Đệ Nhất Thế Chiến: Cuộc chiến chấm dứt tăng trưởng kinh tế thế giới

Thứ Hai 28/7/2014 là ngày kỷ niệm 100 năm bùng nổ Đệ Nhất Thế Chiến. Với tên gọi ban đầu là Đại Chiến (the Great War), biến cố này gần như lập tức kết thúc một thời kỳ tăng trưởng và thịnh vượng vô tiền khoáng hậu nhờ toàn cầu hóa và các thị trường tương đối tự do. Về nhiều phương diện, nền kinh tế thế giới chưa bao giờ hồi phục sau cuộc chiến tranh đó.

Đệ Nhất Thế Chiến: Cuộc chiến chấm dứt tăng trưởng kinh tế thế giới

Terence Corcoran

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Lính Pháp đang chờ tấn công sau một chiến hào trong Trận đầu tiên ở Marne vào tháng 9/1914. (Wikimedia Commons)
Lính Pháp đang chờ tấn công sau một chiến hào trong Trận đầu tiên ở Marne vào tháng 9/1914. (Wikimedia Commons)

Lúc 11 giờ sáng ngày 28/7/1914 – đúng 100 năm trước – Áo-Hungary gởi điện tín cho Serbia. Sau một tháng hoạt động ngoại giao quốc tế kỳ lạ và tranh cãi nội bộ sau khi Hoàng tử Franz Ferdinand của đế chế này bị ám sát ở Sarajevo, Chính phủ Đế quốc và Hoàng gia nói không còn lựa chọn nào khác hơn là đành phải dùng đến vũ lực. “Do đó Áo-Hung từ nay ở trong tình trạng chiến tranh với Serbia.”

Trong vòng mấy ngày, Nga ra lệnh tổng động viên (ngày 31/7), Đức tuyên chiến với Nga (ngày 1/8), Đức tuyên chiến với Pháp và Pháp tuyên chiến với Đức (ngày 3/8), và Anh tuyên chiến với Đức (ngày 4/8)

Về nhiều phương diện, nền kinh tế thế giới chưa bao giờ hồi phục hoàn toàn kể từ cái tuần đầy hoạt động quân sự điên rồ đó. Tuy nhiên, đó là một thời khắc không thoát khỏi sự chú ý của Vladimir Lenin, khi đó đang nấn ná ở Galicia, Ba Lan, để mưu tính tổ chức cách mạng cộng sản. Lúc chiến tranh bùng nổ, Lenin gởi một tin nhắn ngắn gọn cho người tình của mình bằng bưu thiếp: “Người bạn yêu dấu nhất của tôi! Xin gởi lời chúc mừng tốt đẹp nhất cho sự khởi đầu của cách mạng ở Nga.”

Trước khi cuộc chiến tranh này kết thúc vào năm 1918, như Lenin tiên đoán, Nga hoàng Nicholas II đã bị lật đổ; Nga hoàng bị phế truất bởi một cuộc xung đột bi thảm mà ông phần nào đích thân khởi xướng. Thế chỗ cho chế độ quân chủ là “nhà nước công nhân” đầu tiên được dựng lên trên thế giới; nhà nước công nhân này đưa nước Nga vào chặng đường dài tụt dốc và đình trệ kinh tế cùng cực.

Tình trạng đình trệ kinh tế sau Đệ Nhất Thế Chiến đã gần như lập tức lan rộng ra khỏi nước Nga. Ngày 31/7/1914,  Sở Giao dịch Chứng khoán New York bắt đầu đóng cửa bốn tháng, buộc hoạt động giao dịch phải thực hiện trong một sở giao dịch chợ đen ở một con hẻm bên Wall Street, để chí ít tạo đôi chút thanh khoản cho thị trường.

Không chỉ giới hạn ở việc rốt cuộc truyền bá chủ nghĩa cộng sản vô cùng tai hại về kinh tế trên khắp Đông Âu và lan sang Châu Á và Châu Mỹ, cuộc chiến này gây ra trên phần lớn các nước trên thế giới, trong đó có Canada, một sự đảo ngược đột ngột và quan trọng các xu hướng kinh tế chủ chốt có lợi và dẫn tới việc áp dụng các chính sách làm tê liệt tăng trưởng. Mãi đến thập niên 1950 thế giới mới thực sự bắt đầu hồi phục từ thảm họa kinh tế do Đệ Nhất Thế Chiến gây ra.

Phần lớn các sách sử xuất hiện ào ạt để kỷ niệm Đệ Nhất Thế Chiến – gắn với mốc ngày 28/6 của vụ ám sát ở Sarajevo – đã tìm cách giải thích những nguyên nhân của cuộc chiến này và nhìn lại sự bất tài kinh khủng của giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Châu Âu. Các tác phẩm cũng nhìn lại nỗi kinh hoàng vô lương mà họ gây ra cho loài người: đánh nhau trên chiến hào, sự bùng nổ chủ nghĩa dân tộc, hàng triệu người chết, và những xáo trộn chính trị toàn cầu trải dài từ Trung Đông đến Châu Á mà hiện nay đã quá quen thuộc với đa số chúng ta.

Song rốt cuộc việc đi tìm nguyên nhân chỉ là vô ích. Trong cuốn sách mới Cuộc chiến chấm dứt hòa bình (The War That Ended Peace), Margaret MacMillan kết luận rằng các nguyên nhân của cuộc chiến này sẽ chẳng bao giờ được hiểu trọn vẹn. Chúng ta chỉ biết chắc rằng Đệ Nhất Thế Chiến đã tàn phá kinh tế mà đã phải mất mấy thập niên mới tái thiết được. Về nhiều phương diện, đó là Cuộc chiến chấm dứt tăng trưởng.

Để hiểu được cuộc chiến này đã phá hoại tăng trưởng và phát triển kinh tế đến mức nào, ta nên biết những thập niên trước chiến tranh đã huy hoàng đến đâu. Cuộc chiến đó đã chấm dứt thời kỳ 100 năm bùng nổ kinh tế. Những nguyên nhân của thời kỳ bùng nổ ở thế kỷ 19 chủ yếu là các nguyên lý của chủ nghĩa tư bản: toàn cầu hóa, mậu dịch tương đối tự do, phát triển tư nhân, thuế thấp, mức độ can thiệp hạn chế của chính phủ, và các chính sách tiền tệ đúng đắn dựa vào kim bản vị.

Chúng bị thay thế bằng điều được gọi là “phi toàn cầu hóa”. Lạm phát trở thành siêu lạm phát, chi tiêu chính phủ tăng vọt, tỉ lệ tăng trưởng giảm mạnh.

Trước năm 1914, các nước Châu Âu và các vệ tinh kinh tế của họ ở Châu Mỹ và Úc-New Zealand đã đạt mức tăng trưởng kinh tế vô tiền khoáng hậu. Từ năm 1870 đến 1913, 12 nước lớn ở Châu Âu tăng trưởng 1,33% mỗi năm, gấp đôi tỉ lệ tăng trưởng trong những thập niên trước đó (xem bảng biểu đính kèm). Năm 1913, cuốn Lịch sử kinh tế Châu Âu hiện đại của Cambridge (The Cambridge Economic History of Modern Europe) viết  “nền kinh tế Châu Âu toàn cầu hóa ở trong ‘thời đại bạc’”. Kể từ năm 1870, “cả Châu Âu, chỉ trừ một vài ngoại lệ, có những ưu điểm của thời đại công nghiệp, với các sản phẩm mới, thực phẩm rẻ hơn, phương tiện giao thông và thông tin liên lạc cải tiến, và khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn.”

west-europeUScanada
Đó là kỷ nguyên lớn đầu tiên của toàn cầu hóa. Tư bản lưu chuyển giữa các quốc gia và các lục địa ở mức độ chưa từng thấy, được khuyến khích bởi cảm nhận về hòa bình tương đối. Trào lưu di dân đến những quốc gia và khu vực mà người ta có thể đạt hiệu năng cao hơn cũng đẩy mạnh tăng trưởng và thịnh vượng. Kevin O’Rourke, nhà kinh tế học của Đại học Trinity College Dublin, và các đồng tác giả của cuốn Lịch sử kinh tế Châu Âu hiện đại của Cambridge viết “Di cư chính là lĩnh vực mà thời kỳ cuối thế kỷ 19 có mức toàn cầu hóa rất đáng kể, ngay cả so với hiện nay.”

Tính đến năm 1913, tuy có những lúc thăng trầm, Châu Âu “tăng trưởng hết công suất”, một phần là nhờ các chuyển giao công nghệ và sự dịch chuyển tài sản trí tuệ xuyên biên giới từ Châu Á sang Nga và Mỹ. Trong cuốn Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, 1870-1914 (The Second Industrial Revolution, 1870-1914), Joel Mokyr thuộc Đại học Northwestern mô tả sự bùng nổ hoạt động đổi mới sáng tạo tư bản chủ nghĩa về năng lượng, giao thông, thép, hóa chất, điện, nông nghiệp và sản xuất thực phẩm.

Các chuẩn mực về an sinh tăng lên. “Rõ ràng là cho đến năm 1914 đời sống tốt đẹp hơn, thu nhập tăng lên, giờ làm việc giảm xuống … và nhà ở từ từ cải thiện.”

Ngay cả các quốc gia ít giàu có nhất trong các nước gây chiến, có bằng chứng về thay đổi lớn lao. MacMillan viết, “Từ những năm 1880 trở đi, nước Nga đạt mức phát triển phi thường xét theo hầu hết các số đo.” Đến năm 1913, Nga là nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất Châu Âu, và đang chuyển dần sang nền tảng công nghiệp. “Tỉ lệ tăng trưởng của Nga – trung bình 3,25% / năm – ngang bằng hoặc cao hơn tỉ lệ của các quốc gia dẫn đầu thế giới như Anh và Mỹ khi các nước này ở giai đoạn tương tự.” Hơn nữa, Nga đã theo chế độ kim bản vị trong hơn hai thập niên, tạo ổn định tiền tệ.

Trước khi chiến tranh xảy ra, tâm lý lạc quan thể hiện trên toàn cầu. Trong cuốn sách mới xuất sắc 1913: Đi tìm thế giới trước Đại Chiến (1913: In Search of the World Before the Great War), Charles Emerson ghi lại tâm lý lạc quan mà tăng trưởng và mức độ thịnh vượng gia tăng đã mang đến cho các thành phố lớn, và ghi lại các sự kiện trên khắp Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ. Ở Winnipeg, tự xưng là thành phố tương lai vĩ đại nhất thế giới, người dân địa phương kêu gọi thu hút thêm dân nhập cư để thúc đẩy kinh tế.

Tác giả Emerson viết rằng ở St. Petersburg, một tầng lớp trung lưu ngày càng đông ở Nga mua sắm hàng cao cấp Anh trên các đường phố chính. Trên Nevsky Prospect, đại lộ chính của thành phố này, 28 trong 55 tòa nhà là trụ sở các ngân hàng, “phản ánh một xã hội tư sản giàu có mới biết cả tiết kiệm tiền lẫn đầu tư tiền.” St. Petersburg đang ung dung tiến về thời hiện đại.

Nhưng liệu có thể đó đã là một thời hiện đại theo chủ trương tự do? Cũng như với các nước khác ở Châu Âu, các lợi ích kinh tế là sản phẩm của chủ nghĩa tự do kinh tế mà, chủ yếu do tình cờ, giải phóng mậu dịch toàn cầu, phát triển công nghiệp và tăng mức tăng trưởng và phúc lợi của con người trên quy mô toàn cầu. Như hàng loạt các tác phẩm sử học mới về sự khởi đầu Đệ Nhất Thế Chiến cho thấy, các lợi ích kinh tế xuất hiện mặc dù Châu Âu nhìn chung được cai trị bởi những vị vua ngu dốt, các chính khách đần độn, những quan lại mưu mô và giới lãnh đạo quân sự bất tài.

Nhiều người đã đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản, thị trường tự do và mậu dịch mở cửa là nguyên nhân của Đệ Nhất Thế Chiến. Nhưng như vậy là hiểu vấn đề theo hướng hoàn toàn ngược lại. Cuộc chiến này đã giết chết các xu hướng toàn cầu hóa và gây ra những điều kiện làm tê liệt chủ nghĩa tư bản và nền kinh tế thế giới trong mấy thập niên.

Lenin phát biểu vào tháng 10/1918 ở Moscow trong lễ kỷ niệm 1 năm cách mạng Bolshevik. (AFP/Getty Images)
Lenin phát biểu vào tháng 10/1918 ở Moscow trong lễ kỷ niệm 1 năm cách mạng Bolshevik. (AFP/Getty Images)

Có thể kết luận rằng, nếu không có cuộc chiến này, năm 1917 Lenin hẳn đã không thể từ nơi lưu vong trở về Nga, nơi ông khai thác cuộc chiến thảm khốc của Nga hoàng cho chiến dịch cách mạng của mình. Như một sử gia kinh tế đã viết, “Cuộc cách mạng Nga năm 1917 là một cú sốc phản toàn cầu hóa vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thế giới cho đến thập niên 1990.” Một sử gia khác, Holger H. Herwig, viết trong lời dẫn nhập cuốn sách của mình Trận Marne, 1914: Sự mở đầu Đệ Nhất Thế Chiến và Trận chiến làm thay đổi thế giới (The Marne, 1914: The Opening of World War I and the Battle That Change the World), “không có Trận Marne, rất có thể không có Hitler… không có Lenin, không có Stalin.”

Mô hình quốc gia tự do đã nhường chỗ cho các đối thủ cạnh tranh là chủ nghĩa Lenin và chủ nghĩa phát xít. “Đệ Nhất Thế Chiến đã tiêu diệt hệ thống quyền lực Châu Âu mà không thay thế nó bằng một hệ thống toàn cầu,” Jurgen Osterhammel và Niels P. Peterson viết như vậy trong Lược sử toàn cầu hóa (Globalization: A Short History). “Nền kinh tế toàn cầu đã bị cuộc chiến này đảo lộn vĩnh viễn đến nỗi nó không thể hồi sinh.”

Cuộc chiến này không chỉ gây ra sự phản toàn cầu hóa đơn giản kiểu Nga. Trong khoảng 40 năm tiếp theo, từ khóa chủ yếu là “phi toàn cầu hóa”. Hai tác giả tham gia biên soạn Lịch sử kinh tế Châu Âu hiện đại của Cambridge mô tả thời kỳ hậu chiến là thời kỳ các chính phủ can thiệp kinh tế và hoạt động mạnh mẽ chưa từng thấy, thời kỳ có bất ổn và thao túng tiền tệ, giảm mạnh về mức độ tự do của các dòng tư bản và mậu dịch, và giảm di cư.

“Đại Chiến 1914-1918 đã gây tổn hại lớn cho các nền kinh tế Châu Âu về nhiều mặt. Nó đánh dấu sự kết thúc của gần một thế kỷ tăng trưởng kinh tế không gián đoạn. Nó chấm dứt một thời kỳ dài có ổn định tiền tệ gần như ở mọi nơi, và khởi xướng một quá trình đau đớn của sự phi toàn cầu hóa. Nó mang lại một thời đại của những quan hệ lao động bị chính trị hóa cao độ. Và nó dẫn đến một thời kỳ mà các biến động dữ dội về hoạt động kinh tế và tình trạng thất nghiệp tràn lan dai dẳng trở thành chuyện phổ biến của đời sống thường nhật.”

Trong chiến tranh, các chính phủ nắm quyền kiểm soát sản xuất, giá cả và tiền tệ quốc gia. Osterhammel và Peterson tóm tắt xu thế toàn cầu mới: “Nhà nước chịu trách nhiệm trực tiếp cho an sinh của người dân” trong chiến tranh. Tính ổn định tiền tệ đã biến mất khi chế độ kim bản vị bị bãi bỏ để cho phép các nước tham chiến in tiền và gây quỹ mà không phải tuân theo kỷ cương mà vàng áp đặt lên nợ, thâm hụt và cán cân mậu dịch.

Giá cả tăng vọt khi lạm phát được cố tình dùng như một chính sách thời chiến. Các cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra thường xuyên, mỗi khủng hoảng dẫn đến nhu cầu cần có sự can thiệp của chính phủ nhiều hơn trong thời gian lâu dài sau chiến tranh. Từ năm 1913 đến 1919, giá cả tăng gấp đôi ở Anh, tương tự ở Mỹ. Từ tháng 5/1919 đến tháng 5/1920, lạm phát ở Anh tăng thêm 40% nữa. Vàng chạy khỏi Châu Âu và đổ vào Mỹ, thúc đẩy điều mà trong cuốn lịch sử tiền tệ của Mỹ Milton Friedman mô tả là sự mở rộng không cần thiết các quyền lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới thành lập. Friedman cho rằng Fed đã góp phần gây nên lạm phát quá mức khi phản ứng trước tình hình kinh tế xáo trộn ở Châu Âu.

Tăng trưởng trên toàn thế giới bắt đầu giảm sút sau năm 1914. Trên khắp Châu Âu và ở Bắc Mỹ, tác động kinh tế của Đệ Nhất Thế Chiến đã kéo dài tới hai thập niên có tỉ lệ tăng trưởng ròng bằng không. Đến năm 1939, GDP quốc gia trung bình xem như bằng với mức năm 1913, một kết quả của cuộc Đại Khủng hoảng, mà chính nó là hậu quả kinh tế đương nhiên của cuộc chiến này và hệ lụy của nó, trong đó có gánh nặng bồi thường chiến tranh quá lớn đè lên vai nước Đức.

Mỹ đạt kết quả khả quan hơn trong phần lớn thời gian trong và sau chiến tranh, nhưng rốt cuộc sự chuyển đổi ồ ạt quyền lực kinh tế sang các chính phủ khác và sự chấm dứt kỷ cương tiền tệ đã gây tác hại cho Mỹ. Nhà kinh tế học Robert Samuelson nhận định rằng cuộc Đại Khủng hoảng tốt nhất nên được hiểu là chương cuối cùng của sự phá vỡ trật tự kinh tế toàn cầu. “Sự phá vỡ này bắt đầu với Đệ Nhất Thế Chiến và kết thúc trong những năm 1930 với sự sụp đổ của kim bản vị.”

Thế rồi xuất hiện Hitler; hầu hết các sử gia đồng ý rằng Hitler hẳn đã không thể nào vươn lên nếu không có các đòn trừng phạt bồi thường chiến tranh áp đặt lên nước Đức.

Có thể mở rộng nhận xét của sử gia Herwig để nói rằng nếu không có sự điên rồ chính trị và quân sự của Đệ Nhất Thế Chiến, có lẽ đã không có Lenin, không có Hitler, không có Liên Xô, không có Đại Khủng hoảng, không có Đệ nhị Thế chiến – và không có Chiến tranh Lạnh.

Có thể.

Suy đoán về tương lai nước Nga nếu như Nga đã không huy động cho chiến tranh vào tháng 7/1914, MacMillan đặt câu hỏi: “Liệu đã có cuộc cách mạng 1917 hay không?” Bà kết luận đúng: “Chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết nhưng không khó hình dung một con đường khác ít đẫm máu và ít phí phạm hơn cho nước Nga tiến đến thời hiện đại.”

Cũng có thể nói tương tự về toàn bộ Đệ Nhất Thế Chiến, một thảm họa không thể hiểu nổi, đẫm máu, lãng phí và điên rồ đã chấm dứt tăng trưởng và đặt nền kinh tế thế giới phi toàn cầu hóa vào tay của những kẻ chủ trương nhà nước chủ đạo hay tệ hại hơn. Không khó hình dung một con đường khác hẳn và có thành quả kinh tế tốt hơn để tiến vào thế kỷ 20. Nền kinh tế thế giới quả thực hồi phục vào cuối thế kỷ 20 khi toàn cầu hóa, mậu dịch tự do và các thị trường tư bản mở cửa dần dần được tái thiết lập sau khi kết thúc Đệ nhị Thế chiến. Ngày nay, sau một thế kỷ, có lẽ những bài học đó rốt cuộc đã được rút ra.

Nguồn: Terence Corcoran on World War One: The war that ended growth, National Post, 26/7/2014.

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bản dịch, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 30/7/2014.)

1 thought on “Đệ Nhất Thế Chiến: Cuộc chiến chấm dứt tăng trưởng kinh tế thế giới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *