Marshall Sahlins
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
(Kỳ 1)
Vì các Viện Khổng Tử dựa vào chính sách về những điều không được nói, mà chính sách này xuất phát từ giới chóp bu trong chính quyền Trung Quốc và chủ yếu được thực hiện bằng cách tự kiểm duyệt, nên không dễ tìm được bằng chứng trực tiếp về những kiềm chế trao đổi học thuật. Những điều ít ỏi mà công chúng được biết chắc hẳn chỉ là một phần nhỏ của những điều thật sự được áp dụng. Tuy nhiên, có một số bằng chứng tiết lộ nhiều điều khiến ta càng sửng sốt hơn vì nó bộc lộ những thủ đoạn lẩn tránh của Hán Biện để che giấu các chính sách có thể bị phản đối nếu xét theo các tiêu chuẩn thông dụng về tri thức nghiên cứu và tự do học thuật ở các đại học Mỹ và hầu hết các trường khác trên thế giới. Ví dụ, Bắc Kinh đã rút được bài học là loại bỏ khỏi các thỏa thuận ban đầu điều khoản bắt buộc các trường của Mỹ chấp nhận “chính sách một Trung Quốc” của Trung Cộng, mà theo đó Đài Loan là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, trên trang mạng của Hán Biện vẫn còn lời mô tả Đài Loan là “đảo lớn nhất của Trung Quốc”.
Mãi cho đến gần đây, trang mạng tiếng Anh của Hán Biện, trong phần liệt kê các yêu cầu bắt buộc đối với các giáo viên Trung Quốc tình nguyện dạy ở nước ngoài, quy định rằng các ứng viên “không được có lai lịch tham gia Pháp Luân Công và các tổ chức phi pháp khác, và không có tiền án hình sự”. Sau vụ mâu thuẫn với một trường đại học Canada về một giáo viên Trung Quốc có tham gia phong trào Pháp Luân Công, trang mạng này hiện nay quy định: “Các ứng viên phải tuyên bố tuân thủ luật pháp Trung Quốc và không gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc, gây tác hại cho các lợi ích công cộng hay gây rối trật tự công cộng” – tiêu chuẩn để được dạy ở một trường đại học Bắc Mỹ như vậy quả là khắt khe. Xét về tiêu chuẩn bắt buộc đối với giáo viên, người như giáo sư Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 2010, không được làm giáo viên ở một Viện Khổng Tử vì ông từng có tiền án hình sự: hiện nay ông đang thụ án 11 năm ở Trung Quốc vì cổ xúy nhân quyền và cải cách dân chủ.
Theo Thời báo Đại Kỷ Nguyên, một đoạn video về Chiến tranh Triều Tiên có nhan đề “Cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược và giúp đỡ Triều Tiên” gần đây bị rút xuống khỏi trang mạng của Hán Biện. Ngoài những tuyên bố lịch sử khác, đoạn video này tuyên bố rằng Trung Quốc bị khiêu khích phải tham chiến vì Mỹ ném bom các làng Trung Quốc gần biên giới Triều Tiên, và đã thao túng để buộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết cho phép quân Mỹ xâm lược Triều Tiên. Dường như trang có đoạn video này đã bị xóa vào ngày 11/6/2012, một ngày sau khi Christopher Hughes của Trường Kinh tế London gởi đường dẫn này đến các giáo sư đồng nghiệp lúc đó đang tranh luận về tài liệu giảng dạy của Viện Khổng Tử (được thành lập ở trường này vào năm 2007).
Do những tập quán đáng nghi vấn này về hoạt động trao đổi học thuật, chương trình học đường của Viện Khổng Tử không được hoan nghênh ở các trường tiểu học và trung học ở bang New South Wales, Úc. Hồi tháng 7/2011, tờ The Sydney Morning Herald tường thuật rằng một đơn thỉnh nguyện với hơn 4.000 chữ ký đã được đệ trình lên Nghị viện New South Wales Parliament yêu cầu chính quyền bang này loại bỏ những lớp học Viện Khổng Tử khỏi một số trường công lập. Bài báo đó cho biết: “Chính quyền đã khẳng định rằng các chủ đề nhạy cảm, trong đó có vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn và tình trạng vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, sẽ không được thảo luận trong chương trình … Đơn thỉnh nguyện cho rằng các chính phủ nước ngoài không được quyết định nội dung giảng dạy trong các trường học ở New South Wales, và chương trình giảng dạy không được có nội dung tuyên truyền.” Sau đó, vào tháng 10/2011, Jamie Parker, nghị sĩ thuộc Đảng Xanh, đệ trình một đơn thỉnh nguyện khác với khoảng 10.000 chữ ký. Bài phát biểu của Parker để ủng hộ đơn thỉnh nguyện này có nhiều điểm chủ chốt giống như một bài phê phán có thể nêu ra ở bất cứ nơi đâu có Viện Khổng Tử:
Chính quyền New South Wales đã thừa nhận rằng các chủ đề nhạy cảm đối với chính quyền Trung Quốc, trong đó có Đài Loan, Tây Tạng, Pháp Luân Công và vi phạm nhân quyền, sẽ không được đưa vào các lớp học này … Đảng Xanh hoan nghênh việc dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa, tuy nhiên chúng ta phải thận trọng về ảnh hưởng của chính phủ nước ngoài bên trong các trường công lập của chúng ta. Các lớp học này rất khác so với các chương trình quốc tế khác chẳng hạn như Liên minh Pháp (Alliance Française).
Hai sự cố liên quan đến các Viện Khổng Tử ở hai trường đại học Canada, McMaster và Waterloo, phản ánh những mối quan ngại này đồng thời cho thấy một số tác động lớn hơn về tri thức và pháp luật của chương trình Viện Khổng Tử. Năm nay, Đại học McMaster chấm dứt thỏa thuận của mình với chương trình này sau khi một giáo viên của Viện Khổng Tử nộp đơn khiếu nại lên Tòa Nhân quyền Ontario kiện trường đại học này về việc tuyển dụng mang tính phân biệt đối xử. Người đệ đơn khiếu nại là Sonia Zhao, một giáo viên từ Trung Quốc. Cô này cáo buộc rằng Đại học McMaster “hợp thức hóa hành vi phân biệt đối xử” vì hợp đồng của Viện Khổng Tử tuyển cô giảng dạy ở đại học này bắt buộc cô phải che giấu đức tin của mình đối với Pháp Luân Công. Tờ báo Globe and Mail ở Toronto thu thập được một bản sao hợp đồng của Zhao; hợp đồng này được ký ở Trung Quốc và có điều khoản quy định rằng các giáo viên “không được phép tham gia các tổ chức phi pháp như Pháp Luân Công.” Năm 2012, một năm sau khi đến Canada, Zhao kể lại rằng không chỉ cô giấu không cho chính quyền Trung Quốc biết việc cô gia nhập Pháp Luân Công, mà cả chính quyền Trung Quốc cũng che giấu không để chủ đề Pháp Luân Công xuất hiện trong các lớp học Viện Khổng Tử. Khi được phỏng vấn về trường hợp của mình, cô nói: “Nếu sinh viên của tôi hỏi tôi về Tây Tạng hoặc các chủ đề nhạy cảm khác, tôi cần được quyền … bày tỏ ý kiến của mình … Trong thời gian huấn luyện ở Bắc Kinh, họ quả thực có dặn chúng tôi: ‘Đừng nói về chuyện này. Nếu sinh viên cứ khăng khăng hỏi, anh/chị chỉ cần đổi đề tài hoặc nói điều gì đó thuận lòng Đảng Cộng sản Trung Quốc.’”
Vụ Sonia Zhao kiện Đại học McMaster được giải quyết qua trung gian hòa giải. Sau khi Đại học McMaster chấm dứt hợp đồng với Viện Khổng Tử, trưởng ban quan hệ công chúng và chính phủ của đại học này giải thích: “Chúng tôi có một định hướng rất rõ ràng về việc xây dựng một cộng đồng mang tính chất dung nạp tất cả mọi thành phần, tôn trọng tính đa dạng, tôn trọng các quan điểm cá nhân, và khả năng phát biểu về những quan điểm đó.” Đó là một lập trường cao quý, nhưng nó đã bị phương hại do đại học này không thẩm định chi tiết và cân nhắc kỹ lưỡng: quy định cấm đoán Pháp Luân Công đã nằm trên trang mạng Hán Biện khá lâu trước khi Đại học McMaster ký thỏa thuận với Viện Khổng Tử. Và lưu ý tác động của vụ việc này: một trường đại học Canada đã phải chịu trách nhiệm pháp lý vì đã truyền bá các mưu đồ chính trị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Một vụ gây tranh cãi khác nổ ra ở Đại học Waterloo. Như đã nói ở trên, ở đại học này, trưởng khoa của khoa chủ quản Viện Khổng Tử thú nhận là không biết về các hợp đồng mà các giáo viên Trung Quốc ký kết và không có khả năng kiểm soát các điều khoản của những hợp đồng đó. Có lẽ điều đó lý giải hành động hung hăng của vị viện trưởng người Trung Quốc của Viện Khổng Tử khi biện hộ cho các hành động của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Tây Tạng và vận động các sinh viên của mình có hành động tương tự. Viện trưởng Yan Li trước đây là phóng viên của Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 2008, khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đàn áp một cuộc khởi nghĩa ở Tây Tạng, bà ta vận động các sinh viên của Viện Khổng Tử Waterloo “cùng nhau đấu tranh chống lại báo chí Canada”; lúc đó báo chí Canada đang tường thuật về việc Trung Cộng thẳng tay trấn áp. Yan Li dùng thời gian giảng bài trong lớp để nói về lịch sử và hiện trạng Tây Tạng theo phiên bản của mình; bà ta dùng một bản đồ cho thấy Tây Tạng rõ ràng nằm bên trong Trung Quốc. Sau đó, các sinh viên tiến hành chiến dịch chống lại báo chí Canada, phản đối các tờ báo, đài truyền hình và các trang mạng tin tức mà họ cho rằng thiên vị Tây Tạng. Chiến dịch đó đã thành công đến mức một đài truyền hình phải công khai xin lỗi về cách đưa tin về cuộc xung đột này.
Đối với Đại học Manitoba, việc chính phủ Trung Quốc tạo ra các rào cản chính trị để ngăn chặn việc tự do bàn luận ở Canada về các chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc là lý do khiến đại học này không cho phép mở Viện Khổng Tử tại cơ sở của mình. Terry Russell, giáo sư ngành Châu Á học tại Đại học Manitoba, nói: “Họ chẳng hề quan tâm đến điều mà chúng tôi xem là nghiên cứu có tính chất phản biện hay tự do học thuật. … Chúng tôi thấy chẳng chấp nhận được chuyện mời chính quyền Trung Quốc, mà Viện Khổng Tử chính là đại diện, vào hoạt động ở trường và thực hiện các chương trình mà chẳng bao giờ thực sự bàn về nhân quyền ở Trung Quốc trừ phi phải nói theo ý của Bắc Kinh.”
* * *
Viện Khổng Tử dường như bị phản đối quyết liệt ở Canada và các nước khác hơn ở Mỹ; tại Mỹ có nhiều Viện Khổng Tử ở các trường cao đẳng và đại học (tổng cộng hơn 80 viện) hơn ở các nước khác. (Xếp thứ nhì sau Mỹ là Hàn Quốc và Nga, mỗi nước có ít nhất 17 viện; Canada có 11.) Một lý do là ở Mỹ các Viện Khổng Tử có thể hoạt động theo cách khác nếu như vậy là có lợi về chiến lược cho họ. Thực tế cho thấy là để tăng quyền lực mềm của chính Trung Quốc ngay trong lòng đối thủ lớn nhất cạnh tranh vị thế thống lĩnh thế giới, Bắc Kinh sẵn sàng linh hoạt và điều chỉnh cho thích nghi trong các cuộc đàm phán với một số trường đại học Mỹ. Các trường khác có thể từ chối Viện Khổng Tử do sợ bị Trung Quốc ảnh hưởng, nhưng điều phối viên chương trình đào tạo của Viện Khổng Tử ở Đại học Iowa nói: “theo kinh nghiệm của tôi với Viện Khổng Tử, đó là một nỗi sợ thiếu căn cứ.”
Giới quản lý Đại học Iowa chẳng có gì than phiền về Viện Khổng Tử của họ; cụ thể, họ chẳng phàn nàn về các tập quán tuyển dụng của Trung Quốc – vì các tập quán đó chẳng tồn tại ở Đại học Iowa. Sau khi biết về sự cố Pháp Luân Công ở Đại học McMaster, những nhà quản lý ở Đại học Iowa yêu cầu có những biện pháp bằng hợp đồng để tránh xảy ra chuyện tương tự, và Hán Biện chấp nhận, cho phép Iowa tuyển dụng toàn bộ nhân viên trong nội bộ mà không can thiệp gì. Một nhà quản lý ở Đại học McMaster có liên can trong vụ Sonia Zhao cho biết “hợp đồng của đại học này với Hán Biện không có các quy định giống như vậy”. Sau khi nổ ra vụ Sonia Zhao, Đại học McMaster đã cố gắng đàm phán lại thỏa thuận của mình với Hán Biện với mục đích thay đổi quy định về tuyển dụng; tuy nhiên, khác với Iowa, Đại học McMaster không thuyết phục được Bắc Kinh. Suy cho cùng, vì là một đại học công lập lớn của Mỹ, Iowa có vị thế thuận lợi hơn để buộc Hán Biện nhượng bộ. Tuy vẫn còn nhiều câu hỏi về cách chọn giáo viên Trung Quốc, cách giảng dạy các khóa học và bằng loại chữ viết nào, nhưng rõ ràng Hán Biện rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình.
Hay có lẽ “chính sách buông lỏng” của họ ở Mỹ là phỏng theo hình thức cai trị gián tiếp của đế chế Trung Hoa đối với các dân tộc không phải người Hán ở các vùng biên giới đã bắt đầu từ đời Đường, nếu không phải là sớm hơn. Vào cái thời thiên triều tàn bạo đó, hình thức này được gọi là “lấy man di trị man di” (dĩ di trị di, 以夷治夷). Tương tự, việc chính quyền Trung Quốc xem các Viện Khổng Tử là một thành tố quan trọng trong ý đồ chính trị của họ về xâm lăng văn hóa chẳng khác gì chiến lược thiên triều truyền thống nhằm cảm hóa các dân tộc không phải người Hán bằng cách giúp cho họ biết đến uy danh và đức độ của Ngọc Đế. Một đất nước Trung Quốc tươi đẹp và thanh bình, hòa hợp và rộng lượng: đây là những chủ đề chính của các Viện Khổng Tử.
Một lý do khác khiến Hán Biện sẵn sàng nhượng bộ một số trường đại học Mỹ là các lợi ích của họ khác nhau về mức độ và tính chất. Là một công cụ của chính quyền Trung Quốc, Hán Biện muốn lan truyền ảnh hưởng của nhà nước Trung Quốc trên toàn cầu, cụ thể là ở các vùng có tầm quan trọng chiến lược, nhất là ở Mỹ. Tổn thất mà dường như Hán Biện phải gánh chịu khi nhượng bộ có thể lại là một lợi ích về lâu dài cho một chương trình toàn cầu. Ngược lại, các trường đại học Mỹ chỉ quan tâm đến lợi ích cục bộ của tổ chức học thuật. Do đó, họ có xu hướng phớt lờ hoặc không thừa nhận những khía cạnh chính trị đáng ngại của các Viện Khổng Tử – tức là những tác động lớn hơn do họ tham gia vào chương trình này – miễn là họ có lợi. Song, do những lợi ích riêng này, các trường đại học Mỹ có nhiều lý do hợp lý để không phản đối chương trình Viện Khổng Tử. Các tổ chức giáo dục đại học Mỹ ngày càng lệ thuộc nặng nề, trực tiếp và gián tiếp, vào nguồn tiền của Trung Quốc.
Tính đến niên khóa 2012-2013, ở Đại học Iowa có 2.062 sinh viên từ Trung Quốc. Ở khoa quản trị kinh doanh của đại học này, 21% sinh viên là người Trung Quốc, tăng lên từ mức 8% vào năm 2009. Sinh viên Trung Quốc chiếm hơn một nửa số sinh viên quốc tế trên toàn trường, và hơn 80% trong khoảng 500 sinh viên ngoại quốc ở khoa quản trị kinh doanh. Mà đâu chỉ ở Iowa mới có tình trạng này. Số sinh viên từ Trung Quốc học các trường đại học Mỹ đã tăng đáng kể trong vài năm qua. Trong niên khóa 2011-2012, có 194.029 sinh viên như vậy, phần lớn trong số đó đóng học phí toàn phần, chiếm hơn 25% trong toàn bộ số sinh viên ngoại quốc – gần gấp đôi Ấn Độ, nước có số lượng sinh viên đông thứ nhì. Số sinh viên từ Trung Quốc đại lục đã tăng từ 98.235 trong niên khóa 2008-2009 lên đến 127.628 trong niên khóa 2009-2010 và 157.558 trong niên khóa 2010-2011. Các sinh viên Trung Quốc cũng không phải là nguồn ngân quỹ dồi dào duy nhất cho các tổ chức giáo dục Mỹ. Còn phải kể đến các Viện Khổng Tử. Các viện này trả cho hầu hết trường đại học hợp tác mức lệ phí ban đầu 100.000 hay 150.000 Mỹ kim và các khoản chi trả hàng năm cũng khoảng chừng đó trong suốt thời gian hợp đồng, đồng thời cung cấp giáo viên, sách giáo khoa và tài liệu học tập miễn phí, cấp một số học bổng sang học ở Trung Quốc, tổ chức những chuyến công du tiếp đón trọng thị, chiêu đãi nồng hậu để những nhà quản lý trường đại học Mỹ sang tham quan Trung Quốc. Đây không phải là những khoản lợi lộc nhỏ nhoi, đặc biệt là với các trường nhỏ, và chúng lại càng đáng ao ước hơn do trong những năm gần đây chính phủ Mỹ cắt giảm 47% kinh phí cấp cho các chương trình đào tạo ngôn ngữ và nghiên cứu khu vực.
Hơn nữa, đối với những đại học công lập tiểu bang được nhà nước cấp kinh phí, có thể có một hình thức khác lệ thuộc vào Trung Quốc, tuy gián tiếp nhưng quan trọng, ở chỗ các tiểu bang đó có các mối quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Cộng mà họ chẳng dại phá hoại bằng những lời phàn nàn về tự do trong học thuật hay các lời mời Đạt Lai Lạt Ma sang thăm. Năm 2009, khi Đại học công lập tiểu bang North Carolina (nơi đã thành lập Viện Khổng Tử trước đó hai năm) cương quyết hủy một cuộc viếng thăm đã xếp lịch của Đạt Lai Lạt Ma vì, theo lời hiệu trưởng, không có đủ thời gian chuẩn bị đón tiếp một vị khách đáng kính như vậy, còn hiệu phó Warwick Arden thừa nhận trường có cân nhắc một số điều khác. “Tôi không muốn nói là chúng tôi đã không nghĩ về liệu có ảnh hưởng gì không. Tất nhiên là phải nghĩ chứ. Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng của North Carolina.” Viện trưởng Viện Khổng Tử ở đại học này nói với hiệu phó rằng một cuộc viếng thăm của Đạt Lai Lạt Ma có thể gây xáo trộn “một số mối quan hệ mật thiết mà chúng ta đã gầy dựng được với Trung Quốc.” Theo nhận xét của Arden, một Viện Khổng Tử “có nguy cơ gây ra áp lực và mâu thuẫn tinh vi”.
* * *
(Còn tiếp 1 kỳ: Kỳ 3)
Nguồn: Marshall Sahlins, China U., The Nation, 18/11/2013.
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bản dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đăng 3 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 6/11, 13/11 và 20/11/2013.)
4 thoughts on “Viện Khổng Tử là công cụ tuyên truyền của Trung Cộng ở hải ngoại (Kỳ 2)”