Vì sao Pháp liên tục bị tấn công khủng bố?

Jason Burke

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Một lần nữa, lá cờ ba màu [của Pháp] lại được chiếu sáng trên các tòa nhà trên khắp thế giới, một dấu hashtag [#] thể hiện tình đoàn kết với nước Pháp, và những lời bày tỏ thông cảm.

Các thi thể được che bằng vải trắng trong vụ khủng bố ở Nice ngày 14-7 (Ảnh: Eric Gaillard/Reuters)
Các thi thể được che bằng vải trắng trong vụ khủng bố ở Nice ngày 14-7 (Ảnh: Eric Gaillard/Reuters)

Rồi cũng sẽ có câu hỏi: tại sao nước Pháp hứng chịu một làn sóng bạo lực cực đoan dữ dội – và chắc chắn là gây chết người – hơn bất cứ làn sóng nào khác từng có ở phương tây kể từ sau các vụ khủng bố 11/9 cách đây gần 15 năm?

Tuy vẫn chưa rõ kẻ lái chiếc xe tải ở Nice [cán người đi chơi lễ Quốc khánh Pháp ngày 14-7-2016] có liên hệ với mạng lưới hay tổ chức nào rộng lớn hơn – hôm Thứ Sáu 15-7, cơ quan công tố chỉ nói rằng những hành động của hắn nhất quán với một lời kêu gọi hành động của ISIS – cuộc tấn công của hắn là một sự gợi nhớ đau lòng về đòn đẫm máu nhắm vào Paris chỉ mới mấy tháng trước.

Lính cứu hỏa giúp một người bị thương gần rạp hát Bataclan hồi tháng 11-2015. (Ảnh: Christian Hartmann/Reuters)
Lính cứu hỏa giúp một người bị thương gần rạp hát Bataclan hồi tháng 11-2015. (Ảnh: Christian Hartmann/Reuters)

Một lý do khiến nước Pháp trở thành một mục tiêu đặc thù là do một quyết định cụ thể của tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhắm vào nước này. Vào tháng 9 năm 2014, ngay sau khi bắt đầu các đợt oanh tạc của một liên minh do Mỹ đứng đầu và Pháp có tham gia, phát ngôn viên trưởng của ISIS, Mohammad al-Adnani, nêu cụ thể “bọn Pháp đáng kinh tởm” trong danh sách kẻ thù trong một bài phát biểu kêu gọi các cảm tình viên của tổ chức này tiến hành các cuộc tấn công ở mọi nơi của phương tây.

Rõ ràng vai trò dẫn đầu chủ nghĩa tự do thế tục mà nước Pháp từ xưa tới nay đảm trách cũng đã khiến nước này bị chú ý. Những kẻ cực đoan Hồi giáo có thể xem Mỹ là nguồn gốc của suy đồi đạo đức và bóc lột kinh tế, nhưng Pháp bị xem là một cường quốc vô thần vừa bảo vệ các lý tưởng phương tây như nhân quyền, tự do ngôn luận và dân chủ vừa, theo cách nhìn của những kẻ thánh chiến, cố gắng áp đặt các lý tưởng đó lên thế giới Hồi giáo.

Từ những cuộc thẩm vấn những phần tử ISIS trở về, chúng ta biết rằng tổ chức này đã bắt đầu lên kế hoạch cho các cuộc tấn công ở Pháp ngay cả trước khi chúng chiếm được thành phố Mosul ở Iraq và tuyên bố caliphate (nhà nước Hồi giáo thống nhất) vào năm 2014.

Khán giả tụ tập trên sân cỏ của sân vận động Stade de France sau khi có những tiếng nổ bên ngoài sân hồi tháng 11-2015. (Ảnh: Franck Fife/AFP/Getty Images)
Khán giả tụ tập trên sân cỏ của sân vận động Stade de France sau khi có những tiếng nổ bên ngoài sân hồi tháng 11-2015. (Ảnh: Franck Fife/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, vụ tấn công bạo lực lớn đầu tiên ở Pháp trong những năm gần đây đã xảy ra sớm hơn, vào năm 2012, và nhắm vào binh sĩ và cộng đồng Do Thái. Vụ tấn công lớn kế tiếp là nhắm vào tòa soạn của Charlie Hebdo, một tạp chí trào phúng trước đó đã đăng những biếm họa gây tranh cãi về nhà tiên tri Muhammad, bị nhiều người Hồi giáo xem là báng bổ. Sau đó là vụ tấn công do ISIS tổ chức hồi tháng 11-2015 đánh vào một rạp hát, các quán bar và một sân bóng đá – tất cả đều đặc trưng cho đời sống Pháp. Cuối cùng là cuộc tấn công vào Ngày Bastille (Lễ Quốc khánh Pháp 14-7), một ngày lễ đặc trưng cho lịch sử và các giá trị của nước Pháp.

Nhiều chính phủ kế tiếp nhau ở Paris cũng đã có quan điểm cứng rắn – và được thể hiện rất công khai – về những vấn đề như mặc trang phục che kín toàn thân và đeo mạng che mặt ở nơi công cộng, và những điều đó đã được các phiến quân Hồi giáo rất lưu tâm. Vai trò quân sự của Pháp ở nước ngoài ngày càng nổi bật cũng bị lưu ý. Các lực lượng Pháp đã có một loạt các can thiệp ở thế giới Hồi giáo trong những năm gần đây – ở Libya, ở Mali, nơi quân Pháp đã đẩy lùi một trong những cuộc công kích phiến loạn Hồi giáo thành công nhất bên ngoài Syria hay Iraq trong nhiều năm, và dĩ nhiên trong liên minh chống ISIS.

Những nguyên nhân khác của bạo lực có nguồn gốc từ những vấn nạn trầm trọng bên trong chính nước Pháp mà khiến quốc gia này dễ bị tổn thương.

Một trong những vấn nạn này là các nhược điểm của các cơ quan an ninh tủn mủn, quan liêu và vẫn thiếu nguồn lực. Một cuộc điều tra của quốc hội Pháp về những vụ tấn công khủng bố ở Paris trong năm ngoái nêu rõ “thất bại toàn thể” của tình báo Pháp, và kêu gọi thành lập một cơ quan chống khủng bố duy nhất toàn quốc kiểu Mỹ.

Cuộc điều tra đó phát hiện rằng tất cả những kẻ cực đoan tham gia vào các vụ tấn công đều đã được chính quyền đánh dấu theo dõi từ trước. Một số có tiền án, hoặc đang bị theo dõi tư pháp ở Pháp hoặc ở Bỉ khi chúng đánh Paris.

Một chiến dịch tuyển dụng nhằm để tăng số lượng gián điệp Pháp đã được khởi xướng trễ, vào cuối năm 2014, và chỉ mới bắt đầu cho thấy kết quả, một phần là do mất thời gian để tìm được rồi huấn luyện nhân viên mới.

Nhưng an ninh của Pháp cũng phụ thuộc vào các cơ cấu ở cấp độ Châu Âu – mà thường bị xem là thiếu thốn. Những vụ tấn công ở Paris hồi năm ngoái và ở Bỉ hồi tháng 3 cho thấy rõ khoảng cách lớn đáng kể giữa các năng lực của các cơ quan an ninh của châu lục này và tính nghiêm trọng của mối nguy do xung đột ở Syria gây ra. Theo giới chuyên gia, việc chia sẻ thông tin tình báo đã không theo kịp những mối nguy hiểm mới xuất phát từ việc tự do đi lại trong phần lớn Liên hiệp Châu Âu được mở rộng.

Hình thái nổi bật nhất của mối nguy này tất nhiên là những công dân Châu Âu đã ra đi để gia nhập chiến đấu với ISIS hoặc, ở một mức độ thấp hơn, các nhóm phiến quân tương tự. Hiện nay ước tính có hơn 600 công dân hoặc thường trú nhân Pháp hiện ở Syria hoặc Iraq, trong đó có 400 chiến binh.

Điều này không khiến nước Pháp nằm trong số các nước xuất xứ hàng đầu của các chiến binh – dù có tỷ lệ dân số Hồi giáo đáng kể – nhưng vẫn có nghĩa đó là một nguồn lớn để ISIS lôi kéo những kẻ khủng bố tiềm năng. Những kẻ chịu trách nhiệm cho các vụ khủng bố ở Paris hồi tháng 11 năm 2015 là công dân Pháp hoặc Bỉ được rút từ các trại do ISIS điều hành ở Syria và được cử về Châu Âu. Tên lái xe tải tấn công ở Nice được cho là không được các cơ quan an ninh biết đến, mà chỉ được cảnh sát địa phương biết đến do một loạt các tội bạo lực và các vụ ăn cắp.

Pháp có lịch sử về chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo từ hàng chục năm trước. Trong những năm 1990 có hai làn sóng tấn công khủng bố. Một làn sóng có liên hệ với cuộc nội chiến đẫm máu giữa chính quyền và các nhóm cực đoan ở cựu thuộc địa Algeria. Làn sóng thứ hai liên quan tới những phiến quân nội địa ở miền bắc Pháp, những kẻ đã phát triển một hình thức đặc biệt của khủng bố pha trộn cướp có vũ trang với thánh chiến.

Giống như các nước phương tây khác ở Châu Âu, Pháp nhập khẩu số lượng lớn người lao động từ các thuộc địa trước đây và hiện nay để giúp tái thiết sau chiến tranh, mà không cân nhắc rằng họ sẽ ở lại, hoặc họ sẽ đưa gia đình đoàn tụ. Sự hội nhập của các cộng đồng phát sinh từ đó đã gây ra những thách thức trên toàn châu lục, nhưng chúng đặc biệt nghiêm trọng ở Pháp, một phần là do bạo lực và sang chấn của cuộc chiến tranh giành độc lập của Algeria. Trong những năm gần đây, cũng như ở những nơi khác tại Châu Âu và thế giới Hồi giáo, những thành phần khắt khe và cố chấp của tín ngưỡng Hồi giáo đã có nhiều bước xâm nhập, cũng như, gần đây hơn, tạo ra văn hóa “thánh chiến băng đảng” mới, đê tiện, cực kỳ bạo lực có sức hấp dẫn đối với những công dân trẻ và thường bị thua thiệt trong xã hội.

Gần như tất cả những kẻ dính líu tới bạo lực ở Pháp trong những năm gần đây có chân dung giống nhau – tuổi từ 18 tới 36, thường có tiền sử phạm tội nhỏ, được cảnh sát, nếu như không phải các cơ quan an ninh, biết tới, thường đã thụ án tù, có gốc gác gia đình nếu không nghèo thì cũng chẳng hề giàu có, và có việc làm không ổn định, tạm bợ hoặc lương thấp.

Các vùng ngoại ô nơi nhiều thanh niên như vậy lớn lên hoặc sinh sống thường bị biệt lập về địa lý hoặc văn hóa với các khu giàu và hội nhập hơn. Chúng tất nhiên khác hẳn với nước Pháp của rượu vang và thịt ướp, của lâu đài và phô mai. Sự cách biệt này đã không được san lấp bằng chính sách “đồng hóa” của Pháp thay vì sự hội nhập đa văn hóa vào nước cộng hòa được cho là thế tục, và, theo giới chỉ trích, đã tạo nên miền đất màu mỡ sản sinh sự phân hóa.

Và đây có thể là lý do cuối cùng tại sao ISIS đã tập trung vào Pháp. Tổ chức này chịu ảnh hưởng nặng nề của cả tư duy [giao thời] thiên niên kỷ, vốn nhấn mạnh trận đánh cuối cùng sắp diễn ra giữa các thế lực tín ngưỡng và không tín ngưỡng, lẫn tư duy chiến lược thánh chiến, vốn khuyến khích những kẻ cực đoan dùng bạo lực để gây bất ổn các nhà nước hoặc quốc gia để tạo nên cuộc chinh phục cuối cùng của chúng.

Do đó ISIS tìm cách khủng bố những kẻ thù của mình và huy động những kẻ ủng hộ mình, nhưng trên hết thảy là làm phân hóa những cộng đồng đó, mà có thể lại chống lại nhau. Trong các tài liệu của mình, ISIS đã cụ thể nhắc tới Pháp là nơi mà “vùng xám” của sự dung thứ và sự ôn hòa có thể bị nhắm tới và bị hủy diệt một cách hữu ích.

Một số nhà quan sát ở Pháp đã nói rằng tình trạng bạo lực gần đây đã khiến nước Pháp trở nên sát cánh với nhau hơn. Không phải ai cũng đồng tình. Patrick Calvar, người đứng đầu Tổng cục An ninh Nội địa của Pháp, cảnh báo rằng đất nước ông “đang ở bờ vực nội chiến giữa những kẻ cực đoan cánh hữu và cực đoan Hồi giáo.”

Hồi tháng 6, ông Calvar nói: “Các hình thức chủ nghĩa đang nổi lên ở khắp nơi và … tôi nghĩ sự đối đầu này sẽ xảy ra. Thêm một hoặc hai vụ tấn công nữa, thì chúng ta sẽ thấy điều đó.”

France_attack_map

Những vụ tấn công gần đây ở Pháp

  1. Paris, ngày 7-9 tháng 1 năm 2015: 17 người chết trong các vụ tấn công bắt đầu ở tòa soạn Charlie Hebdo.
  2. Nice, ngày 3 tháng 2 năm 2015: Ba binh sĩ canh gác trung tâm cộng đồng Do Thái là mục tiêu của một vụ tấn công bằng dao.
  3. Paris, ngày 19 tháng 4 năm 2015: sinh viên công nghệ thông tin Algeria bị bắt vì bị nghi bắn chết một phụ nữ trong xe của cô.
  4. Saint-Quentin-Fallavier, ngày 26 tháng 6 năm 2015: một người đàn ông giết và chặt đầu sếp của mình, tìm cách làm nổ nhà máy khí đốt.
  5. Tàu Amsterdam-Paris, ngày 21 tháng 8 năm 2015: công dân Morocco khai hỏa trên tàu nhưng bị các hành khách khuất phục
  6. Paris, ngày 13 tháng 11 năm 2015: 130 người thiệt mạng trong vụ nổ súng vào các nhà hàng và rạp hát Bataclan.
  7. Valence, ngày 1 tháng 1 năm 2016: một người đàn ông tìm cách cán các binh sĩ canh gác một nhà thờ Hồi giáo
  8. Paris, ngày 7 tháng 1 năm 2016: một người đàn ông sinh ở Morocco vung dao cắt thịt khi tìm cách tấn công đồn cảnh sát
  9. Magnanville, ngày 13 tháng 6 năm 2016: một cảnh sát viên và người sống chung bị giết tại nhà trong vụ tấn công bằng dao
  10. Nice, ngày 14 tháng 7 năm 2016: Ít nhất 84 người chết trong vụ tấn công bằng xe tải trong lúc đi chơi Lễ Bastille.

Nguồn: Jason Burke, Why does France keep getting attacked?, The Guardian, 15-7-2016

(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 24/8/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

2 thoughts on “Vì sao Pháp liên tục bị tấn công khủng bố?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *