
Mới biết một chi tiết lý thú về chuyện bầu cử và cách cử tri có thể bày tỏ ý kiến về việc bỏ phiếu.
Ngày mai 12/6 là ngày bầu cử nghị viện tỉnh Ontario. Đây là kỳ bầu cử bất thường vì cách đây hơn tháng, chính quyền thiểu số đệ trình ngân sách nhưng không được các đảng đối lập ủng hộ, vậy là tự thấy không đủ tín nhiệm, xin phép Phó Toàn quyền Canada (đại diện Nữ hoàng) được giải tán nghị viện và tổ chức bầu cử lại.
Tỉ lệ đi bỏ phiếu gần đây không cao, chỉ quanh quẩn chừng 50%. Kỳ này coi bộ nhiều người cũng chẳng muốn đi bầu vì chẳng vừa ý với đảng nào cả.
Nếu muốn bày tỏ ý nguyện là từ chối không bỏ phiếu mà ở nhà thì coi như tự từ bỏ quyền công dân của mình. Trong lá phiếu chỉ có tên các ứng cử viên, chớ không có phương án “Không chọn ai cả trong số những người trên” (None of the above). Nếu không muốn chọn ai, mà lại vẽ hoa vẽ bướm trong ô trống dành để điền tên ứng cử viên khác mà mình muốn (write-in candidate) thì lá phiếu bị xem không hợp lệ, không tính. Vậy làm sao?
Trong luật bầu cử của tỉnh Ontario và một vài tỉnh khác (luật liên bang không có) có một quy định ít ai biết về chuyện từ chối bỏ phiếu sao cho lá phiếu được tính là hợp lệ. Theo đó, cử tri cứ đến phòng bỏ phiếu ở địa phương mình, xuất trình thẻ cử tri, rồi nhận lá phiếu từ phó ban bầu cử (deputy returning officer). Khi nhận xong, cử tri có thể ngay lập tức trả lại lá phiếu và nói “Tôi từ chối” (“I decline”). Viên chức này sẽ viết “declined” lên lá phiếu, rồi giữ lại để trình cho trưởng ban bầu cử (returning officer) tổng hợp số lá phiếu loại rejected này. Làm như vậy thì ý nguyện từ chối bỏ phiếu của dân được ghi nhận.
Có ý kiến yêu cầu nhà nước phải quảng bá rộng rãi quy định này để dân biết và/hoặc nên có thêm phương án “None of the above”.