Trị quốc bằng Twitter

Kurt Eichenwald

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Chúng thình lình xuất hiện, phá hoại và gây hỗn loạn trên toàn cầu.

Tại các cơ quan tình báo Mỹ, chúng làm tiêu tan nhuệ khí, theo một quan chức chính phủ có quan hệ với ngành tình báo. Những viên chức chủ chốt từng có các hy sinh cá nhân vì ái quốc đang chải chuốt lại sơ yếu lý lịch chuyên môn để chuẩn bị nhảy qua làm cho khu vực tư nhân béo bở hơn. Trên thực địa, các đặc vụ đang phát hiện rằng các nguồn tin nước ngoài ngày càng dè dặt về chuyện tiếp tục chấp nhận các rủi ro cá nhân để cung cấp thông tin cho Mỹ về những hoạt động của các chính phủ nước ngoài.

Ở Hàn Quốc, theo tâm sự riêng của những quan chức ở đó với các đầu mối liên lạc ở Mỹ, chúng đã tăng cảm giác an tâm. Họ tin rằng chính phủ Mỹ sẽ sớm có hành động mạnh mẽ hơn để phản ứng trước việc Bắc Hàn nhiều lần coi thường các nghị quyết của Liên Hợp Quốc kêu gọi Bình Nhưỡng bãi bỏ chương trình hạt nhân và ngừng các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo.

Alec Baldwin giả Trump trong sô Saturday Night Live để châm chọc Trump. (Ảnh: Will Heath/NBC)

Với Alec Baldwin, chúng đã tăng tiếng tăm của ông trên toàn thế giới. Chúng đã cho những người không quan tâm tới TV biết rằng điểm xếp hạng của sô truyền hình thực tế Celebrity Apprentice đã giảm. Với một số người ở Wall Street, theo phát biểu của một nhà quản lý với tạp chí Newsweek, chúng đã tạo ra một chiến lược mới đánh cược vào những “đợt rớt giá vì Trump” [“Trump slump”] trong đó giới buôn bán chứng khoán theo dõi các bản tin truyền hình về một diễn biến doanh nghiệp mà có thể khiến Donald Trump nổi giận, rồi sau đó, với hy vọng ông sẽ có những phát biểu ác khẩu trên Twitter, họ thực hiện những giao dịch ngắn hạn mà qua đó họ sẽ thu lợi nếu giá cổ phiếu của công ty đó giảm.

Tất cả những sự kiện lạ thường này là kết quả của việc trị quốc bằng Twitter, một thế giới mới kỳ lạ trong đó một nền tảng giao tiếp trên Internet kết hợp với một tổng thống mới đắc cử bốc đồng để đại náo toàn cầu trong các thị trường đầu tư, các hành lang quyền lực hải ngoại và các cơ quan nội địa. Sáng, chiều hay cả nửa đêm, Trump tung ra những tuyên bố dài 140 ký tự về chính sách và chuyện tào lao bằng những tia chớp phô trương quyền lực và sự hận thù một cách tùy tiện thình lình lóe lên trên không gian ảo. Những thảo luận và tranh luận trên báo chí và trên Internet về nội dung của chúng diễn ra trong vài giờ sau đó — Tại sao không thể cấm việc đốt cờ? Tại sao đang chế tạo một chuyên cơ Air Force One mới? — trước khi để lửng vấn đề và chuyển sang một đề tài Twitter khác của Trump.

Nhiều tổng thống đã dùng công nghệ để giao tiếp trực tiếp với người dân. Franklin D. Roosevelt đã thực hiện điều được gọi là “cuộc nói chuyện bên lò sưởi” đầu tiên của ông qua radio vào tháng 3 năm 1933, vào lúc có nỗi lo sợ lớn về tình trạng của các ngân hàng Mỹ. Dwight Eisenhower tiến hành các cuộc họp báo của tổng thống được truyền hình trực tiếp đầu tiên. Ronald Reagan hãnh diện về việc nói trực tiếp với người dân trong các bài phát biểu được truyền hình trực tiếp khi ông tin rằng Quốc hội đang cản trở nghị trình của ông. Và Barack Obama dùng mạng xã hội, trong đó có Twitter, Facebook và Flickr. Nhưng tất cả các phương pháp tiếp xúc trực tiếp với dân chúng này nhằm tạo niềm tin hoặc vận động cho các luật cụ thể, chứ không phải để công kích sô Saturday Night Live vì đả kích Trump, hoặc rủa xả các diễn viên như Meryl Streep vì phê phán ông tại lễ trao giải Quả cầu Vàng [Golden Globes]. (Thử hình dung Reagan tuyên bố với cả quốc gia rằng Trump là “một doanh nhân thất bại, được đánh giá quá cao. Buồn quá!” vào năm 1987, khi nhà kinh doanh địa ốc người New York này chỉ trích chính sách đối ngoại của tổng thống và nghi vấn về mức độ hiểu biết của ông.)

Từ lâu trước lần chạy đua vào Tòa Bạch Ốc gần đây nhất,  một phần nổi bật trong cuộc đời Trump là viết trên Twitter dường như không kiềm chế được. Nhưng trong suốt chiến dịch tranh cử này, nỗi ám ảnh Twitter đã khiến thậm chí các đồng minh của ông thấy kỳ quái khi ông nhiều lần đăng đàn Twitter công kích cha mẹ của một quân nhân Mỹ tử trận, báo chí và gần như bất cứ ai chỉ trích ông. Kinh khủng nhất là khi ông tweet không ngừng nghỉ những lời thóa mạ một cựu Hoa hậu Hoàn vũ mà đã chỉ trích ông vì hạ nhục cô khi ông nắm cuộc thi hoa hậu đó; một tràng những cái tweet điên rồ được gõ từ điện thoại di động của ông khi phần lớn mọi người ở Mỹ đang say giấc nồng; một lần nữa lại khiến thiên hạ thắc mắc liệu Trump có khả năng tự kiềm chế để làm tổng thống. Nhưng trong chiến dịch tranh cử Trump nhiều lần hứa rằng hành vi trên mạng của ông sẽ thay đổi nếu ông thắng cử. Hồi tháng 11 năm 2016, Trump nói trên chương trình 60 Minutes (60 Phút) về tài khoản Twitter của ông, “Tôi sẽ rất kiềm chế, nếu tôi có dùng nó, tôi sẽ rất kiềm chế.”

Vẻ giả tạo đó đã biến mất — từ ngày 11-11-2016 tới ngày 12-1-2017, Trump đã phát đi 315 cái tweet, trong đó có những cái tweet lại của người khác. Thay vì giảm bớt tweet, thuộc cấp của ông nói rằng Trump sẽ dùng Twitter để tránh bộ lọc của báo chí chủ lưu.

Ác một nỗi là Trump dường như không có bộ lọc cho chính mình, tung ra trên Twitter những phát biểu gây thiệt hại ghê gớm trước khi ông thậm chí có đủ thông tin để biết là mình có đúng hay không. Ví dụ, những vấn đề hiện nay trong ngành tình báo về nhân sự và các nguồn tin hải ngoại chủ yếu là do Trump nhiều lần chỉ trích về năng lực và tính liêm chính của các cơ quan dân sự và quân sự đó. Tuy nhiên, ông say sưa phát đi những lời chỉ trích của mình về tính chuyên nghiệp của họ và các kết luận của họ về nạn hacking của Nga mà không thèm ngồi nghe họ trình bày cặn kẽ những phát hiện của mình. Khi một buổi báo cáo bị hoãn hai ngày, ông phát đi một cái tweet với dấu ngoặc kép có vẻ mỉa mai quanh từ “tình báo” rồi chua thêm, “có lẽ cần thêm thời gian để chuẩn bị luận cứ. Lạ quá!”

https://twitter.com/realDonaldTrump/status/816452807024840704

Rồi ông được báo cáo. Sau nhiều tuần công kích giới chuyên gia tình báo bằng cách cổ xúy những phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Julian Assange của WikiLeaks, Trump thừa nhận trong một cuộc họp báo vào ngày 11 tháng 1 năm 2017 rằng nay ông tin là Nga đứng đằng sau vụ hacking phá rối cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Dẫu vậy — trước cuộc họp báo đó, Trump bắn đi một cái tweet tố cáo ngành tình báo đã tiết lộ một hồ sơ thông tin do các điều tra viên tư nhân không thuộc nhà nước tổng hợp, tố cáo các cơ quan này hành xử như phát xít. Trước khi phát đi những cái tweet chửi rủa các cơ quan tình báo, Trump dường như đã không nghĩ rằng những bên khả dĩ nhất đã tiết lộ các tài liệu đó là những bên tư nhân — trong đó có một bên đã được nhận dạng công khai là đã thực hiện nghiên cứu của phe đối lập về ông.

Những các tweet khác của Trump báo hiệu một hướng đi tốt hơn về các chính sách cụ thể so với các chính sách của chính quyền Obama — có thể. Khổ nỗi, với những điều có vẻ như là các bình luận về chuyện như đối ngoại lẫn lộn với những chỉ trích về các diễn viên trong vở nhạc kịch Hamilton, không thể nào biết liệu Trump đang đưa ra một lập luận có cân nhắc phản ánh đường hướng của chính quyền ông dựa trên ý kiến đóng góp của các chuyên gia, hay chỉ phản ứng trước điều ông đọc thấy trên một hộp cereal.

Một ví dụ: Trong một cái tweet về Bắc Hàn, Trump có thể đã gắng đạt được điều gì đó, hoặc có thể chỉ là gắng tỏ ra cứng rắn. Vào ngày 2 tháng 1, ông gõ, “Bắc Hàn vừa tuyên bố họ đang trong những giai đoạn cuối của việc chế tạo một vũ khí hạt nhân có khả năng bắn tới nhiều vùng ở Mỹ. Chuyện đó sẽ không xảy ra!”

https://twitter.com/realDonaldTrump/status/816057920223846400

Cái tweet đó có thể là một hành động xuất sắc về ngoại giao hoặc một trò tầm phào do thiếu thông tin. Kim Jong Un, lãnh tụ độc tài của Bắc Hàn, nổi tiếng hay khoác lác về chuyện Bắc Hàn có những khả năng mà nước này chẳng có, và đây là một trong trường hợp đó. Bình Nhưỡng xưa nay chưa tiến xa hơn thử nghiệm các tên lửa tầm trung, mà đã thất bại 7 trong 8 lần thử. Những tên lửa đó — nếu chúng thậm chí xài được — có thể không đi được nửa khoảng cách từ Bắc Hàn tới phần lục địa của Mỹ; chúng thậm chí còn hụt Hawaii khoảng 1.500 dặm. Vì vậy Bắc Hàn làm gì có khả năng đánh tới Mỹ bằng một thiết bị hạt nhân, và tuyên bố đó chỉ là một trong những đòn múa kiếm mà không có kiếm của Kim Jong Un. Vì vậy nếu Trump thật tâm coi trọng sự khoác lác của Bắc Hàn và đấu khẩu với một tuyên bố hiếu chiến bằng một cái tweet hiếu chiến, thì quả là ngớ ngẩn.

Trái lại, nếu tuyên bố của Trump được cân nhắc thấu đáo chứ không phải bốc đồng, thì quả là khôn khéo. Một trong những thất bại chính sách đối ngoại lớn nhất của chính quyền Obama là cách ứng phó với các cuộc thử nghiệm tên lửa của Bắc Hàn, một cách tiếp cận có thể được gọi là “lớn tiếng mà chẳng răn đe được”. Dù Bình Nhưỡng đã thực hiện hàng chục cuộc thử nghiệm — lần nào cũng là vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc — Obama gần như chẳng có phản ứng gì. Theo giới chuyên gia, cách tiếp cận đó đã khiến Kim Jong Un càng táo tợn hơn và khiến giới chức Hàn Quốc lo sợ rằng Mỹ có thể không sẵn sàng bảo vệ nước họ trước một cuộc tấn công của Bắc Hàn.

Cái tweet của Trump thay đổi điều đó, và nay người Hàn Quốc đã nói với ít nhất một cố vấn Mỹ, người đã phát biểu nặc danh với tạp chí Newsweek để không tổn hại mối quan hệ của ông với giới chức ở đó, rằng họ lạc quan một cách thận trọng rằng tổng thống Mỹ mới đắc cử dự định đối đầu một cách quyết liệt với Bắc Hàn. Bruce Bennett, một nhà phân tích cao cấp ở [tổ chức nghiên cứu] Rand Corporation nói, “Ông có kiểu phản ứng đúng với Bắc Hàn. Câu hỏi mà ông phải đương đầu là liệu ông có sẽ thực sự xem các cuộc thử nghiệm tên lửa của Bắc Hàn là một vấn đề lớn, và nếu ông nghĩ vậy, ông sẽ làm gì để cố gắng ngăn cản không để chúng xảy ra.”

Nếu muốn, Trump có thể có hành động rất mạnh. Mỹ có thể ép buộc Trung Quốc chế ngự Kim bằng cách từ chối làm ăn với bất cứ công ty Trung Quốc nào cũng làm ăn ở Bắc Hàn. (Điều đó tất nhiên có nguy cơ gây ra một cuộc chiến thương mại.) Hoặc ông có thể chỉ cần cảnh báo Bắc Hàn rằng Mỹ sẵn sàng bắn hạ bất cứ tên lửa nào mà Bắc Hàn thử nghiệm. Trung Quốc sẽ kịch liệt phản đối điều đó, nhưng chính quyền Trump có thể bảo giới chức Trung Quốc buộc đồng minh Bắc Hàn của họ ngừng, hoặc không thì Mỹ sẽ ngăn chặn họ. Khi đó, tất nhiên, nếu Trung Quốc do dự và Kim Jong Un thử thách quyết tâm của Mỹ, Trump sẽ phải thực hiện lời đe dọa của mình, một hành động mà sẽ không bao giờ bị Liên Hợp Quốc lên án vì ông chẳng làm gì khác hơn thực thi nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Hoặc cái tweet đó chẳng có ý nghĩa gì, và Trump chỉ phản ứng một cách bốc đồng ước một điều ông nghe thấy mà không hề cân nhắc chính sách dài hạn và không hiểu thói quen ba hoa rỗng tuếch xưa nay của Kim Jong Un. Giới chức Hàn Quốc tin rằng không ai leo lên tới ghế tổng thống Mỹ lại chỉ hăng hái viết một cái tweet phát biểu hiếu chiến như vậy mà không suy nghĩ, nên họ đoan chắc rằng Trump dự định có những chính sách mạnh mẽ hơn về Bắc Hàn. Nhưng thật tình chẳng có cách nào biết cái nào có nghĩa cái nào không có nghĩa trong số 315 cái tweet của ông từ khi đắc cử.

Tạp chí Newsweek đã phân chia 315 cái tweet của Trump từ khi đắc cử, từ ngày 9 tháng 11 năm 2016 tới ngày 12 tháng 1 năm 2017, thành 16 loại, trong đó có chính sách đối nội, chính sách đối ngoại, các thông báo về lịch trình và các bình luận sau sự kiện, những lời chỉ trích, những lời tự chúc mừng, các vấn đề Nội các và một số chuyện khác. (Một số tweet rơi vào nhiều loại khác nhau và những người đánh giá khác nhau có thể là phân loại khác đi.) Dù theo bất cứ tiêu chí nào, số tweet nhiều nhất — 63 — là than vãn: phàn nàn rằng một số tổ chức báo chí hoặc tin bài không trung thực, rằng thiên hạ không chúc mừng ông về một chuyện ông đã làm, rằng thời lượng phỏng vấn dành cho nhân viên chiến dịch tranh cử của ông quá ngắn, và thường cằn nhằn về sự bất công đối với ông.

Nhóm nhiều thứ nhì gồm các thông báo về các sự kiện sắp diễn ra và những phản ứng của ông trước các sự kiện đó. Một nhà phân tích khác có thể xem nhóm này có quá nhiều mục khác nhau: Nó bao gồm các thông báo về các lần xuất hiện trên báo chí và chuyến đi mừng thắng cử, rồi những lời cảm ơn dành cho ký giả hoặc những người tới dự các buổi mít tinh của. Tuy vậy, trong cách định nghĩa này, Trump đã tweet về đề tài này 42 lần. Số tweet dạng thời sự chung chung — chẳng hạn như gởi lời chúc an lành cho nạn nhân trong các trận hỏa hoạn, các tin cập nhật kinh tế và thông báo về các kế hoạch của các công ty giữ lại công việc làm ở Mỹ — tổng cộng 40.

Một số trong những thông báo doanh nghiệp và kinh tế được tính trong loại khoe khoang hoặc tự ăn mừng khi Trump giành công trạng cho những việc đó. (Nhóm này có bao gồm một cái tweet trong đó ông thông báo sự gia tăng về Chỉ số Lạc quan của Người Tiêu dùng, mà ông kết thúc với cách xưng hô với chính mình bằng ngôi thứ ba, “Cảm ơn, Donald!”) Cộng với nhiều cái tweet khoe khoang khoác lác khác, tổng số trong loại này là 27, bao gồm một cái tweet nay đã bị xóa mà trong đó Trump khoác lác sai sự thật rằng tất cả những tiệm áo đầm ở Washington, D.C., bán hết sạch áo vì lễ nhậm chức của ông.

Cũng có tổng số 27 là những lời lăng mạ. Đây là lời công kích các cá nhân và tổ chức khác nhau, chẳng hạn như sô Saturday Night Live, Alec Baldwin, Meryl Streep và một viên chức nghiệp đoàn ở bang Indiana mà đã phản bác những tuyên bố của Trump vì số việc làm được cứu vãn sau khi Carrier Corporation quyết định giữ lại một số cơ sở hoạt động ở Indiana thay vì chuyển sang Mexico. Lời lăng mạ mà dường như ông thích dùng nhất là chê bai ai đó hoặc điều gì đó là “được khen quá lời” (“overrated”), chẳng hạn như khi ông công kích Streep, một trong những nữ diễn viên vĩ đại nhất của nước Mỹ, người đã chỉ trích ông khi phát biểu nhận giải tại lễ trao giải Quả cầu Vàng.

https://twitter.com/realDonaldTrump/status/818419002548568064

Tiếp theo, với một cách lý giải rất phóng khoáng về những điều cấu thành các vấn đề Đối ngoại, là 25 tweet của Trump trong loại đó. Một số lời lăng mạ Liên Hợp Quốc được tính ở đây, cũng như những bình luận mơ hồ về các nước khác. Những lời biện bạch trước những cáo buộc rằng ông được lợi Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ — hoặc những chỉ trích các cơ quan tình báo mà đã kết luận rằng Moscow đã can dự vào nỗ lực đó — không được tính vào loại này. Nhưng các tweet quan trọng, ví dụ như cái tweet về Bắc Hàn, khớp với loại này, cũng như nhiều cái tweet của ông về an ninh cho Israel. Tuy nhiên, có rất ít trong số những tweet này bàn tới chính sách thực sự, và một số cái gần như khoác lác, chẳng hạn như khi ông kêu gọi Israel ráng cầm cự vì ông sắp nhậm chức. Một số trong những cái tweet như vậy đã gây ra các căng thẳng quốc tế không cần thiết, chẳng hạn như vào ngày 4 tháng 12 năm 2016, khi Trump lên Twitter đả kích Trung Quốc, khi thời sự chẳng có gì có thể đã châm ngòi cho tràng chửi rủa của ông. Những cái tweet đó cho thấy ông thiếu căn bản kiến thức vì một số đề tài, chẳng hạn như khi ông chỉ trích Trung Quốc vì phá giá tiền tệ mặc dù đồng tiền Trung Quốc đã tăng giá trong nhiều tháng.

Những tờ báo quốc doanh của Trung Quốc — mà giới chức trách Bắc Kinh thường dùng để gián tiếp phản hồi những lời phàn nàn của ngoại quốc — đã phản ứng đầy phẫn nộ. Trump “nổi cơn tam bành với Trung Quốc vào tối Chủ nhật”, tờ Thời báo Hoàn Cầu viết. “Dường như tất yếu là các mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ gặp nhiều trở ngại trong thời gian đầu ông ở Tòa Bạch Ốc hơn bất cứ vị tiền nhiệm nào khác.… Trump có thể la lối ầm ĩ nhưng điều đó không miễn cho ông khỏi phải tuân theo luật chơi cường quốc. Ông không có đủ nguồn lực để đương đầu một cách ngang tàng với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì, quốc gia thương mại lớn nhất và một cường quốc hạt nhân.”

https://twitter.com/realDonaldTrump/status/805538149157969924

Có lẽ đó chỉ là trò quát tháo ầm ĩ, nhưng cuộc chiến Twitter không mục đích của Trump nhắm vào Trung Quốc có thể khiến những cuộc đàm phán thương mại mà ông muốn tiến hành trở nên khó khăn hơn — hoặc phá hoại chúng hoàn toàn. Trung Quốc chưa bao giờ phản hồi tử tế trước những lời lăng mạ, và Trump càng bộc lộ sự thiếu hiểu biết về ngoại giao Trung-Mỹ, thì Trung Quốc càng ít có khả năng sẵn sàng thảo luận.

Nhưng các vấn đề đối ngoại chỉ có hơn được một cái tweet so với những gì Trump nhai đi nhai lại về cuộc bầu cử. Đôi khi 26 cái tweet đó kêu ca phàn nàn — chẳng hạn như khi ông nói sai sự thật rằng lẽ ra ông đã thắng phiếu phổ thông nếu không vì hàng triệu lá phiếu bất hợp pháp — nhiều cái tweet trong số đó phản ánh điều dường như tâm trạng vô cùng bất an, sự thiếu tinh thần thượng võ, hoặc nhu cầu cần khoe khoang sự xuất chúng của mình. Mãi tới ngày 6 tháng 1 năm 2017 — hai tháng sau bầu cử — Trump vẫn thóa mạ phe Hillary Clinton, nói rằng họ đã không nhận ra sự thiết tha của các cử tri ủng hộ ông cho tới khi quá trễ. Đúng vậy, 2 tuần trước khi nhậm chức, trong khi bỏ các buổi báo cáo tình báo và không chịu tổ chức một cuộc họp báo nào, Trump vẫn chửi rủa Clinton.

https://twitter.com/realDonaldTrump/status/802972944532209664

Xếp thứ 8 trong các hạng mục với 17 cái tweet là những lời chúc lễ lạt — Chúc mừng Giáng sinh, Mừng Năm mới, và tương tự. Ở hạng 9, với 16 cái tweet, là một trong những chủ đề duy nhất thích hợp với một tổng thống mới đắc cử: thông tin về đề cử các thành viên Nội các.

Trump có 14 cái tweet vì chính sách đối nội, nhưng một lần nữa các chủ đề này dường như thình lình xuất hiện và nhiều lúc có tác động tiêu cực, chớp nhoáng đối với giá cổ phiếu của các công ty cụ thể. Ông tuyên bố rằng những người đốt cờ có lẽ nên bị tước quốc tịch (một đề xuất vi phạm nhiều phần của Hiến pháp), rồi chẳng nhắc lại ý tưởng này.

Những cái tweet còn lại trong thời gian này thì thập cẩm đủ kiểu. Những xung đột lợi ích giữa các bổn phận tổng thống của ông và việc kinh doanh gia đình của ông có được 6 cái tweet, những lời khen các ủng hộ viên cụ thể có được 5, và còn lại là những chuyện khác không khớp vào bất cứ loại cụ thể nào.

Tất cả những con số này giúp phán đoán sát nhất về đầu óc của một trong những vị tổng thống mới đắc cử bí ẩn nhất trong lịch sử. Ông đã không công bố hồ sơ khai thuế nào, không có thông tin kinh doanh nào và không có cứ liệu nào về kinh nghiệm làm chính sách công. Ông chỉ mới tổ chức một cuộc họp báo, mà đã biến thành một cảnh hỗn loạn và chẳng truyền tải được bao nhiêu thông tin. Vì vậy, để thiên hạ có thể đánh giá được cách nhìn nhận chức tổng thống của mình, các tweet của ông là khung cửa rõ nhất, nhất là vì ông định tiếp tục dùng Twitter để giao tiếp với công chúng. Và qua những cái tweet đó có thể thấy một người quan tâm tới chuyện trả thù hơn là chính sách đối nội, tới chuyện phàn nàn hơn là các vấn đề đối ngoại, tới chuyện khoe khoang khoác lác hơn là về chính Nội các của mình. Chúng bộc lộ một đầu óc tản mác dường như không thể tập trung vào bất cứ chủ đề nào. Những cái tweet trong tương lai của ông có thể là một động lực mạnh mẽ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, hoặc là cơn bão những lời càn bậy thiếu kiềm chế làm cản trở nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Viết tweet không phải là lãnh đạo. Nếu Trump muốn nghĩ về cách giao tiếp với công chúng, ông có thể xem các tiền lệ do các vị tổng thống Cộng hòa tiền nhiệm. (Có thể ông chẳng thèm quan tâm tới cách của các vị tổng thống Dân chủ.) Khi là tổng thống mới đắc cử, George W. Bush tổ chức vô số cuộc họp báo, trong đó có một số cuộc họp báo với những người được đề cử vào Nội các của ông để công chúng có thể biết họ là ai và họ tin vào những gì; những người được Trump đề cử, cho tới khi các buổi điều trần để phê chuẩn của Thượng viện, vẫn nấp đằng sau tấm màn bí mật của vị tổng thống mới đắc cử.

Hoặc hay hơn nữa, Trump chỉ cần noi gương Reagan. Vào ngày 9 tháng 1 năm 2017 — chẳng vì lý do gì cả — Trump đăng lên Twitter một tấm ảnh chụp ông với Ronald và Nancy Reagan. Hẳn là ông nay ngưỡng mộ Reagan hơn khi Reagan còn là tổng thống. Reagan được gọi là nhà giao tiếp vĩ đại; Trump đang trên đường được gọi là người viết tweet tệ hại. Nhưng vào ngày đầu tiên khi trở thành tổng thống mới đắc cử, Reagan xuất hiện trước báo chí và tổ chức một cuộc họp báo toàn diện gần như chỉ bàn về các vấn đề chính sách — đối nội và đối ngoại, các lựa chọn nhân viên và Nội các khả dĩ và những chuyện tương tự. Reagan rất điêu luyện và truyền tải một mức độ hiểu biết rất có thể đã làm an tâm những người chỉ trích mà đã xem ông là một diễn viên hết thời, cũng như giới chỉ trích Trump xem ông chỉ là một ngôi sao truyền hình thực tế và một nhà kinh doanh địa ốc với mức độ hiểu biết kém cỏi vì chính sách. Trong cuộc họp báo đó, Reagan nói 2.988 từ, dùng khoảng 16.000 ký tự.

Nói theo ngôn ngữ của Trump, Reagan cung cấp cho công chúng tương đương 114 cái tweet, gần như tất cả đều về chính sách. Và ông không một lần phàn nàn, lăng mạ hay khoác lác.

Nguồn: Newsweek, 20-1-2017.

(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 25/1/2017.)

Bản tiếng Việt © 2017 Phạm Vũ Lửa Hạ

1 thought on “Trị quốc bằng Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *