Những nguy cơ bạo lực của ý thức hệ

Trong cuốn sách mới phát hành “The Better Angels of our Nature” (tạm dịch: Những thiên thần tốt đẹp hơn của bản chất con người chúng ta), Steven Pinker nhận định rằng sống ở thời đại này là an toàn nhất trong lịch sử. Dùng phương pháp đặc trưng của ông kết hợp giữa thực nghiệm khoa học và phân tích xã hội học, ông nghiên cứu lịch sử của bạo lực từ thời tiền sử cho tới ngày nay. Dựa trên nhiều ví dụ và số liệu thống kê về xung đột, thương mại, giáo dục và chế độ pháp trị, tác giả Steven Pinker kết luận rằng bạo lực hiện nay đạt lợi ích ít hơn bất cứ thời đại nào khác trong lịch sử.

Steven Pinker là Giáo sư hàm Johnstone Family của khoa tâm lý ở Đại học Harvard. Đây là cuốn sách thứ 13 của ông, tiếp theo thành công của “The Stuff of Thought” (2007, bàn về cách chúng ta biến suy nghĩ và cảm xúc của mình thành từ ngữ để diễn đạt). Ông còn có những cuốn khác như “The Blank Slate” (2002, nhận định rằng hành vi con người được định hình bởi những thích nghi tâm lý mang tính tiến hóa); “How the Mind Works” (1997, giải thích một số chức năng và nét đặc thù của não ít được hiểu đúng), và “The Language Instinct” (1994, khảo sát năng lực bẩm sinh về ngôn ngữ của nhân loại).

Trả lời phỏng vấn của More Intelligent Life, tác giả Steven Pinker đề cập tới một số chủ đề, trong đó có những căn nguyên của nạn diệt chủng, các giới hạn của dân chủ, và những nguy cơ của ý thức hệ. 

Tại sao ông viết sách về bạo lực?

Đó là do quan tâm về bản chất con người. Trước tôi đã viết hai cuốn sách về bản chất con người, và tôi bị phê phán là bất cứ sự thừa nhận nào về bản chất con người đều mang tính định mệnh. Tôi luôn nghĩ rằng sự phản đối này là vô lý. Ngay cả trên lý thuyết, bản chất con người bao gồm nhiều động cơ; nếu ta có một số động cơ khiến ta hành động bạo lực, ta cũng có một số động cơ kiềm chế ta tránh hành động bạo lực. Vì thế, chỉ nhận định về bản chất con người không buộc ta phải công nhận rằng một bên phải thắng thế.

Trong cuốn sách của mình, ông cho rằng ý thức hệ Marxist đồng nghĩa với bạo lực. Ông có nghĩ rằng những giá trị tư bản chủ nghĩa đã góp phần làm giảm bạo lực?

Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản là một động lực chính cho bạo lực trong hơn 100 năm vì điều đó đã được lồng vào trong ý thức hệ của nó – cho rằng tiến bộ đạt được thông qua đấu tranh giai cấp, thường là dùng bạo lực. Điều đó dẫn tới niềm tin phổ biến cho rằng cách duy nhất để đạt công lý là hối hả đẩy nhanh tiến trình biện chứng này, và cho phép các tầng lớp lao động bị áp bức tiến hành cuộc đấu tranh của họ chống lại giới tư sản áp bức. Bất kể chúng ta chê bai động cơ lợi nhuận, hay các giá trị tiêu dùng, đến đâu đi nữa, nếu mọi người chỉ muốn có iPod, có lẽ đời chúng ta sẽ tốt đẹp hơn là nếu họ muốn cách mạng giai cấp.

Xét từ góc độ đó, ông quan niệm ra sao về dân chủ?

Dân chủ là một cách không hoàn hảo để lèo lái giữa bạo lực của sự vô chính phủ và bạo lực của kẻ chuyên quyền độc đoán, với mức độ bạo lực thấp nhất mà ta có thể thoát ra được. Vì thế, tôi không nghĩ đó là một thắng lợi, nhưng đó là phương án tốt nhất mà chúng ta đã tìm thấy. Trong phạm vi hiểu biết của chúng ta, dường như sắp tới vẫn chưa xuất hiện phương án nào tốt hơn.

Tôn giáo đã góp phần bao nhiêu vào bạo lực trong quá trình lịch sử? Ta có thấy một mối tương quan giữa hai điều này? 

Phải, bạo lực và tôn giáo xưa nay thường đi đôi với nhau, nhưng đó không phải là một mối tương quan hoàn hảo và không cần phải là một mối liên kết vĩnh viễn. Các tôn giáo tự thân thay đổi – chúng không hoàn toàn độc lập với hành vi và chúng phản ứng trước chính những dòng chảy làm giảm bảo lực. Các tôn giáo đã trở nên tự do phóng khoáng hơn khi phản ứng trước những dòng chảy này.

Ông nêu ý thức hệ là nguyên nhân chính gây bạo lực trong thế kỷ 20. Tại sao vậy?

Có nhiều điều khiến một số ý thức hệ cụ thể trở nên nguy hiểm. Một trong những điều đó là viễn cảnh của một thế giới ảo vọng (utopia): vì thế giới ảo vọng là mãi mãi tốt đẹp cùng cực, và có thể biện minh cho bất cứ mức độ bạo lực nào cần có để theo đuổi thế giới ảo vọng đó, các chi phí vẫn thấp hơn các lợi ích. Các thế giới ảo vọng cũng có xu hướng phỉ nhổ một số người, xem họ như rào cản cho một thế giới hoàn hảo, bất kể họ là ai: các giai cấp thống trị, tầng lớp tư sản, người Do Thái hay người ngoại đạo hay dị giáo. Chừng nào ý thức hệ của ta còn xem một nhóm có thể xác định là nguyên nhân chính gây ra những bất hạnh trên thế gian, ý thức hệ đó mở toang cánh cửa đẩy thế giới vào nạn diệt chủng.

Có bằng chứng thống kê nào cho thấy bạo lực không có tác dụng kích thích thay đổi chính trị?

Một công trình nghiên cứu của hai nhà chính trị học Erica Chenoweth và Maria Stephen được công bố quá muộn nên tôi không kịp đưa vào cuốn sách của mình. Họ nghiên cứu tỉ lệ thành công của những phong trào phản kháng bạo động và bất bạo động. Nghiên cứu này phát hiện rằng những phong trào bất bạo động thành công trong 75% trường hợp, còn những phong trào bạo động là 25%. Vì thế không đúng là bạo lực không bao giờ có tác dụng, cũng không phải là bất bạo động luôn thành công, chỉ là bất bạo động dường như có tỉ lệ thành công cao hơn.

Trong cuốn sách của mình, ông bàn về chuyện hiểu việc phá thai từ góc độ ý thức và luân lý. Theo ông, tại sao có quá nhiều hiểu lầm về chủ đề này?

Ý thức ngày càng được xem là nguồn gốc của giá trị luân lý. Về thực nghiệm, sự tăng vọt về số vụ phá thai không đi kèm với sự gia tăng về tình trạng bỏ bê hay hành hạ trẻ em. Một tiên đoán phổ biến trong thập niên 1970 trước khi có phán quyết vụ “Roe kiện  Wade” (một phán quyết mang tính cột mốc của Tòa án Tối cao Mỹ về vấn đề phá thai) cho rằng việc phá thai tất yếu dẫn tới việc giết trẻ sơ sinh được hợp pháp hóa. Chúng ta có thể tự tin nói rằng tiên đoán đó không đúng, như vậy chứng minh quan niệm cho rằng trực quan của con người không xem phá thai đồng nghĩa với giết người, rằng việc phá thai được hợp pháp hóa không đẩy con người vào một con dốc trượt dài về luân lý. Con dốc này thực ra có ma sát đáng kể và tôi nghĩ rằng điều tạo ra ma sát đó là việc xem các giá trị luân lý đồng nghĩa với ý thức.

Trong sách, ông mô tả khái niệm cái ác thuần túy là một huyền thoại. Tại sao?

Huyền thoại “cái ác thuần túy” (“pure evil”) là một chiến thuật tranh luận. Chúng ta không nghĩ về nó theo cách đó vì chính cái nhận thức đó sẽ làm giảm mức độ đáng tin của cốt lõi lập luận của chúng ta. Nếu huyền thoại “cái ác thuần túy” là điều ác được thực hiện với chủ ý gây hại và do không cân nhắc về luân lý, thì điều đó chẳng áp dụng được cho bao nhiêu hành động gọi là “cái ác thuần túy” vì hầu hết những kẻ làm điều ác tin rằng điều chúng đang làm là có thể tha thứ hay biện minh được.

Chúng ta có nên lo ngại rằng bạo lực trên quy mô đại trà, như kiểu bạo lực chúng ta đã chứng kiến trong thế kỷ vừa qua, sẽ xuất hiện trở lại?

Tôi nghĩ chúng ta nên lo ngại. Tôi không nghĩ chúng ta nhất thiết sẽ chứng kiến bạo lực trên cùng quy mô đó, nhưng tình trạng bạo lực đã thực sự diễn ra đều là do các đặc tính có trong bản chất con người. Những đặc tính đó chưa biến mất và có thể chúng lại trỗi dậy. Chính vì lý do đó chúng ta càng nên củng cố những thể chế được thiết kế để ngăn chặn không cho điều đó xảy ra, chẳng hạn như tự do ngôn luận, chế độ pháp trị và nhân quyền.

Bản tiếng Anh: The violent dangers of ideology; Blog Prospero, The Economist, 3/11/2011.

Bản tiếng Việt: PVLH. Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/11/06/violent-dangers-of-ideology/

9 thoughts on “Những nguy cơ bạo lực của ý thức hệ

  1. Kính gửi thầy Hạ. Em có thắc mắc một chút về câu này “tôi bị phê phán là bất cứ sự thừa nhận nào về bản chất con người đều mang tính định mệnh “. Cụm “tính định mệnh” có lẽ làm cho câu không ổn lắm. Hay nên thay bằng “đều theo thuyết định mệnh”? Có lẽ ý ông muốn nói là người ta phê phán ông theo thuyết định mệnh (vì ông acknowledge human nature). Nên sau đó ông phản bác ông chỉ “positing human nature” chứ ông không công nhận con người “tính bản thiện” hoặc “tính bản ác” nên không thể nói ông theo thuyết định mệnh?
    Tóm lại, câu trên, theo em “thoát ý” là: tôi bị phê phán là theo thuyết định mệnh.
    Mong thầy bỏ thời gian đọc lại chút. Vẫn mong được thầy chỉ dạy thêm. Cám ơn thầy!
    1 học trò cũ của thầy,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *