Bầu cử sơ bộ Mỹ 2016: Cơ hội của những người ngoài cuộc

US_primariesKhi Jeb Bush tuyên bố ra tranh cử tổng thống cách đây bảy tháng, báo chí coi như tự nhiên buông ra những bình luận thở dài ngao ngán. Với cái họ nổi tiếng và ngân sách tranh cử hơn 100 triệu đô, do giới ủng hộ gia đình Bush đóng góp chỉ trong mấy tháng, cựu thống đốc Florida gần như là ứng cử viên cho liên danh Đảng Cộng hòa mạnh chẳng kém ứng cử viên Hillary Clinton (có bài phát biểu mở màn chiến dịch tranh cử trước đó hai ngày) cho liên danh Đảng Dân chủ. Bush đấu với Clinton? Triển vọng này khiến nền dân chủ Mỹ có vẻ cũ rích và có tính cha truyền con nối, bị dàn xếp có lợi cho một thiểu số chóp bu chính trị mà chỉ riêng những người thuộc tầng lớp đó có cái họ nổi tiếng và túi tiền rủng rỉnh cần để thắng các kỳ bầu cử tốn kém.

Nhưng quy trình bầu cử sơ bộ sắp sửa trở nên quyết liệt. Vào ngày 1-2, ở bang Iowa khoảng 250.000 cử tri sẽ vượt qua giá lạnh để đi bầu chọn ứng cử viên của mình trong các nhóm nhỏ gọi là caucus. Và cảm giác ngao ngán đã nhường chỗ cho nỗi sợ thực sự. Phía Đảng Cộng hòa, ông Bush – hay “Jeb!” theo cách gọi ác liệt của chiến dịch tranh cử của ông – gần như chẳng còn nghĩa lý gì. Con trai và em trai của các vị tổng thống Mỹ trước đây là người thông minh và có thành quả tuyệt vời về giảm thuế và tư nhân hóa các dịch vụ công. Nhưng cử tri Đảng Cộng hòa đã coi ông là người kém sắc sảo và xa rời thực tế, biểu tượng của tầng lớp chính trị mà họ khinh ghét. Ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa, Donald Trump, là người giỏi gầy dựng tiếng tăm nhưng không có kinh nghiệm chính trị. Ông chẳng vận động được bao nhiêu tiền ủng hộ, từng là đảng viên có đăng ký của Đảng Dân chủ và vẫn thích gọi đảng của mình một cách giễu cợt là “bọn Cộng hòa”, như thể đó là một thương vụ chẳng mấy hứa hẹn mà ông bị ép buộc phải mua.

Ông Trump nhanh trí, có sức lôi cuốn và, trong những năm là ngôi sao truyền hình thực tế, đã xây dựng một hình ảnh gây sốc xung quanh cái tôi khổng lồ của ông. “Tôi thông minh,” ông thích nói vậy. “Một số người sẽ nói là tôi rất, rất, rất thông minh.” Khiến thiên hạ băn khoăn liệu đây là chuyện ông tự nhại mình hay chứng cuồng bản thân cao độ chính là một phần của vở diễn. Ông Trump đối với chuyện phục vụ quốc dân cũng giống như môn vật chuyên nghiệp (mà ông ưa thích) đối với thể thao: đầy tính giải trí và vô lý tới mức lố bịch, người muốn mua vui để quên thực tế thì tạm bỏ cảm giác không tin, còn người cả tin thì bị lừa bịp trắng trợn.

Những lời cay nghiệt mà ông dành cho các đối thủ, thường dưới dạng “lời khuyên” gởi qua Twitter, có thể khá buồn cười. Từng là người truyền bá các thuyết âm mưu về nơi sinh của Barack Obama, ông Trump nay đang áp dụng cùng thủ đoạn đó với đối thủ sát sườn nhất của mình, Ted Cruz. Hiện là thượng nghị sĩ nhiệm kỳ đầu đại diện cho bang Texas, ông Cruz sinh ra ở Canada, nhưng có mẹ người Mỹ, nhờ đó chẳng phải nghi ngờ gì về việc ông đủ tiêu chuẩn làm tổng thống. “Ted – tư vấn luật pháp miễn phí về cách đánh phủ đầu bọn Dân chủ về vấn đề công dân. Ra tòa xin phán quyết tuyên bố rõ ràng – anh sẽ thắng!” Ông Trump đã tweet như vậy với gần 6 triệu người theo dõi ông trên Twitter. Nhưng chuyện ông Trump đang dẫn dầu không phải nhờ sự hóm hỉnh của ông, mà nhờ ông có tài thấu hiểu và chiều theo những nỗi sợ của người dân.

Tỉ phú này nói rằng nước Mỹ đã bị khánh kiệt và phá hoại bởi những di dân hiếp dâm, giới ngân hàng dễ bị mua chuộc và giới chính khách ngu dốt, bị những kẻ cuồng loạn Hồi giáo gây nguy hiểm, và bị cả thế giới nhạo báng. Ông phẫn nộ chửi rủa Trung Quốc, cáo buộc họ bịa đặt chuyện toàn cầu ấm lên để tiêu diệt công nghiệp Mỹ. Khi tuyên bố ra tranh cử tại Trump Tower, cao ốc chọc trời của ông ở Manhattan, ông than: “Chúng ta nợ 18 ngàn tỉ đô … chúng ta cần tiền. Chúng ta đang chết dần. Chúng ta đang chết dần. Chúng ta cần tiền… Đáng buồn là giấc mơ Mỹ đã tiêu tan.”

Những công kích thổi phồng

May thay, ông Trump có kế hoạch để “giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại”, một câu của Reagan mà ông đã ăn cắp. Ông muốn trục xuất 11 triệu di dân bất hợp pháp và con cái của họ, đánh thuế 45% vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, giết thân nhân của các nghi phạm khủng bố và cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Để chặn dòng “những kẻ hiếp dâm” đổ vào Mỹ (quên mất thực tế là trong sáu năm qua nhiều người bỏ Mỹ sang Mexico hơn là ngược lại), ông sẽ cho xây một “bức tường đẹp” dọc biên giới phía nam. Đây là chính sách đặc trưng của ông và đề tài của giây phút hô xướng trăm lần như một tại các buổi vận động tranh cử mà ông – từ trên trời đáp xuống bằng chiếc trực thăng sơn tên ông – đã tổ chức trên khắp nước Mỹ. “Chúng ta sẽ xây gì?” ông hỏi. “Một bức tường!” đám đông hò đáp lại. “Ai sẽ trả tiền xây?” “Mexico!”

Chuyện ông Mr Trump, người được khoảng 35% cử tri Cộng hòa ủng hộ, được đề cử làm ứng cử viên tổng thống là viễn cảnh đáng sợ. Tuy nhiên, ông Cruz, người được tỉ lệ ủng hộ 20% và bám sát ông Trump ở Iowa, chẳng phải là một phương án thay thế đáng an tâm. Là con trai tự lập của một di dân Cuba, ông được toàn nước Mỹ để ý vào năm 2013 khi ông cố gắng buộc chính phủ liên bang ngừng hoạt động trong một nỗ lực thùng rỗng kêu to nhằm cắt nguồn tài trợ cho công cuộc cải tổ y tế của Barack Obama, một nỗ lực mà ông so sánh với cuộc kháng chiến chống Adolf Hitler. Đó là một ví dụ về kiểu tự quảng bá bản thân coi thường thiên hạ mà vì đó ông Cruz bị các đồng nghiệp tại Thượng viện ghét.

Ông có ý định thống nhất thành phần có tư tưởng bảo thủ nhất về tài khóa của liên minh Cộng hòa với những người Cơ Đốc giáo chính thống có tư tưởng bảo thủ nhất về xã hội. Tự thể hiện mình là người hữu khuynh không khoan nhượng và người chỉ trích tầng lớp chóp bu của đảng, ông Cruz xuất sắc trong các cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp, vận động được nhiều tiền quyên tặng hơn phần lớn 10 đối thủ còn trụ lại – trong đó có 20 triệu đô trong ba tháng cuối năm 2015 – và cần mẫn đi vận động khắp nơi tại bang Iowa ngoan đạo. Do vậy mới có phong cách thuyết giáo mới của ông.

Gần đây, khi đi vận động tranh cử ở vùng tây bắc vô cùng sùng đạo của bang này, ông Cruz hùng hồn diễn thuyết: “Trong những ngày sắp tới, chúng ta sẽ tống cổ về lại Washington những quan chức quản lý nhà nước tấn công nông dân như họa châu chấu!” Sau đó, dùng giọng mũi, ông cầu xin nhóm thính giả ít ỏi gồm các nông dân trồng bắp và vợ họ cầu nguyện, “chỉ một phút mỗi ngày”, xin Chúa cho ông làm tổng thống. Nếu Chúa ban cho, ông Cruz hứa sẽ xóa bỏ Nha Thuế vụ (IRS), áp dụng hệ thống thuế thu nhập với một thuế suất 10% bằng nhau cho mọi người, và yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang tái áp dụng kim bản vị.

Nếu không có sự can thiệp của thần thánh, khó mà tưởng tượng được rằng người Mỹ sẽ chọn một trong hai ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa làm tổng thống. Từ thất bại của Mitt Romney trong nỗ lực đánh bật ông Obama trong kỳ tranh cử năm 2012, Đảng Cộng hòa rút ra bài học là trong một xã hội ngày càng đa dạng, đảng này cần mở rộng sức thu hút của mình. Đối tượng mục tiêu của ông Cruz, người Cơ Đốc giáo da trắng, đại diện chưa tới phân nửa dân số Mỹ. Giải pháp hiển nhiên là chiêu dụ những người gốc Mỹ Latinh nói tiếng Tây Ban Nha, một trong những nhóm cử tri tăng nhanh nhất, những người có một số quan điểm bảo thủ, dù chỉ có 27% trong số họ bỏ phiếu cho ông Romney.

Chính vì vậy vào năm 2013, một số thượng nghị sĩ Cộng hòa, trong đó có Marco Rubio, người đang xếp thứ ba trong cuộc đua sơ bộ, đã tham gia một nỗ lực chung của hai đảng để hợp pháp hóa tư cách di trú của hàng triệu di dân bất hợp pháp, nhưng rốt cuộc nỗ lực đó bất thành. Lúc đó, ông Rubio, con trai của di dân Cuba nghèo, nói: “Thật khó mà khiến người khác lắng nghe ta … nếu họ nghĩ rằng ta muốn trục xuất bà của họ.” Lại càng khó hơn khi ta gọi họ là bọn hiếp dâm. Ông Trump dứt khoát là ứng cử viên bị ghét nhất của cả hai đảng; 60% cử tri không chấp nhận ông.

Đảng Cộng hòa cũng có phần an ủi. Đảng Dân chủ có thể đề cử người thậm chí có thể ít có khả năng thắng cử hơn. Cản đường bà Clinton là Bernie Sanders, một “người xã hội chủ nghĩa dân chủ” 74 tuổi cho rằng chủ nghĩa tư bản Mỹ bị thao túng bất lợi cho 99% dân chúng và hứa phá bỏ các ngân hàng và đưa bảo hiểm y tế Medicare vào một hệ thống y tế phổ quát. Nhiều người nghi hoặc tuyên bố của ông cho rằng kế hoạch này sẽ tiết kiệm 10 ngàn tỉ đô trong vòng một thập niên. Là một thượng nghị sĩ độc lập từ bang Vermont, ông Sanders mãi cho tới gần đây vẫn không phải là đảng viên hay thậm chí là người ái mộ Đảng Dân chủ, đảng bị ông cho là “phá sản về ý thức hệ”. Tuy vậy, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông nhận được sự ủng hộ của 37% cử tri sơ bộ của Đảng Dân chủ và có thể thắng ở Iowa và tại vòng sơ bộ ở New Hampshire vào ngày 9-2. [Cập nhật ngày 10-2-2016: Clinton thắng sít sao ở Iowa ngày 1-2, và Sanders thắng áp đảo ở New Hampshire ngày 9-2.]

Từ William Jennings Bryan và Huey Long tới Ross Perot và Pat Buchanan, những nhân vật dân túy là một phần của truyền thống chính trị Mỹ hệt như những lời đả kích Washington. Họ thường thành công trong thời buổi thiên hạ lo lắng. Bryan và Long là người của những thời kinh tế khủng hoảng; ông Perot tuyên chiến với thương mại tự do, điều mà nhiều người Mỹ lo sợ, ngay lúc hai đảng lớn quyết định ủng hộ thương mại tự do; ông Buchanan đã châm những ngọn lửa kêu gọi bảo vệ người bản xứ đúng như kiểu hô hào bảo vệ dân Mỹ gốc đã giúp tạo nên phần lớn sức sống cho chiến dịch tranh cử của ông Trump. Lần này tâm trạng bất an dường như chủ yếu là về kinh tế, và tâm trạng này đang lan rộng.

Nước Mỹ đã hồi phục mạnh mẽ từ thời kỳ đại suy thoái năm 2008-09 – tỉ lệ thất nghiệp thấp, chỉ có 5% – nhưng tỉ lệ tăng trưởng tiền lương vẫn còn yếu. Thu nhập thực trung vị của hộ gia đình vào năm 2014 thấp hơn gần $4.000 so với đỉnh điểm vào năm 2007. Điều đó đã lay động lòng tự trọng quốc gia; cũng như các cuộc chiến thất bại ở Iraq và Afghanistan, và hậu quả ghê gớm của chúng, trong đó có sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo. Khi được hỏi “Có phải những ngày tháng tươi đẹp của nước Mỹ đã chấm dứt?” trong một cuộc khảo sát gần đây, 49% người trả lời khẳng định đúng vậy. Người Mỹ da đen gần như là nhóm duy nhất có hy vọng, dù đối với họ rõ ràng là không đúng như vậy.

Khó khăn chật vật nhất là những người hiện đã chịu nhiều áp lực: công nhân hãng xưởng chịu tác hại của toàn cầu hóa, và giới trẻ độ tuổi đôi mươi có số nợ tiền học đại học ngày càng tăng và bị cạnh tranh ngày càng nhiều khi tìm việc làm. Các sinh viên tốt nghiệp đại học năm ngoái có số nợ trung bình $35.000, cao hơn gấp đôi con số cách đây hai thập niên. Một hay cả hai nhóm này hiện ở tiền tuyến của nhiều cuộc nổi loạn dân túy của Châu Âu: trong đó bên cánh tả có Syriza ở Hy Lạp và giới lãnh đạo có tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Đảng Lao động ở Vương quốc Anh; và bên cánh hữu có Mặt trận Quốc gia Pháp và Đảng Độc lập Vương quốc Anh. Mỹ cũng chẳng khác gì.

Những người ái mộ ông Trump nhất là những người Mỹ bi quan nhất, tầng lớp lao động da trắng. Tại một buổi vận động tranh cử của Trump ở Claremont, New Hampshire, Todd Winslow, một nhà cung cấp thiết bị văn phòng, than thở: “Đất nước đang đi xuống, người dân không được tăng lương, chúng ta không còn là siêu cường quốc như chúng ta tưởng.” Bằng cách diễn đạt rõ ràng những nỗi lo sợ như vậy, ông Trump đã chứng thực chúng. Chính vì vậy giới ủng hộ yêu thích ông, bất kể họ có tin những lời hứa của ông hay không. Ông Winslow tuyên bố: “Ông ấy nói với chúng tôi điều mà tất cả chúng tôi đều nghĩ nhưng không dám nói ra.” Những người khác trong đám đông ủng hộ ông thích thành công trong kinh doanh của ông Trump, thích phong cách dữ dằn của ông và thích chuyện ông không phải là chính khách. Những phẩm chất này thể hiện rõ trong tràng phát biểu công kích dữ dội sau đó.

Vẫn ứng khẩu như thường lệ, ông Trump khoe khoang về “bộ não lớn đẹp đẽ” của ông, đề nghị thả Bowe Bergdahl, một tù binh Mỹ được phóng thích trong một vụ trao đổi con tin với Taliban, từ trên trời xuống Afghanistan, và, sau khi mời khán giả đặt câu hỏi, cho thấy ông chẳng hiểu gì về những vấn đề được nêu ra. Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ trả lương bình đẳng cho nam giới và phụ nữ, ông đáp: “Tôi thích lương bình đẳng, ý tôi là tôi có nhiều phụ nữ, tôi đã rất, rất tiến bộ về phụ nữ … Chúng tôi sẽ nghĩ ra câu trả lời đúng.”

Bernie có triển vọng sáng sủa

Giới ủng hộ ông Sanders cũng nhiệt thành như vậy, nhưng trẻ hơn. Chiếm đa số trong giới này thường là thanh niên từ 18 tới 29 tuổi để râu, đeo chuỗi hạt và bất mãn; với họ ông Sanders hứa cho học miễn phí tại các đại học công lập và xóa nợ tiền học đại học. Việc ông không thể nào có khả năng đả phá quyền lực Mỹ – ông già nua, lập dị và mặc những bộ vét nhàu nát – đối với tầng lớp này là một phần trong sức hấp dẫn của ông. Nếu tâm thế của chiến dịch tranh cử của ông Trump mang âm hưởng huyên náo của sô đấu vật WrestleMania, sự tâm thế của chiến dịch của ông Sanders mang màu sắc tươi trẻ của hội sinh viên đại học. “Feel the Bern” (Cảm nhận Bern) là khẩu hiệu không chính thức của chiến dịch đó. Song, giọng điệu nhẹ nhàng hơn phản ánh một khác biệt lớn giữa các cuộc nổi dậy màu đỏ [Cộng hòa] và màu xanh [Dân chủ] của nước Mỹ, mà khác biệt đó có thể sẽ quyết định họ sẽ tiến xa tới đâu và họ gây tác hại dường nào cho đảng của mình.

Giới ủng hộ ông Sanders muốn xóa bỏ sự thỏa hiệp với giới kinh doanh mà Đảng Dân chủ đạt được dưới thời Bill Clinton. Nhưng họ không ghét đảng của mình: phần lớn ủng hộ mạnh mẽ ông Obama, người có quan điểm chính trị gần với bà Clinton hơn với ông Sanders. Chuyện bà Clinton không đạt được kết quả tốt hơn chủ yếu là do những nhược điểm của bà trong vai trò ứng cử viên. Chiến dịch có ngân quỹ dồi dào của bà đang được điều hành bởi những người dày dạn kinh nghiệm trong cỗ máy vận động quần chúng xuất sắc của ông Obama và có ý định noi gương cỗ máy đó trong vun đắp và tăng cường những mạng lưới những người tình nguyện độc lập; nhưng bà Clinton, một ứng cử viên có tính tiếp tục kế thừa trong khi tâm trạng chung là muốn thay đổi, chẳng tăng cường được gì. Chiến dịch của ông Sanders, mà trong năm 2015 đã vận động được hơn 2,5 triệu khoản quyên tặng, giống với chiến dịch của đương kim tổng thống hơn.

Vụ bê bối về việc bà Clinton dại dột dùng tài khoản email tư nhân khi còn là ngoại trưởng đang gây nhiều tác hại. Vụ này càng làm nổi bật cái tiếng xấu lâu nay bà phải mang là người không đáng tin cậy; trong một kỳ tổng tuyển cử, điều đó có thể vô cùng tai hại cho bà. Tai hại không kém là việc Michael Bloomberg, cựu thị trưởng giàu có của New York, đang suy tính ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập. Là người ủng hộ thương mại tự do và lo ngại về môi trường, ông có thể giành nhiều phiếu từ cánh tả hơn từ cánh hữu.

Song, bà Clinton, hiện có tỉ lệ ủng hộ 52% trong các cuộc thăm dò dư luận, may mắn về đối thủ của mình. Nếu Elizabeth Warren, một thượng nghị sĩ từ Massachusetts và là phiên bản ôn hòa hơn ông Sanders, đã quyết định ra tranh cử, có lẽ nay bà Clinton đã chịu chung cảnh ngộ như Jeb Bush. Bà may mắn về kỷ cương còn sót lại của Đảng Dân chủ. Và bà may mắn là một loạt các bang miền nam, nơi cử tri da đen, vốn thường thích bà, có ý nghĩa quan trọng hơn, sẽ bỏ phiếu chẳng bao lâu sau Iowa và New Hampshire. Nhờ đó bà sẽ có cơ hội sớm để dập tắt bất cứ ngọn lửa nào mà ông Sanders đã nhóm lên.

Tầng lớp chóp bu của Đảng Cộng hòa thì lại chẳng được may mắn như vậy. Ông Trump và ông Cruz đáng sợ hơn và những cử tri Cộng hòa thích họ lại có tính nổi loạn hơn cử tri Dân chủ. Dưới cái bóng của hai ứng cử viên Cộng hòa hàng đầu, một nhóm ứng cử viên có khả năng thắng cử hơn, trong đó ông Rubio cùng với hai đương kim thống đốc, John Kasich của bang Ohio và Chris Christie của bang New Jersey, có lẽ là những đối thủ nghiêm túc cuối cùng, lại đang chật vật để khiến mình khác biệt với những người kia.

Chiến dịch tranh cử hụt hơi của ông Bush càng làm trầm trọng vấn đề này. Việc gây quỹ cho chiến dịch của ông Bush đã hút bớt nguồn lực từ những nhân vật chủ lưu khác; ông Rubio chỉ vận động được số tiền còm cõi 6 triệu đô trong quý ba của năm 2015, chỉ bằng một phần ba số tiền vận động bởi Ben Carson, một cựu bác sĩ phẫu thuật thần kinh và có lúc là ứng cử viên hàng đầu. Giờ đây, điều đó thậm chí càng tác hại hơn cho họ, khi ông Bush tuyệt vọng vung tiền chi cho những quảng cáo công kích nhắm vào các đối thủ thuộc nhóm chóp bu chủ lưu của mình, đặc biệt là ông Rubio. Kết quả là nhóm trung dung truyền thống của Đảng Cộng hòa – lá phiếu “hơi bảo thủ” chiếm khoảng 40% trong tổng số và thường quyết định ứng cử viên được đảng này đề cử – bị chia năm xẻ bảy.

Những kết quả ban đầu có thể khắc phục vấn đề đó. Bất cứ ai trong ba ứng cử viên chủ lưu còn sót lại đạt kết quả tốt nhất ở Iowa và New Hampshire, một bang “hơi bảo thủ”, có thể nhanh chóng hợp nhất tỉ lệ phiếu của tầng lớp chóp bu và đương đầu với các ứng cử viên đang dẫn đầu. Ông Rubio là người thông minh, là khuôn mặt mới mẻ, nói tiếng Tây Ban Nha và gần như là ứng cử viên Cộng hòa duy nhất thắng bà Clinton trong thăm dò dư luận đối đầu trực tiếp, nên từ lâu đã có vẻ là người phù hợp nhất cho vai trò đó.

Ông được dự kiến sẽ dành tỉ lệ phiếu cao nhất từ tầng lớp chóp bu ở Iowa. Ông Kasich, người có thành tích cầm quyền tốt, và ông Christie, một đấu thủ ăn nói lưu loát, đã nỗ lực nhiều hơn ở New Hampshire và có thể đánh bại ông Rubio tại bang đó. Nhưng phải thắng với mức chênh lệch đáng kể mới đủ gây ấn tượng cho những nhà tài trợ bảo thủ và báo chí đang háo hức đợi tôn vinh đại điện kế tiếp của tầng lớp chóp bu. Ông Kasich dường như là người quá cổ hủ cho kỳ bầu cử này, còn ông Christie quá ôn hòa theo đánh giá của nhiều người theo Đảng Cộng hòa. Và ông Rubio – nếu ông chỉ cần trụ lại ở các bang ban đầu – có lẽ sẽ đạt kết quả tốt hơn ở những bang bỏ phiếu sau, ôn hòa hơn, nhất là tại bang quê nhà Florida của ông. Trong một cuộc đấu kéo dài, điều đó có thể có ý nghĩa quyết định.

Một cuộc đua tam mã thậm chí có nghĩa là không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu đại biểu, mà điều đó cũng là cơ sở để ủng hộ ông Rubio hơn các đối thủ chủ lưu của ông. Lúc đó các ứng cử viên sẽ cố gắng chiêu dụ các đại biểu của nhau tại đại hội Đảng Cộng hòa vào tháng 7; lần gần đây nhất điều này xảy ra là vào năm 1948. Và xét trên toàn liên minh Cộng hòa, ông Rubio là lựa chọn thứ nhì được ưa chuộng.

Song, cũng có thể là không có ứng cử viên thuộc tầng lớp chóp bu nào đạt kết quả tốt ở các bang ban đầu để vượt trội hơn những người khác. Tỉ lệ phiếu của tầng lớp chóp bu khi đó vẫn bị chia năm xẻ bảy. Trong trường hợp đó, ông Trump, nếu những người ủng hộ ông đi bỏ phiếu, hoặc ông Mr Cruz, người được lợi nhờ lịch trình bỏ phiếu sớm, do bắt đầu từ bang Iowa đạo dòng tới vành đai sùng đạo miền nam, có thể giành được đề cử của đảng trong khi các ứng cử viên chủ lưu đang mải cãi vả nhau.

Như vậy là xui cho giới lãnh đạo Đảng Cộng hòa. Nhưng họ đã tự chuốc họa vào thân, vì từ lâu đã khuyến khích kiểu công kích thóa mạ gây chia rẽ mà ông Trump và ông Cruz phun ra. Cải tổ y tế của tổng thống Obama là xã hội chủ nghĩa; khoa học khí hậu là trò lừa đảo của giới có tư tưởng tự do; Đảng Dân chủ không chỉ sai lầm mà còn phản Mỹ: đó là những chân lý chủ lưu của Đảng Cộng hòa. Ngay cả trước khi ông Trump tăng cường chửi rủa, kiểu khích động quần chúng này đã gây tác hại cho đảng này, vì giới lãnh đạo của đảng chẳng bao giờ có hành động xứng với luận điệu của họ, khiến những lời lẽ đó có vẻ yếu ớt hoặc không chân thành.

Tầng lớp chóp bu không được hoan nghênh

Bị cử tri ngờ vực, các ứng cử viên thuộc tầng lớp chóp bu thấy ngày càng khó tỏ ra là phương án thay thế tích cực cho quan điểm tiêu cực u ám của ông Trump. Trong chừng mực nào đó, tất cả đều đã bắt chước điều đó. Khi được mời phê phán việc ông Trump đề xuất cấm người Hồi giáo, tại một cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp hôm 14-1, ông Rubio lại ca ngợi đối thủ của mình vì đã “đề cập tới phần nào của nỗi phẫn nộ trong xã hội”. Tuy nhiên, nếu lời hô hào của Đảng Cộng hòa là về sự phẫn nộ, chứ không phải sự lạc quan, ông Trump sẽ thắng, vì ông giỏi nhất về khoản này. Điều này có lẽ đã khiến đảng này càng khó giành thắng lợi trong một kỳ tổng tuyển cử; trước khi ông Rubio có thể chiêu dụ được nhiều người gốc Mỹ Latinh, ông sẽ phải giải thích đôi chút về hành vi của mình. Hẳn nhiên, việc ông Rubio đầu hàng ông Trump cũng chẳng lấy lòng được ứng cử viên hàng đầu này. Sau khi ông Rubio, người có chiều cao trung bình, gần đây được chụp hình mang giày Cuba cao gót, ông Trump bình phẩm: “Tôi chẳng biết nữa, đôi giày đó cao gót lắm. Cao gót lắm. Tôi thấy chúng cao ngất … Tôi chỉ hy vọng chúng có ích cho anh ta.”

Vẫn có thể. Nhưng nếu ông Trump hay ông Cruz thắng ở Iowa và New Hampshire, tầng lớp chóp bu sẽ bắt đầu lo sợ điều xấu nhất. [Cập nhật ngày 10-2-2016: Cruz thắng ở Iowa ngày 1-2, và Trump thắng ở New Hampshire ngày 9-2.] Một số nhân vật quan trọng của Đảng Cộng hòa đã bắt đầu hàn gắn quan hệ với ông Trump – trong đó có Bob Dole, một cựu ứng cử viên tổng thống, trong một bài gần đây trên tờ New York Times – trên cơ sở là thậm chí một kẻ khoác lác chỉ biết tôn thờ bản thân cũng ít kinh khủng hơn ông Cruz. Đó là một sự thú nhận nhược điểm đáng ngạc nhiên, trước khi bỏ phiếu. Tuy nhiên, những công cụ gây ảnh hưởng thường lệ của giới lãnh đạo – tiền bạc và những xác nhận ủng hộ công khai – đã tỏ ra vô cùng kém hiệu quả trong cuộc đấu lạ lùng này.

Ông Trump đã chi tiêu ít hơn bất cứ ứng cử viên hàng đầu nào khác; chiến dịch của ông được truyền hình đưa tin thời sự nhiều hơn tất cả các đối thủ cộng lại. Cả hai ứng cử viên hàng đầu đều chưa được bất kỳ đương kim thống đốc hay thượng nghị sĩ Cộng hòa nào xác nhận ủng hộ công khai. Sức mạnh của họ xuất phát từ một nguồn khác. “We’re Not Gonna Take It” (“Chúng ta sẽ không chấp nhận điều đó”) là bản nhạc rock ồn ào dùng kết thúc các buổi vận động sôi sục của ông Trump. Người Mỹ, và thế giới, sắp có vài tuần căng thẳng, băn khoăn liệu điều đó có ý nghĩa gì.

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch

(Bài lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 3/2/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Nguồn: America’s primary elections: Outsiders’ chance, The Economist, 30-1-2016.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *