kết trong hiệp định này để thực hiện những cải cách quan trọng trong nước, như Trung Quốc dùng việc gia nhập WTO vào năm 2001 làm đòn bẩy cho quá trình mở cửa thị trường nội địa.

Cũng có thể nghĩ rằng với Nhật, TPP còn phục vụ mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc. Mỹ đã muốn chặn Trung Quốc, Nhật càng muốn hơn. Các phương án thay thế TPP là hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hay Khu vực Thương mại Tự do Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). FTAAP rõ ràng là một đề xuất do Trung Quốc dẫn đầu. Tuy RCEP bắt đầu là một sáng kiến của ASEAN, nhiều người hiện nay xem nó cũng là do Trung Quốc dẫn đầu. Do đó, TPP, hay thậm chí TPP11, phù hợp với mục tiêu của Nhật kìm hãm đà vươn lên của Trung Quốc để thống lĩnh kinh tế Châu Á.

Nhật có thể chẳng mất gì khi cổ xúy TPP11. Đúng là quy mô nhỏ hơn, chỉ chiếm 15% hoạt động thương mại toàn cầu, thay vì 26% của TPP12. Nhưng quy mô không phải là tất cả. Lúc khởi thủy, TPP chỉ có 4 nước (Singapore, New Zealand, Chile và Brunei) vào năm 2006, hầu như không có tác động toàn cầu gì. Tất nhiên lợi ích của TPP đối với Nhật sẽ không còn thị trường xuất khẩu sang Mỹ, nhưng điều đó có thể được bù đắp bằng hiệp định song phương đang suy tính với Mỹ.

Đối với Canada, việc khôi phục TPP diễn ra trong thời kỳ có nhiều diễn biến thương mại hệ trọng. Canada đang chuẩn bị cho các đàm phán ba bên với Mỹ và Mexico để “điều chỉnh” NAFTA. Canada muốn đa dạng hóa thị trường ngoại thương của mình, bớt phụ thuộc vào đối tác thương mại lớn nhất của mình, giữa lúc có nhiều tranh chấp leo thang với chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), gỗ mềm và ngành bơ sữa. Hồi cuối tháng 4, Bộ thương mại Mỹ quyết định đánh thuế nhập khẩu từ 3% tới 24% đối với gỗ mềm ở Canada. (Ngay sau đó chính phủ của thủ tướng Justin Trudeau nói rằng Canada sẽ cố gắng tăng cường xuất khẩu sang Châu Á.) Tổng thống Trump cũng ra lệnh điều tra về các vi phạm khả dĩ của nhiều đối tác thương mại, trong đó có Canada.

New Zealand từ nhiều năm qua đã quyết tâm mở cửa thị trường. Ngày 11/5/2017, New Zealand trở thành nước thứ nhì (sau Nhật) phê chuẩn TPP. Thủ tướng Bill English nói ông sẽ thảo luận về TPP trong chuyến thăm Nhật vào tuần tới. Bác bỏ ý kiến cho rằng việc phê chuẩn TPP chỉ có tính biểu tượng, bộ trưởng thương mại Todd McClay nói đó là cơ hội để New Zealand đảm trách vai trò đi đầu trong việc hồi sinh hiệp định này. New Zealand thiết tha với TPP vì thường là đối tác nhỏ hơn trong các thỏa thuận song phương, và ít có cơ hội ký hiệp định thương mại tự do với các nước như Nhật hay Canada.

Các thành viên như Nhật, Canada, Úc và New Zealand có vẻ sẵn sàng, nhưng sẽ cần Việt Nam và Malaysia chấp nhận tiếp tục cuộc chơi. Việt Nam và Malaysia đã có nhiều nhượng bộ đáng kể khi có Mỹ tham gia, và nay có thể không còn thấy hấp dẫn nếu không còn cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu khổng lồ đó.

Đàm phán lại?

Giữ TPP không chỉ là yêu cầu 11 nước còn lại phê chuẩn hiệp định. Mọi hiệp định thương mại là kết quả cân đong đo đếm các nhượng bộ giữa các thành viên. Phần lớn các điều khoản trong TPP hiện tại phản ánh những mặc cả sao cho thích ứng với yêu sách của Mỹ, ví dụ Canada chịu mở cửa ngành bơ sữa vốn hưởng nhiều hỗ trợ của chính phủ, hoặc Việt Nam buộc phải ký văn bản riêng với Mỹ về những tiêu chuẩn lao động cao hơn, trong đó có cho phép công đoàn độc lập.

Không còn Mỹ, liệu Canada có còn chịu giữ các nhượng bộ trong TPP12 để bù đắp (cho Mỹ và các nước khác) cho những chính sách quản lý nguồn cung nhằm bảo hệ giới nông dân ngành bơ sữa nội địa? Những nước như Việt Nam và Mexico từng miễn cưỡng chấp nhận các tiêu chuẩn mới về môi trường và quan hệ lao động, nhưng đành gật đầu vì sức hút của thị trường Mỹ. Nay không còn Mỹ, chưa chắc họ chịu giữ các nhượng bộ đó trong TPP11 chỉ tương đương 40% GDP của TPP12.

Nếu Việt Nam và Malaysia hoặc các nước khác đòi bỏ những điều khoản đã đồng ý do áp lực của Mỹ, thì TPP11 phải đàm phán trọn vẹn trở lại. Không dễ gì thuyết phục tất các các bên liên quan chấp nhận giữ nguyên các điều khoản của TPP hiện nay.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg hồi đầu tháng 5, bộ trưởng thương mại Úc Steven Ciobo cho rằng khó có khả năng tái đàm phán TPP do cán cân hiện nay của những đánh đổi trong hiệp định này. Một số thành viên có vẻ muốn tái đàm phán TPP, hoặc có thể kết nạp thành viên mới để bù đắp cho tổn thất do mất thị trường Mỹ.

Một yếu tố khác có thể tác động tới TPP là sắp tới có thể tái đàm phán NAFTA, Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ đã tồn tại hơn 20 năm giữa Mỹ, Canada, và Mexico. Tính chất chính trị gay go của những đàm phán đó có thể có ảnh hưởng tới các nỗ lực hồi sinh TPP11, do Canada và Mexico cũng tham gia TPP.

Chưa ai rõ TPP11 sẽ bắt đầu tái khởi động lúc nào, nhưng có vẻ như tháng 11 năm nay là một thời điểm thích hợp. Hồi đầu tháng 5, những nhà đàm phán Nhật nói với hãng tin Kyodo rằng Nhật ủng hộ xúc tiến TPP11. Nhật là một trong những nước nhắm tới thời điểm tháng 11, lúc diễn ra hội nghị thường niên của lãnh đạo các nước APEC tại Đà Nẵng (vào ngày 10 và 11).

Hội nghị APEC tại Đà Nẵng có chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, và Việt Nam xem thúc đẩy thương mại và đầu tư, nhất là bằng hội nhập khu vực sâu hơn, là một trong những ưu tiên chính của mình, nhất quán với các mục tiêu Bogor 2020. Hội nghị APEC năm 1994 tại Bogor, Indonesia, đã đặt ra các mục tiêu và chỉ tiêu đạt được “thương mại và đầu tư tự do” cho các nước đã phát triển (năm 2010) và các nước đang phát triển (năm 2020).

APEC đã đánh giá định kỳ tiến độ thực hiện các mục tiêu này, với các báo cáo cập nhật vài năm một lần. APEC cũng đã và đang xem xét các phương án cho FTAAP. Trong quá khứ, giới chức APEC đã nói rằng TPP và các nỗ lực khu vực khác có thể làm nền tảng cho một khu vực thương mại như vậy.

Trong khi đó, cũng đầu tháng 5, những cuộc đàm phán RCEP, bắt đầu trở lại tại Philippines. Với sự tham gia của 16 nước, gồm 10 thành viên ASEAN, và 6 đối tác thương mại tự do của họ, RECEP hy vọng được ký kết trong năm nay. Trong RECEP có một số thành viên TPP.

Bản rút gọn của bài này đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần 29/5/2017.

© 2017 Phạm Vũ Lửa Hạ

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *